Ôi sáng kiến ! (tản mạn)

Một thân hữu vừa gởi tặng tôi  một tủ sách quí được lưu trong USB  với 5 GB sách báo miền Nam trước 1975  mà anh đã bỏ công chụp lại trong chuyến về VN.  Trong tủ sách này có một số báo Văn viết về nhà văn Võ Hồng (tháng 2-1974). Báo dày 100 trang kể cả bìa. Đây là 2 trang tiêu biểu  được chụp:

PTDC8170

Một câu hỏi là nếu tôi muốn in lại giống như tạp chí Văn thì tôi phải làm gì ?

Chắc có người sẽ  bảo : thì layout (dàn trang), điều chỉnh lề cho ngay ngắn, sắp xếp lại cho có thứ tự. Vâng, đúng vậy.

Nhưng mà,  câu hỏi là  bạn có thể  cho tôi biết một software nào có thể đổi cái màu nền hồng (background) kia thành màu trắng? Tôi đã thử nào photoshop, nào paint, nào Arcshop, ViewFax với  option ” Black and white” , nhưng  tất cả màu nền chỉ có thể thành màu xám (grey) như trang sau đây. (Một hình chụp bằng trăm trang chữ)

PTDC8195_1_1

Câu hỏi thứ hai là liệu bạn có thể ngồi ngồi trước máy để làm những điều này cho cả một trăm trang không. Nhất là trong hoàn cảnh  của  một người chẳng có nợ nần gì với văn chương chữ nghĩa,  đang ứng chiến 100 % chăm sóc người bệnh như tôi bây giờ ?.

Photoshop hay những nhu liệu dàn trang có thể làm thay đổi hình thức trang chụp thật dễ dàng. Chúng ta chỉ việc cho cursor vào và drag, crop,  cut, copy, adjustment. rotation.  paste.  Việc này đòi hỏi một thời gian lâu dài, kiên nhẩn. Tuy nhiên tôi không đủ can đảm để kiên nhẩn như vậy. Tôi cần phải làm nhanh, đánh lẹ, ít tốn sức. Và khí giới của tôi bây giờ là  sáng kiến.

Sáng kiến của tôi là cứ in toàn bộ bản chụp ra giấy.  Chỉ một cái nhấp của mouse vào “submit” là máy in chạy.  Sau đó dùng kéo, lưỡi dao, cây thước để cắt, tỉa  mỗi tờ  cho đồng đều đúng vào một mẫu chung.  Rồi thêm một lần bỏ vào cái máy scanner tự dộng để máy thay người scan và lưu vào computer. Sở dĩ phải scan lại thêm một lần vì tôi cần trang chữ đen trắng vì  Microsoft Office có một phần hành dùng cho máy scanner:  print black and white on color page. Qua đó, màu background có thể biến đi như phép lạ.

MANG VIEN LONG_1

Trên đây là một trang của cuốn báo. Nền trắng. Chữ đen sáng sủa. Đấy, tôi có bao giờ đụng đến photoshop hay những software để layout trang đâu. Mọi việc đều tự động hết.  Khỏe ru. Có phải đó là sáng kiến không ?

Nếu mà làm theo cách layout theo  từng trang, tôi nghĩ phải mất khoảng 2 tuần mới xong cuốn báo. Nhưng với sáng kiến này thì tôi chỉ cần  khoảng 3 ngày tà tà là xong.
Bằng chứng là  hôm nay có thêm  một tác phẩm khác nữa. Đó là tập san giai phẩm Văn số tháng 2-1974 chủ đề về Võ Hồng trong TỦ Sách Di Sản Văn chươing miền Nam.

Hy vọng  trong tương lai sẽ có thêm những bộ sách báo quí hiếm  khác như Sáng Tạo (đầy đủ) , Bách Khoa, Văn  (thiếu một vài số)…. hiện nằm trong USB

Để gởi đến quí bạn nếu bạn cần chúng.

Tôi thật sự viết ra không phải để  dạy khôn, nhưng đây là sự thật. Một vinh dự lớn  của  con người là được bộ óc.  Từ bộ óc mới có trí tuệ. Từ trí tuệ mới có sáng kiến. Nếu sáng tạo là một yếu tố rất cần thiết cho nhà văn/thơ thì sáng kiến cũng rất cần thiết để giải quyết một vấn đề gì đó trong công việc hay một hoàn cảnh gì đó.  Như trong hoàn cảnh tôi, một kẻ rất thích in ấn,  nếu không có sáng kiến thì  làm sao một thân một bóng tôi có thể thực hiện một tạp chí sống đến năm thứ 12, một nhà xuất bản ra hàng trăm đầu sách  do chính tay tôi tự làm lấy từ A đến Z?

Tuy nhiên, sáng kiến cũng đôi khi làm mình bị thiệt thòi không ít.

Đó là những cách tôi tự chế ra để giúp người bệnh ngồi dậy từ giường mà khỏi cần nhọc công của Y. hay giúp tôi khi phải kéo cả một thân người cả trăm pound lên giường để thay quần áo.  Đó là sáng kiến tôi giúp Y.  vào nhà vệ sinh hay  lên xuống giường, hoặc bậc thềm  thật dễ dàng. Sáng kiến đã khiến việc tấp tành của  hai người do home care phái đến trở nên dễ dàng hơn bao giờ. Nhất là cách làm sao đưa người bệnh vào  hay mang ra khỏi xe nhà , dù chiếc xe ấy thuộc lọai nhỏ. Họ nói là họ không có thể tin là chúng tôi  có thể tự làm lấy một việc khó khăn như vậy. Họ làm sao biết là do nhu cầu đi  bác sĩ của Y. mà tôi đã nghĩ nát óc để tìm ra một phương pháp khi chiếc xe nhà thì quá nhỏ, lại không có ramp. Chẳng lẽ mỗi lần đi là mỗi lần kêu 911 ?

Và dĩ nhiên, chương trình home care đo đó phải  ngưng, không còn người đến nhà để tập tành hay săn sóc tắm rửa cho Y. nữa.

Để rồi chúng tôi phải hối hận. Phải chi đừng khoe hay biểu diễn cách bà vào hay rời xe cho họ thấy. Cứ tà tà để có ngườii còn tới săn sóc bà. Tôi nói với Y. và Y. đồng ý như vậy.

Nhưng mà lỡ rồi.

Ôi sáng kiến ?!

%d bloggers like this: