Một chuyến tiền thám (hình Internet)
Lời Blog chủ:
Sáng dậy vào 2 AM. Miệng khô và luỡi đắng khủng khiếp. Cảm rồi. Tối hôm qua uống 2 viên Tylenol. Chắc vẫn chưa lành. Lo vệ sinh cá nhân cho Y. với một nỗi buồn rưng rưng. Chắc sẽ có một ngày ta phải bỏ cuộc, và lúc đó lấy ai mà chăm sóc Y. đây. Chỉ còn cách là đưa Y. vào nursing home, và có lẽ cả ta nữa.
Lên giường cố ngủ thêm, nhưng mắt ráo hoảnh. Lại bật dậy, pha cà phê, uống đắng. Và lại bắt tay vào việc quen thuộc. In bìa TQBT số mới. Lần này chơi sang làm một phụ bản màu trên giấy láng. Và in thêm một số tập thơ Quán để tặng. (Bạn trẻ ớ Pháp, tôi cám ơn bạn đã hỏi, tôi vẫn nhớ nhưng lu bu quá, chưa có dịp ra bưu điện để gởi tặng bạn). Và in thêm Truyện từ Văn, truyện từ Bách Khoa để kèm theo một số tập TQBT gởi đến một độc giả ở Georgia. Anh muốn có những số thiếu.
Không thể ngờ là căn bệnh đã biến mất lúc nào không hay. NHớ đến Blog, lâu không post. THám kích ngày xưa vượt sông bằng phao poncho, giây thừng kéo từng người một đến bờ, bò sát đến mục tiêu, nằm chờ rạng sáng mới ào vào tấn kích. Thấy cây đa bỗng nhớ tới cây đa bên cầu trong một bài văn của Võ Phiến.. Nó đã thức dậy trong lòng một người lính trận. Chỉ khác chăng là không phải để chiêm ngưởng nó qua ngòi bút của VP mà là để bảo vệ nó, gìn giữ nó.
Những đọan thơ rời, ngỡ như thất tán vậy mà giờ đây vẫn còn có mặt:
Thị trấn nằm hai bờ quốc lộ
Vỉa hè loang lở đường mương con
Những quán bên đường nghèo trống gió
Những cô hàng buồn như tản cư
Bồng Sơn mùa nước dâng sông Lại
Ngày sủng loang trên những mảng dừa
Mặt trận đổ theo bìa Đệ Đức
Nghe cận kề lửa hướng Tam Quan
Bồng Sơn, mây ám toàn tin dữ
Chiều chưa buông, quận đóng năm giờ
Giặc chiếm cận sơn, người chạy loạn
Còn bên cầu, trơ trọi cây đa
Cây đa. Có mặt khi nào nhỉ
Có phải nơi này là quê hương
Có phải mỗi con người trôi dạt
Cất trong tim: bóng mát thiên đường
Cây đa. Vươn giữa trời bi lụy
Những thổ thần hoang lạnh lư nhang
Lửa cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị ra sông, ơi ới đoạn trường
Cây đa. Ngàn rể đâm lòng đất
Như tấm lòng người với Bồng Sơn
Đa bám làng, tôi đi bám đất
Đất và làng, thương quá quê hương…