Tôi vừa đọc một đoản văn tùy bút rất ngắn của Mai Thảo trên tuần báo Nghệ Thuật số 28 phát hành ngày 23-4-1966. Dĩ nhiên là hay, vì có mấy ai qua mặt MT về thể loại hành văn tùy bút của ông.
Nhưng càng đọc càng thấy nỗi bất hạnh mà thế hệ sau ông phải gánh chịu.
Đoản văn của Mai Thảo mang tên là Băng đồng:
…Lâu lắm, tôi không ra ngoại ô. Lâu lắm tôi không ngồi giữa lúa. Và như cũng đã lâu lắm tôi đã đánh mất những phiến trời xanh biếc của tuổi thơ, lâu lắm tôi không gặp lại mình tuổi nhỏ. Thế giới tôi xưa là những chân đê và những cánh đồng. Con đường nhỏ lượn giữa hai bờ tre cù, lồi lõm chân trâu, nồng nồng bùn đất. Tiếng cu gáy trong trưa chói chang. Tiếng chó, tiếng mèo, tiếng gà, tiếng vịt. Tiếng đòn gánh trong tinh sương mờ mờ bóng đất. Cá đớp mồi dưới từng chân bèo, trồng ngũ liên những mùa mưa bão, kiềng khua của người đi tuần, lộc cộc mỏng đập trâu bò về chuồng, rào rào đá lặn cán lụa trong trắng, lúa chín, trắng sáng, cỏ non, đất nâu, chợ họp đầu đình, cầu đá cuối thôn, khỏi hoàng hôn lượn lờ mái rạ, ngô và thềm, ba gian và hai chái, thế giới tuổi nhỏ của người đó, ở nơi tôi, khi bỏ đi, nhớ và nghĩ lại có như một phụ bạc, một đánh mất, mà mỗi lần nghĩ lại, như chiều nay giữa lúa, thấy cái mình đánh mất lớn lao hiếm quý vô ngần. Tôi nghĩ, càng lớn, người ta càng xa dần hết thảy. Ý thức sáng suốt là biến thể của một trạng thái rừng rưng…
Thế hệ của Mai Thảo (sinh năm 1927) là thế đấy ! Đẹp biết bao. Và cũng hoang đường biết bao.
Còn thế hệ chúng tôi, của những kẻ sinh sau ông 10, 20 năm, thì sao. .
Vâng chúng tôi cũng “băng đồng ” thật, nhưng băng đồng để đi vào vùng tử địa:
Băng đồng, băng đồng đêm hành quân
Người đi ngoi ngóp nước mông mênh
Về đây Bình Định ma thiên lảnh
Mỗi bước đi rờn rợn âm hồn…
(THT – trung đội)
Vâng, chúng tôi có cái thế giới tuổi nhỏ thật, nhưng là một thế giới mà:
còn nhớ không Gia
trong những đêm đen nào
lũ chó mực cất cổ tru thảm thiết bên những căn nhà trụi nóc
rồi theo đó chiến tranh trở về
với chiếc cày lửa và mầm đạn đồng gieo mạ xuống vườn tược của chúng ta
nơi đó mọc lên những thân cây than. và lũ quạ mun ủ rũ đôi mắt tròn số không
còn nhớ gì không!
những người mất đầu vì một quyền văn phạm ngoại ngữ
những người bị mổ bụng vì mặt biên áo trong có in ba màu
những đứa con gái 10 tuổi bị phá trinh
những bà lão sáu mươi bị hãm hiếp
lưỡi dao dài phạt ngang
huych! chiếc đầu bạc rơi xuống như quả dừa khô
còn nhớ không Gia !
đứa trẻ sơ sinh nào chết cứng trên đôi vú
xanh của người đàn bà phọt óc
Tiếng tru thất thanh của thời gian chó má
từng bầy từng lũ bị đập đầu
hy sinh cho cách mạng đi vinh hạnh thay
lũ chó !
những con chết hụt trung tính chạy về
chủ lại mang chúng đến đoạn đầu đài
đòn cây giáng xuống
con mắt văng ra rơi trên nền đất cứng
con mắt kia vẫn không ngớt phóng ra lời kêu cứu người chủ thâm tình !
(Kiệt Tấn – dòng sông và con thuyền hai mươi tuổi, tuần báo Nghệ Thuật số 10)
Hai thế hệ, dù triệu triệu bộ não có lối suy nghĩ cá nhân, nhưng có cùng một mẫu số chung là lịch sử.
Trong khi ông và những nhà văn nhà thơ ở SG quay mặt với lịch sử, việc cớ cái đẹp là trường cữu, là vĩnh hằng, thì ngay ở trên Nghệ thuật số 28 phát hành vào năm 1966 này, đăng bài thơ của Huy Tưởng (sinh năm 1942) và Trần Dzạ Lữ (sinh năm 1949), như là hai tiếng kêu trầm thống ai oán của tuổi trẻ VN:
Ôi, non sông ta gấm vóc mà sao khán giả là tiếng khóc. Người thơ làm bài thơ lúc ông mới 17 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải đầy những mộng ước sáng ngời..
Ôi, hai mươi năm, sao không happy birthday mà cứ bơi hoài bơi mãi, không phải bằng hai cánh tay rắn chắc của tuổi trẻ mà bằng hối tiếc, giận hờn, hoài nghi, tiếng khóc !
Kết luận:
Băng đồng của Mai Thảo là một bài tùy bút tuyệt vời, nhưng nhìn lại, nó lạnh lùng vô tình trước lịch sử cái lịch sử mà tuổi trẻ chúng tôi gánh chịu như chúng tôi trích từ thơ Kiệt Tấn, Huy Tưởng và Trần Dzạ Lữ.
Tác phẩm của ông không đi vào lòng người nhiều, không tạo ra một dấu ấn sâu đậm vào tâm trí người đọc, cũng không giúp cho người đọc được học hỏi một vài điều gì đó về nhân sinh, lịch sử…
Trái lại, nhà thơ Tô Thùy Yên sở dĩ được nhắc nhở nhiều, không phải vì ông là một nhà thơ chính của nhóm Sáng Tạo. Mà được nhắc nhờ những áng thơ bắt nguồn và khởi dậy từ niềm đau của lịch sử mà thế hệ chúng tôi là nạn nhân chánh.
(Mời đọc “nhà thơ Tô Thùy Yên, Sáng Tạo và hậu Sáng Tạo”)