Một tấm hình bằng ngàn chữ viết. Xin được mượn tấm hình chụp một người lính Mỹ nằm đọc sách trong buổi dừng quân để có thể giúp bạn hình dung phần nào nhu cầu đọc và viết của giới trẻ trí thức nhập cuộc chúng tôi. Nó không phải có từ độc giả thành thị như nhà văn Võ Phiến, Nguyễn văn Trung, Nguyễn Mộng Giác đã nhận định , hay nhắc đến văn học miền Nam là văn học thành thị, văn học đô thị như những nhà lý luận phê bình ở miền Bắc trước 1975 và ngay cả bây giờ vẫn thường rập khuôn.
Dù là lính Mỹ, nhưng điều này có hề gì. Cái mẫu số chung là chiến tranh VN, là rừng cây, là ba lô, là súng đạn, là một cảnh trong giờ dừng quân, nghỉ ngơi, là nhu cầu đọc của người trẻ trí thức nhập cuôc.,
(hình internet)
Chỉ tiếc là lính miền nam nghèo quá, đâu có tiền để sắm máy hình như lính Mỹ.
Thôi thì đành mượn tạm hình người để nhớ đến mình !
Theo thống kê do chính chúng tôi thực hiện, qua việc thực hiện bộ thơ miền Nam thời chiến, có khoảng 400 nhà thơ do chúng tôi lựa chọn, có bài đăng ở trong các tạp chí thời danh trước 1975 như Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Ý Thức, Thời Tập, Vấn đề, Trình Bày… mà đại da số là thành phần quân nhân… Con số ấy chỉ khiêm nhường . Có thể lên hàng ngàn nếu chúng tôi có đủ tài liệu!
Điều này không phải là phóng đại. Cứ mở bất cứ một số báo nào trước 1975, mới thấy được sự góp mặt của giới trẻ. Thử hỏi, khi họ phải có mặt tại một xó xỉnh núi đồi hay một nơi heo hút nào đó, họ còn cách gì ngoài cách viết và đọc ? Tôi không nói khoác. Tôi nhớ cách đây vài năm, một độc giả của Thư Quán Bản Thảo có yêu cầu tôi tìm dùm anh bài Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư mà anh đã đọc được khi anh chờ trực thăng tải về trên ngọn đồi Thường Đức…
Vâng, nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương đã nói hộ nỗi khát khao thèm viết và thèm đọc của người lính miền Nam:
Người lính miền Nam đi chiến trận
Ba lô mang theo hồn thơ văn
quả thật đúng, đúng vô cùng !
Đó là lý do giải thích tại sao một tuần báo bán chuyên về văn học nghệ thuật là Khởi Hành lại có số lượng phát hành trung bình là 5000 ấn bản, có khi lên đến 10 ngàn như nhà thơ Viên Linh đã kể và chúng tôi đã đề cập trong bài một:
người viết và người đọc của văn học thời chiến đến từ đâu (bài một)