Tiếng hát (tản mạn)

 

…Tôi hiểu tại sao rồi. Bởi vì nó chính là niềm cứu rỗi trong những ngày chúng tôi sống dỡ và chết dỡ. (THT)

 

Thử tưởng tượng về một niềm vui khi một người được hát lại bài hát mà mình ưa thích sau một thời gian không được phép…Là một nhạc sĩ. Là một ca sĩ ngày trước 1975, trong một đoàn văn nghệ quân đội, anh đã có mặt ở tiền đồn, và đã từng trình diển biết bao lần. Anh nói, sau 33 năm, anh mới hát lại bài hát này. Rồi, cầm cây đàn tây ban cầm, anh bắt đầu dạo. Vầng trán anh nhăn gợn, mắt anh khẻ nhắm anh cất lời. Một bài hát thời chiến chính. Một bài hát diễn tả giấc mơ của người lính, một ngày tiếng súng chấm dứt. Một ước mơ rất dãn dị, rất tình người. Một bài hát mà ở hải ngoại này rất quen, nghe đến nhàm tai. Tuy nhiên đối với một người nhạc sĩ, một ca sĩ, vừa mới qua Mỹ đoàn tụ mới ba tuần, thì không phải vậy. Phải mất 33 năm mới được có dịp để hát lại. Mất 33 năm mới được dịp để tim mình nhịp theo nhịp nhạc, lời ca cũ ngày nào.. Quả là một chờ đợi khủng khiếp.

Tiếng hát, ôi tiếng hát. Khi miệng mở lời. Khi âm thanh trầm bổng, khi nhịp điệu êm ái, khi cung bậc được định nghĩa, là âm nhạc bắt đầu. Nhưng bắt đầu từ trái tim. Để nhạc sĩ truyền đạt tấm lòng. Để người hát truyền đạt đến người nghe hay cho chính mình. Để đời được thi vị hơn, hoan lạc hơn. Để nỗi buồn ta có thể nương tựa, hạnh phúc ta có thể được chia chác với đời.

Hãy thử nghĩ nếu không có âm nhạc và tiếng hát, đời quả là buồn tẻ biết bao !

Hãy nghe đâu đó, trong rừng, tiếng chim hót líu lo. Không phải hót một mình, mình nghe. mà hót gọi đàn, gọi bạn, gọi tình. Vì tiếng súng hết rồi. Vì đạn bom cũng ngưng rồi.

Loài người bắt đầu trả lại rừng cho chim muông cầm thú.

Nhưng có khi chim cũng sợ không hót.

Chim sợ bởi vì khi không có đám người đói khát xâm chiếm rừng. Bất kể thời tiết nắng mưa, ngày ngày đám người vào mật khu tàn phá. Tràm con, tràm mẹ, tràm cha. Tràm rui, tràm mè, tràm cột. Họ  đốn tất cả, không chừa một mống. Tiếng búa vang dội cả một vùng. Có khi bọn người la gào, cùng nhau đuổi một con sóc trên cành cao. Sóc nhảy chuyền từ cành này sang cành khác. Bọn người cũng không kém, dưới gốc, vừa hét hò vừa rung cây. Chỉ đáng thương cho  con thú nhỏ bé vô tội, với bộ lông màu nâu pha lẫn màu huyết dụ rất mượt mà, đã phải quá kinh hoàng, rơi nhào ngay xuống biển nước. Có lẽ sợi dây thần kinh của nó bị đứt như người trong hầm bị bom dội phải long óc, hộc cả máu mồm chăng.

Như vậy, làm sao để còn nghe cái âm thanh bay bổng líu lo của những con chim rừng ?

Dù vậy, chim cũng có chỗ khác để mà đến, để tiếp tục hót.

Còn đám người kia, thì không có chỗ để mà đến. Bởi họ là tù nhân.

2.

Nói là không có tiếng hát thì cũng lừa dối chính mình. Vẫn có chứ. Mỗi đêm. Vào giờ sinh họat. Có kiểm thảo. Có phê bình. Có tuyên dương, bình bầu. Có văn nghệ. Vẫn  là  “Bão Nổi Lên Rồi”. Vẫn là “Bác cùng chúng cháu hành quân”. Vẫn là “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận”. Vẫn là “Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây”. Vừa hát vừa vỗ tay. Ôi bản thảo của người sống sót, sao mà buồn quá vậy. Đám tàn quân thất trận lại ca lên ai óan đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận nữa ư.. Tại sao lại không vui, khi miệng cất lời ca, khi bàn tay vỗ nhịp?

3.

Có điều họ cấm thì cấm, chúng tôi hát thì cứ hát. Hát khi vào trong rừng sâu, hai bàn chân bị đỉa trâu bám chặt hút máu no nê, cả thân hình thì lũ vắt nằm im đâu đó say máu ngủ yên… Trong cõi im lặng ấy, chỉ có gió đùa rạp những bông hoa tràm trắng, chỉ có bãi sình đen ngoài bìa rừng, và cả rừng bông súng màu hồng nhạt, thì chúng tôi ngồi lại trên mô đất. Đốt vỏ tràm nấu lon guigoz lấy lá nhản lồng thay trà. Sau đó chúng tôi làm văn nghệ tự phát. Chúng tôi hát cho nhau nghe. Hết nhạc Trịnh Công Sơn đến nhạc Từ Công Phụng hay Phạm Duy. Bây giờ rừng chỉ có chúng tôi và chúng tôi chỉ có rừng. Chẳng có ai rình mò, báo cáo. Chẳng có ai kết tội đầu óc chưa giác ngộ. Lời ca tiếng hát vừa đủ nghe, chẳng cần đàn trống, chẳng cần âm thanh ánh sáng, sân khấu đèn màu, nhưng con tim chúng tôi như lắng chìm trong một cõi âm thanh đã mất, rất tha thiết.

Nó làm ta quên  đêm, quên ngày. Quên sống dỡ và chết dỡ.

Thường thường vào đêm thứ bảy, chúng tôi được tự do, không có những cuộc sinh hoạt kiểm thảo như thường lệ. Chúng tôi vẫn tìm đến cái láng của Hải – nguyên là một trung úy Hải quân. Mỗi đứa mang theo đường, hay bánh kẹo do thân nhân tiếp tế hay có khi cà phê thuốc lá. Không trà, không cà phê thì dùng lá nhản lồng, hay cũ sâm rừng thế tạm. Và trên tấm chiếu, cả bọn quay quần, nghe Hải độc tấu. Người ta cấm hát bằng miệng, nhưng người ta không hiểu đôi khi khỏi cần miệng, mà dây đàn khi rung lên cũng có thể chuyên chở tất cả.

Rồi đến  một đêm, chưa bao giờ thấy Hải say mê đàn như vậy. Anh độc tấu không nghỉ, Từ tấu khúc của Strauss, Bethoven đến Trịnh Công Sơn.

Có lẽ những ngón tay bấm đàn của anh phải rỉ máu cũng nên.

Và đêm đó anh trốn trại. Sau đó khoảng 3 ngày anh bị bắt lại. Nghe nói anh bị giải về CT và bị tuyên án tử hình.

Không biết cây đàn di vật của anh có bạn tù nào giữ không.

Ôi tiếng đàn tiếng hát của một thời. Nơi này, dù ca sĩ có nổi tiếng mấy đi nữa, dù tha hồ ca hát đi nữa, nhưng cớ sao, tâm hồn mình cảm thấy thiếu vắng một cái gì. Lời vọng cổ Tình anh Bán Chiếu được Bé xề xuống rất ngọt hay tiếng hát buồn buồn Trở về Mái nhà xưa của Bình, mà nhịp đệm là tiếng máy tàu kêu đều đều khi chiếc ghe chở gạo từ Chợ Tròn về lại trại, qua một bãi lau bạt ngàn, và giòng nước được giát bởi một màu vàng kim lọai…Hay tiếng đàn của Hải… Tiếng đàn vẫn như vẳng bên tai. Tôi cứ nhớ đến đôi mắt anh nhắm nghiền, đầu hơi cúi xuống, và những ngón tay lướt nhanh trên dây đàn. Có lẽ anh muốn gởi tặng chúng tôi tất cả những gì anh có được trước khi vĩnh biệt chúng tôi chăng.

Tôi hiểu tại sao rồi. Bởi vì nó chính là niềm cứu rỗi trong những ngày chúng tôi sống dỡ và chết dỡ.

%d bloggers like this: