Ghi vội (7): Dự án

Tôi có thói quen thức dậy vào khoảng 2 giờ sáng.  Đầu tiên là thử cặp giò của mình. Thấy không sao, từ gout đến khớp, lòng chợt dấy lên một niềm cảm tạ. Và để đổi lại là ngồi lại trước màn ảnh computer.
Để tiếp tục cho một dự án về văn chương.
Dự án văn chương ? Sao lại là dự án ?

Thứ nhất nó là một việc mình cần phải hoàn thành với nhiều công sức đổ ra cho một yêu cầu nào đó.
Tôi nhớ thời tôi làm cho IBM và AT&T như là một project leader. Thường thường một dự án đòi hỏi nhiều nhân lực, nhiều tài nguyên, và thời gian. Nó giống như một cuộc hành quân. Nào là tiếp liệu, tiếp vận. Nào là ngày N. Nào là quân số…
Ở  đây, không có đại đội, tiểu đoàn, nhưng chỉ có cái nhóm vài người. Mỗi người có phần việc riêng. Người lo viết program. Người lo test. Rồi từ development, đến test rồi production. Bao nhiêu việc phải làm.
Như vậy, dự án đòi hỏi nhân sự. Không thể một mình để hoàn thành cái gọi là dự án.
Vây mà tôi chỉ có một mình, bây giờ. Tôi chỉ có một  mình với hai ngón tay gõ. Và tôi bảo là tôi đang  thực hiện một dự án. “vực dậy di sản văn chương miền Nam”. Bởi vì tôi hiểu là công việc sẽ rất gay go,  cần phải có nhóm, cần phải có sự trợ giúp, cần phải có tài lực… Còn tôi thì một mình. Phải  bỏ tiền ra để mượn sách báo ở thư viện Cornell. Phải scan từng trang. Phải layout, tẩy xóa,  để làm trang scan được đọc mát mắt… Phải học cách làm flipbook….  Đó là cái dự án cần sự góp sức của nhiều người… Nó là một dự án lớn.
Nhưng mà mấy mươi năm qua, vẫn chưa thấy bộ Sáng Tạo hay Vấn Đề có mặt.   Thờ ơ hay là không có điều kiện. Nó  hấp hối thì cho chết luôn. Cần gì quan tâm  chứ ?
Để rồi, một hôm tự nhiên cái máu thám kích  cọng vào cái máu của một project leader của IBM  bỗng  chảy  mạnh trong người. Khiến ta ngày đêm vùi  đầu cùng từng trang  chụp.  Hai ngón gõ muốn chai, lưng đau, mắt có khi mờ. Vậy mà lòng lại dấy lên niềm vui không tả khi từng trang từng trang được đổi thành dạng pdf để sau đó  biến thành flipbook…
Ngày xưa, làm xong một project cả nhóm được boss thưởng, kéo nhau đi ăn, hay khắc bảng đồng tặng. Có khi thưởng vài ngàn đô la, hay được mấy ngày nghỉ dưỡng sức. Nhưng bây giờ cái phần thưởng ấy thật to lớn gấp trăm ngàn lần…  Ngày xưa chỉ có  khách hàng cần. Nhưng giờ đây thì cả một thế hệ cần. Nếu họ muốn biết hay muốn tìm hiểu về văn  học miền Nam. Để họ thấy miền Nam đã sản sinh ra một nền văn học lẫy lừng như thế nào.

 

%d