1.
TRong khi thực hiện dự án Flipbook cho tuần báo Khởi Hành tôi đã đọc được một bài thơ khiến tôi phải xúc động. Đó là bài “Lính thú lưu đồn” của Tạ Thái, đăng trên tuần báo Khởi Hành số 123 cách đây nửa thế kỷ.
Nhà thơ đã thay mặt tôi, nói hộ về thân phận của người lính thú miền cao. Nếu Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi/ Tiêu nốt nỗi sầu cùng gái điếm/Đốt tiền mua vội một ngày vui” thì ở Tạ Thái, không phá phách, khônganh chị như thơ NBS, nhưng thực hiện câu châm ngôn nằm lòng của nhà binh chúng tôi là: “Bạn nhà binh, tình nhà thổ”. Chỉ có cái chung của hai người, và cũng là cái chung của những người lính đánh giặc là xem đồng tiền không có giá trị chút nào. Một đằng là đốt tiền, và một đằng là chẳng cần tiền thối lại. Không phải một hai đồng mà cả 200 đồng – một số tiền khá lớn (hình như lương lính là 700 đồng thì phải):
Xuống núi một lần đi thăm gái
Về đồn nhơ nhớ thịt da thơm
Quên mất hai trăm tiền thối lại
Đến ngày cuối tháng nhịn ăn cơm…
2.
Chúng ta không thể nào quên bài thơ “Cây thông” của Nguyễn Công Trứ:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông
Cụ Nguyễn ao ước được làm cây thông sau khi chết, còn nhà thơ Tạ Thái thì mong được làm tượng đá ngay khi còn sống.
Ta muốn quanh năm làm tượng đá
Đá đứng giữa trời trông núi xa…
.
Cổ tích VN nhắc nhiều đến “Hòn Vọng Phu”, lấy nhân vật chính là người vợ lính chờ chồng, nhưng bây giờ thì khác. Nhân vật chính là người trẻ tuổi, là lính thú thời nay.
Đó là một pho tượng quá sức buồn bã, cô độc:
Không còn người thân xa nhắn gửi
Không có người tình để ước ao
Một pho tượng hẩm hiu đến ứa cả nước mắt:
bao giờ mới hết hai giờ gác
hướng súng mà mơ một dáng người
người gái chưa lần quen với biết
biết làm sao gọi tình nhân ơi
(*) có lẽ lỗi của ấn công. Tôi nghĩ “mà” mới đúng
Một pho tượng đầy lòng nhân bản :
Nhìn mây thấy ta bay lên núi
trên đỉnh bao la giữa tuyệt vời
ta hát ca vang lời nhân ái
chào mừng muôn thú đến reo vui
Dù đã nửa thế kỹ trôi qua, nhưng bài thơ vẫn còn làm người đọc bồi hồi cảm xúc.
Mặc dù những pho tượng thật ở nghĩa trang đã bị triệt hũy, nhưng cần gì, chúng tôi đã có cái pho tượng bất diệt ấy trong tâm hồn mình rồi. Đó là pho tượng của những người đã hy sinh tuổi thanh xuân chấp nhận có mặt ở cõi dữ, núi rừng xa loài người.:
Pho tượng lính thú.