Nhà thơ Tô Thùy Yên, Sáng Tạo và Hậu Sáng tạo

Ba trụ cột chính cổ xúy cho nghệ thuật mới, khuynh hướng mới trong thi ca đã có bài rất nhiều trên Sáng Tạo là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Nguyên Sa. Tuy nhiên chúng tôi chỉ đọc được  tên hai người trong ban chủ trương là Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Nguyên Sa thì không. Sau này, ông cho biết ông chỉ là người cọng tác và ông nhận cái lỗi của ông là viết cho ST.

Bài thơ của TTY đã từng gây nhiều tiếng vang thời ấy là:

train horse

(tranh từ Internet)

Cánh đồng con ngựa chuyến tầu

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

4-1956

Hình ảnh một con ngựa chạy theo con tàu, có gì để mà viết thành một bài thơ ? Vậy mà ở đây bài thơ đã mang vào tâm trí ta một cuộc ruợt đuổi thật sôi nổi . Đọan cuối là nỗi bất lực của ngựa, với một cái vết nâu nhỏ nhoi giữa một buổi hòang hôn tàn tạ như dấu vết của một cuộc đuổi bắt vô vọng. Thơ không cần vần, cần tránh những chữ lập lại. Cái chữ “mau” tiếp tục lập đi lập lại nhiều lần như lời dục dã hối hả….Kỹ thuật cấu trúc thì phóng túng. Toàn bài thơ tóat ra một ý nghĩa về triết học. Có thể là sự đuổi bắt không ngưng nghĩ về một điều không thể đạt. Hay cũng có thể lnó hàm chứa ý nghĩa của nền khoa học kỹ thuật đè nặng lên loài người…

Ở vào  thời điểm 1956, có một bài thơ với một kỷ thuật  mới mẽ và tân kỳ như vậy là cả một hiện tượng hiếm hoi. .

Nhưng thú thật, tôi vẫn không thể cảm nổi bài thơ. Tôi đọc nó chẳng chút nào rung động.  Dù tuổi tôi là tuổi ngựa. Bởi những chữ quá cứng, quá lạnh, bởi chúng không bắt tôi phải đọc thơ bằng trái tim mà bằng sự thưởng ngọan như các cụ đồ vỗ đùi vỗ tay khen một câu đối tuyệt chiêu trong thơ Đường..

 

Mãi đến sau này, với những bài thơ như Qua Sông, Trường Sa hành, Anh hùng tận, Chiều trên Phá Tam Giang  và gần nhất là sau 1975 với bài Ta Về, tôi mới được dịp đọc thơ ông với tất cả nỗi cảm xúc dâng tràn.

Thử so sánh :

Thời Sáng Tạo:

Cô đơn bằng Thượng đế,
Yếu đuối như linh hồn,
Làm sao tôi trèo lên
Vực thẳm tờ bản thảo
Trắng im lìm giá băng.

(Thân phận thi sĩ, 1958)

Thời chiến tranh:

Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên.
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh.

(Qua sông)

Rõ ràng, thơ ông bây giờ không còn cao siêu với những từ ngữ như thượng đế, linh hồn, những tuyên ngôn, những câu hỏi đầy triết lý nữa. Trái lại thơ ông bây giờ ở dưới tận cùng của nỗi đau, như thây sình, mặt nát, sâu dòi lúc nhúc… Thơ ông mới ở chỗ đó. Không phải mới ở cái thể thơ phóng túng là thể thơ tự do, (mà thật ra, theo tôi, ý tưởng chẳng mới chút nào) mà mới ở chổ cách trồng cấy chử nghĩa tài hoa của ông, ở việc ông lật bề trái về sự thật của chiến tranh, mà ít  có một thi sĩ nào nói được. Như qua bài viết về thơ chiến tranh của Cao Vị Khanh:

…Mấy ông họ Đào, họ Đỗ, họ Lý, họ Sầm…nổi tiếng văn hay chữ tốt, rượu vào lời ra, say nằm bãi cát nghêu ngao cũng chỉ thấy nói tới cái hơi hướm của chiến tranh, cái trống hoác của tàn trận, cái ngao ngán của hậu chiến, lúc kiếm gãy cờ tan u hồn lởn vởn. Cây kích gãy cắm lún trên bờ sông Xích Bích chỉ cho ta cái cảm giác ngậm ngùi. Hình ảnh của đống xương vô định là ước lệ vô tình của chữ nghĩa. Rồi đến Chinh Phụ Ngâm, tuyệt tác chiến tranh của văn học cổ điển cũng chỉ là chiến tranh phơn phớt ngoài da. Hơi gió cuốn người rầu mặt dạn. Dòng nước sâu ngựa nãn chân bon. Ôm yên gối trống đã chồn. Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh. Cái kiểu chiến tranh “trăng treo đầu súng ” có khi làm người ta mơ mộng đến chết người. Đến ngay Trần quang Dũng, người kháng chiến tài hoa của đất Sơn Tây cũng chỉ là  Tây tiến đoàn quân không mọc tóc  hay  Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên phút độc hành  có làm ta thương cảm nhưng dường như cũng có làm ta “vừa lòng” như chợt thấy được mấy nét xổ móc ngang tàng trên dòng cổ tự. Người chết vẫn là chết dấp chết dúi không có cả tấm chiếu quấn thây nhưng bù vào đó cái biểu tượng của chiếc áo bào trong phút chót độc hành đẹp lãng mạn đến làm ta quên đi cái đau đớn, khiến ta ngưỡng mộ tính trượng phu mã thượng mà quên đi cái thiệt thòi của đời thực. Ta kính phục mà không gần gũi. Dường như cái chết đó ở vào một thời nào xưa lắm, của một người nào cao cả lắm, cao đến chẳng ăn nhập gì đến ta, xa đã như là huyền sử vậy.  Đến như ông Tô Thùy Yên, người đã đẩy ngôn ngữ thi ca đến ranh giới của tột cùng cũng chỉ nói đến cái ghê rợn của mặt trận đã im tiếng súng. Tiếp tế khó đôi lần phải lục.Trên người bạn gục đạn mười viên. Di tản khó sâu dòi lúc nhúc. Trong vết thương người bạn nín rên. Người chết mấy ngày chưa lấy xác. Thây sình mặt nát lạch mương tanh… Nghe tới rùng mình sởn gáy. (1)

***

Tôi đang tự hỏi:   Giai đọan nào, đã giúp đưa TTY lên một vị trí xứng đáng với tên tuổi của ông và tại sao Qua Sông, Chiều Trên Phá Tam Giang, Trường Sa Hành, Ta Về lại được nhiều người yêu thích và nhắc nhở nhiều hơn những bài như  Tuyên Ngôn, thân phận thi sĩ  trong thời ST? Tôi xin mượn ý kiến của chính nhà thơ Tô Thùy Yên để trả lời:

“Một tác phẩm vượt nổi thời gian là một tác phẩm đã để lại được cho người đi sau một ý thức về đời sống” (2)

Vâng,  theo tôi, chính những bài thơ sau này mới giúp tôi một ý thức về đời sống của cá nhân tôi, bạn bè tôi, đồng đội tôi, miền Nam của tôi. Không những riêng tôi mà còn có cả thế hệ con cháu tôi nữa.

Có phải vậy không ?

_____

(1) Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, P.O Box 58South Bound Brook, NJ08880
 (2) Nguồn: Nxb Sáng Tạo, Tủ sách Ý Thức, 95B Gia Long, Sài Gòn. Bìa của Duy Thanh. Ấn vụ Lam Giang Ấn Quán Sài Gòn. Ngoài những bản thường còn in thêm 100 bản quý không bán, đánh số từ I đến XV và từ 1 đến 75 đều mang chữ ký tác giả. Bản quyền của nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản  chụp in do Thư Ấn Quán thực hiện năm 2010.

%d bloggers like this: