Khởi Hành và tôi: Khi chúng tôi lên tiếng (bài sáu)

Bài viết của nhà văn Mặc Đổ  đăng trên Khởi Hành số 12 dưới nhan đề “Mặc Cảm Ka Ki” đã gặp phản ứng mạnh mẽ của những người trẻ viết văn mang màu đồng phục bấy giờ. Chúng tôi đã sưu tập, đánh máy và đăng lại toàn bộ bài của nhà văn Mặc Đổ và hai bài viết của Lê văn Chính và Yên Bằng và thêm một bài của Dương Nghiễm Mậu trên số 85 có liên quan đến vấn đề, dù là bài  trả lời những câu tuyên bố của tướng Nguyễn Cao Kỳ, bấy giờ là phó tổng thống VNCH đặc trách về văn hóa và giáo dục.

Mục đích để chứng minh Khởi Hành là diễn đàn của một thế hệ trẻ có ý thức. Nếu không có Khởi Hành chắc tiếng nói của chúng tôi không còn nơi để gởi gấm.

Tiếng nói ấy là gì. Là tiếng kếu trầm thống của một thế hệ chẳng may sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, quay cuồng trong chiến tranh, và bị tù tội đọa đày sau khi hết chiến tranh.

Tiếng nói ấy là gì. Là phải chạm trán vào một cuộc chiến tương tàn. Cha có thể giết con. Anh có thể giết em. Bạn bè ngồi cạnh nhau ttrên ghế nhà trường thì sau này trở thành kẻ thù nghịch có thể hả hê bắn giết nhau. Tiếng nói ấy là gì. Có vui gì đâu để mà nhìn cuộc chiến với hình ảnh chàng từ khi vào nơi gió cát, bởi, nhìn lại xem, khi nhận tấm huy chương là bạn bè đồng đội đã chết thay cho mình… Tiếng nói ấy là gì. Người lính mang trên lưng ba lô 10 ngày gạo đạn dược, thêm sức nặng của lịch sử… Ừ thì hãy tự hào, nhưng hãy xin cho tôi được khỏi nhìn những bất công, tham nhũng, thối nát…
Tiếng nói ấy là gì. Là nói lên thân phận của người lính, như nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã viết:

Hãy nhìn những người lính chiến, trong cuộc hành quân mang theo rau muống, hãy nhớ tới số lương bổng chết đói họ có, hãy nhớ tới sự chiến đấu kham khổ gian nan mà người lính chiến phải chịu đựng, do đó giải thích rõ họ không chiến đấu vì tiền, vì quyền lợi. Họ nhập ngũ như một bổn phận, họ chấp nhận mọi chuyện sẽ đến, có thể họ đào ngũ nhưng không đi với cộng quân, họ đào ngũ vì nhớ vợ con, thương vợ con, thương cha mẹ già, hoặc đào ngũ vì một cấp chỉ huy, vì một đơn vị không điệu nghệ với họ, chống đối bất công, tham nhũng, bè phái… Tôi nhắc lại: người lính chiến Việt Nam thực đã ở một cảnh ngộ không người lính chiến nào phải chịu đựng, bốn bề họ là kẻ thù, đó cũng là tình cảnh của khối dân tộc này.

(xin đọc bài của DNM trong số này)

Tiếng nói ấy là gì.

Trong khi nhà văn MĐ – chưa bao giờ nếm thế nào là  đọan đường chiến binh,  thú nhận rằng ông  “khoái” lính:

“TÔI KHOÁI NHỮNG NGƯỜI LÍNH VÌ CÁI THÂN PHẬN KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC CỦA HỌ khi họ tới một tuổi nào, ở trong một hoàn cảnh đất nước nào, phải cầm súng để làm tròn một nhiệm vụ.”

Thì  ngược lại, Nguyên Sa không khoái mà tra vấn lương tâm mình:

hãy tha thứ cho ta
hãy tha thứ cho ta
những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em học giỏi như thần đồng
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
cũng chết
những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
cũng chết
những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
cũng chết
những anh em mẹ gìa còn yếu hơn mẹ già ta
cũng chết
những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
đã chết
đang chết
và còn chết
hãy tha thứ cho ta

Nguyên Sa đã xin một sự tha thứ, còn Mặc Đổ thì không. Trái lại ông tự xem ông như một phán quan, nhận định  chuyện đi lính như một bổn phận thiêng liêng cao cả, nhưng chẳng thấy tác phẩm nào nói lên những chàng hào kiệt mà ông khoá. Để rồi ông hỏi  chúng tôi:
“Các bạn còn ngại hay các bạn để dành ?”

 

Vâng, riêng cá nhân tôi ngại thì không ngại. Một người viết văn phục vụ trong đơn vị thám kích, chuyên môn đi đầu chết đầu,  còn sợ ai mà ngại với không ngại. Nhưng  làm ơn  hãy cho chúng tôi được dịp trở về SG hai tuần lễ để có thì giờ nạp bản, in, phát hành. Xin làm ơn giúp chúng tôi khỏi bị cái hình phạt của dao kéo của Sở Kiểm Duyệt.

Còn để dành thì chịu. Bởi người lính, dù là Tây, Tàu, hayViệt đi nữa, có mấy ai nghĩ rằng mình có cơ may sống sót như một người không mang áo lính như ông, mà để dành  cho tác phẩm của mình. Sống nay chết mai, viết được là may rồi..

 

 

%d bloggers like this: