2AM, thức dậy, cảm thấy nhức ở bàn chân trái. Gout lại phát. Chẳng biết vì lý do gì. Cử kiêng tối đa mà.
Nhưng mà không sao. Có thể đi được. Cứ chậm. Cứ lết. Cứ nhăn mặt nhăn mày một tí. Có nghỉa lý gì so với cái khổ nạn của một người trong nursing home như Y.
Bây giờ ta là một caregiver chuyên nghiệp. Y. khen nói ông bây giờ rành quá. Sửa lại tấm chăn. Chỉnh lại giuờng nằm. Đẩy xe lăn cho Y. để đến nhà ăn tập thể, thay vì nằm ăn ngay trên giường bệnh. Giúp Y. cắt thịt, múc súp, cắt bom táo, lấy hột, choàng cái yếm giấy vào cổ để đồ ăn khỏi vương vải trên áo… Có khi giúp Y. làm vệ sinh ngay trên giường bệnh. Rồi nghĩ cách làm sao cho Y. khuây khỏa, bằng cách vừa đẩy xe vừa kể chuyện. Không có chuyện cũng sáng tác ra câu chuyện. Hay tìm một chuyện để người bệnh chú ý mà quên cái thực tại của mình.
Ví dụ cái đề tài ai là kẻ được hưởng ưu đải nhiều nhất trong nursing home này ? Tôi nói là kẻ giàu có và những kẻ anh chị. Ưu đải ở đây có nghĩa là được nằm một người một phòng, không ai phiền nhiểu, quấy rầy. Tôi chứng minh bằng cách đẩy xe lăn chở Y quanh khắp các phòng, để Y. nhìn vào. Bà thấy không, cái phòng này một người, bà nhớ không cái bà tới khóa cửa phòng bà để bà la help help không. Gặp ai bà ta cũng chống nạnh nhìn. Hễ nhìn lại là bà ta chửi. Ai cũng không dám ở chung với bà.
Bà thấy không cái phòng này chỉ có một người. Xinh ghê không. Phải trả thêm 300 đô la mỗi đêm. Vậy mà không còn phòng nào trống. THiên hạ giàu quá.
Hình như chỉ có một mình tôi là kẻ đẩy xe duy nhất cho người thân một cách thường xuyên nhất. Ít ra Y. là người may mắn. Còn có biết bao nhiêu người ở đây, họ đã không được may mắn. Cuộc đời của họ cuối cùng là chiếc xe lăn, bốn bức tường, chiếc TV, và những giờ chờ đợi dài dằng dặc. Chờ đợi con cái đến thăm. Chờ đợi người phụ nurse đến giúp làm vệ sinh. Chờ đợi một ngày từ biệt trần gian. Mỗi lần qua mỗi phòng, thấy họ nằm mắt nhắm nghiền, hay là trong chiếc xe lăn, nhìn ra, đàng sau là cửa số, nắng rọi một khoảng sáng vào nền phòng. Nhưng chằng làm sáng cuộc đời của họ: hẩm hiu, cô độc.
Chỉ vào giờ ăn, là cả khu trở nên rộn rịp. Xe lăn tấp nập trên hành lang. Xe này tránh xe kia. Trong nhà ăn, những người phụ trách ngược xuôi bận rộn. Ngồi chung một bàn mà chẳng có ai mở một lời chào hỏi cho nhau. Không phải vì không lịch sự, mà là không còn đủ sức để làm nên lịch sự. Người giúp thì ít mà người cần thì nhiều. Có khi một bà tay không thể cầm nĩa muổng, phải áp miệng vào đĩa đồ ăn mà cạp… Thấy mà muốn chảy nuớc mắt…