Theo em (39)

Nursing home được dịch là nhà dưỡng lảo.  Nó có nghĩa là nơi để tuổi già nghỉ ngơi, dưỡng già. Nó mang một ý nghĩa “positive” hơn là “negative”. Con thấy cha hoặc mẹ mình không bạn bè, cô đơn, muốn tìm một nơi để  cha hoặc mẹ mình có người để vui vầy. Hoặc bất lực trong việc điều trị bệnh họan, trong khi mình phải còn lo sinh kế, không đủ thì giờ chăm sóc, nên phải mượn nursing home làm nơi gởi gấm  người thân yêu.

Tôi đã có mặt ở dó mỗi ngày 3 lần từ sáng đến tối, và tính đến nay đã hơn 20 ngày,  để thử tìm xem có những nụ cười, những ánh mắt vui, những gương mặt sáng tỏa lên từ những cụ ông, cụ bà. Tôi đã thấy gì ? Tôi chỉ thấy những linh hồn tượng đá. Họ không cười, không nói. Họ vô cảm. Họ cứ nhìn vào một khoảng trống nào đó không còn hiện hữu nữa. Họ là bệnh nhân của Alzheimer. Họ là bệnh nhân của những chứng bệnh trầm kha, mà bệnh viện chuyển tới, như  bại xụi, không thể đứng hay đi như người bình thường. Họ là bệnh nhân của bệnh tâm thần. Họ không còn chủ động trong việc làm vệ sinh cá nhân. .. Họ không thể bấm nút đều kêu y tá hay người phụ nurse khi cần.

Và dĩ nhiên, trí nhớ của họ cũng trở thành một vùng sương khói. Họ không nhớ những gì họ nói, họ làm, và người khác nói hoặc làm.  Có người thì nói cả đêm với những người chết. Có người thì hét la, khóc, đòi về nhà. Có người thì đái ỉa trên giường, cả đêm không ai chùi rửa. Có người thì  kêu la help help… Và cũng có người thì ngủ li bì, mê man, đầu ập xuống bàn như đứa bé ba bốn tuổi.
Như vậy, sao có thể là “positive” ?

Dù ở  đây vẫn có một căn phòng dành cho beauty shop. Nhưng mà họ đến bằng xe lăn, có khi mắt nhắm, đầu gục. Người nhà muốn họ yêu đời, nhưng đời chẳng yêu họ.

Chỉ có positive là những hình ảnh từ những ông lão bà lão đã  vươn lên bằng tất cả nghị lực phi thường. Tôi đã thấy mỗi ngày hình ảnh một ông già tập đi bằng đôi chân trong chiếc xe lăn. Hai tay ông có thể dàng để lăn bánh, nhưng ông đã không dùng. Ông nhích từng bước giày một cách rất khốn khổ. Mỗi lần ông nhích là mỗi lần ông khom cả thân mình về phía trước, hàm răng nghiến lại như cầm cơn đau. Có khi ông nhích không được, ông ngừng lại thở, sau đó lại cố nhích  chiếc giày thêm một lần nữa.

Ngày đầu tiên tôi thấy ông tập đi bằng xe lăn, và mãi đến bây giờ , 20 ngày sau, cũng thấy ông tập. Lại thêm một bà lão nữa. Bà tập đi khi ngồi trong xe lăn. Cứ mỗi lần đôi chân bước tới là bà rên. Có lẽ vì đau. Hôm nay tôi thấy bà đi nhanh hơn, và ít la hơn.

Đó là những cảnh tượng mà ban ngày tôi nhìn bằng mắt mình.  Cảm thông những người y tá, phụ nurse vô cùng. Họ tất bật không ngừng nghỉ. Vào giờ ăn, họ chia nhau ngồi bên cạnh người bệnh không thể tự mình ăn uống. Rồi họ đẩy xe chở người bệnh về phòng.  Ở phòng xem TV,  khoảng 20 xe lăn mang những người bất khiển dụng, chờ người đẩy xe vào nhà ăn.

Đó là ban ngày. Còn ban đêm thì sao. Chỉ còn những người trực phòng và một y tá trực. Chỉ còn là một cõi mồ quan mà  có lẽ thân nhân ít hay không biết nhiều về sự thật sau khi cánh cửa nhà dưỡng lảo đóng lại,  và khách thăm nuôi  d8ược lệnh rời khỏi và những ngọn đèn đã tắt. Nếu như không có Y., thì chắc chắn là tôi cũng không hề biết được gì xãy ra trong đêm. Có lẽ Y. là một trong những người hiếm hoi, không phải thuộc trong tập thể  có cùng một mẫu số chung này. Bởi Y. tỉnh táo, minh mẩn.  Mỗi buổi sáng Y. đều kể lại những gì xãy ra trong đêm. Những điều mà chắc chắn đa số những người thân nhân không hề hay biết. Bởi họ làm sao mà biết khi những người bệnh già kia mất trí nhớ  hay bệnh trầm kha ?

Tôi nghĩ đến ý nghĩa của  nỗi khổ nạn.  Chúa đã vì  loài người mà chịu đóng đinh trên thập tự giá.

Cũng như Y. bấy giờ.

Những cái đinh, nhát búa  vô hình đập vào đầu mỗi đêm, hằng đêm.

Cho tôi.

Cho một nhà văn.

Để tôi có thể viết lên những bài “theo em”  phù phiếm này.

%d bloggers like this: