Hành trình của tạp chí Văn Nghệ (bài 6): Thơ Văn Nghệ

Khi nhận định về tạp chí Văn Nghệ, nhà thơ Viện Linh  “chê” nhiều hơn khen.  Ông đã đưa ra những lý do tại sao Văn Nghệ lại ít được nhắc nhở mặc dù nó đã có mặt đến ba năm. Thứ nhất là  đăng thơ không phải vì hay mà vì gà nhà. Ông nếu ra trường hợp thơ Ngọc Dũng và Vương Tân:

(…) Ở Văn Nghệ số Xuân 1961, thơ Ngọc Dũng cũng in ở đầu số báo như số trên (ba bài ở trang 10), thơ Vương Tân kế tiếp ở trang 16, thơ ông này chỉ chấm hết ở trang 29, nghĩa là dài tới 14 trang thơ của ông thôi, trên đầu lại có tranh minh họa riêng của Ngọc Dũng. Có vẻ hai nhà thơ này là thi sĩ nòng cốt của tờ báo, tất phải hay. Ta hãy đọc nguyên một bài của Ngọc Dũng: Bài “Vết Chém:

Như đợt thủy triều rớt xuống / Bỏ lại cồn cát không / Như nước biển đầy dâng vĩnh viễn / Mà cánh tay vòng ôm suốt thân.” (trang 10). Và thơ của thi sĩ nòng cốt thứ hai, dài tới 14 trang trong số Xuân chỉ dày 103 trang như đã nói: “Giáo Ðầu: lịch sử những hoang mang / với mối sầu chia cắt / loài chim di trốn rét / vỗ đôi cánh mùa xuân / thành phố ngọn đèn vàng / và mắt người ngái ngủ / hàng rào dây kẽm gai / với con tầu phạm xá”

Bài thơ chỉ có thế, không lên hoa chữ nào và không dấu chấm dấu phảy. Vài chục năm sau thơ hai vị đó không thấy ai truyền tụng, và người ta biết đến Ngọc Dũng nhờ ông là họa sĩ, chứ không phải vì ông là nhà thơ. Ðiều nòng cốt để tìm hiểu: họa sĩ Ngọc Dũng chính là thư ký tòa soạn của tờ Văn Nghệ.

(Viên Linh : Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn, nguồn: nguoivietonline)

Khuyết điểm thứ hai là cách trình bày bìa. Và thứ ba là cách giao tiếp với những người viết gởi bài về  không được tế nhị. Ông đưa ra trường hợp Song Linh, Thái Tú Hạp, Sương Biên Thùy…
Quí bạn nào muốn dọc toàn bài viết này cứ google: “Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn” là có thể đọc ngay. Chúng tôi khỏi cần đăng lại.

Chúng tôi ghi nhận những ý kiến của nhà thơ Viên Linh. Ông nhận xét đúng. Đọc thơ hai vị trên, tôi không thể cảm nỗi. Hay đó làchủ đích của nhà thơ. Bí hiểm. Tự do. Đầy những ý tưởng mà khi chúng ta đọc xong muốn nổ cả đầu. Hay là tại cái “mốt” thơ tự do từ Sáng Tạo để lại. Thơ phải nổ, phải bí hiểm, phải đầy triết lý. Không phải hai vị mà Viên Linh nhắc, mà hầu hết các bài thơ xuất hiện trên Văn Nghệ:

Đó là ngựcthảm xanh là hơi thở thúi tha
là lưỡi hèn yếu những nỗi buồn bất động
không cất nổi thành tiếng kêu
dù cây cối đường xá và chúng nó (những đứa chỉ biết tranh nhau về thiên đàng bằng cách lê đầu gối) một thành phố đáng thương. Va trận mưa kéo dài sự buồn nản
đều đều
từng bước một ….

(Trần Dạ Từ. Tháng chạp sáu mươi. Văn nghệ  số 2 tháng 3-1961)

hay:

hỡi anh mong chi
thôi nhé tàn rồi
hỡi anh mong chi
bây giờ mãn cuộc
hỡi anh hỡi anh
xin ngõ lời chàoi, lời chào
tấm thân võ vàng
trên đường xe lửa .

(Viên Linh : khuc bi ca mới, Văn Nghệ số 2)

Tuy nhiên, Viên Linh có những bài thơ tự do tôi rất cảm. Cảm vì chúng gần gũi, từ chữ nghĩa đến hồn thơ. Chúng không bí ẩn hay theo cái mốt thời thượng bấy giờ.

Ví dụ:

vl-1

(Viên Linh – Kho tàng  của vua Salomon – Văn Nghệ số 2).

Tưởng cần ghi chú là Dũng, Tường mà nhà thơ Viên Linh đề cập có lẽ là Ngọc Dũng và Đoàn Tường (tức là nhà văn Lý Hoàng Phong). Chúng tôi ghi chú với dè  dặt cần thiết.

hay một đọan thơ của Trần Thy Nhã Ca, bí hiểm cũng không kém:

khẽ cho dĩ vãng
sâu trong rừng hoang
với tuổi xanh hờn dỗi
với thân này ngã xuống
lá khô bồi đất đen

(Trần Thy Nhã Ca – bài đơn ca . Văn Nghệ số 7 tháng 8-61)

Tôi không hiểu tại sao thơ Trần Thy Nhã Ca lại được ca tụng hết mình như vậy. Nếu nhà thơ VL phê bình thẳng thừng thơ Vương Tân và Ngọc Dũng, ông nghĩ thế nào về đọan thơ trên. Có phải là thơ hay không?

Đây là một đọan thơ của Nguyễn Nghiệp Nhượng:

chết đi em, chết đi em
Ở đấy là thiên đường mà con sáo già không hát lên, ngôi tượng trinh bạch và tội lỗi dẫn vào bằng lũ côn trùng vô hình, em sẽ chết

Chết đi em, chết đi em
Vì đó, không ai cãi cho em, đi thẳng vào và em sống trọn một người khi vinh quang ào đến ngợp tràn. Em sẽ chết hay không, sần sượng và câm trơ hơn núi, chúng ta và sự lỡ tay đều làm bằng cẩm thạch  cho riêng mình.
(Nguyễn Nghiệ[ Nhượng – Cái ghế đá của gió – VN số 7 tháng 8-61)

Với Tô Thùy Yên:

Cũng kiếp ngựa nhưng là ngựa rằn nên không thể cưỡi, tôi mở con đường máu cho tâm khảm thoát thân.
Khỏi bề mặt của cuộc đời bình lặng
Tôi trang bị hoài nghi mà thám hiểm tương lai, ngày một lạc sâu vào hoang địa – nỗi chán chường cứ trải rộng ra, và vòm trời nhu7 nắp áo quan bằng cẩm thạch
(Tô THùy Yên – Lễ tấn phong tình yêu. Văn Nghệ số 8 tháng 9&10-61)

Sao Trên Rừng

Đêm bắt đầu khi bóng người đàn bà
với hai cục máu nhà con
xung quanh thành phố chết
(nơi chúng ta đi qua – VN số 15 tháng 5-1962)

Thú thật tôi muốn nổi cả gai ốc khi đọc đọan thơ trên. Tôi không thể hiểu là tác giả muốn nói gì, muốn chuyên chở cái gì. Sao mà quá cao siêu, bí hiểm !

.

Và tôi đã gặp rất nhiều rất nhiều những bài thơ như thế trên 26 số báo (nên nhớ là 26 chứ không phải 24 báo như có người viết).

Nhận xét về những nhà thơ từng có mặt trên các tạp chí của đầu thập niên 60, nhà phê bình Lê Huy Oanh, trong một bài nhan đề : “Nhận định về thơ hậu chiến”, đăng trên Văn Nghệ  số 8 tháng 9&10-61:

(…) Ngoài ra những người yêu nghệ thuật cũng để ý tới những nhà thơ có triển vọng và khả năng như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng bảo Việt, Trần Thy Nhã Ca, Trần dạ Từ, Viên Linh, Diên Nghị, Phan Lạc Tuyên, Duy Thanh, Kiên Giang, Vương Tân . .

Những người kề sau này cũng có những người sáng tạo được dăm bẩy hoặc đôi ba bài thơ hay hoặc có sắc thái riêng biệt, nhưng đa số tác phẩm của họ chưa đạt tới mức độ tài hoa khiến cho những người yêu thơ, hiểu thơ phải thán phục . Tôi chủ trương là một nhà thơ xứng đáng với danh hiệu thi sĩ phải là một người có chân tài. Không có những người như thế tất nhiên không có nghệ thuật đích thực, một thứ nghệ thuật làm say mê lòng người đúng như người ta vẫn mơ ước khát khao. Ở đây tôi muốn nói đến thứ nghệ thuật đó.

Trở lại vấn đề, tôi nhận định : thơ hậu chiến nghèo nàn vì thiếu những nghệ sĩ có chân tài.  Đôi ba người chưa đủ để cứu vãn thanh danh của một thế hệ thi ca. Mà chẳng cứ gì thi ca, văn nghệ toàn diện của thời hậu chiến đã và đang túng thiếu một cách thảm hại. (…)
(Lê Huy Oanh – Nhận định về thơ hậu chiến . Văn Nghệ số 8 tháng 9&10 – 61).


Quả là những nhà thơ mà nhà phê bình Lê Huy Oanh đề cập là có chân tài, là hứa hẹn, là đầy triển vọng ?
Tôi nghĩ nhận xét của nhà thơ Viên Linh là đúng khi cho rằng chỉ có thời gian mới trả lời được cái chân tài này:
“Vài chục năm sau thơ hai vị đó (Vương Tân va Ngọc Dũng – người viết chú thích) không thấy ai truyền tụng, và người ta biết đến Ngọc Dũng nhờ ông là họa sĩ, chứ không phải vì ông là nhà thơ.”

Đối với tôi, không phải vì họ không có chân tài, nhưng họ  làm thơ theo thời thượng. Thơ họ càng bí hiểm càng tốt. Càng dài hơi càng tài ba. Cả một hiện tượng nói cách khác là “mốt”  như thế tràn ngập khắp những trang giấy của Văn Nghệ. Mà lọai thơ như thế làm sao mà được truyền tụng , hay được người đời nhớ trong tâm trí mình được ?.

Mãi đến thời kỳ chiến tranh, thơ tự do mới lấy lại phong độ của nó. Nhà thơ Tô Thùy Yên là một bằng chứng. Ông không còn làm lọai thơ bí hiểm nữa. Những bài gần gũii với đời, với cuộc sống với thân phận dân tộc ông, đồng đội của ông  như Trường Sa Hành, Qua Sông, Chiều trên phá Tam Giang,  Ta Về  được người đọc nhắc nhở và yêu mến nhiều chứ không phải những bài thơ tự do đầy bí hiểm trên Sáng Tạo hay Văn Nghệ.
(xin đọc bài  Nhà thơ Tô Thùy Yên, Sáng Tạo và Hậu Sáng tạo
link:

https://tranhoaithu42.com/2013/10/31/nha-tho-to-thuy-yen-truoc-va-sau-sang-tao/

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading