Có một sự khác biệt giữa thời bình và thời chiến về số lượng người làm văn học nghệ thuật.
Thời bình (1955-1961) có Sáng Tạo. Và họ sống để viết trong an bình, mà những chủ đề chỉ là nghệ thuật làm mới, hay quanh quẩn với những con đường phố, ánh đèn màu. Thời ấy, Mai Thảo luôn luôn hô hào văn chương phài mới, mới từ trong ra ngoài. Nhưng có bao nhiêu nhà văn nhà thơ thời ST ? Đếm đầu ngón tay.. Bởi vì họ không có chất liệu.
Ngược lại, thời chiến thì dư dật nhà văn nhà thơ. Bởi vì họ sống để viết. Bởi vì những núi rừng Trường Sơn, Những đầm lầy Đồng Tháp, những ngọn tháp ở Bình Định, những Tam Biên, Dồng Xoài Bình Giả, những Bồng Sơn Đệ Đức Tam Quan, họ đã có mặt, kéo ngày tháng trong lòng địa ngục, Họ không biết gì hơn là dùng cây viết để trang trải nỗi tâm sự riệng. Sống để viết. Ngay cả Tô Thùy Yên được biết nhiều như là nhà thơ làm mới ngôn ngữ, chữ nghĩa của Sáng Tạo, cũng phải sống để viết sau khi Sáng Tạo bị chết. Trường Sa Hành được hình thành sau một chuyến đi thăm đảo. Ta về được nhắc nhở sau mười mấy năm tù… Qua sông đượcsáng tác khi thấy một đoàn quân xa qua phà…Thanh Tâm Tuyền vì chỉ đóng đô ở SG, nên cả mười năm sau khi ST đóng cửa, ông không làm nổi một bài thơ nào cho ra hồn như thời ST. Ai nói TTT là nhà thơ thời chiến ?
Bởi lẽ ông không sống để viết.
Sống để viết. Chất liệu là vàng ròng. Là những vết thường tóe máu. Là những lệ máu mồ hôi. Là đứng trên chóp đỉnh của Trường Sơn, mây đùn, như chạm cả hư vô, để suy nghĩ về sự bé nhỏ của con người. Là cảnh những tờ bạc tung tóe khi tôi thấy Y. nằm sấp trên nền nhà ngay ở bực cửa nhà cầu để nói về sự vô nghĩa của tiền bạc.
Bạn đừng bận tâm vì những bài post của tôi. Trái lại bạn nên mừng. Vì tôi vẫn còn ngồi trước máy để gõ những hang chữ. Có nghĩa là tôi vẫn còn thì giờ. Vẫn còn nhịp tim yêu dấu cùng chữ nghĩa.