Theo em (46)

Thế là Y. sắp về. Hôm qua,  bà social worker, người đại diện phòng Physical Therapy. cậu con trai và tôi gặp nhau, và cùng ký giấy để Y. ra về. Họ cho biết là việc trở về này là do phía gia đình bệnh nhân yêu cầu, và gia đình chịu trách nhiệm. Người phòng Therapy thì bảo, ít nhất phải 4, 5 tháng mới tập cho Y. làm quen với walker. Kinh khủng. Một ngày là một thế kỷ. Huống hồ là 4, 5 tháng. Đáng lẽ tôi phải nói lên lý do tại sao, về  những đêm trắng mắt, và bị tra tấn bởi mùi thúi nôn mữa từ phía giường bênh cạnh, và tiếng nói liên tu bất tận, phát ra từ người bệnh mất hết trí nhớ… Đáng lẽ tôi phải nói về cách phục hồi cho có lệ. Mỗi ngày một tiếng… Đó là cách dành cho người già, do tuổi tác làm suy nhược phần tứ chi, chứ không phải là cho người bị stroke. Nhưng mà nói làm gì. Miễn là Y. được về, dù biết bao nhiêu khó khăn đang chờ trong những ngày tháng tới. Ở đây mỗi ngày y tá theo dõi đường trong máu, áp huyết ba lần một ngày. Ở  đây có người phụ nurse chăm sóc, thay giường, tắm rữa, giúp vệ sinh. Và bao nhiêu chuyện linh tinh khác. Còn về nhà, một tuần hai lần, người tới nhà săn sóc. Một lần hai tiếng. Vợ chồng thằng con luôn luôn quan tâm về sức khỏe của mẹ, và của tôi. Làm sao tôi có thể gánh công việc của y tá, hay phụ nurse hay người physical therapy ? Tôi nói, ba biết. Nhưng mà không thể để mẹ bị khủng hỏang tinh thần. Cái quan trọng trong việc phục hồi người bệnh là tinh thần. Chẳng thà mẹ ở nhà, đầu óc mẹ thanh thản, đêm ngủ ngon, khi buồn là mở những đài VN xem, ngày thì ba tập cho mẹ. Những gì mà họ tập mẹ, ba đều biết.  Mà tập cái gì trừ  ngồi quay chân quay tay…

Y. rất vui. Y. dặn tôi đặt mấy chục cuộn chả giò để mời những người trong phòng rehab trước khi Y. từ giã. Thằng con phản đối. Họ tập mẹ cái gì để mẹ phải cám ơn chứ ? Tôi cũng đồng ý với thằng con. Nhưng Y. nhất định. Dù sao họ cũng giúp mẹ, cũng dẫn mẹ đi cầu, khi mẹ cần.  Nếu không, mẹ ngủ không được.

Lòng từ tâm của Y. đã khiến những người phụ nurse hay y tá bùi ngùi khi nghe tin Y. sắp về nhà. Bà M. người Tahiti, ôm mẹ mà khóc mùi. Cô y tá mà mẹ cho biệt danh là Mosquito (muỗi) thì nói, thỉnh thoảng cô sẽ đến nhà thăm Y. Bà N. mà mẹ quen gọi là bà mập thì sẵn sàng chỉ dẫn tôi tận tình cách cho bệnh nhân đi vệ sinh trong nhà cầu. Bà chỉ tôi cách xê dịch người bệnh trong xe lăn, khi người bệnh ngồi không được thoải mái, không phải xốc nách, mà cầm cái lưng quần kéo mạnh về phía sau.

Tôi đã tận dụng những ngày cuối cùng để học. Vì thế, tôi hầu như có mặt từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối.  Tôi đã về hưu nên đối với tôi, thì giờ không thành vấn đề. Hết đẩy xe chở Y đi vòng, rồi ngồi nghỉ ở nhà khách, hay tập Y. đi dọc theo bờ tường. Đến giờ ăn, thì đẩy xe vào nhà ăn. Tôi là một người ngoài hiếm hoi lành lặn, nên tiếp đẩy dùm những chiếc xe lăn đến bàn ăn khi người ngồi bị bất lục vì khoảng trống giữa hai bàn ăn quá chật hay lấy dùm cái yếm bằng nylong, choàng vào cổ dùm cho vài người mà tay họ không thể cầm được, hay kéo bàn, kéo ghế  để người bệnh ngồi thoải mái … Càng ở gần họ, mới càng thương họ. Khi họ ỉa đái, hay đánh y tá, khi họ nhìn kẻ khác với đôi mắt hằn học, khi họ nói huyên thuyên, chửi rủa không ngừng, không phải là vì họ muốn, mà vì cái bệnh của tuổi già đã bắt họ phải làm như vậy. Nhìn  đôi mắt đầy thèm thuồng khi tôi lấy những trái nho đen đưa cho Y. mới càng thấy thương bà lão 79 tuổi ngồi ở bàn 17. Tôi biếu bà một chùm. Bà rối rít cám ơn, vừa nhai vừa khen ngon.

7 giờ tôi trở về nhà. Bắt đầu dọn dẹp sửa sang phòng. Y. thuân tay phải, phải đặt giường như thế nào để khi đở Y. ngồi dậy, Y. có thể vịn vào cái thanh bar mà tôi đã kêu thợ gắn vào bờ vách. Phải để lại TV để Y. có thể nằm mà xem. Phải đặt lại kệ ngăn. Phòng càng trống càng tốt. Rồi phải tháo cái cửa vào nhà cầu, để khỏang cách đủ rộng cho xe vào. Thợ không thể làm ngay vì sự trở về quá chừng đột ngột. Mình phải đành làm vậy. Còn chỗ tắm nữa.  Bao nhiêu việc phải làm. Nhưng thế nào cũng phải dành cho mình một khoảng thời gian nào đó cho mình và vì mình. Như những giòng chữ của một buổi sáng này.

Có phải vậy không?

%d bloggers like this: