Mấy ngày nay tôi bị cúm. Ho dữ dội. Ho đến ngực thốn, đến mắt hoa, cay xè. Và mỗi lần cảm thấy cổ như cồn cào, báo hiệu cho một trận ho mới, thì tôi bụm miệng chạy ra khỏi phòng. Người cùng phòng với Y. là một bà lão 85 tuổi, rất khó tính. Bà vẫn còn mạnh khỏe, đi đứng, làm vệ sinh một mình. Bà nhắc khéo ” Khi tao ho, đừng nghĩ là tao bị cúm đâu”. Câu nói có ý ám chỉ về những cơn ho không thể kiềm chế của tôi khi cha9m sóc Y.
Bây giờ tôi không còn hy vông mang Y. về nhà như lần stroke đầu. Bây giờ tôi muốn Y. được ở đây. Ở trong một nơi mà nỗi buồn nhân sinh như cứa tim người ra trăm mảnh. Một viên thuốc có thể chấm dứt nỗi buồn này nhưng tại sao con người lại không can đảm.
Nhiệm vụ của tôi bây giờ là giúp Y. ăn uống. Sáng, trưa và chiều. Y. không thể tự một mình. Và mỗi lần nói là mỗi lần tôi phải kê sát tai. Y. nói rất nhỏ. Thều thào, khó nghe. Vằ tiếng còn tiếng mất.
Trong thời gian này, tôi ngồi bên cạnh Y. và mỗi lần ho là mỗi lần ào ra ngoài cửa phòng bụm miệng và ho rũ rượi.
Sau buổi ăn chiều, tôi trở về nhà, mang theo đồ dơ để giặt. Và chúc Y. ngủ ngon.
Tôi chúc Y. nhưng tôi biết là sau khi tôi ra về, Y. sẽ có đêm mất ngủ. Tôi biết rõ, giờ nào Y. đi vệ sinh, giờ nào Y. cần thay tả, để mình mẩy khỏi nhơ nhớp khó chịu và để tiếp tục giấc ngủ. Nhưng bây giờ không có tôi, thì ai lo đây. Mọi sự làm sạch sẽ người bệnh đều được làm vào buổi sáng.
Tôi chúc Y. và cũng chúc tôi, Chúc đầy đủ nghị lực để mà sống. Chúc tôi được quên khi ở một mình cùng căn nhà trống trải, bề bộn. Tôi chẳng buồn dọn dẹp. Chẵng buồn tháo giày khi ngủ. Chẳng buồn bắt điện thoại. Chẳng buồn trả lời Email. Bao nhiêu cơ nghiệp mà chúng tôi cố tạo nên bây giờ như thế này ư. Những cuốn sách viết về Tây Tạng mà Y. rất thích nằm trơ vơ. Những tập san, tạp chí gởi về tôi chẳng buồn mở. Tôi đến bên giường Y. ngồi rồi sờ rồi mó. Tôi nhìn lên kệ, bao nhiêu lọ thuốc trưng bày, không còn mỗi ngày tôi lấy ra để cho Y. uống. Rồi chiếc xe lăn. Nó đó và người ở đâu ?
Tự nhiên nước mắt tôi lại chảy. Mặn và ngọt lẫn lộn. Mặn vì cay đắng. Nhưng ngọt vì nó giúp tôi vơi đi nỗi buồn như tảng băng.
Bây giờ tôi muốn quên. Có thể lao đầu vào sòng bạc casino. Bao nhiêu người già đã tìm đến nó để mà quên tuổi già của họ. Tôi hơn thế nữa. Quên tuỗi già và quên thãm kịch khổ nạn mà người bạn đời hai năm rưỡi nay đã gánh và tiếp tục gánh.
Nhưng tôi không thể. May mà tôi còn có văn chương cứu trợ tôi lúc này. Tôi còn máu huyết của một tên lính thám báo âm ỉ trong máu huyết tôi lúc này.
Vì vậy, tôi quyết định làm TQBT số 65. Tôi chi gởi một vài người thân để nhờ họ đóng góp. Nhưng thú thật, tôi biết là họ rất khó khi đọc thư mời. Hoàng Ngọc Hiển là ai? Chưa bao giờ đọc HNH sao mà viết. Nhưng mà tôi muốn là tôi làm. Tôi sẽ làm như làm những số giới thiệu Phùng Thăng, Hiện tượng văn chương nữ giới, giới thiệu Khởi Hành và tôi, hay Giới thiệu Sáng Tạo. VănViet blog đã xin phép tôi đăng lại Thơ Từ Sáng Tạo. Ông Trần Thanh Hiệp đã năn nỉ tôi xin những cuốn như Tuyển tập Sáng Tạo, Thảo Luận Sáng Tạo, Thơ từ Sang Tao, và TQBT về ST. Tôi đã chứng minh là tôi có thể làm được như một sinh viên tốt nghiệp đại học lúc 47 tuổi, đã đánh bạt những sinh viên bản xứ khi AT&T đến campus trường phỏng vấn…
Và đây là bằng chứng một tác phẩm nữa thành hình. Nó là người bạn thiết giúp tôi quên trong thời gian tuyệt vọng nhất của mình: