Tôi vừa nhận được thi phẩm Ngậm Thẻ Qua Sông của Phù Hư do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ở trong nước xuất bản vào tháng 2-2013, do một người bạn thơ mang từ VN về Mỹ chuyển lại.
Xin thành thật cám ơn tác giả. Và cũng xin được chia sẻ niềm vui.
Trong công việc sưu tầm thơ trước 1975 cho Bộ Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (2 tập), Phù Hư là một tên tuổi mà tôi tốn rất nhiều công sức để sưu tầm. Cuốn Một tôi chỉ sưu tập được một bài. Đó là bài Ngậm Thẻ Qua Sông. Đọc cảm thấy quá hay. Tưởng tượng cảnh một đội quân đến một xóm làng giữ gìn cho giấc ngủ của em và của mẹ, trong khi chồng của em thì vắng bặt phương xa không biết tông tích thế nào, rồi một đêm được lệnh di quân, âm thầm vượt sông… Cứ tưởng tượng cảnh ấy lòng thấy nao nao… Tôi không thể tìm một bài thơ nào của bất cứ một tác giả nào để mà so sánh về một điểm tương đồng. Thơ anh rất mộc mạc, như đất, như sông, như mái tranh, như vầng trăng, như tiếng thầm thì của quê hương hay tiếng lòng của một người lính trẻ nằm bên chái tranh nghèo, trong ấy có một người thiếu phụ trẻ vắng chồng đã lâu… Những chữ dụng thì cũng chẳng phải là sáo ngữ… Thơ chẳng cần kêu to, hay tưởng tượng kiểu trăng treo đầu súng, trái lại rất thật, rất thật vô cùng.
tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông
sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt
tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc
thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu
Để rồi tập II, tôi đã sưu tầm thêm 3 bài nữa. Ít ra đây là một niềm hãnh diện của cá nhân mình trong công việc sưu tầm. Dù Phù Hư rất ít xuất hiện, nhưng không phải vì thế mà thơ Phù Hư lại không giá trị. Và bổn phận của người sưu tập là phải cố đi tìm những sáng tác của tác giả được chừng nào hay chừng nấy, cho dù tên tuổi tác giả ít quen thuộc hay ít được nhắc nhở…
Đó là lý do tại sao Bộ Thơ Miền Nam 5 tập dày trên 3000 trang ra đời.
Chỉ tiếc là tôi không được dịp để xuất bản tập thơ này như niềm mong mỏi từ lâu. Y. đã ngả bịnh. Nhưng mà trước sau gì tôi cũng phải tái bản. Như là một niềm tri tạ với một người thơ đã mang lại danh dự cho thế hệ chúng tôi, nhất là những người từng mang màu áo lính miền Nam.
Xin được đăng lại ba bài thơ làm trước 1975 của Phù Hư:
ĐỒN SƠN YỂM
đóng núi đồn xa đoàn pháo yểm
quanh năm ngủ miết với chân mây
nhìn sâu xuống vực nham hiểm đá
thù rừng cành trút lá mặc cây
vào thu rồi đó đèo xao xác
thung lũng vàng khô ẩn bóng nhà
suối chia mương nhỏ gie ống nứa
chuối mùa lốm đốm lá trổ hoa
suối len khe đá âm mưu chảy
đồn đóng binh ròng trận mạc xa
khói mỏng lên chiều thưa chiếc chim
đèo cao hút bóng mỏi mắt nhìn
gió mớn cho đông về thoáng lạnh
trông gần thương nhỏ dáng người em
âm thầm đêm tối gào giữ giặc
nhanh đạn chuyền tay chống tuyến đầu
gió núi rên oằn băng tiếng pháo
mây tan đường trái phá qua sâu
sơn yểm đỉnh cao muốn chống trời!
binh sĩ nhàn cư quẩn quanh thôi
cỏ không chừa lối đường xuống núi
rượu hết từ khuya vắng tiếng người
đêm lính trú buồn hâm bếp lửa
nhìn nhau kể chuyện vãn cười chơi
tay hơ than khói khô da thịt
thuốc đốt từng khoanh dấu mặt người
đêm gió u hồn thổi muôn phương
lũng hạ khuya tiếng sói tru buồn
dư rượu ấm chi lòng khách núi
thuốc từng khoanh cầm tiếng thở giữa hồn
chinh chiến đầu non chinh chiến trận
ì ùng âm pháo dội quanh năm
xóm cũ chừ em lo chạy loạn
cha già xưa nhúm mộ bỏ bên đồng
đèo sắp qua đông lạnh quá chừng
cây nản rừng chưa trổ lá non
đồn dăm chòi dột tin mưa gió
pháo mới chùi xong đợi tấn công
bạn tôi trẻ tuổi vừa cưới vợ
cười lệch đôi môi nói chuyện nhà
thoát sắp đông sang rồi đấy nhỉ
trông rừng giết lá mấy mùa qua
thu giữ mây cho ấm lòng người
pháo yểm đồn cao đứng lẻ loi
bao giờ vạch cỏ xuyên đường núi
lũng hạ thăm em rượu mềm môi
1972
NGẬM THẺ QUA SÔNG
thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng
ven thôn vừa ghé buổi di quân
khói mẹ sau lều cơm chín tới
nước em chè lá đậm phèn sông
tôi đời trận mạc xa quê quán
buổi ghé nương em núp bong nhà
em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa
lâu tin vắng trông mòn đường xóm
tôi ở quá bên hông nhà gió sớm
đợi dùm em tin chinh chiến gởi về
đêm nay mưa em mất ngủ khuya
tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức
làng em ở gió lào qua rất độc
ngày mưa mùa khuất núi mù sông
mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng
em nhắn gởi bao lần tin vẫn biệt
rụng vườn em trăng sương ngày tháng chạp
tôi gác đêm như bóng người rình
tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông
sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt
tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc
thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu
đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu
ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt
tôi nương bóng nhà trăng che khuất
ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi
nhìn xa trăng định trốn sau đồi
sông tiếng vạc dặm buồn như tiếng cú
thức có khua mới nghe hồn bớt ngủ
mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời
nghe em thở não mãi không thôi
em thở đó hay gió kêu mùa giá
nhà em ở miệt đông xóm hạ
bên triền sông không bến phải vắng thuyền
đầu trăng con nước rất vô duyên
lên mấp mé vườn em vai phơi áo
em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo
mẹ thì già vồn cải với nương rau
bước sau hiên vui mẹ dây trầu
mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé
buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ
em thẹn thùa tôi tưởng thưở bình yên
tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng
trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió
một tháng tròn ngỡ như ngày thưở nhỏ
em là em mẹ là mẹ xưa
tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa
cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói
nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi
mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân
tôi trận mạc nhầu không kể đến thân
sương nhiều lắm trời không che nằm đất
em vẫn bảo tôi mái tranh không chật
tôi cười xòa xó xỉnh miết đâm quen
tròn tháng rồi đấy nhớ không em
hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép
lúc quân đi chắc em không hế biết
đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông
còn tôi co ro lạnh mãi gió đông
một lần cuối nhìn nhà em đóng kín
tin chồng em chắc chưa về đến bến
như tin tôi mấy thưở gởi thăm nhà
cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa
em còn nhớ một lần tôi ghé ở
thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ
hồn em xa lắm cũng quanh đây
1972
QUÂN BỘ KHÚC
quân bộ qua thầm quân bộ qua
nón ngụy trang thép lạnh màu da
câm trăm miệng hến trừng gò ụ
súng dại dột nòng chực đạn ra
mặt thâm hiểm quá răng trắng nhỡn
biên giới xế chiều như cõi âm
cây che mù mịt vùng lãnh khí
có tiếng ai cười nghe xa xăm
đi qua rừng truông lá tủi thân
quân như ma lẩn bước thì thầm
áo quần trận tiệp mùi cây lá
đường xa đau rát gan bàn chân
lên đèo xuống dốc không sờn chí
cạy răng tìm không một tiếng cười
lúc mỏi tản quân cho ngồi nghỉ
khi buồn đưa điếu thuốc hút chơi
canh khuya ven núi ực tiếng cú
tay gìm súng mắt mỏi đủ thứ
trông xa thấy thoáng tưởng khai hỏa
cây đen lù gió lay bay lứ dứ
đêm rừng lạnh muốn ho xé cổ
ráng chịu qua giữ mục tiêu quân
cầu sương điếm cỏ đau lòng khách
súng thép giá bên mình quanh năm
trinh sát cơ bay rù trên cao
nghe ra nhớ người xa biết bao
ngắt một cọng cỏ xanh dưới gót
ngậm trong miệng vơ vẩn làm sao
tinh sương thu quân gọi lên đường
rừng âm u bít lối cỏ mòn
vạch cây khoét bụi theo đường nhỏ
quân đi rừng cuộn mãng xà cuồn
qua suối nước nguồn cao tới ngực
súng dong cao địch tưởng ta hàng
quần áo ướt dầm không khí ẩm
da nhờn rít thấm gió mùa sang
đi mãi quanh năm với núi rừng
ngoái nhìn trùng điệp núi phương đông
ngước mặt cây mù bưng bóng tối
hai bên bờ bụi xót xa lòng
ba ngày lương khô ăn không chán
khát uống suối nguồn trông cá vởn
thất chí theo người xưa gõ gươm
ca rằng hề cơm không có canh
lầm lũi miết cũng tới xóm thôn
chạm dăm trận trước chưa lại hồn
quân vòng bố trí quanh bờ ấp
toán chận bờ sông toán đầu truông
một canh nhỏ quân phục múi cầu
hai cánh khác xẻ đôi thọc sâu
cẩn thận có khi là công cốc
thôn toàn con trẻ với mẹ già
răn rúm quả xanh dăm trái khế
ít cơm rơi nhao nhác lũ gà
ủng oẳng bên hiên con chó ốm
thôn ổ này là quê nhà ta
ngủ chưa chợp mắt quân di chuyển
nón sắt nặng đầu ba lô mỏi lưng
trông quanh đen đúa không rõ mặt
lắng nghe va động đoán chừng chừng
lắng nghe mới rõ gần nỗi chết
biết có gì không dưới bước chân
thê nhi bao nỗi long tan tác
em ở xa mà ta ở gần
ngàn năm biên ải giữ oan hồn
lá rừng xô gió núi sông xương
chết phơi khí tiết vô danh sĩ
chết đắng cay ma núi ngậm hờn
biên ải ngàn năm danh tiết hão
mộng sông hồ đâu phải ở đây
ta cũng chẳng vô vi lão tử
sao suối cùng đèo nối ngàn mây
biên ải ngàn năm gió u hoài
quân rờn gió núi da mọc gai
phải gió mang muôn linh hồn cũ
về đây đợi đón khách phương ngoài
giật minh không chỉ nghe tiếng đạn
dầm dãi ngày mưa lũ năng dầu
chiều bên núi dốc chưa hỏi đá
đã nghe cú hực gợi đêm thâu
thưở tuổi hai mươi xanh tóc người
bên rừng ngả nón ngỡ thảnh thơi
súng lơi báng nhỏ thả lời hát
trăng mùa xưa ơi em của tôi
1973