Người mất tích

Lời chũ blog: Truyện này được trích trong Mặc Niêm Chiến Tranh, Thư Ấn Quán xb năm 1999. Tác phâm tuyệt bản. May mắn có người bạn còn giữ, nên sao lại.  Mới đó đã 22 năm trôi qua !.  THT

 

 

Thưa Ông,

Trước hết xin ông tha lỗi cho lá thư được viết từ một người không quen biết. Tôi xin tự giới thiệu tên tôi là Hạ hiện ở tiểu bang X. Hôm qua, tình cờ tôi được một người bạn mang đến một tạp chí, và nói với tôi:Có tên chồng bà được nhắc trong bài thơ này. Hãy đọc đi…Thú thật, từ trước đến nay tôi không hề quan tâm đến thơ văn, cũng ít khi đọc báo chí, nhưng rõ ràng, mấy câu thơ của ông đã làm tôi phải bàng hoàng.

 

Đồng đội ta những người đã chết
Những Vọng, Nai, Nga, Bình Lò Heo
Những Chấn, Hảo, Sơn, Tài Xóc Dĩ
aBầy diều hâu bỏ núi khóc òa.*

 

Nước mắt tôi chảy ràn rụa. Tôi đã ngồi bất động trong tiệm. Lúc ấy tôi muốn được gọi ông ngay lập tức, để hỏi rõ về những tên tuổi mà ông đã viết trong bài thơ. Có phải những người mà ông nhắc là những người đã chết thật sự, hay chỉ là những tên hư cấu. Có phải anh ấy đã chết thật sự rồi sao? Tôi không tin. Những Chấn, Hảo, Sơn, Tài Xóc Dĩa… Bốn tên người đồng đội mà ông đã nhắc lại trong bài thơ, có hai người tôi biết. Biết rất rõ. Hảo và Tài Xóc Dĩa. Hảo là tên chồng tôi. Và Tài Xóc Dĩa là tên người bạn thân của anh ấy.

Thưa ông,

Tôi đã gọi tòa báo để nhờ họ cho số điện thoại của ông. Tôi cần gấp câu trả lời của ông. Mãi đến giờ phút này tôi vẫn chưa nhận bất cứ một cái gì để chứng tỏ Hảo chết cả. Cấp trên nói Hảo bị mất tích, phi đoàn cũng bảo với tôi là Hảo bị mất tích, bạn bè cũng nói như vậy. Mà mất tích thì còn hy vọng có ngày về…Nếu không một ngày, thì một tháng. Nếu không một tháng, thì một năm. Nếu không một năm thì một thế kỷ. Chết khác với mất tích. Chết có nghĩa là hết. Còn mất tích là còn niềm tin, dù niềm tin ấy le lói đi nữa. Có thể Hảo bị bắt khi tàu anh bị bắn và anh nhảy dù xuống vùng địch. Có thể Hảo lạc lõng trong rừng già như trong câu chuyện những người lính Đồng Minh lạc trong rừng già ? châu vào thời kỳ đệ nhị thế chiến. Hay cũng có thể Hảo đang có mặt tại xứ Mỹ này. Vâng, một người bạn tôi đã cho tôi biết là có một người tên Hảo cũng ở trong binh chủng Không quân hiện có mặt tại California…

Xin ông làm ơn cho tôi biết Hảo thế nào. Mấy mươi năm nay quá dài cho tôi. Nếu quả thực là Hảo không bao giờ về nữa thì tôi cũng đành coi là số phận của bất cứ người đàn bà Việt Nam nào trong thời chiến. Và tôi sẽ coi cái ngày Hảo mất tích là ngày giổ để tôi còn lập bàn thờ cầu siêu, để linh hồn của Hảo được tiêu diêu về miền cực lạc…

 

Thưa Ông,

Tôi đang viết thư này mà nước mắt tôi chảy dầm dề cả trang giấy. Mong ông tha lỗi nếu ông không đọc được những lời tôi viết. Tôi cứ thấy lại hình ảnh của Hảo trong buổi cuối cùng trước khi Hảo từ giã tôi lên Pleiku. Hảo đã nói với tôi những điều như thể báo trước một điềm gở. “Anh hiểu em yêu anh. Nhưng anh không thể bắt em phải sống với một người chồng như anh trong khi em vẫn còn son trẻ”. Hảo đã nói với tôi bao lần như thế. Tôi giận và khóc với Hảo: “Bộ anh xem em là một người đàn bà hư thân mất nết hay sao”. “Không, anh không bao giờ nghĩ như thế. Nhưng anh không can đảm nhìn em phải hy sinh  đời em vì anh”.

Tôi hiểu Hảo cũng vì thương tôi. Nhưng tôi giận Hảo bởi vì Hảo đã không hiểu tình yêu của tôi cho anh là to lớn như thế nào. Thưa ông, đến giờ phút này tôi phải thú thật, Hảo đã không còn là một người đàn ông theo đúng nghĩa của hai chữ đàn ông nữa. Hảo đã mất khả năng tình dục trong một một phi vụ. Tàu Hảo bị bắn.Và miểng thép oan nghiệt đã làm teo bộ phận sinh dục của Hảo. Biến cố này xãy ra trong thời gian chúng tôi tôi yêu nhau, trước ngày tôi chính thức làm vợ của Hảo. Hảo cũng thổ lộ điều này trước khi Hảo ngỏ ý muốn kết hôn. Lúc ấy tôi mới hai mươi tuổi. Tôi yêu Hảo, lại càng yêu Hảo vô cùng tận khi hiểu rằng Hảo đã bị mất mát một phần quan trọng nhất của con người. Không phải lỗi của Hảo. Hảo vô tội. Hảo đáng được an ủi, nâng đỡ hơn ai hết. Không thể để một người đang ở trong tuổi thanh niên phải sống trong nỗi đau thương của một con mãnh hổ tật nguyền. Phải cứu Hảo. Phải mang lại niềm tin cho Hảo. Tôi đã nói trăm ngàn lần, anh Hảo ơi, em vẫn bên anh, em sẽ theo anh bất cứ chân trời góc biển nào. Sẽ nấu cơm cho anh, sẽ chong đèn thức đợi anh về, sẽ canh anh ngủ, hát cho anh nghe, kể bao nhiêu giấc mơ thật đẹp cho anh khỏi buồn. Tình yêu đâu cần đóng khung trong hai chữ xác thịt. Hảo hiểu không. Như tình yêu của Chúa và Phật đối với loài người. Như tình yêu của những người đã hy sinh đời mình cho nhân loại trong các trại cùi, hay cô nhi viện. Như tình yêu của một người mẹ hiền. Em sẽ vì tình yêu để đến bên anh, bất chấp tất cả.

Vâng. Tôi đã bất chấp gia đình ngăn cản, bất chấp ba tôi từ tôi, bất chấp mẹ tôi vì thương tôi phải nhuốm bệnh. Và bất chấp những lời khuyên lơn của bạn bè. Họ đều đúng. Tôi hiểu vậy. Bởi vì tôi là đàn bà, có nghĩa là tôi phải được hưởng quyền làm mẹ. Tôi không thể nhìn đời tôi khô rụi không sản sinh.  Nhưng tôi không thể bỏ Hảo. Bỏ thì quá tàn nhẫn. Chúng tôi đã yêu nhau, đã từng thề nguyền mãi mãi sống bên nhau mà. Bởi vậy, tôi chỉ còn một cách là bỏ nhà ra đi. Tôi đành cam tâm làm một đứa con gái hư thân mất nết.

Vì thế tôi bằng lòng làm vợ Hảo. Lòng tôi hân hoan như ngập tràn những giọt nắng hạnh phúc, đến nổi tôi phải khóc. Môi Hảo nhấp lấy giọt nước mắt của tôi. Những ngón tay của Hảo chùi lấy giòng lệ lăn trên má tôi.

“Tại sao em lại khóc? ”  Tôi cười, dấu nỗi yếu mềm. “Em hạnh phúc lắm, Hảo à”.

Thưa Ông,

Tôi đã cố giữ Hảo. Tôi ngỡ tình yêu của tôi sẽ giúp Hảo quên đi quá khứ. Nhưng rõ ràng tôi đã bất lực. Đàn ông thanh niên có những điều thật lạ kỳ. Họ chẳng bao giờ bằng lòng với hiện tại. Họ cũng chẳng bao giờ muốn bình an. Họ cứ bị những điều gì đó thúc dục, quyến rũ. Với Hảo, đó là tiếng gọi của con tàu xưa, của gió lồng lộng, của mây trời, của tiếng ì ầm của động cơ phản lực,  của cánh quạt, của tiếng nổ, của trái phá…Hảo cứ nhắc hoài những lần bay, dưới thấp là rừng xanh, và xung quanh là một không gian vô tận. Hảo cũng kể lại những trái hỏa tiển tầm nhiệt bắn lên từ dưới đất, và con tàu đã nhiều lần trúng đạn lổ chổ đầy cả thân trong mỗi phi vụ. Và Hảo cũng nhắc những người bạn của anh, trong đó có anh Tài, mà anh em phi đoàn đặt biệt danh là Tài Sóc Diã bởi vì anh ta là một danh tài cờ bạc. Chính vì cứu người bạn thân này, mà tàu Hảo đã bị đạn phòng không, và một miểng đạn đã bắn ngay vào chỗ bộ phận sinh dục. Hảo cứ nhắc đến Tài, cả người bị xẻo thịt phơi nắng giữa bãi rừng lau.  Tôi bảo Hảo đừng kể nữa. Tôi không muốn nghe mà cũng chẳng bận tâm. Tôi nói với Hảo là anh đã hy sinh rồi. Ngay cả cái vật quí báu nhất để truyền giống anh cũng đã hy sinh, thì giờ đây, anh phải được quyền ngồi lại đằng sau. Anh đã yêu nước quá đủ . Tôi la, tôi khóc. Tôi  đấm vào người anh, khi anh ngồi yên lặng như pho tượng, hay đứng bất động bên khung cửa sổ trong trại gia binh để nhìn những con tàu đáp xuống hay cất cánh. Trời ơi phải chi chúng tôi  có một đứa con. ít ra đứa con mới làm mềm lòng anh xuống, chùn bước chân anh lại, kiềm chế con tim và tiếng dục lên đường đến một cõi nào mà ai cũng phải hãi sợ.

Tôi nói trong giận dữ: “Anh ích kỷ lắm. Anh chỉ biết riêng cho bản thân anh. Anh không cần biết những người ở lại. Như cha mẹ anh, và như vợ anh. Anh đâu có hiểu nỗi lo âu đau khổ của họ. Anh cứ viện dẫn mấy chữ tổ quốc, đồng đội, bảo vệ quê hương. Nếu kể đến hai chữ hy sinh, thì chính tôi là người hy sinh hơn ai hết. Tôi hy sinh cả một thời thanh xuân. Tôi hy sinh cả vai trò được làm mẹ. Tôi đã bị cha mẹ, gia đình từ bỏ. Như vậy ai hy sinh hơn ai hết. Cũng vì anh. Để cuối cùng tôi nhận được gì?”

Tôi nói hết, như trút hết tất cả nỗi lòng của tôi.

Nhưng Hảo trả lời như anh đã quyết định từ lâu lắm:

– Chính vì thế mà anh muốn em đừng hy sinh vì anh nữa. Em cần phải có con. Em cần phải được làm mẹ. Em cần phải hưởng cái hạnh phúc mà bất cứ một người phụ nữ nào đều nhận từ Thượng Đế. Anh hiểu em yêu anh, và chưa bao giờ anh lại yêu em như lúc này. Nhưng anh không thể nhìn em vì anh…

Tôi hét lên:

– Nếu anh muốn thế, tôi cũng sẵn sàng chìu lòng anh.

Nói xong, tôi thu dọn đồ đạc trở về quê. Tôi đã trả tự do lại cho Hảo.

 

Phải, tôi đã bất lực. Hảo lại thêm một lần tình nguyện trở lại phi đội ở cao nguyên. Cái tật nguyền mất mát dường như càng làm Hảo hung bạo, hung dữ hơn. Anh lăn xả trên các chiến trường dữ dội nhất. Anh lái thế cho bạn bè mỗi khi họ cần. Những phi vụ hiểm nguy nhất anh đều tình nguyện. Thưa ông, tôi không phải là một người chuyên gia về tâm lý học, nhưng tôi biết một điều là tất cả bắt nguồn từ một hậu quả. Đó là cái hậu quả của chiến tranh. Nó bắt anh phải lao tới, điên rồ lao tới để tìm nỗi quên. Và cũng để trả thù. Cho người bạn đã bị xẻo từng lát thịt, phơi thây dưới đất.

Không ngờ lần gặp gỡ ấy là lần gặp gỡ cuối cùng. Con tàu của Hảo được ghi nhận là mất tích trong một phi vụ kiếm một toán thám báo bị thất lạc trong rừng già Kontum vào khoảng đầu năm 1975. Phi đoàn cho tin và dành cho tôi phương tiện để bay lên Pleiku vào ngày hôm sau. Tôi đã khóc hết nước mắt. Tôi giận Hảo hay thương Hảo. Cả thương và giận. Ngày trước mỗi lần lên thăm anh ở căn cứ, tôi vẫn mang chiếc áo dài màu tím hoa cà, màu áo mà Hảo rất thích. Và bây giờ cũng vậy. Tôi mang lại chiếc áo xưa, mà cõi lòng đứt đoạn. Tôi không thể mang chiếc áo đen như một người thiếu phụ đi nhận xác chồng. Ngồi trong lòng phi cơ, tôi nghĩ là mình đang đi đến một cõi chết. Rõ ràng tôi đã thật sự mất Hảo. Từ đây.

 

Ngày cuối cùng, tôi ngồi trong lòng xe quân đội, thay vì người tài xế là Hảo, hôm ấy, là một người bạn của Hảo. Tôi cắn đến độ bầm cả môi, để cố nén nỗi tủi thân, và đau khổ tột cùng. Nắng trải vàng thắm trên phi đạo, trên những hangar, những hàng rào dây kẽm. Người bạn của Hảo nói như an ủi tôi: “Phi đoàn vẫn tiếp tục tìm kiếm anh ấy. Xác tàu được tìm ra, nhưng không thấy phi hành đoàn.” “Như vậy…?” “Vâng, vẫn còn hy vọng là Hảo vẫn còn sống. Và có lẽ Hảo bị bắt làm tù binh…”

 

Tiếng máy bay quân đội tiếp tục gào xé như thể bừng vỡ cả một thinh không. Chiến tranh vẫn tiếp tục. Và tiếp tục những con người như Hảo lao vào cõi hung bạo. Một con tàu vừa vút bay lên không, tiếng máy dội ầm, và đường khói trắng in đậm trên nền mây xanh. Đàn ông thanh niên thật kỳ lạ. Tôi lại có ý nghĩ này thêm một lần nữa khi tôi đứng trong căn phòng của Hảo. Những áo quần bay bề bộn. Vài cuốn sách. Vài tạp chí bơ vơ. Ở đâu tôi cũng đều thấy Hảo, nghe hơi hườm của Hảo. Một cơn gió bỗng thốc vào khiến tôi phải bật run. Tự nhiên cổ tôi nghẹn lại. Tôi ôm lấy mặt mà nức nở. Không biết tôi khóc cho Hảo hay khóc cho tôi. Từ câu lạc bộ sĩ quan vọng về lời ca của Lệ Thu nức nở qua bài hát: Hôm nay đi nhận xác chồng… Tôi đâu có đi nhận xác chồng sao mà tôi lại đau đớn. Hảo ơi. Hảo ơi. Lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được nỗi mất mát to lớn như thế nào. Mất rồi những lần anh trở về, tôi dọn cho anh một bữa ăn nóng sốt. Mất rồi những buổi anh đèo Honda chở tôi từ Sài Gòn về quê,  đợi phà qua bắc, tôi đã nép vào người anh để tránh gió. Cũng mất rồi những lần anh đau đớn như con hổ sa cơ, khi nhớ lại định mệnh oan nghiệt của mình.

Vâng, ngày ấy tôi đã không hiểu anh, và bây giờ lại cũng không hiểu anh nữa. Tại sao giữa lúc người ta bỏ tiền bỏ bạc chạy nhau đi xin một chỗ không tác chiến, thì anh lại lao vào cõi hung bạo. Hảo, Hảo, em ghét anh, anh chỉ nghĩ đến bản thân, anh không bao giờ nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác. Anh có biết rằng, mấy mươi năm sau, chính những kẻ càng gân cổ hô hào chiến đấu vì tổ quốc, hy sinh, danh dự, trách nhiệm, là những kẻ bỏ chạy trước hơn ai hết không.

Và bây giờ họ đang sống phè phởn ở xứ này, con cháu họ học hành đổ đạt thành tài không? Chỉ có anh là dại. Anh biết không?

 

Xin ông tha lỗi cho những điều tôi vừa viết. Lâu lắm tôi mới được dịp tâm sự, và được dịp trút hết nỗi lòng. Hảo là người tình đầu tiên, người chồng đầu tiên, và người đã cho tôi được nếm bao nhiêu hạnh phúc lẫn đau khổ. Tôi cố quên hình ảnh của Hảo nhưng làm sao mà quên được. Ở đây, gặp lại một số bạn bè của Hảo, thấy họ đầy đủ gia đình vợ con, tôi lại càng cảm thấy tủi thân. Lúc này hầu như tất cả mọi người đều quên hết chuyện cũ. Chỉ có những người trong cuộc mới không thể nào quên được.

Nghĩ càng tủi thân, khi ở Mỹ, chánh phủ đã tốn biết bao nhiêu tiền bạc để đi tìm người mất tích. Mỗi xương cốt tìm ra người ta chở máy bay về, có lính gác, có kèn quân, có buổi lể trọng thể, nhưng cũng có một nơi mà:  Người mẹ Bắc lên non tìm xác. Người mẹ Nam xuống biển tìm con. Thơ của ông đấy. Non và biển làm sao mà tìm được hả ông?

Năm vừa rồi, tôi có về Việt Nam. Bạn bè có giới thiệu tôi đến một ông thầy có linh cơ huyền nhiệm chuyên giúp tìm người mất tích. Ông đã giúp con cháu tìm lại mộ ông bà bị thất tán vì chiến tranh. Ông cũng chỉ dùm những xác cốt bị máy cày máy ủi cày nghiến ở nghĩa trang quân đội cũ. Người ta kể ông là một đạo sĩ. Trước khi Ban Mê Thuột bị mất cả bốn năm tháng ông đã lên thành phố này để đi giữa đường, vừa đi vừa khóc.       Tôi đã được ông tiếp vào một buổi chiều. Ông bắt tôi ngồi trước bàn thờ. Căn phòng tối mờ nồng nặc mùi nhang trầm đầy những hình hay những tượng thần và những hình Bát Quái…Sau khi hỏi tôi về ngày sinh tháng đẻ tên họ của Hảo, ngày Hảo mất tích, ông đã ngồi tịnh một hồi, rồi ông bỗng nhiên oà lên khóc. Chắc Thần linh đã nhập vào ông. Rồi ông hét lên: Ta là Sơn thần cao nguyên trấn, ta không tìm ra hồn ma nào như ngươi cầu xin ta giúp đỡ. Ta chỉ thấy những con thú vật kỳ lạ, nửa người nửa vượn miền Tây vực vất vưởng trong mấy mươi năm cứ thỉnh thoảng hú lên những tiếng thật thảm thiết….

(*) Trung đội – thơ THT

%d bloggers like this: