Cho con mùa tựu trường

(trích từ Ra Biển Gọi Thầm,  tập truyện  đầu tiên tại hải ngoại của Trần Hoài Thư ,  tác giả tự xuất bản  vào năm 1995 và đước Thư Ấn Quán tái bản nhiều lần.)

–  post để tặng NKT như là một  chia sẻ  trong ngày cháu gái sắp  xa nhà  vào nội trú đại học

meva con

(Tranh TQT)

Cuối cùng, mùa hè cũng đã chấm dứt. Cuối cùng con cũng phải trả lại những ngày vui cho những chú sóc, chú chim, và biển nắng trong vườn. Cũng như ba ngày nhỏ dại, ba đã hiểu đất trời thì vui vô hạn, nhưng đôi khi mình không thể hưởng được trọn vẹn niềm ân sủng của đất trời. Phải đến trường. Phải giam mình đằng sau khung cửa lớp. Phải nghe lại những lời giảng. Phải nhìn lại những bài học nặng nề. Phải thấy đôi khi một giờ là cả một thế kỷ, và mơ ước vô cùng con chim sẻ tinh nghịch ngoài sân. Và phải về nhà, không còn dịp để xem những chương trình hoạt họa hay đọc những trang tuổi thơ. Phải làm homework, phải luyện thêm Toán, học thêm bản cửu chương. Ba đã hiểu nỗi lòng của con một khi phải bỏ lại đằng sau những cái gì tươi đẹp nhất. Chắc con vẫn còn nhớ lại những buổi trên chiếc xe đạp hay chạy skateboard cùng với đám bạn nhỏ. Con vẫn còn nhớ những buổi sáng con có quyền dậy muộn và những buổi chiều có quyền về trễ, để những giọt mồ hôi vàng ánh trên vầng trán nhỏ, để đôi mắt sáng như ánh sáng tươi đẹp của mùa hè. Của tiếng cười, tiếng la, tiếng gọi. Của con, bạn nhỏ, của baseball, soccer, skateboard. Của bát ngát trời xanh và rực rỡ mặt trời.

Ba đưa con đến trường. Có điều gì con không được vui. Bạn bè con sẽ gặp lại. Con đường có hai hàng phong rậm bóng con sẽ bước qua, lá nhuốm vàng. Tại sao con không bao giờ kể cho ba về những kỷ niệm cũ. Hay con không thể tìm ra ở đây những gì mà ba đã tìm thấy ở quê nhà.

Cuối cùng mùa hè cũng đã chấm dứt. Và một bầu trời trong xanh dạo nào, một mặt trời chói lọi dạo nào, những hàng cây phong, dẻ, sồi, trắc bá xanh tươi trong khu vuờn của chung cư cũng phải nhường lại cho một khoảng mênh mông hiu hắt, cho những áng mây buồn chẳng muốn trôi đi, cho mặt trời như làm biếng dậy trễ, cho những chiếc lá nhuốm vàng càng lúc càng đắp trên ngôi mộ của mùa. Ba đã rạo rực nhìn thiên nhiên tuyệt vời và ân sủng. Nhưng ba vẫn còn có những thứ mà có lẽ không thể bắt gặp ở nơi này. Đó là hồi trống trường được đánh lên sáng, trưa và chiều, như vọng xuống xóm, qua làng, như bay trên những mái tranh, mái ngói. Đó là những tiếng dế mèn khe khẽ gáy lên từ bờ ruộng để thằng bé phải nín thở, và để hằng năm, còn mãi vướng vít, bâng khuâng. Đó là tuổi thơ, dù là tuổi thơ trong chiến tranh, nhưng là tuổi thơ ba gìn giữ. Bởi nó quá đỗi êm đềm như thể một bài học thuộc lòng của Thanh Tịnh: Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Mẹ tôi âu yếm … Nó đã đậu lại, chẳng bao giờ bay đi. Nó dịu dàng ngủ yên, để rồi dịu dàng trở lại khi mình khôn lớn. Như buổi sáng tựu trường này. Như khi con ngồi bên ba, khi ba lái xe đưa con đến trường.

Con cô độc làm sao. Cánh diều trên đồng cỏ năm xưa của ba nay được thay vào những hàng điện trời, những vách lầu vô tâm, những xe cộ dập dìu. Chỉ có chăng là lá vẫn nhuốm vàng, tiếp tục rụng, rụng để một ngày chờ xe công cộng tới hốt.

Ba vẫn còn nhớ ngày đầu đến Mỹ con lên sáu tuổi. Đất Mỹ đã làm con thích thú và kinh ngạc. Chiếc xe chữa lửa màu đỏ thắm, chạy hú còi inh ỏi trên đường đã làm con vỗ tay reo mừng: Xe chữa lửa, ba mẹ ơi xe chữa lửa. Con ngựa mà thầy cảnh sát cỡi, mỗi ngày qua lại trước apartment cũng làm con phải nín thở. Những hàng, kệ đồ chơi từ bên trong khung cửa kính cũng làm con bỏ mặc ba mẹ mà đến nhìn vào thèm thuồng. Cái thế giới ấy đã vượt ra khỏi tầm mắt của con trong suốt những năm khi ba còn ở trong tù, và khi mẹ thì gian truân vì ba xa cách. Cái thế giới mà đối với con chỉ là cơn mơ. Nhưng con đã đến cùng thế giới ấy. Bằng đôi chân nhỏ bé của một thằng bé tị nạn. Bằng đôi vai nhỏ bé vô cùng của tuổi nhỏ Việt nam. Bằng cả cái giá đói khát, sợ hãi trên biển cả, giữa dao, mã tấu, lựu đạn của lũ cướp biển. Bằng cuộc ra đi vào đêm bão. Bằng sấm bằng chớp. Bằng cả con tim thơ ngây khi con chưa hiểu thế nào là một chuyến đi. Đối với con, thế giới đều xinh đẹp. Con đã mau chóng quên những thảm kịch cũ, để bắt đầu thích nghi với thế giới mới. Con chẳng cần thắc mắc về màu da, giọng nói, hay thân phận. Bởi vậy, ngày đầu tiên đến ngôi truờng Mỹ ở Chevy Chase, con vẫn can đảm bước theo ba đến văn phòng. Con chẳng khóc, chẳng hề than, chẳng sợ hãi khi bước vào một cái thế giới quá sức xa lạ, trước những cặp mắt xanh, tóc vàng. Một người lính nhỏ cô độc làm sao. Ngày xưa, ba đã khóc, đã bấu chặt vào tay bà nội của con trong buổi học đầu đời. Ngày xưa, bà nội đã đứng suốt buổi bên khung cửa lớp, để khuyến khích an ủi ba, như nói với ba, đừng sợ cái roi mây và cặp kính hung dữ của thầy. Dù vậy, ba vẫn còn trách bà nội. Khi không bắt ba nhốt vào cái nơi lạ lẫm chỉ đầy những hình phạt. Bây giờ, giữa lúc con cần ba mẹ nhất, là lúc ba mẹ không được gần. Ba làm dấu. Mẹ làm dấu. Tiếng Anh tiếng Mỹ của ba mẹ là cái miệng câm trừ tay chân bộ điệu. Mẹ chỉ vào lớp, rồi đến bên cửa sổ, rồi ra dấu với bà giáo, van nài bà cho mẹ được đứng đấy. Bà giáo hiểu, lắc đầu, rồi ra dấu trở lại. Bà chỉ tay ra ngoài đường, rồi đẩy ba mẹ đi. Rõ ràng người ta không biết, mà cũng chẳng cần biết về một đứa bé sáu tuổi, không hiểu cả một tiếng yes no, không có cả một mái tóc đen, một màu da vàng, đang chịu đựng trong bốn bức tường xa lạ đến bi thảm. Ngày xưa, chỉ trong giờ chơi đầu của buổi học đầu, ba đã có bạn nhỏ. Bởi vì ba và bạn nhỏ có cùng một tiếng nói, cùng chung một tâm trạng, cùng chung hàng xóm. Bây giờ tiếng nói ấy ở đâu? Tâm trạng của con ai biết được? Làng xóm của con ai lớn lên để có chung một con đường đi học, một lối trở về, một con dốc bụi, một đồng cỏ để nghe lại tiếng con dế gáy lạc loài ?

Bởi con không có con đường thân thuộc nên chuyến xe bus màu vàng đã đổ con xuống tại một nơi mà bây giờ nhớ lại, ba vẫn còn cảm thấy hãi hùng. Người ta nói lớp mẫu giáo bãi lúc mười hai giờ trưa, nhưng mãi đến một giờ con vẫn chưa về. Cứ mỗi lần thấy một chiếc xe bus vàng đậu lại, đổ đám con nít Mỹ xuống đường, là mỗi lần ba chạy đến. Nhưng con vẫn không có mặt. Ba nhờ người bảo trợ gọi trường thì được biết, chuyến xe bus cuối cùng đã rời sân từ lâu, không còn chuyến nào nữa. Bà thơ ký đã thông báo cho bà giáo phụ trách. Bà giáo tự lái xe đi tìm. Bà thơ ký thì gọi cảnh sát. Cả trường rúng động. Ba thì ôm tim ôm ngực chạy xuống phố. Con đường Bradley là con đại lộ nên trăm ngàn chiếc xe phóng hết tốc độ. Chợt ba thấy từ xa cái dáng bé nhỏ của con, thằng bé con sáu tuổi, đang băng qua đường. Rồi ba nghe cả tiếng rít của chiếc bánh khi xe được thắng mạnh, nghiến trên mặt lộ. Mắt ba hoa lên. Ba kêu con, vừa kêu vừa chạy. Tiếng la của ba chìm trong tiếng máy và tiếng còi. Xe đầu dừng lại. Cả đoàn xe dừng lại. Ba chạy đến ôm con, ôm xiết lấy thân thể nhỏ bé, như thể đang bám lấy một cái gì thân yêu nhất sắp vuột mất. Tiếng cằn nhằn của người tài xế cất lên. Nhưng ba cũng chẳng cần để ý. Ba dắt con trở về apartment. Ba hỏi tại sao con lại không chịu xuống tại nhà, ba đã dặn nhiều lần rồi mà. Con trả lời Tại ba bảo con theo con nhỏ bên cạnh cửa, nó xuống đâu, con xuống đó. Ba dặn con như thế mà. Phải, ba đã dặn con, dặn rất kỹ. Nhưng đôi khi, có những điều mà ba không thể ngờ được. Chẳng hạn, con bé hàng xóm đã không xuống tại chung cư nhưng xuống tại ngôi nhà của bà ngoại. Chẳng hạn chuyện tự nhiên cả một miền Nam bị cướp đoạt, và tự nhiên gia đình chúng ta có mặt tại một nơi xa lạ đến độ không ngờ này.

Từ buổi học đầu tiên ấy, con vẫn tiếp tục đến trường, đến lớp bằng tất cả sự can đảm, chịu đựng thật thầm lặng. Từ những ngày không biết một tiếng Anh, và không bạn nhỏ, con đã tiến lên, bằng đôi chân vững chãi. Từ những ngày ba mẹ đi làm, con mang chiếc school bag trên vai, đi đi về về dưới bóng những tòa lầu cao, qua những ngả đèn xanh đèn đỏ, hay những ngôi nhà mà con cứ nhắc: “Nhà này có ma. Nhà này có thằng khùng…”. Con đã biết đứng trên ba viên gạch ba kê ngoài cửa để mở khóa lầu hai. Con đã biết chịu đựng một mình cùng cái cõi vắng lặng của căn phòng, trong khi ở tuổi con, ba đã có cả một cõi yêu thương đùm bọc. Như những buổi đến trường, nội con không bao giờ quên cho ba một đồng bạc cắc. Như những ngày mưa đột ngột, dì của ba đã mang chiếc áo mưa đến tận trường. Có phải hạnh phúc của một đời là khi mình được một lần nhỏ bé ? Như kẻ lưu lạc giang hồ về lại mái nhà xưa, để người mẹ cứ coi mình như đứa con bé nhỏ dạo nào. Còn con, ba hiểu, con không có dịp để bé nhỏ. Con phải cần chiến đấu.

Con chiến đấu như một con chim vô tội. Từ ngôi trường ở Chevy Chase, con lại về ngôi trường ở Logan. Logan, dân tÿ nạn vẫn quen gọi là Lò gan. Lò gan có những bức tường không còn chỗ để chứa đủ những giòng chữ viết bậy, xanh đỏ che lấp, chất chồng. Lò gan với những con đường rác rến bẩn thỉu, những khu nhà bỏ hoang cây dại phủ ngập. Lò gan với drug, tội ác, với vỉa hè khai nồng mùi nước tiểu và những tay say rượu nghiêng ngả, những chai, lon vất bừa bãi… Lò gan ít ai dám ra đường ban đêm. Lò gan với những căn lầu giá thuê rẻ mạt, và giá mua trên dưới một ngàn đô la. Nhưng chúng ta đã về ở đấy. Con đã đến đấy. Đi đến trường ở đấy. Tiếp tục lớn khôn từ đấy. Ngày tựu trường, ba lại dẫn con đi, và đọc lại cho con nghe những câu mà ba ưa thích: Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc… Lớp hai, con hỏi đám mây bàng bạc là gì. Ba nhìn lên bầu trời, qua những vòm lá dẻ đã trổ vàng, thấy bầu trời xám trắng. Đám mây bàng bạc ấy ở đâu? Bạn nhỏ ấy ở đâu? Nhưng không sao, con không thắc mắc nữa. Nơi nào cũng vậy, dù ở Chevy Chase tóc vàng mắt xanh hay Lò Gan da đen tóc quắn. Con vẫn đến, bình thản. Con vẫn đi không mẹ không ba. Con vẫn về không ai đưa đón. Con lớn khôn trong cảnh bần cùng để hiểu rõ hơn về những đứa bé Mỹ đen và những ngược đãi. Con tiến lên từ cõi mà ai ai cũng sợ hãi khi nghe tên. Ông Shannon đã bỏ giờ dạy con thêm, để con từ chót nhảy lên đầu. Thử hỏi trong xã hội này, mấy ai được một vị thầy như ông. Ba đã nhìn con từng bước tiếp theo từng bước bên ông, từ kinh ngạc này qua kinh ngạc khác. Từ trang giấy đầy lỗi văn phạm thành trang giấy không còn lỗi. Đến nỗi vào năm lớp sáu, trang giấy kia đã trở thành một hãnh diện cho toàn truờng trong cuộc thi về heritage (di sản) của thành phố và năm lớp 12 thành một phần thưởng học bổng…Như vậy, con có nhiều điều để nhớ ở những ngôi trường cũ, nhưng chắc chắn có một người để con phải hãnh diện và cảm tạ. Ông Shannon. Người Mỹ đen. Đôi mắt sáng. Nụ cười vui. Ông coi học trò như con, mang con tim trải rộng để chúng tiến lên. Để sau này con vẫn tìm lại trường cũ, để gặp lại vị thầy và nói: Thank you Mr. Shannon. Con đã kể với ông về những gì con gặt hái được từ khi giã từ ngôi trường ở Logan. Ông sẽ vui và sẽ vỗ đầu con: My child, I am proud of you.

_

Thêm một mùa thu nữa lại về, thêm một mùa tựu trường nữa để con trở lại cùng với thế giới của kiến thức. Nhưng khác với mọi năm, bây giờ con đã trở thành cánh chim bay xa, bay bổng: Con đã bước chân vào ngưỡng cửa của Đại Học.

Trường mới của con cách nhà chỉ gần hai giờ xe. Ngày ba mẹ đưa con đến trường thì mùa thu đã bàng bạc cả đất trời. Dù lá vẫn chưa đổi màu, dù ngọn gió vẫn chưa tê lạnh, nhưng trong cõi không gian, mùa đã chuyển. Bầu trời với những đám mây làm biếng, xám trắng như ngủ yên tự một kiếp nào, và những hàng cây bên đường như gục đầu chờ đợi một ngày lá rụng. Nhưng ở trong lòng ba mẹ, là cả một biến động đến sững sờ. Nào ai biết một ngày đứa con phải xa vòng tay đùm bọc. Nào ai biết một ngày cánh chim nhỏ bé lại sổ lồng. Bởi vậy, mẹ con đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc thút thít suốt đường. Dấu đôi mắt đỏ hoe khi mang va ly của con lên lầu nội trú. Và khi từ giã con, xuống lại xe, thì mẹ lại khóc òa.

Ba đã lái xe ra ngoài cổng trường. Mẹ lại van ba lái vào trường thêm một lần nữa. Ba chiều mẹ. Xe đậu dưới lầu. Mẹ ngồi trông lên nói: “Không biết con có quen với đời sống mới hay không. Không biết đứa bạn cùng phòng có kỳ thị hay không. Không biết trái gió trở trời, đau bụng đau dạ nó có xức dầu hay không. ” Ba đổ quạu, gắt:”Mình cứ xem nó còn con nít mãi. Nó đã trưởng thành rồi. Để cho nó tự lập cho quen.” Rồi ba đạp ga lái ra ngoài đường. Ba phải có quyết định dứt khoát. Nếu không mẹ cứ ngồi ở đây suốt cả đêm.

Phải, con đã trưởng thành. Ba đã nhìn con mỗi ngày mỗi lớn từ thể xác đến trí khôn và sự suy nghĩ. Ba đã thấy con đọc những sách triết học. Ba đã nhìn con lý luận qua bài văn Tuổi Trẻ và Hoà Bình. Ba sẽ trọng con như một người lớn. Ba sẽ coi con như một người bạn. Ba sẽ để con bay nhảy, và tự vạch lấy con đường cho riêng con.

Xe lại về nhà. Ba mẹ bước vào cửa. Cõi trống vắng đến đứt đoạn sững sờ. Mẹ vào phòng con, rờ tay lên tấm drap, tấm chăn, chiếc gối. Hình như trong từng thước khối của không khí đều vướng vít hình ảnh con, tiếng cười, tiếng nói của con. ễ đâu cũng thấy con, trên sofa, mở lại TV, nghe lại bản nhạc, thấy cái show quen thuộc… Rõ ràng ba me đã không chuẩn bị cho một sự chia ly, dù sự chia ly ấy chỉ là tạm thời, và khoảng cách ngăn chỉ trên dưới trăm dặm. Một người ở đầu sông, một người ở cuối sông cũng đã nhớ nhung rồi, huống hồ ba mẹ chỉ có mỗi một mình con, gần mười tám năm chưa rời nhà một ngày. Bởi vậy, mẹ con mới khóc, đôi vai cứ bật run trong bóng mờ của căn phòng.

Mẹ bảo mẹ muốn đi chợ một lát. Mẹ ra xe rồ máy. Còn lại ba một mình. Ngực ba như nhói bởi một sức nặng vô hình. Đó là khối buồn, cộng thêm khối mất mát, khối nhớ nhung trộn thành vôi hồ đông cứng, bắt ba phải ngồi lại đứng, hết nhìn ra ngoài đêm, quay quắt…

Mẹ con đã dấu ba. Mẹ đã lái xe lên trường thêm một lần nữa. Lên đó để làm gì? Ngồi trong xe và nhìn lên. Vì sao? Không ai có thể cắt nghĩa nổi.

%d bloggers like this: