Nguyễn thị Hải Hà phỏng vấn
1. Thời quá khứ tuổi trẻ của anh (từ lúc chín mười cho đến lúc mười tám đôi mươi) như thế nào? Điều gì đã khiến anh muốn viết, muốn trở thành nhà văn?
Tôi có một tuổi thơ có thể nói là thật bi thảm. Nơi chốn sinh ra tôi không hề biết ở đâu. Lớn lên trong chiến tranh, cha mẹ tôi chia tay và mẹ tôi mang tôi theo. Mẹ tôi tái giá làm vợ lẽ một người đã hai đời vợ. Vì ở chung với vợ chính, những bất mãn ấm ức mẹ tôi thường đổ lên tôi. Giận mẹ tôi trốn nhà đi hoang. Tôi có hai năm học ở Cô nhi viện Hòn Chồng Nha Trang. Chính nước mắt tủi cực, hẩm hiu, chính những vỗ về hoang tưởng bằng những giòng nước mắt, chính những ngày tháng hoang đàng, lêu lỏng, đã thấm sâu vào máu huyết, rồi đến một ngày tự phát thành những bài thơ, bài văn, sau này. Lúc tôi được 14 tuổi, thân phụ liên lạc được với tôi, và tôi ra Huế sống với thân phụ. Ba tôi gà trống nuôi con, hết lòng dạy dỗ tôi. Tôi được nhận vào trường Quốc Học. Học ban B tức là ban Toán. Điều này chứng tỏ tôi không ưa gì về văn chương. Mãi đến năm 18 tuổi, trong một buổi hoàng hôn tại thư viện Xavier ở Huế, tôi bị xúc động trước một tấm hình chụp em bé chống gậy khóc lóc trên nền nhà đổ nát. Tấm hình khiến tôi nhớ lại hình ảnh của những người bạn nhỏ ở cô nhi viện. Và tự nhiên tôi viết một mạch mấy chục trang giấy học trò. Viết xong, chẳng cần lưu lại bản thảo, tôi thử gởi về tòa soạn Bách Khoa. Không thể tưởng tượng là bài được đăng ngay với vài trang bị kiểm duyệt. Kể như vậy để chứng tỏ rằng, văn chương đến với tôi rất tình cờ, và may mắn. Nếu Bách Khoa không đăng bài Nước Mắt Tuổi Thơ thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành một người viết văn như bây giờ. Cũng như nếu không có một ông Lê Ngô Châu của Bách Khoa thì chắc gì bài của tôi được chọn đăng, bởi vì chữ viết của tôi rất xấu, lại cẩu thả, nếu không có lòng kiên nhẫn chắc không muốn đọc. Ông Lê Ngô Châu của Bách Khoa kể với tôi sau này, là mỗi lần đọc bản thảo của tôi ông phải dùng kính lúp. Điều này có lẽ không thể có ở những vị chủ bút khác.
2. Anh viết cho ai? Độc giả của anh là ai?
Dù tôi là cá nhân, nhưng đời tôi hòa nhập vào trong một tập thể, một thế hệ. Thế hệ chiến tranh. Cái tôi của tôi phản ánh cả một đám đông. Có điều mình phải biết viết như thế nào, viết làm sao, chọn chất liệu nào, để phản ánh cái mẫu số chung ấy. Ví dụ viết về một trận đánh mà tôi tham dự, không phải viết như một phóng sự, mà tìm qua trận đánh ấy, những nỗi thống khổ của người dân giữa hai lằn đạn, cảnh một người lính tháo chiếc đồng hồ trao lại cho bạn nhờ mang về cho vợ con trước khi chết. Hay những tra vấn của người trung đội trưởng trước một cuộc chiến tương tàn. Tôi viết nhiều rất nhiều về lính, không phải là tôi yêu đời lính. Rất ít người vừa viết văn vừa đánh giặc như tôi. Những người như tôi đa số đều tử trận. Bởi vì tai tôi nghe mắt tôi thấy những phận đời thấp hèn, họ không có và không còn tiếng nói, thì tôi phải viết.
3. Lần đầu tiên quen với tủ sách của anh là nhờ cuốn thơ của Vũ Hữu Định. Anh bảo ai thích anh sẽ tặng. Tại sao anh làm công việc hiện nay, như in Thư Quán Bản Thảo để tặng, in lại sách báo tạp chí trước năm 1975?
Nhiều người cũng đã hỏi tôi một câu hỏi như thế. Lấy tiền đâu để ra một tạp chí dày 250 trang, không bán, không quảng cáo mà sống đến năm thứ 12? Lấy tiền đâu để tặng biếu những tập văn, thơ mà tôi sưu tầm, tái bản trong Tủ sách di sản văn chương miền Nam ? Lấy tiền đâu để mua giấy, mực, và gởi tặng bạn bè thân hữu khắp nơi ?
Tôi xin trả lời, là nhờ tôi biết đánh giặc theo lối nhà nghèo. Mua lại những máy in với giá rất rẻ từ các hãng bị đóng cửa, biết cách tiết kiệm giấy mực qua những program tự viết, có sáng kiến và tự sáng chế, chẳng hạn lấy cái chảo điện làm binding machine, mỗi ngày lên trang Craigslist.org chờ rao chỗ nào bán giấy mực rẽ, là tìm đến. Có khi trời tuyết ngập đường, vợ chồng tôi lái xe tìm đến một chỗ bán giấy rất rẻ. Cả kho giấy chất dưới basement. Người chủ bảo hắn đau lưng, không thể tiếp sức gì và vợ chồng tôi phải bì bõm lội tuyết chuyền cả trăm ram giấy từ dưới hầm nhà ra ngoài đường. Nhờ vầy mà tôi có thể in những tập thơ toàn là giấy quí hiếm. Lúc này là lúc Internet khống chế, ít ai còn thiết tha gì đến báo giấy, đến di sản văn chương miền Nam . Tôi rao tặng không những tập thơ của Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Vũ Hữu Định, Phan Như Thức, Lâm Vị Thủy, Hoài Khanh, nhưng rất ít người hỏi. Vì vậy có người hỏi là tôi mừng lắm. Tôi vẫn thường trả lời, bạn đã cho tôi một cái job mà tôi rất yêu thích. Cái job được chính tay mình làm bìa, layout, rồi tự tay mình xếp trang, in, cắt đóng, sau đó thấy cái bìa lộng lẫy rực rỡ như lòng mình rực rỡ niềm vui.
4. Mức độ sáng tác của anh bây giờ có nhiều hơn. phong phú hơn thời còn đi lính?
Không còn như ngày trước nữa.
5. Anh có bao giờ bị ngăn cản khuynh hướng đến với văn chương không? Từ gia đình (lúc niên thiếu đến trưởng thành), từ xã hội (trong quân đội)?
Vâng. Có chứ. Ba tôi không muốn cho tôi trở thành nhà văn. Vì vậy, từ những bài đầu tiên trên Bách Khoa dưới tên thật là Trần Quí Sách, tôi phải đổi sang bút hiệu Trần Hoài Thư để dấu ông. Tuy nhiên, về mặt tư tưởng, tôi viết thả dàn. Tôi là người lính mà còn là loại lính dữ Tận cùng rồi. Còn chỗ nào hơn là Bình Định. Còn chỗ nào hơn là đơn vị chuyên đi đầu và chết đầu như là đơn vị thám kích ? Đó là lý do tại sao tôi viết rất nhiều và bài văn của tôi cũng bị Bộ Thông Tin ở SG kiểm duyệt rất nhiều. Nhà văn tác chiến sướng là ở chỗ đó.
Nguyễn Thị Hải Hà
nguồn: http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html