Người viết và người đọc của văn học thời chiến (bài một)

Bàn về độc giả của văn học thời chiến đến từ đâu, tôi xin trích lại ý kiến của ba nhà văn quen thuộc.

Theo nhà văn Võ Phiến:

“Người độc giả chính yếu của văn học nghệ thuật Miền Nam trong thời kỳ 1954-75 là người dân thành phố, bất kỳ là thành phố Trung phần, hay Nam phần.” (1)

Theo Nguyễn văn Trung:

” …Sinh hoạt văn nghệ hiện nay ở miền Nam chỉ là một sinh hoạt ở các đô thị, và là sinh hoạt bên lề những sinh hoạt xã hội khác như một thứ phụ thuộc, có cũng được không có cũng chẳng sao, hoặc hơn nữa như một thứ xa xỉ phẩm không có tính chất cần thiết như các sinh hoạt khác. Nhìn vào thành phần độc giả, sẽ thấy rõ sinh hoạt văn nghệ chưa phải là một đòi hỏi xã hội có tính cách phổ biến. Quần chúng đông đảo ở nông thôn không biết tới nó. Một phần lớn những tầng lớp đông đảo ở đô thị (giới làm ăn bình dân lao động) và tầng lớp trưởng giả cũng không biết tới nó. Quần chúng bình dân thì nghèo, vô học hoặc ít học, không có giờ và cũng không có điều kiện đọc, và giả sử có đọc cũng chẳng lãnh hội được những thơ văn cao kỳ được viết bằng một ngôn ngữ thật xa lạ với họ…” (2)

Theo Nguyễn Mộng Giác, chính số lượng độc giả trung lưu ở thành thị mới quyết định sự sống còn của văn học miền Nam:

“Giới trung lưu luôn luôn góp phần nhiều nhất vào công trình sáng tạo nghệ thuật, cũng như tiêu thụ nghệ phẩm. “Bạn đọc” hiện nay, giống như “các thân hữu” là những trí thức trung lưu thành thị. Họ đã bị kiệt quệ về tài chánh từ nhiều năm nay, mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn, cho nên không còn khả năng để mua sách báo nữa. Cái nhóm độc giả, vì phân hóa mà ít ỏi, của mỗi nhà văn nhà thơ, bây giờ càng ít ỏi hơn do tình trạng vật giá khắc nghiệt.(3)

Quả thật vậy không ? Quả thật thành thị là nơi có tính cách quyết định cho sự sống còn của nền văn học miền Nam ?
Tôi không nghĩ vậy..
Lớp độc giả chính yếu trong việc tiêu thụ sách báo miền Nam và là đội ngũ nồng cốt góp vao sự lớn mạnh của nền văn học thời chiến  chính là thành phần lớp trẻ mang bộ đồng phục chúng tôi.
Vì sao? Thứ nhất là đa số lớp trẻ này thuộc thành phần có học, bị động viên. Thứ hai là họ ở xa nhà, xa thành phố, xa những cuộc vui đô thị. Họ cần sách báo để đọc khi phải lưu thân ở những vùng xa xăm, những tiền đồn heo hút.

Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.Ở đây thiếu thốn về nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Đôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật? “(t.l, thư từ Dakto ngày 12-12-1970, Vấn đề số 45 tháng 4- 71)
Ba-lô họ luôn luôn mang theo thơ văn cộng với lương khô và đạn dược. Họ không có niềm vui trong những giờ phút thôi việc quân, rảnh rỗi, trừ đọc sách báo… Họ nhờ thân nhân mua trử dùm, hay mỗi khi có dịp về những nơi có quán sách báo, là mua và mua. (Tôi là một trong số người này. Tôi cũng biết rất nhiều bạn tôi cũng vậy). 

Người lính miền Nam đi chiến trận
Ba lô mang theo hồn thơ văn
( Nguyễn Phúc Sông Hương – Người lính làm thơ trên đỉnh núi)

Đó là lý do để cắt nghĩa tại sao những tạp chí văn học nghệ thuật như Văn hay tuần báo Khởi Hành (tuần báo của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội) lại sống vững, sống mạnh, và càng lúc số lượng độc giả càng lúc càng nhiều… Ví dụ điển hình là tuần báo Khởi Hành, số lượng phát hành đầu tiên là 5000, rồi đến 7000, có khi 10000 (10 ngàn)  như nhà thơ Viên Linh – thơ ký tòa soạn-  đã trả lời trong cuộc phỏng vấn về  tình hình báo chí trước 1975

khoihanh-bia4

Khởi Hành số 1 tháng 6-1969 (hình từ internet)

Về số lượng báo phát hành,  thành phần của người viết và người đọc, ông cho biết như sau:

Trong thập niên ’70, tuần báo văn học duy nhất của miền Nam là tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội. (Những tờ văn chương khác thảy đều xuất bản hàng tháng, trừ Bách Khoa là bán nguyệt san, tuy nhiên phần văn chương không nhiều). Tạp chí Nghệ Thuật cũng xuất bản hàng tuần, ra được 56 số, song đã đình bản vài tháng trước khi có Khởi Hành. Là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, với trên 700 hội viên trong mọi binh chủng, in trên 5000 ấn bản, phát hành rộng rãi trên khắp bốn vùng chiến thuật trong nhiều năm, nên người viết cho Khởi Hành đa số là quân nhân, người đọc cũng đa số là quân nhân. (4)

… Chúng tôi đã biến Khởi Hành thành tuần báo văn học nghệ thuật cho tất cả mọi người, quân nhân hay không. Và nó đã trở thành báo bán, như một tờ báo dân sự, của tư nhân, bán cho độc giả từ Đông Hà tới Cà Mâu, in từ năm tới bảy ngàn số, có lúc lên đến mười ngàn (có ghi rõ số lượng phát hành trên Khởi Hành số 13) mỗi kỳ. Khởi Hành sống tới số 156.” (5).
Một tạp chí văn học nghệ thuật mà số lượng bán chỉ 1000 số là mừng quá rồi, huống hồ đây là một tuần báo văn học nghệ thuật phát hành trung bình từ 5000 đến 7000, có khi 10.000 ấn bản   thì quả là khủng khiếp !
Vì sao? nhà văn Viên Linh giải thích:
Vì người đọc mà đa số là quân nhân,  đã “tìm thấy trên Khởi Hành những yếu tố sinh động nhất, điển hình nhất: các nhà văn nhà thơ viết trong tiếng súng, viết trên ba-lô, viết nằm trên ghế bố “(5).

Có phải vậy không?

____

(1) Võ Phiến: VĂN HỌC  MIỀN NAM: TỔNG QUAN. chương CÁC YẾU TỐ CỦA SINH HOẠT VĂN HỌC

(2) Nguyễn văn Trung NHÀ VĂN NHÌN VÀO MÌNH HAY TỪ HIỆN TƯỢNG BÈ PHÁI ĐẾN VĂN CHƯƠNG VÔ DANH. Nghiên Cưu Văn Học số 3 tháng 1-1968 (nguồn tạp chí TQBT số 56)

(3) Nguyễn Mộng Giác: Nghĩ về thơ, truyện 1974 – Bách Khoa số 402 (nguồn: Thư Quan Bản Thảo số 56).

(4) Viên Linh – Miền Nam, nhà văn chết trẻ – Người Việt online

(5) Phan Nhiên Hạo –  Phỏng vấn nhà văn Viên Linh:  Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975 (nguồn Internet)

%d