Nhà thơ Nguyên Sa có mặt ngay từ những số đầu của Sáng Tạo và thường trực có mặt trên tạp chí này như là một người trong nhóm. Quả thật vậy không?
Sau đây là câu trả lời của Nguyên Sa, không phải sau năm 1975. mà trước 1975, trong bài viết của ông được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn Học, Thanh Lảng chủ nhiệm, Thế Nguyên thư ký tòa sọan không rõ tháng năm, nhưng căn cứ vào giấy phép của Bộ Thông Tin Chiêu Hồi cấp (thang 8 năm 1967 và quang cáo đón đọc tạp chí Hành Trình sẽ ra mắt vào tháng 3-1968, chúng tôi đóan báo phát hành khỏang cuối năm 1967 hay đầu năm 1968):
…Những thằng theo đuôi là chúng tôi. Khi bạn Văn (*) nói tới Sáng Tạo, không hiểu bạn nghĩ gì, nghĩ đến ai nhưng tôi cảm tưởng là Nguyễn Văn Trung và tôi bị nhắm tới. Không là thành phần của nhóm văn nghệ đó, nhưng là những người cộng tác với tờ báo đó từ những số đầu tiên, nếu tôi không nhầm thì chính chúng tôi là những người từ năm năm mươi bẩy năm mươi tám đó, trên tờ báo đó đã đề cập tới những triết học hiện sinh hay hiện hữu. Và bây giờ đã đến lúc đủ trưởng thành để xác nhận công khai những nhầm lẫn dĩ vãng. Nhầm lẫn vì đã để cho những tư tưởng của người khác xen vào bản ngã và tác phẩm của mình nhiều quá. Nhầm lẫn vì chưa phải là chính mình. Bây giờ nhớn rồi. Phải làm một cái gì khác. Không kiêu hãnh mù quáng gạt bỏ tất cả mọi ảnh hưởng. Còn gì nữa. Đứa ngu xuẩn cũng có thể có ảnh hưởng đến ta. Thằng du đãng chửi ta một câu cũng có thể làm cho sự suy nghĩ về giáo dục, về trách nhiệm, về xã hội được đào sâu thêm, được mang ra trong trí tuệ đó xét kỹ một lần. Không. Tôi đã viết rồi. Không thể đạp đổ hết, không thể làm table rase văn nghệ. Nhưng giữa những cái đã có, hãy ráng đặt thêm một cái có. Giữa những phiêu lưu hào hứng, hãy khởi một chuyến đi.
(*) Nguyễn Trọng Văn, tác giả Phạm Duy đã chết như thế nào
(Nguồn: Nguyên Sa: Văn Nghệ trong việc làm khỏe dân tộc. Tạp chí TQBT số 56 tháng 6 – 2013 chủ đề Những vấn đề văn học)