( mới bổ túc) Hiện tượng văn chương nữ giới miền Nam: Thiếu tư tưởng ?

Bổ túc thêm phần nhận định của ông Lê Ngô Châu, chủ nhiệm Bach Khoa qua hồi ức của nhà văn Túy Hồng. Xin xem foot note ( ****)

_________

Trong vòng 20 năm kể từ 1955, văn học nữ  miền Nam có những hiện tượng đáng kể: Hiện tượng 5 nhà văn nữ (1967-1972), hiện tượng tiểu thuyết Lê Hằng (1971-1975), , hiện tượng truyện dịch Quỳnh Giao, thêm một  hiện tượng hy hữu là hiện tượng Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm, chỉ được biết đến   từ năm 2011, do  từ một lời rao muốn tìm lại CĐV mà một cô chũ Blog đã đọc và nhớ nằm lòng khi rất còn bé trước 1975. Mặt khác, chúng ta cũng  phải thêm vào một hiện tượng khác nữa. Đó là hiện tượng  mang tinh thần Phật giáo vào văn chương của đôi chị em Phùng Khánh và Phùng Thăng.

Trong số những hiện tượng vừa kể, chỉ có hiện tượng 5 nhà viết nữ  là Túy Hồng,, Nguyễn thị Thụy Vũ. Nguyễn thị Hoàng, Trung Dương, Lê Hồng được nhắc nhở ồn áo nhiều nhất. Đến nỗi vào năm 1972, trong khi Quảng Trị, Động Hà xem gần như bị mất, con đường  nối từ Quảng TRị vào Huế trở thành “dại lộ kinh hoàng” (chữ của Phan Nhật Nam), thì ở Saigon, giữa lòng thủ đô, quanh bàn tròn, có những nhà văn, nhà thơ nam giới rất quen thuộc như Mai Thảo, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Mặc Đổ  cùng nhau thảo luận về hiện tượng văn chương nữ giới. Họ đưa ra những dữ kiện tại sao tác phẩm của phe nữ lại thành công . Họ thảo luận về hai chữ táo bạo – một yếu tố chính dẫn đến việc tiếng tăm nổi như cồn  của các tác giả nữ này. Nhà văn Nguyễn Nhật Duật, một nhà phê bình nhận định rất quen thuộc bấy giờ, xem họ  “như những kẻ đói đang ăn ngốn ngấu (nguyễn Nhật Duật) hay “họ đã viết đến nó, đụng chạm đến nó một cách đường hoàng không giấu diếm và không che đậy” (Mặc Đổ)  hay “tôi nghĩ họ đã làm hơn chứ không ngang hàng (nhà văn phái nam – chủ Blog chú thich) ” (Viên Linh)  “họ táo bạo hơn cả nhà văn nam” “màu sắc táo bạo trong văn chương nữ giới ở VN đã giúp họ thành công ít ra ở phía độc giả (Huỳnh Phan Anh), hay  do từ” có lẽ là hậu quả của sự sống tập trung trong một thành phố” (…) “trong khi  phía nam giới ngày nay đang có ý muốn nói về cá nhân thì người đàn bà vẫn chưa nói xong về chính họ”. (Văn số 206, 1972, đăng lại trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Hiện Tượng văn chương nữ giới) .

 

Một câu hỏi gây cho nhiều cuộc tranh luận là tác phẩm của những nhà văn nữ này có phải là tác phẩm văn chương hay không. Theo Mai Thảo thì “ Nếu văn chương có những người mở đường, thì ở phía phụ nữ, những nhà văn nữ hiện nay của chúng ta đích thực là những người mở đường. Đó là một sự thật không thể phủ nhận.”. Theo Mặc Đổ: “ Điều đang nhìn thấy là hiện có hàng chục nhà văn nữ đang viết, đang hoạt động văn nghệ. Đó là một con số đáng kể, một phong trào. Ngày trước, chỉ có một Thụy An viết văn. Bây giờ là hàng chục Thụy An. Điểm chờ đợi của mọi người là sau khi viết về dục tình, không biết những nhà văn nữ có đề cập được tới các vấn đề khác không, hay chỉ có vậy. Cái thiếu lớn trong văn chương là tư tưởng.”.

 

Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi chỉ đề cập đến ý kiến của hai nhà văn Mai Thảo và Mặc Đổ. Đặc  biệt là  Mặc Đổ khi cho rẳng cái thiếu lớn trong văn chương nữ giới là tư tưởng. Nhận xét này được ông Lê Ngô Châu chủ nhiệm Bách Khoa thẳng thắng phê bình, qua hồi ức của  nhà văn Túy Hồng (****) . Nhưng mà nếu ông mà đọc Cõi Đá Vàng, chắc ông sẽ đổi ý kiến ngay. Ông sẽ hiểu tại sao sau năm 1975, những người đọc rất vô danh đã chạy đi tìm tác phẩm, đã ra công đánh máy, đã đặt ra những câu hỏi mà không bao giờ có giải đáp: “Tại sao một tác phẩm có tầm vóc như vậy mà tôi không bao giờ được nghe trước 1975 ?”. Hay ” tại sao chế độ miền Nam lại không lợi dụng khai thác để thực hiện một bộ phim chúng tôi muốn sống thứ hai ?” ” Tại sao các nhà văn, phê bình văn học không bao giờ nhắc đến nó? “. “Tại sao Cornell lại có?”

Riêng cá nhân tôi, nếu mà tôi được đọc CĐV trước 1975 thỉ chắc có lẽ  là tôi  cũng đã tìm đường “dzọt” vào năm 1975, thay vì mang 10 ngày gạo đi trình diện học tập, mắc bẩy gần bốn năm !.

Trong tủ sách Di sản văn chương miền Nam với hàng trăm đầu sách được in, cuốn Cõi Đá Vàng là cuốn làm tôi hãnh diện nhất. Sách dày gần 500 trang. Tôi đã tự tay in ấn, layout, và gởi cho những ai cần đọc. Tôi càng thấy cái việc làm mà có người nói là “crazy”, lấy tiền 401K ra làm việc chùa, là không vô ích chút nào. Bởi tôi nhận rất nhiều niềm vui từ Cõi Đá Vàng mang đến.

Bởi vì tôi đã góp công trong việc phục hồi một tác phẩm  có tầm vóc lớn,  chẳng những mang danh dự cho phái nữ, mà  cho cả miền Nam, và cả nước.

Như bài điểm sách sau đây của tác giả Nguyễn thị Hải Hà. Xin nói thêm là người viết thuộc thế hệ tiếp nối thế hệ chúng tôi:

Quyển sách có sức lôi cuốn lạ lùng. Tôi đọc ngấu nghiến liên tiếp hai ngày là xong. Khó mà tưởng tượng tác giả của Cõi Đá Vàng là một phụ nữ và đây là quyển sách đầu tay. Bố cục thật chặt chẽ, kỹ thuật điêu luyện như đã từng xông pha trong trường văn trận bút, văn phong trong sáng giản dị mà không kém phần mượt mà. Tác giả có những đoạn văn tuyệt đẹp với những chi tiết thật linh động.(…) . Đã có lúc tôi không tin người viết là phụ nữ bởi vì bà chọn nhân vật chính là phái nam, diễn tả cách suy nghĩ, đùa cợt của phái nam thật tài tình; nhưng sau đó tôi đổi ý, vì khi bà Thanh Sâm viết về tâm hồn của nhân vật nữ thì nhân vật của bà cũng dịu dàng, nhí nhảnh, đáng yêu. Bà kể về các món ăn như thịt cò kho măng, canh măng chua cá ngạnh nguồn, gà bóp rau răm… làm tôi tin tác giả là phụ nữ; nhưng khi bà viết về kháng chiến và những thủ đoạn chính trị tôi lại tưởng đây là một nhà cách mạng cao cấp. Tác giả có những phân vân về cuộc đời với nhân sinh quan thật là sâu sắc và tế nhị. Tôi mê say đọc đi đọc lại cách bà so sánh về những điều giống nhau của cuộc sống và cái chết, thầm phục bà giỏi quan sát và ghi nhận.

 

Và nhà văn Khuất Đẩu

Trong khi các cây bút nữ nếu không mê man với vòng tay học trò, nếu không ấm ức với mưa không ướt đất hay lặng nhìn tôi trên vách thì bắt đầu đòi nữ quyền bằng cách moi ra những cái xấu, những ham muốn thấp hèn của đàn ông, chứ chưa có ai dũng cảm phơi bày bộ mặt thật gian hiểm của CS cũng như đã nhìn thấy được cái đẹp của một đôi mắt lé, một cách nói độc đáo khi nói về nhân cách và tâm hồn của những con người trí thức đi theo ngọn cờ cách mạng. Ngọn cờ ấy không phải nền đỏ sao vàng, cũng không phải nền vàng ba sọc đỏ, mà là màu xanh của đồng lúa, màu nâu của đất mẹ và màu trắng của thanh bình… .

(…) Tôi không có được cái may của họa sĩ Đinh Cường hay nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, được quen biết vào ra ngôi nhà có hoa mimosa vàng của chị ở Đà Lạt. Nhưng qua tác phẩm Cõi Đá Vàng, tôi có thể hình dung một thiếu phụ đẹp dịu dàng, rất mực yêu chồng thương con. Ngôi nhà chìm trong sương mờ và trong phấn thông vàng ấy, đêm đêm khi các con đã yên giấc, một mình một bóng bên bàn viết, chị đã sống lại những tháng năm mà một củ khoai luộc với nước dưa cải ngon lạ lùng, hay trước những thố bồ câu tiềm ngon bổ đã quên mất không biết phải ăn như thế nào, những năm tháng ấy với những con người có thể là anh, là chú, là người yêu thầm lặng đã lần lượt hiện ra trên trang bản thảo, biến thành những nhân vật ngập tràn tình yêu thương.”

 

_____

(****) Nhà văn nữ Túy Hồng cũng đã kể về “lối dạy đời” của ông Châu, không sợ làm mất lòng ai, ngay cả những nhà văn phái nữ :”..Trước năm 1975, nguyệt san Bách Khoa có một tòa soạn với ghế xa-lông bọc nệm lót và trong phòng trị sự còn kê thêm một máy may Singer.  Nhà phê bình Lê Châu tức chủ bút Lê Ngộ Châu, theo Lê Tất Điều, là người đọc bài vở để chọn  đăng, kỹ hơn các báo khác.
Các tác giả đến tòa soạn đưa bài nghe được những câu như: “Về phía các tác giả nữ, Nguyễn Thị Vinh viết “tới”, gần sự thật hơn, các nhân vật, nhất là các vai đàn bà trong truyện được ghi đậm nét hơn, nói lên được lòng tốt và đức tính hiền lành của họ.”  …   “Các nhà văn nữ tiếp theo … có lối viết mới hơn, kêu hơn, vào sâu hơn trong vấn đề tình dục, nhưng vấp phải cái hỏng ở phần xây dựng nhân vật: họ không vẽ được cái mặt và cái chân tướng của người đàn ông, nghĩa là không hiểu tâm lý đàn ông.  Trùng Dương khá nhất trong đám, tả người đàn ông ra đàn ông khi đi đứng, lúc nói cười, lúc đưa điếu thuốc lên môi …  Trong cách mô tả này, Trùng Dương làm được việc hơn Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ …Những người này đã chỉ cố nặn ra những hình người với những đường nét mờ, những chân dung xa lạ ngay cả với chính họ.  Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ và v.v. … đã tự thuật, đã ca tụng cái “ta” nhiều quá nên trong tác phẩm của họ âm thịnh dương suy.”

Lê Châu nói thêm : “Đổi đề tài đi chứ!  Tại sao nhân vật của Túy Hồng cứ phải là cô giáo?  Tại sao Thụy Vũ cứ chuyên viết về những cô gái bán snack bar” 

(nguồn:Trang mạng http://www.gio-o.com: Phỏng vấn nhà văn Túy Hồng – Phụ nữ và văn chương)

 

 

 

%d bloggers like this: