Giới thiệu tạp chí Văn Nghệ – flipbook 10 số đầu tiên năm 1961:

Người viết: Trần Hoài Thư

 

 

Số 1 là số xuân Tân Sữu  tháng 2 năm 1961:  Gồm bài vở của Kiêm Minh, Anh Oanh, Ngọc Dũng, Tô Thùy Yên, Song Hồ, Viên Linh, Trụ Vũ, Trần Dạ Từ, Chế Vũ, Vương Tân, Quách Thọai, Đoàn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Sỹ Tế, Dương Nghiễm Mậu, Thao Trường, Võ Phiến, và một truyện dịch của Ernest  Hemingway.
Sau đó, chúng ta thấy thêm những tên tuổi  người viết khác như: Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Quí Toàn, Lê Huy Oanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Hữu Đông, Trần Đức Uyển , Trần Thy Nhã Ca, Sao Trên Rừng, Cung Trầm Tưởng, Trường Duy, Trần Lê Nguyễn, Vĩnh Lộc, Thái Tuấn, Sơn Nam, Lê Xuyên, Hoàng Bảo Việt, Nguyễn Thạch, Phan Nguyên, Lam Giang, Đinh Nhật Tiến…

Hầu hết nếu không nói là đại đa số  những người cộng tác đều ở SG và quen thuộc trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Hiện Đại.

Trong Lời Mở Đầu, Văn Nghệ  đưa ra  mục đích và chủ trương của  tờ báo, với những chữ mang đầy khí thế  của những “chiến sĩ văn hóa”:“…Trong những năm tháng lịch sử này, chúng tôi muốn tạp chí sẽ là nơi phát động một phong trào sáng tác phấn khởi và hào hùng, là nơi thúc đẩy một phong trào văn nghệ tham dự vào đời sống, tham dự vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc, của thế giới ngày nay, cho một tương lai sáng sủa hơn, cho một chân lý chân thật của tự do và hòa bình…”

……

Click bìa để đọc tạp chí Thư Quán Bản thảo tập 67  tháng 12 – 2015 chủ đề: Trong lớp khói mầu và tạp chí Văn Nghệ

 


Đọc  nguyệt san Văn Nghệ

 

Dương Nghiễm Mậu và tạp chí Văn Nghệ (Bài 1)

bia van nghe

bia vn

LTS: Phải nói, chính giai đoạn mà Dương Nghiễm Mậu phụ trách tạp chí Văn Nghệ là giai đoạn đẹp nhất và ý nghĩa nhất của cuộc đời viết văn của ông.
Ông phụ trách trị sự, phóng viên, bao giàn cả tạp chí. Ông không chấp nhận loại văn nghệ phòng trà như kiểu Sáng Tạo hay Hiện Đại.Đối với ông văn chương phải là vũ khí.  Như ông viết:

“Anh T. đã muốn tôi làm việc. Tôi nhận. Tôi cảm thấy như vừa được tiêm vào người một giòng máu mới. Tôi lại say mê, viết và làm bằng tay chân. Tôi thấy như chính việc của tôi, tôi muốn được góp phần vào một công việc của nhiều người với sức lực mình có. Nhà in, ngoài phố, ga hàng hóa, bưu điện . . . Tự thấy phấn khởi bên cạnh sức lực, nhiệt thành của bạn hữu. Ít ra chúng tôi cũng đã nhìn thấy mặt nbau . . .”

….

“Hai ly cà phê ở Đakao. Tôi với anh T. đã đi với nhau từ trưa cho tới khuya, Những công việc khần thiết được đặt ra. Không mù mờ nữa. Một bề mặt mở rộng cho tất cả, chúng tôi đã mang cái sôi nổi của 20 tuổi cộng vào cái trầm tĩnh, kiên nhẫn của 30 để chỉ bảo nhau. Tất cả đã được phác lược và bây giờ bắt đầu, anh em đồng hành không  thiếu. Đã dám làm thì làm phải được dù hoàn cảnh ra sao.

Tôi náo nức, phấn khởi. Sẽ phải làm lại hết. Không thể thế này. Công việc của mình cứ làm còn ra sao thì ra. Họ phải chịu lấy nhiệm trước lịch sử. Súng đạn đang nổ. Máu và nước mắt đang chảy,  lời tâm huyết đang kêu gọi. Tôi không thể ngồi yên. Chúngtôi không thể ngồi yên.”
(Nhật ký, Văn nghệ số 8 & 9 năm 1961)

NHẬT KÝ
DƯƠNG NGHIỄM MẬU

(Văn Nghệ số 8 tháng 9&10 năm 1961)

  

5-4

Một ngày làm việc với những người lạ. Tự tử. Chẳng qua cũng vì một miếng ăn, cái quần cái áo mà mặc vào người. Buổi tối ghé lại người bạn đó, T. bảo với người em. Đừng sỉ nhục anh hơn nữa, với lương lính quèn của anh không thể nào đủ để cho em có thể ăn học không thôi, em cũng phải làm việc nữa cho gia đình có cơm mà ăn ngày hai bữa. Tôi rủ T. đi uống cà-fê hai đồng, Chắng lẽ chúng ta chịu bất lực hết hay sao. T. bảo : đừng nói thêm gì, làm được chừng nào thì làm. Bà mẹ ngồi bên bàn máy, đứa em ngồi bên bàn máy. Một hoặc hai giờ sáng. Đèn dầu, nước giếng, nhà thuê và những thằng ăn tục, nói phét, chửi đổng, ăn cắp tiền cha mẹ và chạy rông. T, nói về A. Nó vừa mãn quân dịch, bây giờ làm gì ? Cố gắng kiếm cách nào để cho thấy còn có đứa nghĩ đến nỏ. Không có gì để giúp đỡ nbau hết, nó chi có thể cười một mình, nói một mình và ôm lấy nó trong giấc ngủ, Cha me ? anh em ? bạn bè ?

Trời bức như muốn ngạt. Ba bề tường bưng bít, chiếc áo quan của kẻ hấp hối. Một thứ xuân thu chiến quốc. Ở một thứ vạc dầu, chúng ta đã nhúng gần hết thân thể vào đó – nó đã nhừ ra rồi. Chung. Bao nhiêu mối liên lạc, tin tưởng tương quan không còn, nó tan ra từng phần, để hoặc chai cứng, hoặc mục nát để đốt lên cũng không làm sao bốc cháy được. Than cho que diêm đánh lên. Sao nó chắng ra rơm cho xong ? chín chắn là thế. Tôi đã bảo : nhìn xem còn ai ? –

Những trang sách mở ra, đóng lại. Mặt bàn gô đó. Và nhing trang giấy bỏ trắng. Vẫn không bắt đầu. Vẫn hẹn. Vẫn vuốt ve a ŭi ಖ್ವ. Mày biết không, mày biết không : một thứ sâu bọ nào nằm trong khối óc thối rữa của mày. Còn tự hào cái gì ?

11 – 4

Vẫn cố gắng đến ngồi ở cái mặt bàn lớn đó với những kẻ lạ. Nhưng người ta không muốn nữa. Những đồng bạc thí ra. Bây giờ không thể được. Tôi nằm nhà. Ý đến. Hắn than phiền về chỗ ở. Nhiều chó, ở sâu. Tôi nửa đùa nửa thật : Anh biết có mấy con không , sáu con và một con vừa đẻ ra sáu con nữa. Ở với chó cho nó quen đi. Xin lỗi anh. Ý buồn, và tâm sự với tôi. Muốn làm một cái gì nhưng không được. Tại sao không cứ làm xem. Nhớ lời một người lớn, gần năm mươi còn cưới một người học trò, đã thanh minh rằng : vì còn mẹ già và con một. Tôi có nói gì đâu. Đó là tất nhiên. Bậy vô số, các anh trẻ các anh thấy đó, các anh đừng trông vào chúng tôi, chúng tôi già rồi, hỏng rồi : như kẻ bị sa chân vào bùn lầy càng cựa càng sụt xuống mỗi lúc một sâu: Nhà Bè… Building, bậy vô số. Thế thì ra : nghe lời chúng tôi nói, đừng trông việc chúng tôi làm. À thì ra tri hành là như thế. Cứ nói đạo đức đi và cứ . . . Tôi trẻ người non dạ, tôi đã noi gương với sức ngu đần, dốt nát, lười biếng của mình. Và tôi nhầm hai ba tầng nhầm . . . Tôi tự trách tôi. Tôi không trách ai hết. Ý nhổ cho tôi hai sợi tóc bạc. Tuổi thanh xuân của tôi đó, anh đừng buồn tôi.

Chúng ta tưởng chúng ta chín chắn, nhưng thực chúng ta chín nhừ. Trên nhận thức chúng ta đều thấy sai hỏng, chúng ta không làm được, bất lực, thất bại từ những cái nhỏ của riêng từng người, và sa lầy luôn. Vì sao ? Chúng ta phải dang tay ra làm sự thật. Dang tay ra làm một bàn tay – một bàn tay có ý nghĩa, nếu chúng ta không muốn thua, không muốn thua to. Tôi lại tiếp tục lang thang từ Saigon xuống ChợLớn, lên Gia Định. Gặp mặt đủ nhưng như không gặp ai. Từng đồng bạc còn của “buôn xương, bán máu, mua súng, bắt cóc . . .”, bỏ ra tiêu nốt. Tôi còn yêu một người nên tôi còn phải sống. Tôi đã đứng ở những bờ sông, ven đường tàu, trên gác cao. Còn cha tôi, còn em tôi, còn chị tôi và người nói rằng yêu tôi đó. Tôi đã nói : những móng tay sắc này, em biết không ? Để anh nhốt anh vào một nhà tù và tự cào cấu, hành hạ, đánh đập mình vì không còn gì nữa. Thực thế hay tôi lừa tôi ?

15 – 4

Anh T. đã muốn tôi làm việc. Tôi nhận. Tôi cảm thấy như vừa được tiêm vào người một giòng máu mới. Tôi lại say mê, viết và làm bằng tay chân. Tôi thấy như chính việc của tôi, tôi muốn được góp phần vào một công việc của nhiều người với sức lực mình có. Nhà in, ngoài phố, ga hàng hóa, bưu điện . . . Tự thấy phấn khởi bên cạnh sức lực, nhiệt thành của bạn hữu. Ít ra chúng tôi cũng đã nhìn thấy mặt nbau . . .

16-4

Nhận điện tín chiều qua. Sáng nay cắp cặp với bộ quần áo, ba trăm đồng tôi lên xe đi Đà Lạt, lúc chưa có nắng. Bốn năm trước cũng một buổi sáng tôi đã đi với T. trên con đường này lần đầu tiên với rất nhiều dự định, vớì rất nhiều yêu mến. Bây giờ những dự định vẫn là dự định Những yêu mến đổi khác vì mỗi người có một đời sống, mỗi người muốn làm một sự nghiệp. Rừng cao su.  Bờ cây xanh, con đường như những chiếc võng lụa bắc liên tiếp, Bao lâu rồi tôi mới nhìn thấy cây xanh ở chỗ cây xanh. Được hít không khí của thiên nhiên, được thấy trời rộng, được thấy thiên nhiên, xe chạy 100 cây một giờ. Nhưng trong bụng tôi không thanh thản vì công việc phải làm. Tôi muốn quên nhưng không được. Ước cho một lúc nào tôi không còn phải bận tâm để tận hưởng cái sung sướng của một người trước cái bao la của trời đất, Tôi thấy cái ghê khiếp của  mình ở giữa những gạch ngói, sắt thép, khói than… Ăn một bữa cũng là cơm, là rau, là miếng thịt, nhưng sao ngon, nó có vị, điều mà những bữa ăn cho qua đi trước đây tôí không có thì giờ để ý đến. Thật khốn khổ, khốn nạn. Định Quán 10 giờ.

Chào mừng du khách. Hãy bảo vệ rừng . . . Tôi đã tới nơi sau những con đường đó. Dưới chân sâu hút những thung lũng mà ngọn cây có sương trắng. Kẻ nào rơi xuống đó. Mưa và lạnh. Những hơi thuốc dễ chịu. Tôi tìm những địa chỉ để nhờ cậy, ở lại đây một ngày lo công việc. Nhưng”hỏi nhà nhà đã rời xa, hỏi…”  lo lắng với số tiền trong túi. Từ khách sạn này sang khách sạn khác hết cả buổi chiều mới tìm ra chỗ rẻ tiền nhất. Thành phố đã thay đổi nhiều. Những dãy nhà cổ đều phá hết. Một cái chợ rất văn minh dựng lên. Thật chó chết. Bụng rỗng như cái tang trống thủng còn làm điệu. –

Đồi cây, những con đường như cánh tay tình yêu tìm gặp nhau. Mưa, lạnh và phát ho. Chợt nghĩ đến lá phổi mà lo lắng Gian phòng có cửa ngó ra sườn đồi dựng đứng không ngó thấy giời. Khói hun như hang chuột, hành lang như nhà thương. Trong phòng khách đợi một người đàn bà khóc : Nó rủ tôi lên đây chơi, nó hứa sẽ cưới tôi ..nhưng bây giờ . . . khóc đi các con, Khóc nữa đi các con. Rồi một lưỡi dao, một cục pháo xiết cho nó hết cái thời buổi oan trái này. Tôi đã thức thêm một đêm không ngủ nữa giữa một gian phòng xa lạ, giữa những vật tạm bợ Bao nhiêu người đã ngồi ở chiếc ghế này, nằm ở chiếc giường này. Tôi đã viết thư cho một người mà lâu nay tôi quên lãng.

” Thực đến khi anh viết thư này cho em anh mới thấy rằng tình yêu em dành cho đời sống anh thật cần thiết. Anh đã trốn tránh tất cả, em dìu anh ngó lại để biết một người mẹ lo lắng cho con ra làm sao, một người chị chăm sóc cho các em thế nào. Để anh thấy rằng đờì sống mình chỉ có hạnh phúc sống trong một gia đình với những kẻ máu mủ, yêu thương. Ăn bữa cơm rau dưa do những bàn tay nâng niu làm, ngồi trên chiếc ghế, tấm bàn quen thuộc giữa hơi thở, câu nói, tiếng cười mà chỉ những kẻ thân yêu mới có. Em đã dạy anh điều đó. Tuổi thơ anh không được biết gì, anh đã sống lên với thù ghét, ghẻ lạnh, bội bạc…Em đã cho anh biết cái gì đẹp đẽ và cần thiết đó. Anh muốn trở về đó ngay để nói cho em nghe và nói cho anh nghe rằng thật anh chẳng xứng đáng với tấm tình yêu em dành cho anh. Anh chẳng muốn làm loài chim Kiwi gẫy cánh. Anh chỉ muốn làm một con chim khuyên nhỏtrong vườn nhà. Những chiếc áo mẹ anh may cho anh mặc từ hồi chưa biết mặt mẹ, bây giờ anh không còn những chiếc áo đó nữa, hoặc còn – anh cũng không mặc vừa. Đáng ra anh phải biết như thế chứ ?…”

17 – 4

Tôi trở về buổi trưa 4 giờ 30 Định Quán. Chúng bắn chết ba người. Chiếc xe T-V lật xuống vệ đường. Mối đe dọa vào đời sống. Thế sao tôi không biết đến. Tôi trông thấy những chiến sỹ nơi đó : một vị cố đạo, một người thanh niên bằng tôi, một người con gái bằng người yêu tôi. Chúng nó ở trong rừng xả súng vào xe. Tôi đã trông thấy những giọt máu hồng. Những lo âu, phẫn uất. Tụi Cộng sản đang đe dọa chúng ta.  Chúng nó muốn gì ở đây. Rồi ở một chỗ nào chúng sẽ xả súng tiếp tục Chào mừng du khách. Hãy bảo vệ rừng … Tôi đã tới nơi sau những vào đồng loại. Tôi cảm thấy mối đe dọa hơn bao giờ hết. Thế mà ở con đường đó. Dưới chân sâu hút những thung lũng mà ngọn cây có cuối chặng đường kia, ở bến xe tôi xuống người ta đang ca hát, cười đùa và đang chơi. “Tôi muốn khạc đờm vào cái đời sống này. ” Tôi đã nói câu đó với người tôi gặp đầu tiên. Anh nhăn răng cười và tôi đã chửi tục. ..
Chúng ta đang thản nhiên tự tử thế nào hỡi những chú đà điểu khốn nạn đang rúc đầu vào cát kia ?

4 – 5

Không khí chung quanh đã làm tôi không thể im lìm nữa, những chán nản, mệt mỏi bắt đầu trở thành tức bực bất mãn với ngay chính bản thân. Nhiều điều trong tôi bắt đầu thay đổi, những mầm mống nhỏ hình như vẫn lẩn tránh, tôi lại lăn vào những tranh luận, Nhiều vấn đề đặt ra một lúc – cả những điều lớn lao ở ngoài tầm sức của tôi. Tôi kiên tâm dò dẫm từ những điểm nhỏ để gỡ mối. Đầu óc tôi bỗng nhiên có lúc tối tăm lại. Những cơn nhức đầu, chỏang váng và ho.

Trở về thăm chị, người em và các cháu. Tôi đã không còn mấy cant đảm để ngồi ăn cơm một mình bên chồng cà mèn mỗi bữa khua động những bát đũa cho vui tai. Đã chán những khúc bánh mì khô cứng nhạt nhẽo, những cốc nước lạnh tanh mùi phèn và sắt. Chị tôi rớm nước mắt nhìn tôi gầy hơn hồi đi. Đứa cháu nhỏ hỏi tôi : ” Sao cậu đi hoàí không về với cháu.”» Tôi nghẹn ngào bưng bát cơm. Tôi đã cố quên, đã cố hành hạ mình, thế nào ?

Cuốn truyện dài bỏ dở từ ba bốn tháng nay vẫn không viết thêm một trang. Tôi không viết được một cái gì hết. Tôi thấy trong lòng thường trực những lo lắng, sáo động, không thể tập trung được trí óc để nghĩ một cái gì rõ ràng. Tôi chán cả đọc. Những vấn đề thực tế bày ra trước mắt đòi lên tiếng. Tôi ngỏ ý với bạn hữu được làm một tờ báo hàng tuần vào lúc này. Lại thêm một ảo tưởng. Tôi lại say mê bàn định một cơ sở xuất bản được tổ chức đường hoàng với những người viết. Từ in, phát hành . . . phải được tổ chức lại hết . . . nhưng thực là ” buôn ảo mộng ” như T. đã nói với tôi. Tôi không hiểu sao lại có thể “ãng mạn ” đến như thế giữa cái hoàn cảnh khốn khổ này. Nhưng tại sao lại không được nghĩ đến. Muốn tự do trước tiên phải độc lập kinh tế đã chứ. –

Tôi muốn đi Nha Trang nhưng không sao đi được vì những việc lặt vặt, Tôi lần lữa mãi. Bạn bè. Những đồng bạc. Mỗi sáng một bát cháo đậu xanh. Và quãng đường bộ Cao Thắng + Cô Bắc. Có người hỏi : nghe cậu có tiền cho vay lãi và chơi họ ? – Chứ sao! Cậu ra xem chương mục ở Đông Dương Ngân Hàng đó, mới có nửa triệu chứ mấy, và đã tậu nhà ở . . . Tôi buồn nhưng lại cười ở căn nhà nhiều tầng đó. Tôi cười như thế chẳng lo sợ gì, vì nhà đổ bê-tông thì làm sao mà có ngói rơi, có cột mà đổ . Chị tôi vẫn nói : em biết không chị cầm đồng bạc trong tay chảy mồ hôi ra không dám tiêu. Nhà ta nghèo như thể nào em biết không ? . . Tôi vẫn bảo : tôi không biết đi xe đạp – thật thế – nếu tôi biết đi xe đạp tôi sẽ phải kiếm xe sôlếch, xe máy dầu, rồi ếch bà , . . Bữa tiệc đãi lớn đó tôi không đi vì tôi không có một đôi giầy, một cái cà vạt, một bộ mặt . . . bởi ở đó thì ai cũng mang ” đồ lớn” cả. Tôi biết thân tôi dù thèm ăn một bữa . . Tôi thấỷ nhục cho họ về một bộ đồ mồi. Tôi tới tìm S. Hai quả cam sáu đồng bạc. Nhà Bầu Sen, tôi đã biết rằng ở một mình khổ như thế nào. “đời mồ côi hiu quạnh anh không hề được ăn một lần”.
Phải không ?

20 – 9

Những cơn sốt liên tiếp ba ngày . T , đập cửa lại lúc 11 giờ khuya, Tôi bảo : mình sốt cậu về đi – và T. về. Tôi đã mong một người nào tới thăm, nhưng không. Hai thằng khốn kiếp ở gian bên mang gái về hú hí. Tiếng chửi ở nhà dưới và bầy chó cắn theo. Tôi la thét trong những giấc ngủ ngắn. Hai viên thuốc. Bánh mì. Nước máy. Cuộn mình trong chăn. Tôi muốn trở về nhà để được ăn một bát cháo nóng với hành. Tôi nhớ những người thân quá đỗi. Tôi nghĩ lẩn thẩn : nếu chết đi có lẽ đến thối rữa ra cũng chưa ai biết, nhưng tôi không muốn chết chút nào hết.

6 – 7

Bạn bè bắt đầu ít gặp mặt nhau. Mỗi người có một công việc phải làm. Tôi đã mang cả hai mươi năm nay cho người ta vay lãi và chơi họ nhưng chúng nó quyt nhẵn rồi. Tôi muốn cầm dạo ở tay là thế.

Tôi tới cái hộp năm tầng đó – ở tầng thứ tư – tôi hỏi vay H. năm trăm để mua thuốc, nhưng H. không có. Bắt đầu nhận kèm hai đứa nhỏ mỗi tháng 600 $ để có trả tiền nhà. Tôi có ý muốn rời đi. Năm trăm tiền nhà đối với tôi bây giờ to lớn quá và tôi cũng không biết trông Vào đâu.

Câu chuyện chuyển sang văn nghệ : Tôi chê H. đã không can đảm viết là hèn, vứt đi. Sống như vậy chết đi còn hơn. H. cười và buồn : một là nó thành cao ở ảo tưởng hai là cách mạng chưa chấm rứt. Tôi bảo: các anh chỉ tham dự với bề mặt, chưa sống gì hết, đừng nói dối, tôi chán lắm. Tôi chán những điều tôi đã làm rồi. Tôi không tin gì các anh cả. Tôi ở trong cái thế hệ bị chặt khúc ra rồi. Tôi phải làm. Tôi phải lao mình ra với đám đông, với thực tại bi thảm. Tôi chán than van kêu khóc rồi. Tôi đã bảo H. một cách đứng đắn : Tôi phải tìm lại đối tượng. Nó không giản dị như xưa kia nữa,

Tại sao qua gần hai chục năm chúng ta không có một tác phẩm tiêu biểu ? Bảy năm trời nay chúng ta làm gì : chúng ta xa lánh thực tại. Với nhiệt tâm của kẻ chiến đấu, tôi không muốn bị Cộng-Sản nó đẩy xuống biển. Tôi đang tìm lấy đối tượng, tôi phải làm lại sinh khí. Tôi phải góp sức vào cuộc chiến đấu này. Tôi đã nhìn thấy những lỗi lầm dù còn lầm-nhưng tôi còn can đảm để nói mình lầm và tiếp tục cuộc hành trình.

20 – 7

Ngày này nhớ cái tang chia đôi đất nước. Ông nội và chú thím không biết chết sống ra sao.

22 – 8

Trước khi dọn nhà – cũng chỉ có chiếc va ly, mấy cuốn sách. Tôi đã đốt bỏ tập bản thảo truyện dài viết dở. Tôi phải bắt đầu lại hết. Tôi nhủ thầm : kiên nhẫn, mềm dẻo, khéo léo trong lúc này. Anh T. đã giúp tôi thêm nhiều nghị lực trong công việc. Tôi nói với chị tôi : em về ở với chị, em không đi nữa. Tôi gần như không gặp ai.

Những khó khăn vẫn chồng chất, mỗi số báo thêm một nỗ lực. Những con mắt của người đồng tình trông nhau nghẹn ngào mà yêu mến. Mọi người đã hy sinh, chịu đựng đến mức cuối cùng của nhau. Chúng ta chỉ có thế, và vui với sự nghèo túng này. Bởi vì chúng ta còn muốn làm một cái gì.

6 – 6

Sáng nằm nhà, chiều định lên phố tìm mấy người bạn, chạm trán với chị T. và P. thế là lại phải ăn thêm bữa cơm nữa. Mưa, không kịp chuyến xe buyt cuối. Trời mưa và đi bộ dưới những hàng cây. Điếu thuốc cuối cùng tắt ở ngang cầu – giòng nước đen chảy cuộn. Đọc một lá thư và viết trả lời : cậu đi sang đó đã yên, thôi cố đi. Còn mình, mình không đi đâu hết. Mình ở lại đây với những dự định đó. Mình còn là mình Và những bạn hữu mà cậu và hàng bao nhiêu người không có. Dù chết đói mình cũng không buông bỏ cây bút…

 

15 – 9

Mồng 6 thánh 8 giỗ mẹ, mười ba năm trôi qua với ba chị em ở đây, mẹ nằm một mình ở quê hương. Hồi còn có nhau có bao giờ mẹ nghĩ là rồi chúng con sẽ sống như thế này không. Nhớ mẹ nhưng con chẳng còn nước mắt nữa. Bát cơm quả trứng, chúng con còn được ở cạnh nhau Và cúng mẹ.

17 – 9

Hai ly cà phê ở Đakao. Tôi với anh T. đã đi với nhau từ trưa cho tới khuya, Những công việc khần thiết được đặt ra. Không mù mờ nữa. Một bề mặt mở rộng cho tất cả, chúng tôi đã mang cái sôi nổi của 20 tuổi cộng vào cái trầm tĩnh, kiên nhẫn của 30 để chỉ bảo nhau. Tất cả đã được phác lược và bây giờ bắt đầu, anh em đồng hành không  thiếu. Đã dám làm thì làm phải được dù hoàn cảnh ra sao.

Tôi náo nức, phấn khởi. Sẽ phải làm lại hết. Không thể thế này. Công việc của mình cứ làm còn ra sao thì ra. Họ phải chịu lấy nhiệm trước lịch sử. Súng đạn đang nổ. Máu và nước mắt đang chảy,  lời tâm huyết đang kêu gọi. Tôi không thể ngồi yên. Chúngtôi không thể ngồi yên.

DƯƠNG NGHIỄM MẬU

 

(Văn Nghệ số 8 tháng 9&10 năm 1961)

(nguồn: Thư Quán bản thảo số  67 chủ đề Trong lớp khói màu & tạp chí Văn Nghệ)

Hành trình của tạp chí Văn Nghệ (bài 6): Thơ Văn Nghệ (tiếp theo)

Nhìn chung, thơ xuất hiện trên tạp chí Văn Nghệ đa số là thơ tự do. Chúng tôi phải choán ngộp bởi những trang thơ dài lê thê, đầy bí hiểm hay cao siêu của các tác giả như Vương Tân, Ngọc Dũng, Viên Linh, Nguyễn NGhiệp Nhượng, Trần Thy Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Trần Dức Uyển, Sao Trên Rừng v.v..
Nhà thơ Viên Linh đã chỉ trich thơ Vương Tân, Ngọc Dũng về những đọan thơ khó hiểu, không chấm không phết, dài lê thê, nhưng thật ra thơ ông trên Văn Nghệ cũng dài hơi không kém. Ngay ở số 1, những bài thơ tự do của ông xuất hiện, với ba bài thơ tự do tổng cọng 4 trang, nhưng Vương Tân chỉ có một bài 1 trang, rồi những số sau, cứ vài số, thơ Tự do của Viên Linh lại tràn ngập, và khá dài ..
.

Tuy nhiên đến bây giờ, tôi nghĩ là thơ Viên Linh chỉ được truyền tụng nhiều ở những bài thơ lục bát của ông. Thú thật, tôi thất vọng khi đọc hầu hết những bài thơ xuất hiện trên 26 số Văn Nghệ, nhưng khi gặp những bài lục bát của Viên Linh, tôi quá đổi vui mừng. Bốn bài thơ  lục bát  của Viên Linh trên số 4 là bài kim xuyên bis, khi còn ở chùa phú thạnh, giấc mơ xưa, thời kỳ lảng mạn.
Có điều là tôi không hiểu, hai nhà thơ có thơ đăng nhiều nhất trên Văn Nghệ  là Vương Tân và Viên Linh lại không có một lời nào “khen” tờ báo đã trọng dụng mình. Và trái lại là quay mặt, phê bình, chỉ trích.

Như Vương Tân, (sau này lấy bút hiệu Hồ Nam) thì bảo :

(…) Ít lâu sau Bác sĩ Trần Kim Tuyến tài trợ cho Đoàn Tường [Lý Hoàng Phong]. Đoàn Tường đã chọn Dương Nghiêm Mậu làm trợ lý lo sửa bản in , lo phát hành báo và có vẻ rất hài lòng với công việc người phụ trách.

(Hồ Nam: Dương Nghiễm Mậu. Nhà văn đầyoan khúc của thời đại. Nguồn: Internet)

Sự thật Văn Nghệ có nhận tài trợ từ Trần Kim Tuyến không, không có một bằng chứng nào chứng tỏ trong khi, theo Nhã Ca (thơ xuất hiện nhiều duới bút hiệu Trần Thy Nhã Ca) :

(…)  Người lo việc trị sự tạp chí và xuất bản là Phí Ích Nghiễm, tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Nhờ anh Nghiễm giỏi thu vén mà tờ tạp chí sống được vài ba năm, ba bốn cuốn sách được xuất bản, trong khi các tạp chí bạn như Sáng Tạo, Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 đều đã ngưng vì cạn ngân sách.
(Thơ có hồn thiêng và cuốn sách có mắt)

Còn với Viên Linh thì khác. “Chê” nhiều hơn khen. Ông đã đưa ra những lý do tại sao Văn Nghệ lại ít được nhắc nhở mặc dù nó đã có mặt đến ba năm. như chúng tôi đã bviết trong bài trước.
Hai ông  “chỉ trích” như vậy, nhưng văn thơ hai ông lại xuất hiện nhiều và đều đều hơn ai hết trên 26 số báo … Thật là lạ.

Ba năm với 26 số báo, chẳng lẽ nó không có một đóng góp nào cho nền văn chương miền Nam để cho hai vị dàn anh của tôi nhắc đến sao?

Và nếu không ai nhắc thì tôi nhắc. Như tôi nhắc Vấn Đề, Thời Tập, Trình Bày, Văn, Bách Khoa, Khởi Hành…. Nhắc 4 bài thơ  để đời mà Văn Nghệ đã dành cho nhà thơ Viên Linh  mà theo tôi giúp ông  chứng tỏ  là một người thợ cấy  tài hoa trên cánh đồng lục bát.

Xin được đăng lại:

vl-lb-1vl-lb-2

Hành trình của tạp chí Văn Nghệ (bài 6): Thơ Văn Nghệ

Khi nhận định về tạp chí Văn Nghệ, nhà thơ Viện Linh  “chê” nhiều hơn khen.  Ông đã đưa ra những lý do tại sao Văn Nghệ lại ít được nhắc nhở mặc dù nó đã có mặt đến ba năm. Thứ nhất là  đăng thơ không phải vì hay mà vì gà nhà. Ông nếu ra trường hợp thơ Ngọc Dũng và Vương Tân:

(…) Ở Văn Nghệ số Xuân 1961, thơ Ngọc Dũng cũng in ở đầu số báo như số trên (ba bài ở trang 10), thơ Vương Tân kế tiếp ở trang 16, thơ ông này chỉ chấm hết ở trang 29, nghĩa là dài tới 14 trang thơ của ông thôi, trên đầu lại có tranh minh họa riêng của Ngọc Dũng. Có vẻ hai nhà thơ này là thi sĩ nòng cốt của tờ báo, tất phải hay. Ta hãy đọc nguyên một bài của Ngọc Dũng: Bài “Vết Chém:

Như đợt thủy triều rớt xuống / Bỏ lại cồn cát không / Như nước biển đầy dâng vĩnh viễn / Mà cánh tay vòng ôm suốt thân.” (trang 10). Và thơ của thi sĩ nòng cốt thứ hai, dài tới 14 trang trong số Xuân chỉ dày 103 trang như đã nói: “Giáo Ðầu: lịch sử những hoang mang / với mối sầu chia cắt / loài chim di trốn rét / vỗ đôi cánh mùa xuân / thành phố ngọn đèn vàng / và mắt người ngái ngủ / hàng rào dây kẽm gai / với con tầu phạm xá”

Bài thơ chỉ có thế, không lên hoa chữ nào và không dấu chấm dấu phảy. Vài chục năm sau thơ hai vị đó không thấy ai truyền tụng, và người ta biết đến Ngọc Dũng nhờ ông là họa sĩ, chứ không phải vì ông là nhà thơ. Ðiều nòng cốt để tìm hiểu: họa sĩ Ngọc Dũng chính là thư ký tòa soạn của tờ Văn Nghệ.

(Viên Linh : Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn, nguồn: nguoivietonline)

Khuyết điểm thứ hai là cách trình bày bìa. Và thứ ba là cách giao tiếp với những người viết gởi bài về  không được tế nhị. Ông đưa ra trường hợp Song Linh, Thái Tú Hạp, Sương Biên Thùy…
Quí bạn nào muốn dọc toàn bài viết này cứ google: “Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn” là có thể đọc ngay. Chúng tôi khỏi cần đăng lại.

Chúng tôi ghi nhận những ý kiến của nhà thơ Viên Linh. Ông nhận xét đúng. Đọc thơ hai vị trên, tôi không thể cảm nỗi. Hay đó làchủ đích của nhà thơ. Bí hiểm. Tự do. Đầy những ý tưởng mà khi chúng ta đọc xong muốn nổ cả đầu. Hay là tại cái “mốt” thơ tự do từ Sáng Tạo để lại. Thơ phải nổ, phải bí hiểm, phải đầy triết lý. Không phải hai vị mà Viên Linh nhắc, mà hầu hết các bài thơ xuất hiện trên Văn Nghệ:

Đó là ngựcthảm xanh là hơi thở thúi tha
là lưỡi hèn yếu những nỗi buồn bất động
không cất nổi thành tiếng kêu
dù cây cối đường xá và chúng nó (những đứa chỉ biết tranh nhau về thiên đàng bằng cách lê đầu gối) một thành phố đáng thương. Va trận mưa kéo dài sự buồn nản
đều đều
từng bước một ….

(Trần Dạ Từ. Tháng chạp sáu mươi. Văn nghệ  số 2 tháng 3-1961)

hay:

hỡi anh mong chi
thôi nhé tàn rồi
hỡi anh mong chi
bây giờ mãn cuộc
hỡi anh hỡi anh
xin ngõ lời chàoi, lời chào
tấm thân võ vàng
trên đường xe lửa .

(Viên Linh : khuc bi ca mới, Văn Nghệ số 2)

Tuy nhiên, Viên Linh có những bài thơ tự do tôi rất cảm. Cảm vì chúng gần gũi, từ chữ nghĩa đến hồn thơ. Chúng không bí ẩn hay theo cái mốt thời thượng bấy giờ.

Ví dụ:

vl-1

(Viên Linh – Kho tàng  của vua Salomon – Văn Nghệ số 2).

Tưởng cần ghi chú là Dũng, Tường mà nhà thơ Viên Linh đề cập có lẽ là Ngọc Dũng và Đoàn Tường (tức là nhà văn Lý Hoàng Phong). Chúng tôi ghi chú với dè  dặt cần thiết.

hay một đọan thơ của Trần Thy Nhã Ca, bí hiểm cũng không kém:

khẽ cho dĩ vãng
sâu trong rừng hoang
với tuổi xanh hờn dỗi
với thân này ngã xuống
lá khô bồi đất đen

(Trần Thy Nhã Ca – bài đơn ca . Văn Nghệ số 7 tháng 8-61)

Tôi không hiểu tại sao thơ Trần Thy Nhã Ca lại được ca tụng hết mình như vậy. Nếu nhà thơ VL phê bình thẳng thừng thơ Vương Tân và Ngọc Dũng, ông nghĩ thế nào về đọan thơ trên. Có phải là thơ hay không?

Đây là một đọan thơ của Nguyễn Nghiệp Nhượng:

chết đi em, chết đi em
Ở đấy là thiên đường mà con sáo già không hát lên, ngôi tượng trinh bạch và tội lỗi dẫn vào bằng lũ côn trùng vô hình, em sẽ chết

Chết đi em, chết đi em
Vì đó, không ai cãi cho em, đi thẳng vào và em sống trọn một người khi vinh quang ào đến ngợp tràn. Em sẽ chết hay không, sần sượng và câm trơ hơn núi, chúng ta và sự lỡ tay đều làm bằng cẩm thạch  cho riêng mình.
(Nguyễn Nghiệ[ Nhượng – Cái ghế đá của gió – VN số 7 tháng 8-61)

Với Tô Thùy Yên:

Cũng kiếp ngựa nhưng là ngựa rằn nên không thể cưỡi, tôi mở con đường máu cho tâm khảm thoát thân.
Khỏi bề mặt của cuộc đời bình lặng
Tôi trang bị hoài nghi mà thám hiểm tương lai, ngày một lạc sâu vào hoang địa – nỗi chán chường cứ trải rộng ra, và vòm trời nhu7 nắp áo quan bằng cẩm thạch
(Tô THùy Yên – Lễ tấn phong tình yêu. Văn Nghệ số 8 tháng 9&10-61)

Sao Trên Rừng

Đêm bắt đầu khi bóng người đàn bà
với hai cục máu nhà con
xung quanh thành phố chết
(nơi chúng ta đi qua – VN số 15 tháng 5-1962)

Thú thật tôi muốn nổi cả gai ốc khi đọc đọan thơ trên. Tôi không thể hiểu là tác giả muốn nói gì, muốn chuyên chở cái gì. Sao mà quá cao siêu, bí hiểm !

.

Và tôi đã gặp rất nhiều rất nhiều những bài thơ như thế trên 26 số báo (nên nhớ là 26 chứ không phải 24 báo như có người viết).

Nhận xét về những nhà thơ từng có mặt trên các tạp chí của đầu thập niên 60, nhà phê bình Lê Huy Oanh, trong một bài nhan đề : “Nhận định về thơ hậu chiến”, đăng trên Văn Nghệ  số 8 tháng 9&10-61:

(…) Ngoài ra những người yêu nghệ thuật cũng để ý tới những nhà thơ có triển vọng và khả năng như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng bảo Việt, Trần Thy Nhã Ca, Trần dạ Từ, Viên Linh, Diên Nghị, Phan Lạc Tuyên, Duy Thanh, Kiên Giang, Vương Tân . .

Những người kề sau này cũng có những người sáng tạo được dăm bẩy hoặc đôi ba bài thơ hay hoặc có sắc thái riêng biệt, nhưng đa số tác phẩm của họ chưa đạt tới mức độ tài hoa khiến cho những người yêu thơ, hiểu thơ phải thán phục . Tôi chủ trương là một nhà thơ xứng đáng với danh hiệu thi sĩ phải là một người có chân tài. Không có những người như thế tất nhiên không có nghệ thuật đích thực, một thứ nghệ thuật làm say mê lòng người đúng như người ta vẫn mơ ước khát khao. Ở đây tôi muốn nói đến thứ nghệ thuật đó.

Trở lại vấn đề, tôi nhận định : thơ hậu chiến nghèo nàn vì thiếu những nghệ sĩ có chân tài.  Đôi ba người chưa đủ để cứu vãn thanh danh của một thế hệ thi ca. Mà chẳng cứ gì thi ca, văn nghệ toàn diện của thời hậu chiến đã và đang túng thiếu một cách thảm hại. (…)
(Lê Huy Oanh – Nhận định về thơ hậu chiến . Văn Nghệ số 8 tháng 9&10 – 61).


Quả là những nhà thơ mà nhà phê bình Lê Huy Oanh đề cập là có chân tài, là hứa hẹn, là đầy triển vọng ?
Tôi nghĩ nhận xét của nhà thơ Viên Linh là đúng khi cho rằng chỉ có thời gian mới trả lời được cái chân tài này:
“Vài chục năm sau thơ hai vị đó (Vương Tân va Ngọc Dũng – người viết chú thích) không thấy ai truyền tụng, và người ta biết đến Ngọc Dũng nhờ ông là họa sĩ, chứ không phải vì ông là nhà thơ.”

Đối với tôi, không phải vì họ không có chân tài, nhưng họ  làm thơ theo thời thượng. Thơ họ càng bí hiểm càng tốt. Càng dài hơi càng tài ba. Cả một hiện tượng nói cách khác là “mốt”  như thế tràn ngập khắp những trang giấy của Văn Nghệ. Mà lọai thơ như thế làm sao mà được truyền tụng , hay được người đời nhớ trong tâm trí mình được ?.

Mãi đến thời kỳ chiến tranh, thơ tự do mới lấy lại phong độ của nó. Nhà thơ Tô Thùy Yên là một bằng chứng. Ông không còn làm lọai thơ bí hiểm nữa. Những bài gần gũii với đời, với cuộc sống với thân phận dân tộc ông, đồng đội của ông  như Trường Sa Hành, Qua Sông, Chiều trên phá Tam Giang,  Ta Về  được người đọc nhắc nhở và yêu mến nhiều chứ không phải những bài thơ tự do đầy bí hiểm trên Sáng Tạo hay Văn Nghệ.
(xin đọc bài  Nhà thơ Tô Thùy Yên, Sáng Tạo và Hậu Sáng tạo
link:

https://tranhoaithu42.com/2013/10/31/nha-tho-to-thuy-yen-truoc-va-sau-sang-tao/

Hành trình của tạp chí Văn Nghệ (bài 5): Tranh đấu Văn Học Nghệ thuật mới

nghethuatmoi

Có thể nói  trong các tạp chí văn nghệ miền Nam, Văn Nghệ được sinh ra dưới một vì sao xấu. Nó là chứng nhân cho một miền Nam, từ thời binh sang thời chiến, từ đệ nhất Cọng Hòa sang đệ nhị Cọng Hòa. Nó được phát hành trong khi Saigon đầy ngợp hơi lựu đạn cay, rào cản, và những vụ biểu tình liên tiếp của Phật Tử., sinh viên. Nó là nhân chứng cho một xứ sở mà lòng người thì ly tán. Nào là phe phái. Nào là đảng này đảng nọ. Nào là tôn giáo này tôn giáo kia. Nó đau theo lòng người. Nó kêu gào  trái tim người. Nó câm nín như miệng người. Nó kêu gọi về nguồn, về với dân tộc. Nó hô hào cách mạng tư tưởng. Nhưng nó không làm gì được. Ngay cả cái chết của Nhất Linh vào 7-7-1963, nó cũng phải đợi đến tháng 12 năm 1963 mới tỏ lòng thương tiếc công khai. Thương cho nó.  Không phải như Sáng Tạo, thời thái bình thịnh trị của Đệ nhất Cọng Hòa, thời mà văn chương miền Nam là văn chương phục vụ cho cái đẹp, không bị phong tỏa bởi hơi cay và khói ngạt, hay bởi những hàng rào dây kẻm gai để chặn những đám biểu tình phấn khích. Thời mà Thanh Tâm Tuyền, Quách Thọai, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Mai Thảo tung hoành một mình một cõi, được ca ngợi vinh danh lên tận mây xanh. Gọi họ là những con chim đầu đàn của nghệ thuật mới.

Cám ơn họ. Nhưng mà cũng phải cám ơn đồng tiền của Mỹ. Bởi vì nhờ có đồng tiền ấy mới có Sáng Tạo. Và cũng cám ơn những ngày tháng bình an để họ có dịp làm thơ áo lụa hà đông hay tuổi mười ba hay Đường vào Tình Sử hay Tôi không còn Cô Độc… May mắn cho họ vì nếu mà Sáng Tạo được ra đời vào thời gian của của Văn Nghệ, thì chắc gì chúng ta có  Áo lụa Hà Đông ? hay Tôi không Còn Cô Độc , chắc gì chúng ta có Thanh Tâm Tuyền ?

Từ trước đến giờ, các nhà phê bình, nhận định văn học vẫn cho Sáng Tạo, Hiện Đại là hai tạp chí phát huy nghệ thuật mới.  Vậy thì tại sao Văn Nghệ cứ giăng biểu ngữ trên trang bìa  của 15 số là tạp chí tranh đấu cho văn học nghệ thuật mới, là tiền đồn của đấu tranh nghệ thuật mới ?

Tôi hiểu tại sao rồi. Cho dù nghiền ngẩm những nhận định về văn học của Lý Hoàng Phong hay Nguyễn Thạch, tôi vẫn chưa ngô ra. Đến khi nổi hứng bất tử tản mạn về văn chương “đù má”, mới vô rình nhận thức rằng, a, mình đã  đề cập đến một nghệ thuật mới.

Mới bởi lẽ từ trước đến bây giờ có ai nhắc về thứ văn chương “vô lại”, “mất dạy”, “vô luân” ấy đâu? Có ai xem nó là văn chương nghệ thuật đâu mà mới với cũ ?

Nhưng mà, nếu đồng nghĩa văn chương với chữ nghĩa, hay sáng tác thì thử đọc những tác phẩm trong thời chiến thử coi. Đầy rặc tiếng D.M.
Tại sao ?

Chúng tôi đã giải thích qua hai bài post trước. Miễn lập lại,

Riêng tạp chí Văn Nghệ, họ cho rằng nghệ thuật miền Nam   chỉ là nghệ thuật của hai luồng tư tưởng. Một là của Tây Phương. Hai là của Cộng Sản. Họ hô hào văn chương phải về nguồn, phải dựa vào tinh thần dân tộc, phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Các bài nhận định của Lý Hoàng Phong đều nêu lên vấn đề này.

Muốn thế văn chương phải gia nhập, .

“Văn chương gia nhập là văn chương của một hoàn cảnh hiểm nghèo. Nhà văn bị đặt trước một bức tường. Dù muốn dù không hắn cũng không thể phủ nhận bức tường trước mặt. Hắn phải tìm mọi cách để vượt qua bức tường phía bên kia. Hắn vượt qua bức tường và đó là hành động gia nhập. Văn chương gia nhập không phải là con đường hẹp, Nó là con đường dốc. Vượt qua con đường đó nhà văn vẫn có thể tìm thấy những bầu trời bao la của chân lý và nghệ thuật, của tình yêu và hy vọng (Nguyễn Thạch: Nhà văn trước thời đại, Văn nghệ số 23 tháng 4&5 năm 1963)

Mới là chỗ đó. Nghệ thuật mới ở đây không phải là những hiện sinh, nôn mữa, buồn nôn, những andrr Gide, hay Sartre, hay Hemingway… Nghệ thuật mới ở đây không phải là những khổ thơ tự do dài lê thê, đọc đến tăm tối mặt mày. Những thứ đó cũ như trái đất  ở các nước Tây Phương rồi !

hành trình tạp chí Văn Nghệ (bài 4): thực tại đỏ cháy

bia 23

Văn Nghệ tiếp tục ra đời vào tháng 2 năm 1961 sau khi Hiện Đại bị bức tử vì lý do mất nguồn tài trợ của Phủ Đạc Ủy Trung Ương Tình Báo của bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ra đời tại Saigon nhưng không phải Saigon của Sáng Tạo:

Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thể. được minh định : Văn Hóa Việt Nam thực hiện hôm nay và sẽ được  kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành : Thủ đô Sài Gòn.

(Mai Thảo: Sai Gon Thủ đô văn hóa VN, Sáng Tạo số 1)

Hay như Nguyên Sa trên tạp chí Hiện Đại  tập 4 phát hành vào năm 1960:

Thủ đô của một thành phố bao giờ cũng hiện ra trong tâm tưởng những con người ngang dọc trên khắp các nẻo đường đất nước với hình ảnh của một viên ngọc quí. Nó chói sáng, nó có một hào quan, một sức điện hấp dẫn ghê gớm. Người đi trong cuộc đời quay cuồng trong không gian thành phố với những con đường lớn, bé dựa vào nhau, những âm thanh, những sinh họat, đổi thay lien tục, cũng như người đứng nhìn thành phố ấy từ đồng rộng, núi cao đều dành cho thành phố  này những tình cảm thân yêu, sâu mạnh….

Với Văn Nghệ, Saigon thì khác.
Một năm qua, mỗi lần ngồi trước bàn viết, chúng ta lại gặp thấy trên mảnh giấy trắng cái thực tại đỏ cháy chúng ta đang sống, cái thực tại ám ảnh, vướng mắc tâm não chúng ta như hồn quĩ lẫn khuất, cái thực tại âm ỉ, lở lói như một vết thương không hàn gắn được…
(Lý Hoàng Phong: Đứng trước thực tại – Văn Nghệ 8&9 Mùa xuân 1962)

Năm 1961, chưa có súng nổ đạn bay, chưa có quân trường mở cửa, chưa có những cảnh tang tóc gây ra bởi chiến tranh, thì tại sao LHP lại vẽ nên một thực tại đầy đen tối như thế, đỏ cháy như thế?

Vâng, có chứ. Có cuộc chiến tranh không súng không đạn, không chiến trường, nhưng là cuộc chiến tranh từ  “cái thân thể chia cắt của dân tộc, cái thân thể bị đâm chém, đe dọa, dày vò đang vật vã tìm đường giải thoát, tồn tại. Chúng ta nhìn thấy gì ? CHúng ta nhìn thấy một ý thức phân xẻ, chia lìa, mâu thuẫn hỗn tạp…” (tạp chí đã dẫn trên )

Trong cuộc chiến tranh, dĩ nhiên có các phe tham chiến. Ở đây có ba phe. Thứ nhất là chính quyền . Thứ hai là  phe đối lập, thứ ba là phe Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

“…Khi chính sự đã ổn định, tổng thống Diệm đã dần trở mặt với các thỏa hiệp ban đầu với những người đã ủng hộ ông và giúp ông giữ được ngôi vị tổng thống. Để đảm bảo vị thế quyền lực của mình, Diệm chủ trương kềm chế các phe phái chính trị đối lập cũng như ảnh hưởng từ phía nước ngoài như Mỹ, Pháp. Các tướng lĩnh như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân…, các chính khách như Trần Văn Hương,Nguyễn Ngọc Thơ, Phan Khắc Sửu…, kể cả nhiều đảng viên cao cấp của đảng Cần Lao như Trần Chánh Thành, Võ Văn Trưng…, lần lượt đều bị xa lánh và tước bỏ ảnh hưởng. Trong nền Đệ nhất Cộng hòa, ngoài tổng thống Diệm, quyền hành bị tập trung vào trong tay một số người thân trong gia đình ông như Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Thục; và một số ít người thân tín như Trần Kim Tuyến, Lê Quang Tungđảng Cần lao.

Việc quyền hành nhà nước bị chi phối quá nhiều trong tay những người trong gia đình tổng thống Diệm, cộng với sự lộng quyền của một số đảng viên Cần lao và chính sách đàn áp của Chính phủ gây bất mãn trong quần chúng. Ngay chính trong những người đồng chí thuở ban đầu của Diệm cũng cảm thấy bị phản bội và chuyển dần sang thế đối lập với người mà họ đã ủng hộ. Họ liên tục công kích chính sách độc tài chính trị của tổng thống.

Mặt khác, khi những người Cộng sản miền Nam, với sự cho phép của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, dần xây dựng cơ sở và chuyển hướng đấu tranh từ đơn thuần đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang từ cuối năm 1959, sự ổn định của chính phủ Diệm đã trở nên bị lung lay, nhất là khi nổ ra Phong trào Đồng khởi tại Bến Tre và Trận tập kích Tua Hai tại Tây Ninh cuối tháng 1 năm 1960. Trước hàng loạt thất bại về quân sự và chính trị của tổng thống Diệm, các nhóm đối lập ngày càng kích động quần chúng phản đối chính phủ Diệm. Họ buộc tội chính phủ Ngô Đình Diệm thực chất là một chính phủ độc tài và gia đình trị, bất lực trong việc ổn định xã hội và chống Cộng thiếu hiệu quả.

(nguồn: WIKIPEDIA.)

Rõ ràng, Văn Nghệ khác với Sáng Tạo hay Hiện Đại. Văn Nghệ đã mở cánh cửa để nhìn sự thật, sự giả, để nói về sự cần thiết của một nghệ rthuật mới.

Nghệ thuật mới ở đây lđược Lý Hoàng Phong – chủ nhiệm kiêm chủ trương – giải thích như sau trên số 8 tháng 10 năm 1961:

“cách mạng  không phải chỉ là sự thay đổi một chế đô, Cách mạng là sự đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội, ..
(…) Cách mạng và văn học vì thế thường đi theo nhau. Vì văn học cũng như cách mạng đều muốn đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội…”

“Chúng ta không đọan tuyệt với cái cũ để theo ông thầy Tây Phươbg như ngày trước. Chúng ta đòi xét lại những giá trị cũ. Chúng ta tìm lấy trong cái cũ những giá trị mới, chúng ta đổi mới cái cũ. Văn hóa cũ, đạo đức cũ, phong tục cũ có những giá trị bất biến và cần được đổi mớai để tồn tại.

Riêng về việc du nhập  tư tưởng Tây Phương, ông nhận định như sau:
Tu tưởng triết học, văn hóa, chính trị, xã hội của họ, chúng ta học hỏi với tinh thần phê phán độc lập… Ngày nay chúng ta không còn thói quen xem Tây Phương là ánh sáng tuyệt đối của văn minh và Đông phương là bóng tối mịt mù của thói hóa…

Văn Nghệ có mặt trong ba năm, với 26 số. Mặc dù nó không thực hiện được cái chủ trương  tranh đấu cho nghệ thuật mới hay cái diễn đàn văn học như tờ báo từng hô hào, hay tiếng nói của nó được lắng nghe, nhưng ít ra nó cũng thể hiện được trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút.

Bởi vì:

“Ngày nay có ai trong chúng ta lại bị đẩy xuống thuyền. Và người làm văn nghệ cũng không thể khác mọi người. Đứng trước một thế giới, đứng trước dân tộc bị chia đôi, bị xô đẩy vào cuộc nột nội chiến khốc liệt, chúng ta đều đang chịu đựng cái hiện trạng bi thảm đó. Văn nghệ cũng không thoát ra ngoài thực tại ấy..”

(Nguyễn Thạch : Nhà văn trước thời đại, Văn nghệ số 23  tháng 4&5 năm 1963)

:

Hành trình tạp chí Văn Nghệ : Hòn đảo lạc loài (bài 2)

Khác với Sáng Tạo của Mai Thảo được cơ quan Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tài trợ, nhóm chủ trương tiêu xài thả dàn, đêm nhà nhảy phòng trà hay tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa được trùm Mật Vụ thời Đệ Nhất Cọng Hòa bảo trợ, không cần lo lắng gì đến việc báo bán được nhiều hay ít, miễn là theo con đường mình đi, mình chọn… Những tờ báo ấy dĩ nhiên có nhuận bút hậu hỉnh, và đặt nặng nghệ thuật hơn là “sống và viết” hay “ngòi bút phải gia nhập vào cuộc sống”…
Cũng vì được tài trợ nên không cần nghĩ đến ngày mai, như miền Nam được Mỹ viện trợ dồi dào, không cần nghĩ đến một ngày Mỹ bỏ. Và ngày ấy đã đến. Sáng Tạo đóng cửa.  Hiện Đại dẹp tiệm (xin mời đọc TQBT số 66 chủ đề Hiện Đại, mới phát hành), mặc dù số 9- số cuối cùng- ta vẫn thấy cột quảng cáo mời đọc báo kỳ tới, với bài vở phong phú, với đông đảo người viết. Đọc quảng cáo không ai tin là Hiện Đại lại chết. Vậy mà nó chết. Và sau này chính Nguyên Sa thú nhận là nó chết vì nguồn tài trợ bị ngưng do cuộc chỉnh lý 1-11-1960.

Nhưng tạp chí Văn Nghệ thì khác. NGười ta bảo Văn Nghệ  nhận nguồn tài trợ từ phía chính quyền, tôi không tin. Bởi không phải tiền mua tiên cũng được.
Bằng chứng ?

Thư Quán Bản Thảo nghèo nhất trần gian, máy in toàn là máy lượm, máy sắp phế thải, vậy mà vẫn sống đến năm thứ 15, không một trang quảng cáo, chỉ biếu tặng. Không để giá tiền. Nếu muốn  ủng hộ thì tùy tâm tùy hỉ. Vậy mà mỗi ngày mỗi dày, lại còn kèm theo phụ tập phụ bản !

bia 66

Tôi lấy kinh nghiệm bản thân, để chứng minh là tạp chí Văn Nghệ không nhận tiền để làm gia nô, hay để phè phởn ngày đêm phòng trà, nhà nhảy.

Dù Văn Nghệ mắc những lổi lầm như tôi viết ở bài (1), nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp lớn lao của nó cho một nền văn học miền Nam. Sáng Tạo có Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên , Dõan Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thọai… Hiện Đại có Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Trần Thy Nhã Ca, Song Linh, thì Văn Nghệ có Dương NGhiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Lý Hoàng Phong, Đỗ Quý Toàn… vân vân và vân vân, kể ra không hết… Khác với hai tờ báo trước, Văn Nghệ là nơi dung nạp sức mạnh của đội ngũ văn nghệ trẻ. Họ viết mạnh, viết khỏe. Một Dương Nghiễm Mậu như bao trùm cả Văn Nghệ. Rồi Viên Linh… Rồi Nguyễn Nghiệp Nhượng…

Nhất là Dương Nghiễm Mậu.

Muốn tìm hiểu những biến cố lịch sử bấy giờ, chỉ cần đọc DNM. Ông giúp người đọc thấy được những năm đầu thập niên 60 đầy những biến động. Nào là cái chết của Nhất Linh. Nào là vụ đốt nhà tràn lan ở Vĩnh Hội, Khánh Hội, nào là triệu chứng dịch hạch xãy ra ở thủ đo, nào là sự sụp đổ của đệ nhất cọng hòa sau 9 năm cầm quyền…

Đọc ông, để càng hiểu về sự chật vật khó khăn của một tạp chí được nuôi dưỡng bằng sức lực thanh xuân, bằng hòai bảo ngât trời, bằng những ước vọng, và bằng cả sự  không kinh nghiệm của họ. Họ đã thất bại khi tin vào sức lực của mình. Để rồi sau 20 số, vào năm thứ ba, họ mới chịu  “thăm dò ý kiến bạn đọc”:

“Cuộc thăm dò ý kiến được Tòa sọan Tạp chí tổ chức với mục đích tìm sự cảm thông giữa tạp chí và bạn đọc, dò hiểu thái độ bạn đọc đối với chủ trương của tạp chí và một phần nào ý tưởng của bạn đọc đối với những khuynh hướng sáng tác của những tác giả hiện nay…
Lần đầu tiên, Văn Nghệ thiết tha kêu gọi:
” Chúng tôi thiết tha kêu gọi quí bạn ủng hô tạp chí hơn nữa bằng cách:

  • giới thiệu tạp chí với các bạn hữu
  • mua biếu các bạn xa
  • phổ biến tạp chí bằng mọi cách có thể được

Thử hỏi  nếu tạp chí nhận tài trợ lại khom mình đăng những lời kêu cứu độc giả  thống thiết như trên ?

Thư đăng trên số 21 tháng 2 năm 1963, và số 24 đình bản 5 tháng, để rồi sau đó, Văn Nghệ đổi thành Bộ mới, ra thêm hai số nữa (số 25, 26), để rồi vĩnh viễn năm xuống.

Văn Nghệ đã sống được ba năm, 26 số. Cai chết của Văn Nghệ đã giúp cho những người làm báo văn học sau đó rút ra bài học. Trong đó có Trần Phong Giao. Rằng,  tờ báo văn nghệ chỉ sống được là nhờ sự đóng góp của mọi người, nhất là của miền Trung – mà theo TPG, sự ham đọc rất mạnh, chứ không phải xa cách  người đọc như Văn Nghệ. Để rồi từ đó, không để lại hay chỉ là một bóng mờ trong sinh họat văn chương nghệ thuật  miền Nam.bia cuoi cung

Hành trình tạp chí Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong (1)

(Bản quyền của THT.  Xin đừng đăng lại vì chúng tôi sẽ nhuận sắc lại khi cần)

Tạp chí Văn Nghệ, ra đời vào tháng 2 năm 1961, thế vào chỗ trống ngay sau khi tạp chí Hiện Đại bị chết.
Báo ra hàng tháng, khổ lớn (6″ x 9 “),  chủ nhiệm: Lý Hoàng Phong, Thư ký tòa sọan: Ngọc Dũng. Trị sự: Phi Ích Nghiễm (tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu).

Trong Lời Mở Đầu, Hiện Đại giải thích về mục đích và chủ trương của  báo:
“…Trong những năm tháng lịch sử này, chúng tôi muốn tạp chí sẽ là nơi phát dộng một phong trào sáng tác phấn khởi và hào hùng, là nơi thúc đẩy một phong trào văn nghệ tham dự vào đời sống, tham dự vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc, của thế giới ngày nay, cho một tương lai sáng sủa hơn, cho một chân lý chân thật của tự do và hòa bình…”

Ở đọan cuối của Lời Mở Đầu, Văn Nghệ lại thêm một lần  lập lại bốn chữ tranh đấu văn nghệ :

…Chúng tôi muốn nói rằng cuộc chiến đấu của văn nghệ hôm nay cũng là cuộc tranh đấu của dân tộc để tồn tại và trưởng thành với thế giới. Chúng tôi nghĩ thế và khởi đầu.”

Đọc những lời mở đầu chúng ta liên tưởng ngay đến những ước vọng không bao giờ trở thành sự thật. Mang một tờ bao với trăm trang để mà làm hịch, làm chất nổ, làm đại bác tầm xa, rõ ràng là chuyện không tưởng. Nhưng chúng ta phải thông cảm cho họ. Họ lúc ấy đều ở tuởi dưới ba mươi, chất ngất hoài bảo và lý tưởng.
Hãy thử vào nội dung từng số, thử họ có thực hiện được hoài bảo và con đường họ theo đuổi không ?

Số 1 là số xuân Tân Sữu :Gồm bài vở của Kiêm Minh, Anh Oanh, Ngọc Dũng, Tô Thùy Yên, Song Hồ, Viên Linh, Trụ Vũ, Trần Dạ Từ, Chế Vũ, Vương Tân, Quách Thọai, Đoàn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Sỹ Tế, Dương Nghiễm Mậu, Thao Trường, Võ Phiến, và một truyện dịch của Ernest Hemingway.
Sau số một, trải qua 26 số, chúng ta tìm thấy có những tên tuổi  người viết như: Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Quí Toàn, Lê Huy Oanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Hữu Đông, Trần Đức Uyển , Trần Thy Nhã Ca, Sao Trên Rừng, Cung Trầm Tưởng, Trường Duy, Trần Lê Nguyễn, Vĩnh Lộc, Thái Tuấn, Sơn Nam, Lê Xuyên, Hoàng Bảo Việt, Nguyễn Thạch, Phan Nguyên, Lam Giang, Đinh Nhật Tiến…
Hầu hết những người công tác đều ở SG và quen thuộc trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Hiện Đại. Rất ít thấy những người mới.

Chỉ có một bài thơ của Hữu Thu, và Lê Vĩnh Thọ nằm lạc loài.

Người đọc nhìn vào chỉ hình dung ra những tuyển tập văn nghệ không hơn không kém.

Chính người chủ trưong cũng vẫn phải thừa nhận là họ có khuyết điểm, không thực hiên được ý muốn mà họ đã phác họa:

… Để thực hiện những ý muốn mà chúng tôi đã phác họa, từ nay tờ báo sẽ từ bỏ hình thức tuyển tập để mang lấy hình thức của tạp chí. .. (Những đổi mới của tạp chí – VN số 7)

Vậy, ý muốn ấy là gì ?

Ý muốn ấy ta có thể đọc được trên bìa  từ số 4 đến số 15: “tranh đấu văn học nghệ thuật mới” hay ” tiền đồn đấu tranh văn học nghệ thuật mới. ” t(số 25, 26 tức số 1, 2 Bộ mới)

Nhưng nghệ thuật mới là gì. Không có một câu giải thích trong suốt  26 số báo. Thơ tự do chăng. Đăng những truyện dịch chăng.Văn Dương Nghiễm Mậu chăng. Nhận định của Lý Hoàng Phong chăng. Truyện thơ của Nguyễn Nghiệp Nhượng chăng. Dịch Hạch của Camus chăng. Thị trấn miền Đông của Viên Linh chăng ?
Hai mươi sáu số là 26 tuyển tập thơ văn không hơn không kém. Chủ đề rất hiếm được thực hiện. Hiện Đại chỉ có 9 số thì có đến chủ đề. Sáng Tạo nói thì làm. Còn Văn Nghệ chỉ đánh trống thổi kèn nhưng chỉ thấy một vài diễn viên tài tử. Văn Nghệ mong mỏi tạp chí là một diễn đàn qui tự mọi khuynh hướng dị biệt, vậy mà chẳng bao thấy một số báo nào thực hiện một cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề văn học. Trừ một số với bài viết: Ý kiến 8 tác giả về truyện ngắn. (Số 23 ?)

Tranh đấu cho nghệ thuật mới  ở chỗ nào không thấy chỉ thấy những bài nhận định về văn học của Lý Hoàng Phong hay Nguyễn hay Nguyễn Thạch hô háo hô hào văn chương phải gia nhập vào cuộc sống, nhưng sau đó lại đăng  những bài thơ bài văn chẳng ăn nhập gì với lời hô hào.

Văn Nghệ và lỗi lầm

Thôi thì chỉ coi những  dự định trên chỉ là những giấc mơ.  Ai lại không mơ. Ai lại không dệt mộng?
Tuy nhiên, ngoài những cơn mơ  không tưởng ấy, Văn Nghệ đã phạm hai lỗi lầm lỗi lầm nghiêm trọng.

Thứ nhất là không chịu tìm tòi khám phá tài năng. Không mở cửa rộng đón nhận những ngôn gió lạ. Chỉ khăng khăng chừng ấy tên tuổi. Để người đọc thấy nhàm chán.
Thứ hai, Văn Nghệ không đến với độc giả miền Trung và được những người viết miền Trung đón nhận.
Một ví dụ là nhà thơ Sương Biên Thùy từ miền Trung gởi bài về cọng tác được trả lời: Hy vọng bạn còn nhiều cố gắng.(Số Xuân).

Thư ba, ngay cả Song Linh, dù có bài văn trên Văn Nghệ số 2, và là một biên tập viên của Hiện Đại vẫn được xếp bên cạnh những tên tuổi vô danh trong  thư độc giả  nhận được.
Đó là một việc làm tắc trách. Người viết bỏ công khó gởi bài, là một chuyện cần phải trân trọng, huống hồ người viết ấy là một tên tuổi quen thuộc như Song Linh.

Một ví dụ khác là trường hợp nhà thơ Hoang Vu, bút danh của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, được Văn Nghệ “dạy” như sau trong mục thu tín Văn Nghệ  số 5: : Gởi thêm cho sáng tác mới nếu có .

Trả lời kiểu ấy ai lại không tự ái. Ai lại chịu cọng tác.

Chỉ tiếc là sau  “mang mang”  bài thơ đầu đời của Hoang Vu Nguyễn Xuân Hoàng mà Nguyên Sa trân trọng giới thiệu bên cạnh Viên Linh, Sao Trên Rừng trrên Hiện Đại , chúng ta không được đọc bài thơ thứ hai của NXH, vì lẽ bài thơ này bị vất vào sọt rác của tòa sọan Văn Nghệ chăng.

hopthu toa soan-vn-so 5 hoang vu

%d bloggers like this: