Em có về Cồn Phượng

 

Tôi đã tìm ra được  tập truyện “Em Có Về Cồn Phượng” của Hoàng Ngọc Hiển. Suốt mấy ngày nay tôi lục lạo, tìm kiếm. hay động não cố nhớ là tôi đã cho ai mượn hay tặng ai, nhưng đành chịu thua. Nhưng vào lúc 3 AM, tôi bỗng tìm thấy nó giữa kệ sách. Bắt nó như bắt vàng. Tôi rất cần cho chủ đề về nhà văn Hoàng Ngọc Hiển.

Và chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ là tôi đã đánh máy xong truyện ngắn mang tên tựa đề này. Cám ơn OCR Google. Thất tuyệt vời.
Và tôi cũng nhận được những trang của truyện Quốc Lộ 13 của Hoàng Ngọc Hiển đăng trên Văn số 127 năm 1969, do thư viện đại học Cornell chụp sao và gởi theo yêu cầu của tôi. Đây là một truyện ngắn rất quan trọng, vì theo như người thân của nhà văn quá cố HNH, tập truyện Quốc Lộ 13 đã được chú ý rất đặc biệt trong kỳ chấm giải văn chương của Văn Bút VN trước 1975.

Tôi đang lợi dụng thì giờ rảnh để làm. Đối với tôi lúc này thì giờ là vàng là ngọc. Bởi vì lúc này Y. đang chịu đựng khổ nạn thay tôi. Để tôi có thì giờ chú tâm vào việc làm của mình.

Hoàng Ngọc Hiển là nhà văn cùng lứa với tôi. Ông sinh cùng năm với tôi – 1942. Trước 1975, tạp chí Văn xb tập truyện “Quê hương lưu đầy” của ông, và trả tiền tác quyền đến 5000 đồng – một số tiền không nhỏ vào năm 1969. Ông là giáo sư trung cấp, động viên khóa 25 Thủ Đức. Ra trường đậu rất cao, nhưng lại tình nguyện phục vụ tại Bình Long, An Lộc ở một đơn vịkhét tiếng là “đánh giặc giỏi” ( địch ra giải thuởng cả triệu đồng cho một cái đầu sĩ quan). Đó là đại đội 399 DPQ.  Sau đó, ông được biệt phái trở lại giáo chưc và được bổ nhiệm làm giáo sư trung học ở CÔn Sơn. Ông dạy triết, Sữ địa. Sau 1975, sau khi ra tù cải tạo, ông lại nhập vào một tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền. Bị bắt. Trong số 6 người bị kết án, 3 người bị tử hình. Riêng ông bị kêu án 20 năm.

Ông và gia đình  định cư tại Mỹ vào khoảng 1995. Làm nhiều job. Nhưng job lâu bền nhất là làm thư viện. Ông mất đột ngột  vào khỏang cuối năm 2014. Có điều buồn là ít ai, hay chẳng có nhà văn, nhả thơ, hay độc giả nào nhắc đến ông, trừ một bạn trẻ, rất trẻ ở trong nước, với một đọan văn ngắn trên Blog của cô (Blog Phayvan), và tạp chí Thư Quán Bản Thảo.

Để chứng tỏ về tài năng dựng truyện, kiến thức của ơng về lịch sử, chúng tôi xin trich một đọan mà chúng tôi vừa gõ bằng một ngón tay từ truyện ngắn EM CÓ VỀ CỒN PHƯỢNG ? (Tập truyện xb năm 2013, tìm ở Mỹ không còn. Chỉ thấy ở thư viện COrnell):

…Chợt một con thuyền máy chạy qua, tiếng máy vô tình làm vỡ phút im lặng của chúng tôi. Dòng sông nổi sóng nhẹ. Vài đám lục bình giạt trôi bên bờ kia. Tôi vẫn im lặng. Để trở lại không khí bình thường, Hoàng Việt hỏi tôi:

“Thưa thầy, thầy có nghiên cứu về ấn kiếm nhà Nguyễn? Kỳ tới, thầy nói về ấn kiếm nghe. Thầy thích kiếm hay ấn ?”.

“Tôi không thích ấn kiếm. Bởi không thích quan quyền. Tôi chỉ thích “cổ”, tức là thích trống !!! Tôi thích tiếng trống lắm! Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh người xưa gõ chậu sành mà ca cho cuộc đời vui ! Cuộc đời này có gì buồn? Có gì vui? Tôi ưa thích nhất hình ảnh người lính đánh trống trận thúc quân thuở loài người còn chinh chiến trên lưng ngựa !”.

“Trống trận là trống gì, thưa thầy”, Hoàng Việt hỏi.

“Trống trận là trống thúc quân của người xưa. Trong truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du có câu: “Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân”. Em tìm lại xem, đó là câu thứ mấy, tôi quên mất rồi. Người xưa gọi cổ là thứ trống lớn. Người lính đánh trống trận phải đem hết tâm hồn của mình vào, đánh thế nào kích động được tinh thần chiến đấu của toàn quân, mới được gọi là giữ chân kích cổ. Trong Chinh Phụ Ngâm, tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm cũng nói đến trống. “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt”. Và: “Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống. Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay”. Còn nữa, “ôm yên gối trống đã chồn. Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh”! Cồn rêu xanh, chứ không phải Cồn Phượng!!!”.

Hoàng Việt cười, nói:

“Từ nay, em và thầy gọi cồn này là Cồn Phượng, nghe thầy”.

“Ừ, đồng ý.

“Chỉ riêng em và thầy thôi”

“Ừ, đồng ý”.

“Thôi, em đi đây”.

“Em đi đâu ?”

“Em đi ra với bạn em. Không thì tụi nó lại chọc em, bảo rằng em yêu thầy! ”, nói xong Hoàng Việt chạy đi liền.

Một thời gian sau, tôi rời khỏi tỉnh lỵ Long Xuyên, đến dạy học tại một tỉnh lỵ khác. Chẳng bao lâu sau, lên đường nhập ngũ Khóa 25 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường, ôm yên gối trống ở một miền rừng heo hút. Sau tháng Tư 1975, đi tù cộng sản hơn mười năm. Rời khỏi quê hương sang Hoa Kỳ định cư giữa thập niên 1990. Tính đến nay, khoảng nửa thế kỷ, tôi đã xa Long Xuyên, chưa một lần trở lại.

Suốt một thời gian dài lận đận, tôi quên phứt “Qui y kiếm”. Mãi cho đến bây giờ, bước qua tuổi thất thập, tôi mới nhớ ra Qui y kiếm. Tìm đọc nhiều sách sử, tôi chỉ tìm biết được rằng vua Gia Long có một cây kiếm nạm ngọc, cán bằng sừng tê giác, cây kiếm này bị người Pháp lấy mất trong vụ cướp phá cung điện nhà vua, sau vụ bạo động ngày 5 tháng Bẩy l885 ở kinh thành Huế. Pháp gửi đến Huế viên tướng Roussel De Courcy làm Tổng Chỉ Huy Lực Lượng Pháp tại Việt Nam. De Courcy hống hách ngay từ hôm đến Huế ngày 3 tháng Bẩy 1885. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết bất mãn, bất ngờ tấn công đồn Mang Cá, nhưng thất bại, dẫn đến vụ quân Pháp cướp phá hoàng cung, lấy đi rất nhiều vàng bạc, kim cương, ngọc trai, đá quí, đồ nữ trang nạm kim cương… Viên Khâm Sứ Pháp tại Huế là Rheinart đã chứng kiến vụ cướp phá này. Tôi đặc biệt chú ý đến một vật quí bị cướp, đó là cây kiếm chuôi nạm ngọc, cán bằng sừng tê giác. Tôi tự hỏi, phải chăng đó là cây “Qui y kiếm”? Tôi tin rằng nó chính là cây “Qui y kiếm”. Bây giờ đã lưu lạc về đâu? Dẫu sao tôi chỉ biết được đến đó.

Tôi muốn gửi chi tiết này cho Hoàng Việt, để đổi lấy địa điểm Chúa Định bị bắt. Nhưng nửa thế kỷ đã trôi qua, Hoàng Việt bây giờ ở đâu? Cô có bao giờ về Cồn Phượng giữa mùa hè, để ngắm hoa phượng nở đỏ rực Cồn Phượng hay không? Ôi hoa phượng, hình ảnh của mùa hè, hình ảnh của tuổi học trò, của tuổi hoa niên thuần khiết ấp những ước mơ tuyệt vời! Hình ảnh ấy không còn nữa đối với tôi. Nhưng với Hoàng Việt thì sao? Tôi nợ Hoàng Việt một câu trả lời. Nhưng Hoàng Việt cũng nợ tôi một câu trả lời. Phải chăng chúng ta còn nợ nhau? Hay huề , không còn nợ nhau gì cả? Ôi Cồn Phượng của tôi và của Hoàng Việt ! Hiện giờ em ở đâu? Em có về Cồn Phượng? Tôi đã đánh mất hạnh phúc của mình và của người xưa ấy? Bây giờ chỉ còn biết cầu mong cho người luôn được bình an. Chút tình xưa , không biết ai đó có còn giữ lại được chút gì để nhớ? Để đôi khi bồi hồi? Hay đã vùi chôn ở bên Cồn kia hết rồi? Hoặc là hai ta gặp nhau trong thoáng ấy, bởi duyên nợ chỉ có chừng ấy? Rồi mỗi người, sau đó, phải ra đi để trả nợ nghiệp đời riêng ? Tôi là con thuyền xa bến cũ, viễn xứ xa xôi, vẫn còn nặng chút tình xưa?

 

Chiều nay, tôi nhớ da diết Cồn Phượng, dẫu chưa một lần được ngắm hoa phượng nở ở đó. Sao em lại ngỏ lời không đúng mùa phượng ? Phải chăng đó là điềm báo trước tình yêu không nảy nở, không thành tựu? Ôi chao tình ta chỉ xanh ngăn ngắt mầu lá, rồi chìm dần trong bóng chiều, chìm sâu dưới dòng sông sâu sóng biếc? Hỡi em… Em có về Cồn Phượng?

%d bloggers like this: