Cõi Đá Vàng là một hiện tượng hy hữu nhất trong sinh hoạt văn học nghệ thuật thời chiến. Nó là một tác phẩm, một truyện dài của một cây bút nữ: Nguyễn thị Thanh Sâm.
Nó vô danh trước 1975, nhưng nó hữu danh sau năm 1975. Nó là một bằng chứng về giá trị trường tồn và vĩnh cựu của tác phẩm. Nó không cần nhà phê bình, nhận định, lời tựa của tác giả tên tuổi, hay những bốc thơm màu mè. Nó chẳng cần chiếu trên chiếu dưới. Hay những màn cúi đầu khom lưng, hay cái cảnh ra mắt như thế này, được nhà văn Hồ Trường An, trong cuốn hồi ký Giai Thoại Hồng, kể lại về việc chị ông – Nguyễn thị Thụy Vũ – đến với Bách Khoa:
“Gặp ông Võ Phiến, tôi (Hồ Trường An – tòa soạn chú thích) nói ngay ý định của chị tôi, nhờ ông đỡ đầu cho chị trong bước đầu viết lách… Chị tôi chìa bản thảo mà chị đã chép lại một đoạn trong quyển nhật ký của mình… Một Buổi Chiều là cái chìa khóa để một cô giáo làng mở một cánh cửa bước vào văn đàn.
…Vào hôm đi yết kiến ông Võ Phiến, chị đem nước xá xị thoa lên môi, đợi môi khô chị mới thoa một lượt son màu hường tươi. Chúng tôi đến cổng Bộ Thông Tin, và tôi căn dặn:
– Võ Phiến là bút hiệu của một ông công chức viết văn. Có hỏi ông gác cổng thì chị nên bảo là: “Xin cho tôi gặp ông Đoàn Thế Nhơn, nghe chưa?”
Tự dưng, khi nghĩ đến lúc phải hội kiến một nhà văn lớn, chị tôi đâm ra khớp. Cái trâng tráo, nghịch ngợm cố hữu của chị bay biến đi đâu mất. Mặt chị xanh như đàn bà sảo thai, lời nói chị khó khăn, đứt quãng như sản phụ đẻ ngược:
– Dạ, dạ, xin cho tui gặp ông… (chị quên cái tên cúng cơm của ông Võ Phiến mà tôi đã căn dặn)… Dạ tui muốn gặp ông… ông gì vậy cà? Dạ, ông Võ… Tài Nhơn.
(nguồn Thư Quán Bản Thảo số 48 tháng 9-2011, chủ đề tạp chí Bách Khoa)
Vậy đó. Muốn trở thành nhà văn, hay muốn có mặt trong văn đàn thì phải như vậy đó
Qua hồi ức của nhà văn Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ, Lê Tất Điều, họ dành tri ân đến nhà văn Võ Phiến đã giúp họ đến với Bách Khoa. Qua nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì dành cho nhà văn Nguyễn Hiến Lê. (Nhưng thật ra ngưởi giữ chìa khóa 160 Phan Đình Phùng là ông Lê Ngô Châu mới là người có thẩm quyền trong việc quyết định. Điều này được ghi lại trong Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê:”Vì tôi cộng tác đều đều với Bách Khoa, từ đầu tới cuối, lại viết nhiều về nhiều vấn đề, nên độc giả có người cho tôi là cây viết cốt cán của tạp chí, tưởng tôi là một nhân viên quan trọng trong tòa soạn nên có bài muốn gửi đăng thì gửi cho tôi nhờ tôi giới thiệu với ông chủ nhiệm Lê Ngộ Châu. Tôi đọc kỹ những bài họ viết rồi cũng đưa ý kiến với ông Châu, nhưng cũng cho họ biết sự quyết định đăng hay không là ở cả ông Châu...(Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 553)”)
Như vậy, cái câu “tiên học lễ, hậu học văn” nghĩ cũng đúng. Muốn thành nhà văn thì trước hết phải cúi đầu, khom mình trước một bóng núi, phải vòng tay nghe lời chỉ dạy của Võ Phiến hay Mai Thảo, hay Nguyễn Hiến Lê… Dù theo nhà văn lão thành Nguyễn Hiến Lê là ông không có thẩm quyền gì hết..
Như vậy làm sao mà Cõi Đá Vàng lại được các ngài để ý khi tác giả đi theo “lề trái”?
Và để độc giả chúng tôi biết được nó trong khi chúng tôi ở mãi tận Bình Định, Tam Biên, Dakto, Daksuk?
May mà nhờ một cô bé, năm 1975, mới 9 tuổi. Người có công đầu trong việc hồi phục Cõi Đá Vàng. Khỏi cần nhờ những nhà phê bình, nhận định văn học gì ráo !
Xin được trích lại bài viết của Trần thị Nguyệt Mai, để bạn hiểu tại sao chúng tôi xem Cõi Đá Vàng là một hiện tượng hy hữu:
“…Cô chủ blog Phay Van là một người rất “đặc biệt”. Năm 1975, em mới có 9 tuổi. Ở tuổi đó, những đứa trẻ khác thích chơi búp bê, nhà chòi, hoặc đọc những sách thiếu nhi với nhiều hình vẽ hơn là những con chữ li ti, thì em đã đọc những sách truyện của người lớn. Em kể em đã đọc “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn thị Thanh Sâm từ trước năm 1975 và vẫn còn nhớ lời nói đầu tác giả đã viết: “Dâng Tốn tác phẩm đầu tiên của Sâm. Cuộc đời này không dung những kẻ yêu thương nhau. Em đã tìm thấy anh trong Cõi Đá Vàng” và vẫn còn nhớ trong truyện có một anh lính luôn sai bảo… “hai tay”: Hai tay! giăng mùng cho ta… (entry #251 trong “Lời tỏ tình vang dội”). Sau đó, Nha Trang, một “còm sĩ” rất thân quen, đã nhờ Phay lên mạng kiếm giùm để được đọc. Phay đã tìm và đưa tất cả những thông tin liên quan đến cuốn sách trên bài “Cõi đá vàng” (đăng ngày 27-10-2011) để các bạn cùng bàn thảo, mong ai đã có cơ hội đọc sách này mang ra chia sẻ. Thấy đó là một cuốn sách hay, hầu như đã tuyệt bản, tôi đã điện thư cho nhà văn Trần Hoài Thư, mong anh khi có dịp đi đến thư viện của Đại Học Cornell thì tìm cuốn sách này. Anh cho biết “…dạo này anh không được khỏe, nhất là mắt yếu khi lái xe. Đề nghị em hay bạn bè em có ai quen đang học ở Cornell copy hay scan dùm. Sách dày lắm (481 trang).
Tuy nhiên, nếu không có ai làm, chắc một ngày nào đó, anh sẽ cố gắng. Như đã làm cho nhà thơ Lâm Vị Thủy.
Gởi em information về cuốn sách:
Database: Cornell University Library
Author/Creator: Nguyễn, Thị Thanh Sâm.
Title: Cõi đá vàng; truyện dài.
Published: [Saigon] An Tiêm [1971]
Description: 497 p. 19 cm.
Location: Library Annex
Call Number: PL4389.N6026 C6″
Tôi đã báo lại cho các bạn ở Phay Van (entry #51 trong “Cõi đá vàng” (đọc sách)).
Ngày tháng qua đi… Không một tin tức gì…
Những tưởng “Cõi Đá Vàng” sẽ mãi mãi biến mất không tìm lại được, thì một sự mầu nhiệm đã xảy đến. Anh Phaolo trong khi Google search về tin tức cuốn sách “Cõi Đá Vàng” cho một người thân, đã thấy trang blog Phay Van trong số kết quả tìm kiếm. Anh vào đọc thì biết không những người thân của anh mà các bạn trên trang này cũng muốn đọc cuốn sách đó, nên anh đã mượn của thư viện Cornell qua trung gian của thư viện địa phương. Mỗi ngày anh đã đánh máy vài tiếng, sau hơn một tuần thì hoàn thành (entry #118 trong “Cõi đá vàng” (Quà tặng)). Sau đó, anh Phaolo vào trang Phay Van cho biết anh đang có một bản đánh máy của tác phẩm này và có thể gởi qua email (entry # 127 ngày 11-1-2012). Phay nhận được và chia sẻ với tôi, cũng nhờ tôi chuyển đến anh Trần Hoài Thư và chị Cam Li. Tôi đề nghị em hãy post lên cho mọi người cùng đọc, chắc chắn các bạn sẽ rất thích.
Tôi cũng gởi tặng anh Đinh Cường cuốn ebook này. Nghĩ rằng gửi để anh đọc cho vui, nhưng thật bất ngờ, anh email lại cho tôi: “Cảm phục người đánh máy lại 481 trang CÕI ĐÁ VÀNG của Nguyễn thị Thanh Sâm, người bạn thân thiết của chúng tôi, người mà Hoàng Ngọc Tuấn viết “Căn nhà có hoa Mimosa vàng”, căn nhà ở Đà Lạt của anh chị …
Từ lâu chị rất muốn in lại cuốn này mà chịu. Nay chị bị Senile Dementia nằm một chỗ trên Seattle rồi. Liên lạc khi được khi không …” Anh cũng gởi cho xem tấm hình chị Thanh Sâm chụp chung với anh và các bạn tại Phòng Triển Lãm Tranh Đinh Cường – Alliance Française de Dalat, Noël 1965. Tôi đã nhờ Phay post tấm hình này cũng như chia sẻ thông tin về nhà văn cho các bạn biết. Được tin, anh Trần Hoài Thư đề nghị sẽ in lại tác phẩm này để tặng tác giả. Thế là nhóm thực hiện “Project CĐV” hình thành. Anh THT phụ trách phần in ấn. Phay nhận phần liên lạc với mọi người qua email và xin anh Phaolo hợp tác. Tôi email cho anh Đinh Cường nhờ liên lạc với gia đình của tác giả. Chị Kim Nhung, em ruột chị Thanh Sâm, đã cung cấp tiểu sử và hình ảnh của nhà văn. Khi anh Phaolo cho biết cuốn sách mượn được ở thư viện được đóng bằng bìa cứng, không còn trang bìa nguyên thủy, tôi nhờ anh Đinh Cường, người đã vẽ những bìa sách cho nhà xuất bản An Tiêm ngày xưa, vẽ lại bìa sách “Cõi Đá Vàng” cho đẹp. Anh vui vẻ nhận lời. Tất cả mọi người đều sốt sắng hợp tác làm việc cùng nhau. Ai nấy đều rất vui rất hạnh phúc khi biết rằng một tác phẩm văn chương ngỡ đã bị đánh mất, đã bị quên lãng, nay tìm lại được. Hôm nay nó đã hồi sinh để tặng lại tác giả, như một món quà ngày đầu năm, một đứa con tinh thần được trở về bên người mẹ dấu yêu.
(trích Trần thị Nguyệt Mai, “Hành trình của “Cõi Đá Vàng”, Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Nguyễn thị Thanh Sâm. Bài đượcđăng lại trên nhiều Blog trên NET)