Theo em…đứt ruột

Sáng ngày chủ nhật, tôi đưa Y. đi IKEA. Y. vẫn thích cá Salmon ở đấy. Và tôi đã hứa với Y. là tôi sẽ mang Y. đi. Dù mỗi lần mang Y. xuống và lên bốn bậc tam cấp là cả vấn đề. Phải ôm cả chân trái như ôm khúc gỗ để di chuyển xuống hoặc lên đồng hành cùng với chân phải may mắn còn có thể bước. Ngày chủ nhật xe vắng, đường vắng, bông hoa và lá và trời trong xanh khiên Y. luôn luôn nói là vui quá. Y còn nhắc tôi coi chừng đổ xăng, hay nhắc chừng đừng chạy nhanh quá… Chúng tôi phải mất gần một giờ mới đến IKEA. Chủ nhật nên vắng xe ở parking.

Tôi lấy xe lăn từ sau trunk, và tìm cách giúp Y. ra khỏi lòng xe, bằng cách vịn vào cửa kính, rồi mang hai chân của Y. ra ngoài, để Y. có thể đứng. Sau đó cho Y. ngồi trên xe lăn và đẩy vào IKEA. Nhà hàng ở tầng hai nên chúng tôi phải dùng thang máy.

Tôi tìm một cái bàn khuất nhưng xung quanh trống trải cho chiếc xe lăn của Y. Sau đó vào nhà hàng. Tôi gọi hai dĩa Salmon, một dĩa meatball, một ly nước ngọt cho Y. và một cốc cà phê cho tôi …   Y. ăn rất ngon, khen hoài. Nhưng không ăn hết kêu tôi ăn tiếp. Hai vợ chồng già ngồi đối diện nhau. Một người ngồi xe lăn, Một người ngồi trên ghế. May mắn tay phải của Y còn tốt nên Y tự ăn một mình không cần tôi giúp. Thỉnh thỏang tôi lấy Iphone ra xem, và kể cho Y về những tin tức. Y. rất thích nghe những chuyện thời sự. Y. cũng dục tôi gởi tiền giúp Nepal, nhưng tôi thắc mắc tại sao lại ghi Bên Ta có em… Nepal là Nepal. Tại sao phải ghi Bên ta có em chứ ? Y. có vẽ xuôi tai trước những lý luận này. Sau đó, chúng tôi dọn bàn, dòn dĩa làm vệ sinh chỗ ăn. Y. rất cẩn thận về vụ này. Trước khi rời bàn phải làm sạch sẽ bàn mới được. Cái tánh thương người không những thương người bất hạnh mà còn muốn giúp đỡ người khỏi tốn công tốn sức vì mình.

Sau đó tôi đẩy xe đưa Y. đi rão khắp khu trưng bày bàn ghế phòng ngủ phòng ăn. Một chiếc xe lăn chở mợt ngườii già đi bên cạnh những xe chở con nít, chúng tôi hòa nhập vào đám người đi mua sắm. Tôi biết là Y. rất vui. Tôi cũng vậy. Đây là dịp tôi đền đáp lại tấm lòng mà Y. đã dành cho tôi khi chúng tôi  trở thanh vợ chồng. Nhất là lấy một người lính tác chiến thêm là nhà văn nhà thơ như tôi.  Lính tác chiến thì dĩ nhiên phải vào sinh ra tử, và sống xa vợ ở với núi rừng. Còn nhà văn nhà thơ thì chỉ biết đến những bóng hình khác, ca ngợi nào là mái tóc hay đôi mắt của ai… Chấp nhận bằng tất cả chịu đựng và thông cảm. Rồi đến 4 năm tù tội, phải phần lo nuôi con lo lặn lội thăm nuôi chồng…

Tôi đẩy xe đi mà lòng dâng lên những niềm vui nho nhỏ. Ít ra hôm nay, được cơ hội mang Y ra khỏi cái giường bệnh, giúp một người bị liệt chân liệt tay, để có mặt trong một thế giới khác đầy sống động mà ngày chưa bị bệnh Y. đã từng có mặt… Dù không phải dễ gì để mang một người bệnh vào chiếc xe nhỏ hẹp của mình. Dù lưng muốn cụm, tay muốn rả… Ngườii ta có xe van, nhà có ramp, và xe có máy tự động mang xe lăn vào lòng xe… Còn tôi thì không có gì hết. Ngoài trừ tấm lòng và chiến thuật … đánh giặc theo kiểu nhà nghèo.

Sau đó tôi lái xe về nhà. Giúp Y ra ngoài xe,  đẩy xe lăn tới thềm tam cấp, và giúp Y. bước lên bốn bực thềm. Y. làm thành thạo. Tay phải vịn vào lan can. Chân phải bước lên trước. Còn chân trái thì để phần tôi lo.Khi bước vào  cửa chính, có một xe lăn khác đợi sẵn. Tôi lại giúp Y ngồi vào lòng xe lăn và đẩy đến giường, giúp Y nằm lại chỗ nằm cũ.

Đối với tôi, những việc này quá quen nên chẳng tốn sức bao nhiêu. Đó là nhờ tay phải, chân phải của Y không bị liệt, còn mạnh. Đó là nhờ Y. còn lạc quan cứ tin một ngày mình sẽ hồi phục. Dù không phải dễ dàng gì để nâng cả một khúc cây hay một tảng nước đá nặng gần trăm pound để thay quần thay áo thay tả hay thay drap….

Và bạn thấy đó, cũng vì quá quen nên trong thời gian qua, TQBT đã liên tiếp ra đời, mỗi số dày từ 330-360 trang. Y. ở nhà trên, tôi thì ở dưới hầm. Y. xem TV nghe nhạc, và nhất là nói chuyện với bạn bè qua điện thoại. Khi Y. nói, không ai tin là Y, bị căn bệnh  là stroke vổ đến mà để lại cái hậu quả khắc nghiệt. Mỗi lần cần tôi thì Y. bấm chuông wireless. Còn tôi thì biết rõ nhiệm vụ mình.   Khi nào làm vệ sinh. Khi nào giặt quần giặt áo. Khi nào đi chợ. Giờ giấc được phân chia, niềm vui cũng được phân chia. Vui được nhìn Y. ăn được ngủ được, độ thử đường xuống một cách rõ rệt. Vui được thấy những cuốn sách lần lượt ra đời từ sự khốn khó của mình.

Vui khi nhận được cú điện thọai của anh NHQ từ CALI cho biết là tuần đến anh sẽ gởi toàn bộ tạp chí Văn Nghệ, Hiện Đại được lưu trử trong USB, và thêm cái check ủng hộ TQBT. Lúc ấy lá 1 PM ngày chủ nhật. Tôi mang niềm vui kể cho Y. nghe. Y cũng vui lây. Sau đó tôi xuống hầm tiếp tục làm việc. Tôi đã sắp hoàn tất tập truyện cuối cùng của tôi sau Truyện THT từ Văn, truyện THT từ Bách Khoa, Truyện THT từ Vấn Đề. Lần này là Truyện THT từ Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức Trình Bày Nghiên Cứu Văn Học và Văn Học. Sách dày gần 300 trang.

Bỗng tôi nghe Y. gọi tôi thay vì  bấm chuông. Tôi chạy lên thì Y. nói là tự nhiên tay phải quơ không được. Tôi hõang kinh. Lại bị stroke nữa rồi. Lần này stroke lại nhắm vào tay phải mà đánh. Tôi gọi 911. Xe cưu thương đến. Nhưng sau đó Y. lại cầm nắm và đi động tay phải được. Chân phải cũng vậy. Hình như mọi sự trở lại bình thường, dù bây giờ tay phải yếu hẳn.

Nhưng sau khi xe cứu thương ra về thì Y. bắt đầu nói không ra tiếng. Mặc dù cánh tay phải vẫn có thể cử động và yếu hẵn. Lòng tôi đứt đọan. Nói chuỵen với bạn bè là niềm vui cuối cùng của Y. vậy mà bây giờ stroke cũng đành  tước đọat nốt. Tôi  rút dây điện thọai ra khòi máy vì Y, không nói được và cầm ống điện thoạii rất khó khăn thì để làm gì. Nhưng Y. năn nỉ tôi để lại. Tôi làm vừa lòng Y. Mà nước mắt tôi chảy. Y nhìn tôi nói bằng cái môi chuyển động và âm thanh rất khó nghe: Ông khóc hả?

Tôi đăng bài này để report về một cơn bão thổi vào mái nhà chúng tôi hôm qua. Và xin hiểu dùm Y. Có điều đừng lên lớp gì hết. Tại sao không làm thế này, thế nọ. Và để hiểu thêm cái ý nghĩa của câu hát của VTH: Có biết đâu niềm vui đã nằm trong tai ương…

TB: Phảii đưa Y. đi emergency, bây giờ

 

%d bloggers like this: