viết vội… ghi vội (1)

1.

Hiện tủ sách di sản văn chương miền Nam có những tạp chí  và tác phẩm văn học sau:

1. Sáng Tạo (đủ bộ)

2. Vấn Đề (đủ bộ)

3. Hiện Đại (dủ bộ)

4. Văn Nghệ (đủ bộ)

5. Lược đồ về văn học VN (2 tập, thượng và hạ) của Linh Mục Thanh Lãng (Trình Bày xb dày 1700 trang)

6. Khởi thảo văn học sử VN: Văn chương chữ Nôm của Thanh Lãng  (Văn Hợi xb, in lần 2, , 226 trang

7. Việt Nam Văn học Nghị Luận của Nguyễn Sỹ Tế, Trường sơn xb năm 1962 dày 195 trang

Quí bạn nào cần cho chúng tôi biết để chúng tôi khởi công sao chụp in ấn, vì việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức và nhân lực (vì chỉ có một mình tôi làm).

Chúng tôi dám làm để vực dậy di sản văn chương miền Nam trong suốt 15 năm qua , thì chắc chắn cũng có những vị  sẵn sáng đồng hành với chúng tôi giúp chúng tôi thực hiện hoài bảo,   dám sẵn sàng bỏ tiền mà chẳng cần câu hỏi để giúp chúng tôi  sắm máy móc tối tân hơn, hay máy cắt tự đông thay vì máy cắt bằng tay như hiện nay…trong khi tuổi tác chúng tôi càng cao, sức khỏe càng yếu!!!

2.

Sáng nay, đánh máy xong một truyện ngắn của Hoàng NGọc Hiển, dành cho số chủ đề “Tưởng Niệm nhả văn Hoàng Ngọc Hiển”.

Tác giả nhắc nhiều đến đại đội 399. Cũng như tôi cứ viết hoài về đại đội 405 thám kich. Tại sao? (Có dịp tôi sẽ viết về đề tài này)

Xin mời đọc một đọan trongTruyện “Ngã Ba Cầu Cần Lê” của HNH, tả lại đêm chờ “tử chiến” – đêm 29/4/75-  tại Lộc Linh của đại đội 399 ĐPQ:

………………………………….

“Còn chuẩn úy Hùng thì sao ?”.

“Tôi … Quê tôi ở gần Cồn Phụng. Gần chổ ông Đạo Dừa đó. Quí vị đã biết ông tục danh Nguyễn Thành Nam, tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp về Việt Nam đầu thập niên 1960, đi giảng thuyết đây đó. Ông chỉ sống  bắng nước dừa. Ông dựng một cái am nhỏ, gọi là cốc ở trên một thân cây dừa để tĩnh tu. Năm 1963, ông lập một cái đền nổi trên một xà lan, cắm sào ở Cồn Phụng. Con thuyền , ông gọi là con thuyền cứu rỗi. Có khi ông gọi là thuyền bát nhã. Có lúc ông gọi là thuyền Prajna. Đứng ở sân nhà tôi, có thể nhìn thây bóng dáng con thuyền ấy thấp thoáng mấy cây dừa. Đã có lúc, tôi muốn mặc áo nâu đi theo ông Đạo Dừa. Nhưng nào tôi có được chọn lựa? Dòng đời đã đẩy tôi ra khỏi quê tôi. Tôi nhập trường Bộ Binh Thủ Đức năm 1973. Ra trường, tôi chọn Tiểu Khu Bình Long, về đại đội 399, lưu lạc từ đó đến nay, chưa một lần tôi trở về thăm quê. Tôi cũng không có kỷ niệm gì đáng nhớ ở đó… Có nhớ chăng là nhớ dòng sông và con thuyền ! Cuộc đời là dòng sông. Ta chỉ thuyền. Vì là con thuyền, nên ta lênh đênh mãi trong cuộc đời ! Làm sao yên ?”.

Chúng tôi vẫn lặng lẽ hút thuốc, uống cà phê. Đại úy Bộ có vẻ trầm ngâm suy nghĩ hình ảnh con thuyền và dòng sông.

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng Tư năm 1975 trôi đi đều đặn như tiếng tíc-tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường. Chợt có tiếng chim rừng kêu. Chú hạ sĩ quan truyền tin Phú có vẻ hơi hốt hoảng:

“Tiếng chim gì kêu vậy? Chim cú phải không? Chim cú… ?”.

Quả thật có tiếng chim cú kêu. Giữa đêm khuya, có tiếng chim cú kêu, nghe rờn rợn thế nào ! Nhưng chỉ vài tiếng, rồi mất hút. Phú nói tiếp:

“Đích thật tiếng chim cú kêu! Có điềm, có điềm… Đại úy ! Em gọi mấy thằng bạn xem sao ?”.

Đại úy gật đầu. Phú mở máy.

“Đứa con thứ ba, mầy đang làm gì? Có nghe tiếng chim cú kêu không ?”

“Có, gần đây, nghe rất rõ. Nó bay đi rồi ! Không có gì đâu ! Tang tảng sáng rồi !”

“Ấy, rắn thường chui ra khỏi hang vào lúc  mờ sương sớm.Thứ răn độc ấy  tinh khôn lắm.  Mày biêt không? Cân thận đó !”

“ Biết rõ… súng bọn tao có thần Núi yễm trợ. Yên chí đi !”

“ Lúc này đang động rừng! Thẩm quyền ba mai nhắc nhở,  không được coi thường! Gió nổi ,  cây khô gẫy,  để ý xem rắn có bò về không ?” .

“Nhận rõ, có gió , có cây khô gẫy, có chim rừng kêu nhưng bọn tao quan sát kỹ, không thấy rắn độc xuất hiện. Hẹn mai về phép, uống cà phê Tài Ký”.
Phú tắt máy. Nó vẫn bị ám ảnh bởi tiếng chim cú kêu:

“Cổ nhân bảo chim cú kêu là nó sẽ lấy đi mạng sống của một người nào đó !”.

Để xua tan nỗi ám ảnh đó, tôi dụi điếu thuốc xuống cái gạt tàn, vỗ vào báng súng. Các bạn tôi vỗ tay. Hễ tôi vỗ vào báng súng, các bạn biết ngay là tôi đã nổi hứng ngâm bài “Hồ Trường”  của Nguyễn Bá Trác. Đại úy Đại Đội trưởng phụ họa, gõ tay xuống bàn… Tôi cất giọng hào sảng:

Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cột

                              phù cương thường

Sao lại tiêu dao bốn bể lưu lạc tha hương?

Trời Nam nghìn dặm thẳm,

            mây nước một màu sương

Học không thành, công chẳng lập,

               trai trẻ bao lăm mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:

Trời đất mang mang, ai là tri kỷ?

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường

Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót vê đâu?

Rót về Đông phương, nước bể  Đông chảy xiết sinh cuồng loạn

Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan

Rót về Bắc phương, ngọn Băc phong vi vút, đá chạy cát dương

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt,

      có người quá chén như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say?

Chí ta ta biết, lòng ta ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây ?”.

 

Trong đêm tiền đồn heo hút, xa xôi, quanh là những cánh rừng mênh mông, trải dài tận biên giới Việt Miên, tiếng ngâm Hồ Trường hào sảng của tôi vọng lên, cho đến lúc dứt tiếng, chính tôi còn nghe âm vọng của nó từ xa dội về. Tôi nhìn mọi người… ai cũng nhắm mắt  hết cả. Có người đã gục xuống bàn, có lẽ đã thiếp ngủ. Mí mắt tôi cũng từ từ sụp xuống… Lúc tôi bừng mắt dậy, trời đã hừng sáng!

(trích từ truyện Ngã Ba Cầu Cần Lê, trong tập truyện Em có về Cồn Phượng, Hương Cau xb 2013)

%d bloggers like this: