Nỗi buồn toán học

1. Ở Mỹ, theo dỏi báo chí, được biết ở quê hương có những bạn trẻ liên tiếp làm vẽ vang  dân tộc  qua những kỳ thi về tóan học quốc tế.

Điều đó chứng tỏ dân tộc VN là dân tộc thông minh, và ít ra, giỏi tóan..

Có lẽ vì vậy, nên chuyện các ngài chức sắc của các công ty hàng đầu trên thế giới này  đổ xô tìm đến VN để khai thác chất xám là chuyện hiển nhiên.

Họ đã đánh hơi được một nguồn chất xám béo bở.

Như họ đã tìm đến Ấn Độ trước đây.

Có điều khác, là thời ấy, đòan quân chất xám Ấn độ được tuyển mộ qua Mỹ.

Bây giờ có lẽ khác. Các tư lệnh hay các chỉ huy trưởng lại bay qua VN mộ quân.

Họ mang qua các dự án. Họ mộ người. Họ mua chất xám ngay tại chỗ. Vừa rẻ vừa tiện.

Khỏi cần lo giấy tờ mang qua Mỹ.. Khỏi cần lo chỗ ăn chỗ ở.

Khỏi cần lo chi tiền bảo hiểm sức khỏe. Khỏe ru.

2. Chất xám khắp nơi, không ai biết là của ai. Trong một sản phẩm vừa được tung ra thị trường nào ai biết có những người đã nặn óc để viết ra những phương trình,  đã vẽ nên những biểu đồ, đã tính ra nhiệt độ cọ xát, đã viết ra những chương trình cả vạn giòng… Không phải từ cái bán cầu não của ông Bill Gate, hay của ông CEO của Intel hay IBM…

Câu hỏi được đặt ra, tại sao họ lại tìm đến, khổ công lặn lội dặm trường. Chẳng lẻ cả một đất nước được xem là kỹ thuật khoa học hàng đầu, với những trường đại học danh tiếng lẫy lừng nhất của thế giới, lại không cung ứng đủ những tóan gia hay sao? Hay họ thương xót một đất nước bất hạnh mà ban lòng từ tâm?

Có thật vậy không.

Để trả lời câu hỏi này, xin phép được dùng chuyện riêng cho cái chung, để tả lại bối cảnh của một lớp tóan thuộc chương trình Cao học Tóan ứng dụng tại một trường đại học kỹ thuật của Mỹ. Đó là  đại học kỹ thuật: Stevens Institute of Technology,  Hoboken , New Jersey USA vào năm 1990:

Lớp học gồm một thầy, 5 trò.  Hai Trung Hoa, một Ấn độ, một VN, và một Mỹ trắng (nữ).

Các sinh viên Trung Hoa và Ấn độ là các sinh viên du học. Nữ sinh viên Mỹ  học ngành giáo dục để trở thành giáo sư Toán trung học. Và người VN là kẻ viết bài này.

Đấy, ngành Tóan và sự yêu thích Tóan ở Mỹ là vậy. Nếu đi vào các lớp điện tóan hay MBA, tình hình sẽ khác xa. Lớp học hay giảng đường chen chúc.

Tại sao vậy? Vì sinh viên sợ Tóan, vì Tóan quá gay go, khó nuốt ?

Hay vì ngành Tóan khó kiếm việc, lương bổng thấp ?

Hãy thử làm hai tờ resumé khác nhau..  Một resumé kê có bằng cấp Cao học Toán Ứng Dụng (Master in Applied Math.) với  việc làm muốn tìm như Nghiên cứu Thống Kê, hay thầy dạy Tóan v.v… Và một resumé tìm những việc về ngành điện tóan. Thử kê có kinh nghiệm 5 năm về SAP/Business Warehouse chẳng hạn rồi gởi cho một số công ty giúp tìm việc trên Internet như Monster v.v…

Kết quả:

Đối với việc làm liên quan Tóan học, chẳng có ma nào đóai hòai.

Và nếu có  đóai hòai thì vẫn có những đòi hỏi phụ: Phải biết rành về một ngôn ngữ điện tóan về Thống Kê Phân tích như SAS hay phải có văn bằng tốt nghiệp ngành sư phạm tại tiểu  bang nếu muốn trở thành thầy giáo.

Đó là chưa kể mức lương quá thấp.
Nhưng những công việc liên quan đến ngành điện tóan, thì đêm ngày chuông điện thọai liên tiếp reo, chẳng những thế còn quen ai giới thiệu sẽ được tiền thưởng hậu hỉnh….

Ôi, nỗi buồn tóan học !

2.
Nhưng  đối với một nhà văn nhà thơ  thì khác. Nỗi buồn ấy là kởi đầu cho những nụ hoa nẩy mầm từ chữ nghĩa. X, Y, Z, biến số, thông số, ẩn số, quỉ tích, đạo hàm, thống kê sác xuất, phương trình hay định lý thi cũng vậy. Dù khô khan, dù cứng ngắc, dù khó hiểu, nhưng mà tôi đã có văn chương rồi. Cũng như ngày xưa, trong chiến tranh, trong tù tội, khi mà tuyệt vọng và bất lực không còn có thể tìm ra, dù một chút lóe sáng, thì vẫn có một bản nhạc Dạ Khúc, , một bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, đê cánh hoa sen, hoa súng được mọc lên trong hồn, để màu hỏa hoảng của sợi dây chọay trong rừng tràm được sáng ánh lên buổi chiều tàn tạ,  để ta hôn lên nỗi khổ nạn của ta như hôn lên cái đẹp đau thương  mà Chúa và Phận đã hôn lên cho con người và vì con người.

Như một đọan trong Chi Minh Wang tôi viết trong thời gian làm một gã học trò già :

Năm nào cũng vậy. Mùa thu về đúng hẹn. Đám mây trên sông bàng bạc như mong manh cho một hơi thở của ngày. Và xa hơn, sườn cầu Pulaski mờ sẫm. Và sông nước còn gượng chút ráng chiều. Chim biển trắng phau gọi nhau náo loạn. Mây mời gọi. Sông cũng mời gọi. Mây và sông chở lại một kinh thành. Huế. Người sinh viên cũ năm nào đã từng đứng yên trên hành lang văn khoa, để nhìn con sông vào hoàng hôn. Người con gái ở phía cạnh cũng nhìn xuống con đường Lê Lợi. Mái tóc chảy lai láng bờ vai. Dáng dấp thì hao gầy. Không ngờ, nơi ấy đã trở thành một hoài niệm. Sau mấy mươi năm giờ đây tôi lại gặp lại một lần. Một thời. Bỏ quên những mệt lả của miếng cơm manh áo. Những bánh xe lăn của thời gian. Những cuống cuồng trong một thế giới kỹ thuật và máy móc. Bỏ quên tôi với đôi mắt yếu mờ, vầng trán nhăn, mái tóc sắp bạc cả đầu. Bỏ quên tay sinh viên già đang đến trường tranh đua cùng tuổi trẻ. Người sinh viên già cô đơn giữa lớp học. Sách vở làm sao xóa đi nỗi buồn. Bạn bè, đồng đội, người thân yêu, những vết cằn của chiến tranh, tù tội, vượt biển. Sách vở mở mang kiến thức nhưng sách vở càng mệt mỏi giữa chốn hồng trần. Con tính đã trở thành khó khăn. Những beta, gamma, những limit, Markov chains sao mà nhớ cho hết. Lời giảng của vị thầy đã rơi vào một bộ óc quá đầy, quá cặn. Người sinh viên già cố trừng con mắt, căng thẳng chiếc tai còn sót lại. Người sinh viên không cười không nói, không ai hàn huyên thăm hỏi. Dòng chữ viết trên trang giấy run rẩy hơn, vì tuổi đời hay vì sợi gân tay đã liệt. Gắng lên con hỡi! Học phí này hãng đài thọ một trăm phần trăm. Một môn học trên dưới hai ngàn đô la. Gắng lên con. Mày chưa phải là già. Con tim mày vẫn xôn xao, con mắt mày vẫn còn tham lam ham hố. Gắng lên con! Cái việc, cái nhà, chiếc xe, học phí cho con. Gắng, để tên sinh viên già đến trường mỗi tuần hai buổi, vượt xa lộ, qua đồi núi, gần hai tiếng đồng hồ. Ngày tuyết cũng như ngày mưa. Ngày đoàn xe kẹt không sao nhúc nhích trước khi vào hầm Holland hay êm ả lăn những vòng xe, qua phi trường Newark, nhớ về phi trường Qui Nhơn. Ngày tìm gì cho tâm hồn thôi bâng khuâng xào xạc khi mùa thu lá cứ tiếp tục rụng đầy trên sân trường.

NY

Mùa học vẫn như thường lệ. Giờ đầu tiên, ông giáo sư viết trên bản vài hàng về chương trình, thi cử. Ông giáo sư trẻ, phát âm giọng Anh, áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù. Hay ông ta lập dị. Ông muốn chứng tỏ ông là một nhà toán học đúng điệu. Hay Toán học đã làm thay đổi bản chất con người. Ông cũng chẳng cần giới thiệu ông cho đám sinh viên. Ông bắt đầu ngay bài giảng. Lại bắt đầu một cuộc chạy đua. Tai căng. Mắt điều tiết. Những hàng chữ nhỏ mờ trên giấy trên bản. Câu hỏi. Câu trả lời. Chiều đã nhường cho bóng đêm. Lúc này không còn thao thức, nhớ nhung, dằn vặt, âu lo, tính toán. Lúc này, biến số trở thành lời giải. Giả thiết trở thành kết luận. Lúc này những ký hiệu trở thành linh động, dẫn đưa đến bến bờ kiến thức. Rồi mười phút nghỉ. Xếp qua sự đuổi bắt. Người sinh viên già đứng dậy, tựa vào cửa sổ. Dòng Hudson lấp lánh những ánh đèn từ những chiếc tàu đêm. Trên bờ xa, là cả một Nữu Ước rực rỡ như một khối đá kim cương vĩ đại của địa cầu. Tôi đã nhìn thành phố biết bao lần, nhưng mỗi lần đôi mắt tôi càng thêm no nê trước triệu ức ánh đèn đan kết phản ánh trên đáy nước, hay mờ ẩn trong sương mù. Cả một Nữu Ước ban ngày cuống cuồng hối hả bây giờ đã biến thành một hòn đảo linh động bừng rộ hoa đăng…

(trích Chi Minh Wang, trong Ra Biển Gọi Thầm)

%d bloggers like this: