Niềm vui tùy theo người có một quan niệm riêng. TCS thì mỗi ngày cho tôi chọn niềm vui. Ông chọn bởi vì niềm vui quá nhiều. Còn tôi làm gì có nhiều để mà chọn nó cho đẹp cuộc đời. Đêm trắng mắt giữa lòng mật khu. Và ngày thì trưa mới thấy rõ những vách đá vây quanh, thì làm gì mà được cơ hội tìm một nụ hoa cho đời mình… Cũng như bây giờ, cái hoàn cảnh của một lão già có vợ bị liệt bại không thể ngồi dậy, rồi thêm cái con quỉ nhập tràng đã chiếm lấn bộ bán cầu não, thì làm sao tôi có thể chọn cho đời mình một niềm vui ? Cái bát rượu đời của tôi tuổi trẻ thì đầy máu, hay mồ hôi tủi nhục, và bây giờ thì đầy lệ…
May mắn, tôi là nhà thơ. Tại sao nhà thơ đồng nghĩa với nỗi may mắn ?
Bởi vì thơ đi với cái đẹp. Khổ cũng đẹp. Sướng cũng đẹp. Em là gái trời bắt xấu cũng đep. Hay em đẹp như tiên nga cũng đẹp. Dưới mắt nhà thơ, hình ảnh những bông súng trên đầm khổ sai khác với con mắt thường tình. Hay cái thập tự giá trên ngọn đồi sọ ở Kinh Nhà Chung khác với cái nhìn của người thường. Nếu trong những năm tháng làm lính dữ, lạc lỏng trong rừng, nếu những con kiến, lá giang, nước sương, con chuột là những thứ vật chất để tôi có thể áp dụng bài học mưu sinh thoát hiểm, thì nửa đêm vầng trăng lấp ló giữa những cành lá rậm rạp của núi rừng, hay những nụ hoa vàng, hoa đỏ, hỏa hoàng, mọc dại giữa bãi cốt xương, thì làm lòng mình cảm thấy nao nao… Thơ là sự giao cảm giữa giác quan, nhất là đôi mắt và trái tim và bộ bán cầu nảo. Đôi mắt nhìn. Chưa đủ. Phải nhờ trái tim mới có thể rung động. Và cuối cùng qua cái đầu, sữ rung động kia được thăng hoa, vinh danh.
Thơ bắt ta ăn mày vì ta thấy lòng đau:
Thà ăn mày ăn mày ăn mày
Ta thấy lòng đau ta ngữa tay
(Tác giả không biết. Chỉ biết trong Tinh Huyết có những câu thơ như sau:
Thì ăn mày! Thì ăn mày! Ăn mày…
Hồn ta đau quá là ta ngửa tay)
Thơ khiên ta , dù là tên bán cà rem, nhưng chuông ta rung, là chuông gọi hồn :
Ôi những hồi chuông lâu rồi đã tắt
Bỗng hôm nay, thức dậy, ngỡ ngàng
Trên đầu ta, mây trắng thênh thang
Dưới chân ta, vòng xe nhật nguyệt
Chuông đồng leng keng, thay người đào huyệt
Gọi những âm hồn trong buổi đảo điên
Thường thường những người thi sĩ không còn mùi tục lụy trên đầu trên tóc trên dáng người. Hãy nhìn một Bùi Giáng. Người thường thấy ông là quái nhân kỳ dị. Có kẻ cho ông ;à người điên.
Không đâu.
THức ăn phàm tục chỉ tẩm bổ cơ thể, khiến da dẽ hồng hào, bụng mỡ, phì nộn, đẹp lão… Để ta còn chưng trên facebook. Thức ăn xuống bao tử, ruột non, ruột già rồi bài tiết ra ngoài. Còn người thi sĩ thì khác. Thay vì xuống dưới lại lên đầu. Đó là thức ăn do từ thực phẩm ” made of ” cái đẹp, cái chân thiện mỹ.
Ở dưới thì đồ ăn bị tống ra ngoài. Ở trên đầu thì đồ ăn bị tống đi đâu? Hở ? !