Một người bạn từ VN trở về Mỹ gởi tặng tôi một USB đầy ngập một số sách vở báo chí trước 1975 mà anh đã ra công chụp sao lại trong chuyến về thăm cố hương. Trong số sách vở quí hiếm này có cuốn Introduction to Vietnamese poetry của Lý Chánh Trung, do Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH xuất bản tại SG vào năm 1960.
Tôi chọn cuốn này để chụp và in lại cho Tủ sách Di sản văn chương miền Nam. Tôi mong mỏi nó có thể giúp những bạn trẻ không thông thạo chữ nghĩa Việt ở hải ngoại. Tôi sẽ làm một “ngọai tập” in chung với kỳ phát hành tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 56 đến được dự trù vào đầu tháng 6 tới đây.
Tuy nhiên sau khi đánh máy khoảng 10 trang thì mới hay, có ba trang thiếu, và một trang thì bị mất một số chữ. Tôi biết Cornell, Yale có lưu trử tập sách mỏng này, nhưng đành chịu thua. Hoàn cảnh đã buộc tôi phải luôn luôn có mặt bên Y. Không ai có thể thay tôi để tôi gởi gấm. Giữa chuyện đi tìm những trang sách thiếu và chuỵện chăm sóc người bị bệnh trầm kha, chắn chắn tôi sẽ chọn cách thứ hai.
Nó giống như giữa chuyện nhà và chuyện nước. Tề gia trị quốc bình thiên hạ. Phải lo việc nhà trước mới tính đến chuyện trị nước an dân sau. Có phải vậy không?
Nhưng mà lòng tôi thì ấm ức. Chỉ mấy trang thiếu mà tạp chí TQBT số tháng 6 này thiếu mất đi một phần mà tôi cho là quan trọng. Về mặt văn chương, tập khảo luận về thi ca này là một tài liệu rất quí hiếm và giá trị. Và về mặt tinh thần, nó là một món quà đặc biệt, đó là sự tái sinh một niềm vui sau những tháng ngày ngỡ đã bị gục ngả vì phải chăm sóc lo lắng cho người bạn đời.. Niềm vui ấy là tạp chí thân yêu TQBT lại ra đời, tiếp tục có mặt tại hải ngoại, tiếp tục làm nhiệm vụ vực dậy văn chương miền Nam mà từ lâu ngỡ như bị quên lãng…
Còn nước thì còn tát. Qua Google search tôi biết thư viện CORNELL ở Ithaca bang NY có giữ tập sách mỏng này. Tôi liền viết thư trình bày hoàn cảnh tôi. Trước đây tôi có thể lái xe lên đấy để sưu tầm sách vở, nay vì hoàn cảnh, không thể bỏ người bạn đời một mình. Mong thư viện giúp sao lục và chụp và gởi về tôi những trang thiếu. Ngày hôm sau tôi nhận được hồi âm. Họ cho biết là họ sẵn sàng giúp tôi.
Như vậy, là số TQBT này sẽ có thêm 20 trang về một tập sách được xuất bản vào năm 1960. Như vậy, tôi có thêm một niềm vui trọn vẹn, thay vì lòng cứ ấm ức…
Có điều ở đây là một người phụ nữ Mỹ xa lạ. Cô ta không có trách nhiệm hay bổn phận gì khi phải giúp tôi sao lục những trang báo cũ. Nếu tôi muốn thì tôi tìm cách đến thư viện, cô sẽ giúp tôi vào kho, hay đến quày sách, tìm giúp và mang ra cho tôi. Ở đây, chỉ vì một lá thư của một người bị bất lực vô danh, mà cô đã mở rộng lòng. Cô làm sao biết là tôi vui biết bao không. Tôi đã đánh máy lại, ngón tay gỏ rất chậm, lỗi hơi nhiều, vì thị lực quá kém. Nhưng tôi không mệt, không nản, không lười biếng. Trái lại là một nỗi hăm hở lạ kỳ như nhấp phải hớp rượu quí. Vâng, tôi biết là đời thật vô cùng bao dung. Hôm qua, vợ chồng Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng-Cúc Hoa, và Đinh Cường từ Virginia cách 5 tiếng đồng hồ lái xe lên thăm Y. Và sáng sơm nay, tôi nhận được mấy trang sách cũ chụp lại từ Cornell gởi đến, cũng như tuần trước những trang đánh máy mà tôi nhờ bạn bè thân hữu TQBT giúp đánh dùm. Người thì từ VN, hà nội, SG. Người thì ở Montreal. Người thì ở Mỹ. Đa số tôi không hề biết mặt.
Đó chính là câu trả lời mà tôi muốn gởi đến những ai đặt câu hỏi, tại sao tạp chí TQBT không bán, không quảng cáo mà lại sống đến năm thứ 12 và bây giờ vẫn tiếp tục ra đời, khi chúng tôi nghĩ là nó sẽ không bao giờ tiếp tục có mặt nữa.
Có phải vậy không ?