Chiều nay tôi mang lá thư của cháu QT đọc cho Y. nghe:
“..Cháu có nuôi một con mèo tam thể. Một hôm không biết nó leo trèo thế nào mà bị té từ trên lầu cao xuống đụng mấy cọc sắt đâm lủng bụng. (Cô chú còn nhớ nhà ở Saigon, các cổng nhà hay có những cây nhọn bằng sắt để tránh ăn trộm ? ) Cháu đã bồng nó chạy khắp các bệnh viện Thú Y để cứu nó nhưng các bác sĩ nói không cứu nó nổi và nó sẽ chết. Khi đó nó chỉ còn ngọ nguậy cái đầu và hai chân trước. Nửa mình sau của nó không còn động đậy được nữa. Ngay cả đi tiểu, đi tiện cũng không được nữa. Cháu đem nó về nhà, vì thương nó quá nên cháu lo săn sóc nó. Hàng ngày cháu lo bóp lưng, bụng, 2 chân sau của nó để nó có thể đi cầu được và không bị teo các cơ bắp. Lần đầu tiên nó đau quá đã cắn cháu đến chảy máu tay, nhưng cháu vẫn kiên trì tiếp tục làm cho nó, vừa làm cháu vừa nói chuyện với nó ” Maica (tên con mèo) phải ráng, mày sẽ đi lại được”. Không biết nó có hiểu không nhưng sau đó mỗi ngày cháu xoa bóp kéo ra kéo vô hai chân sau của nó, nó đã nằm yên để cháu làm ngày này qua ngày khác, và một ngày phép lạ đã đến sau một tháng trời: Khi cháu đang kéo hai chân sau của nó, nó đã dùng hai chân sau đạp tay cháu ra, cô chú biết không cháu mừng đến phát khóc. Rồi cứ tiếp tục vậy gần 2 tháng nó đã đứng lên bằng 4 chân, và tiếp tục đi từng bước khập khiểng. Và cuối cùng nó đã đi lại được. Bắt đầu leo trèo phá phách lại.
Cháu nghĩ không có gì mình không vượt qua được với ý chí kiên cường và Đức Tin mạnh mẽ là mình sẽ làm được. Hằng đêm cháu cầu nguyện với Chúa không phải lời xin cho Cô được lành bệnh mà là “Xin Chúa ban cho Cô được sức mạnh, đức Tin sẽ vượt qua sự thử thách của bệnh tật mà cô đang phải chịu…”
Tôi đọc trong lúc chúng tôi chờ buổi ăn chiều ở trong nhà ăn của Nursing home. Ôi những lời chia sẻ mà vàng ngọc không thể mua được lúc này. Thuốc có thể làm bớt đau, giảm lượng đường trong máu, nhưng với stroke thì thuốc bất lực. Bởi vậy mới có những physical therapy, rehabilation center, và cả một business về rehab…
Từ nay, con mèo của cháu QT là một kinh nghiệm để tôi càng tập nhiều cho Y. và giúp Y. càng tin là nếu có công mài sắt thì có ngày nên kim.
Thường thường vào những giờ ăn, chúng tôi mới có thể gần gủi với những người ở các phòng khác. Bà phụ nurse tốt bụng, đẩy Y. đến chỗ hai bà lão Á Đông ở bàn cuối, nói là để Y. có bầu bạn. Nhưng hai bà lão là người Đài Loan, không biết tiếng Anh, thành ra Y. phải trở lại chỗ cũ, cạnh bàn của một bà mỹ đen có lẽ vì bị stroke khá nặng nên toàn thân không còn chủ động được nữa, có nghĩa là bị liệt toàn thân. Bà ta chỉ nhìn, đôi mắt vẫn còn linh động, và nụ cười thì luôn luôn nở. Mỗi lần bà cười thì lộ ra hai cái hàm đã hầu như chỉ thấy lợi với vài cái răng lưa thưa.
Tôi đã biết tại sao bà ta lại vui cứ cười bằng ánh mắt khi nhìn mọi người. Đó là nhờ bà ta có ông chồng Mỹ trắng rất mực thương yêu bà. Không buổi ăn nào là ông không có mặt, đẩy bà vào nhà ăn, giúp vợ ăn uống, kiên nhẩn đút từng muổng súp, hay muổng kem, lát thịt. Chậm rải vì bà đâu còn răng nhiều để nhai nhanh. Vừa đút vừa chùi miệng vợ rất dịu dàng. Chẳng những giúp vợ ông còn giúp những người xung quanh, bằng cách đẩy xe hay mang dùm thức ăn cho họ. Rồi khi ra về, ông hôn má bà thật thắm thiết. Cái tình nghĩa vợ chồng đến như vậy là quá mực rồi. Nhất là khi hai người, chồng là Mỹ trắng, và vợ là Mỹ đen. Nó đã mang lại sự hồi phục, dù chỉ là sự hồi phục trong tâm hồn, cho một người khi họ phải sống trong nổi bất lực không cùng này.
Sự hồi phục này cũng đã thấy ở Y. mỗi ngày. Tôi đã có thể giúp Y. dễ dàng hơn khi mang Y. từ giường xuống xe lăn và ngược lại. Y. có thể một mình xoay người, xê dịch thân mình để nằm cho ngay ngắn, thay vì trước đây cần phải có người giúp sức. Và Y, cũng có thể đưa mông mình lên caođể người phụ nurse có thể dễ dàng bỏ bô vệ sinh vào phía dưới mông khi Y. cần đi vệ sinh, khiến người phụ nurse phải ngạc nhiên không ít…
Tôi đã vui mừng theo từng tiến triển chậm chạp ấy. Tôi tin một ngày Y. sẽ rời khỏi nơi đây để trở lại nhà, với cái walker tiếp sức hay chiếc xe lăn do Y. tự điều khiển một mình. Tôi tin bởi vì tôi đã có con mèo của cháu QT và nụ cười luôn luôn nở trên môi của bà lão Mỹ đen.
Like this:
Like Loading...