.
Tiếng hát, ôi tiếng hát. Khi miệng mở lời. Khi âm thanh trầm bổng, khi nhịp điệu êm ái, khi cung bậc được định nghĩa, là âm nhạc bắt đầu. Nhưng bắt đầu từ trái tim. Để nhạc sĩ truyền đạt tấm lòng. Để người hát truyền đạt đến người nghe hay cho chính mình. Để đời được thi vị hơn, hoan lạc hơn. Để nỗi buồn ta có thể nương tựa, hạnh phúc ta có thể được chia chác với đời.
Hãy thử nghĩ nếu không có âm nhạc và tiếng hát, đời quả là buồn tẻ biết bao !
Hãy nghe đâu đó, trong rừng, tiếng chim hót líu lo. Không phải hót một mình, mình nghe. mà hót gọi đàn, gọi bạn, gọi tình. Vì tiếng súng hết rồi. Vì đạn bom cũng ngưng rồi.
Loài người bắt đầu trả lại rừng cho chim muông cầm thú.
Nhưng có khi chim cũng sợ không hót.
Chim sợ bởi vì khi không có đám người đói khát xâm chiếm rừng. Bất kể thời tiết nắng mưa, ngày ngày đám người vào mật khu tàn phá. Tràm con, tràm mẹ, tràm cha. Tràm rui, tràm mè, tràm cột. Họ đốn tất cả, không chừa một mống. Tiếng búa vang dội cả một vùng. Có khi bọn người la gào, cùng nhau đuổi một con sóc trên cành cao. Sóc nhảy chuyền từ cành này sang cành khác. Bọn người cũng không kém, dưới gốc, vừa hét hò vừa rung cây. Chỉ đáng thương cho con thú nhỏ bé vô tội, với bộ lông màu nâu pha lẫn màu huyết dụ rất mượt mà, đã phải quá kinh hoàng, rơi nhào ngay xuống biển nước. Có lẽ sợi dây thần kinh của nó bị đứt như người trong hầm bị bom dội phải long óc, hộc cả máu mồm chăng.
Như vậy, làm sao để còn nghe cái âm thanh bay bổng líu lo của những con chim rừng ?
Dù vậy, chim cũng có chỗ khác để mà đến, để tiếp tục hót.
Còn đám người kia, thì không có chỗ để mà đến. Bởi họ là tù nhân.
KHông đâu.
Bơi vì chúng tôi còn có những người thân yêu khác, cất lời. Bởi vì chúng tôi còn có những thời bất diệt khác, để tiếng hát cứu rôi chúng tôi.
Em yêu dấu. Cho dù em không phải là danh ca để mọi người ngưỡng mộ, nhưng em có anh, người thính giả độc nhất này,
Cho dù âm thanh xa xua cao vút đã trở thành khàn đục tội tình. Cho dù nhưng lá vàng thôi rơi rụng hay những vòng bánh lăn trên xe lộ mỹ không còn mang theo lời ru của em dành cho anh, nhung trong hồn anh, những lời ca tiếng hát ấy là miên viễn, chảy dài một giòng trường ca tình yêu. bất diệt…
I)
TIẾNG HÁT TUÔI TRẺ
Tiếng hát tuổi trẻ. Người con gái 17, 18 tuổi đang cất lên, chạy lướt như những đám mây xanh hồng trên một bầu trời bát ngát cao rộng. Ở một khu rừng kia, dưới những tán cây xanh ngắt xumn xuê, trên lớp lá vàng trăn trở, có ai đang ngồi hát:
“Thu đi, cho là vàng bay, lá rơi cho đám cưới về… Ngày nai, người em nhỏ bé…”
Tiếng hát và thiên nhiên đang hòa tấu. Tiếng hát đã lướt thướt cùng tiếng gió vi vu và tiếng sóng đìu hiu vọng lại. Tiếng hát đã chảy như những giọt lệ ngà ngọc thấm lạnh vào con tim người con trai. Người con gái vẫn hát. Dường như cảm thông cùng nàng, trời đất đã dừng lại. Những đám mây trắng thôi trôi về biển khơi. Cây cối im lìm trong phút chốc. Và rồi, một cơn gió lớn thổi đến: muôn lá vàng rơi rụng trên đầu, xung quanh hai người. Người con gái bỗng dưng bật khóc. “Lá rơi – cho đám cưới về ngày mai người em thỏ bé…” . Nàng đã thấy rõ những chiếc lá của mùa thu đang chia buồn cùng nàng. Đến nỗi người con trai phải van :
– Em đừng hát bài buồn như thế nữa. Anh van em…
Đôi mắt ngấn lệ, người con gái cúi đầu:
– Em cũng không hiểu tại sao.
(Tiếng hát, tạp chí Thời Tập năm 1972)
2.
TIÊNG HÁT VỢ CHỒNG
….Một đàn chim vừa bay qua, về hướng Tây. Những cánh vỗ nhịp nhàng in đậm trên nền trời đầy ráng vàng. Vài người gánh lúa đang trở về trên đường đê. Chàng nói với vợ:
“Hát cho anh nghe bài Nương Chiều đi em”
“Anh muốn nghe em hát sao ?”
Rồi nàng bắt đầu cất tiếng. Đôi mắt nàng nhắm lại. Guơng mặt nàng trông thật trang nghiêm và thành khẩn. Chiều ơi. Lúc chiều về gặt lúa nương khoai. Trâu bò về dục mõ xa xôi, ơi chiều. Chiều ơi…. Nàng dựa vào vai chàng đắm chìm trong tiếng hát. Thời gian như ngừng lại. Không gian như ngừng lại. Một cánh cò ở đâu vụt bay lên. Và phía xa, những bóng người gánh lúa đang qua chiếc cầu khỉ. Một con ếch nhảy xuống rạch, tiếng kêu bõm. “Chiều ơi… Chiều ơi…Chiều ơi…”Chàng châm điếu thuốc. Những sợi tóc của nàng mơn man trên má chàng. Chàng nghe cả hơi thở của nàng nữa.
Chiều ơi. Cảm tạ đất trời. Cảm tạ người nhạc sĩ. Cảm tạ em. Hạnh phúc trong tầm tay, phải không em. Tại sao cứ mơ những điều hoang tưởng. Tiếng hát của nàng cao. Chưa bao giờ chàng lại nghe nàng hát tuyệt vời như thế.
“Em hát hay quá. Chưa bao giờ anh nghe em hát hay như lần này”
“Như vậy anh thưởng cho em cái gì?”
Chàng nắm bàn tay vợ, khẽ bóp nhẹ. Hai người không nói một đỗi. Họ đang cố hưởng những gì họ đã có. Nhưng sự thật lại trở về. Bởi vì đôi mắt của nàng lại rớm lệ.
“Em lại khóc nữa”
Chàng nói.
“Ngày mai anh đi. Biết khi nào anh mới trở về cùng em. Cùng con”
Rồi nàng lấy bàn tay chàng đặt trên bụng.
“Anh sẽ về. Em tin anh đi. Anh sẽ về mà. Thế nào chiến tranh cũng chấm dứt”
“Anh tin như thế ư?”
“Vâng. Anh tin. Người ta đã ngồi vào bàn hội nghị rồi”
Chàng nói, nhưng rõ ràng lòng chàng cảm thấy không ổn. Những lời đầy cay đắng của thằng bạn chàng trên núi vẫn còn vang bên tai:
“Hội nghị. Nội cái bàn tròn, bàn vuông, bàn chữ nhật cũng mất cả tuần lễ để bàn, trong khi mỗi ngày mỗi giờ ở đất nước này biết bao nhiêu thanh niên hai miền đã nằm xuống. Mày còn tin hội nghị hay sao?…” Hải ơi, mày có lý. Nhưng tao biết phải nói làm sao với vợ tao. Tao sợ những giọt nước mắt của nàng.
“Khi lên trên ấy anh nhớ giữ gìn sức khoẻ nghen anh”
“Anh nhớ”
“Đừng uống rượu nhiều nghen anh”
“Anh hứa”
“Đừng thức đêm nhiều nghen anh”
Tội nghiệp nàng không hiểu. Muốn ngủ mà không dám ngủ. Không muốn uống rượu mà phải nốc cả thau. Hoàn cảnh đã làm tuổi trẻ thanh niên già như quả đất, em làm vợ lính em lại không hiểu sao.
“Anh nhớ khấn Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn mười lần khi ra trận nghen anh”
“Anh hứa”
(trích Mùa Xuân Ly Biệt, Văn học số 151 năm 1971)
3.
TIẾNG HÁT TRÊN XA LỘ MỸ
Còn lại hai vợ chồng già. Xa lộ
Đi về, buồn ngủ, đường lại xa
Vợ tiếp chồng
lái cho chồng ngủ
Gió lộng ngoài
gió lộng u u
Mắt ta vẫn ráo, sao không ngủ
Xe vẫn lao vào chốn tối đen
Trong cõi vô cùng yên lặng phủ
Em cất lời, bài hát quê hương
Xe vẫn lăn đều không than thở
Lời ca vẫn tiếp tục lênh đênh
Đêm vẫn đêm dài đêm không ngủ
Người vẫn đi về cùng cõi mông mênh
(Ngày vàng, Ô Cửa, 2003)
4.
TIÊNG HÁT TRẦMLUÂN
Rồi đến thời cách ly, khi sự thăm viếng chỉ giới hạn 15 phút, 2 tuần 1 lần, khi mà hệ thống thần kinh bị xáo trộn, vậy mà vẫn hát cho tôi nghe trong lần viếng thăm mới đây… khi tôi hỏi: Mình nhớ bài hát nào không, hát cho tôi nghe đi. Hỏi để mà hỏi, nhưng không tin Y. nhớ. Vậy mà Y. hát Giọng hát khàn đục, như thể đọc bài học thuộc lòng, hay bài kinh tụng. Y. say sưa hát. Ngay cả lúc người trợ tá đẩy chiếc lăn vào cửa vì hết giờ, Y. vân còn ngoái cổ hát lớn:
Ai qua miền quê binh khói,
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi:
Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngát
Tim sắt se cảnh xưa hoang tàn
Bao nhiêu ngày vui thơ ấu
Bao nhiêu lều tranh yêu dấu
Theo khói binh lều tan tre nát
Theo khói binh lòng quê héo tàn
Y, dã sống lại rồi, Tôi cũng sống lại rồi. Chúng tôi vẫn nương tựa nhau bằng tiếng hát. Tiếng hát ngày nào vỗ về cùng cõi lênh đênh của tôi, hay ru tôi vào cơn huyển mộng, thì bây giờ tiếng hát làm chứng cho một sự hồi sinh. Màn trí nhớ không xám hăn, mà lóe lên ánh bạc lóng lánh của lời ca. Trái tim già của tôi cảm động biết chừng nào. !