Theo em (37)

Hôm nay là một ngày mà có lẽ tất cả những người dân ở hai tiểu bang New York và New Jersey đều vui mừng. Thời tiết tự nhiên ấm áp kỳ lạ.  Nhiệt độ đã nhảy lên con số 60 độ F, một con số đạt kỷ lục có lẽ, trong tháng hai – tháng được xem là tháng lạnh nhất trong năm.

Tuyết đã tan hầu hết. Khi tôi ký tên vào cuốn sổ thăm viếng thì bà ở phòng Information đã nói với tôi:  Hôm nay trời quá đẹp – Today is so nice. Tôi trả lời, thưa bà vâng. Bà thấy không, hôm nay tôi không mang jacket… Rồi tôi đến phòng Y.

Tôi choáng váng người vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Bà lão cùng phòng đã phóng uế ngay trên mình bà, nhưng vẫn chưa có ai lau chùi rữa ráy. Một đám sinh viên y khoa thực tập bu quanh dưới sự hướng dẫn của một y tá. Họ được hướng dẫn cách săn sóc bệnh nhân. Và cái giường của bà già  là chỗ để họ thực tập. Trong cái màn che khuất cả giường bệnh, tôi nghe giọng nói của người y tá. Có lẽ cô ta không biết là căn bệnh của bà lão là bệnh lẫn, bệnh lãng trí. Cô hỏi liên miên. Sau đó, đám sinh viên tản đi còn lại hai người. Một người là y tá. Mộtngười là cậu sinh viên gốc người Á Châu có lẽ là Trung Hoa cũng nên. Họ làm vệ sinh cho bà lão. Cậu sinh viên thì giúp người y tá mang thau, giấy, khăn… Mùi thúi càng bốc đến muốn nôn. Cậu ra vào nhà vệ sinh không ngừng.

Vậy đó, cái nursing home này là vậy đó. Nó khác với những làng dành riêng cho người già. Nó là nơi “caring, hay rehabilation”. Nó không thể là một bệnh viện để khi cần là có ngay y tá bác sĩ. Nó cũng không phài là một khách sạn để cái tấm giấy  “do not disturb” (không quấy rầy)   treo ở cửa phòng. Vào đây, phải chấp nhận cái địa ngục trần gian, nhất là sau 8 giờ tối.  KHông phải là vì những nhân viên, hay y tá hay là những phụ nurse thiếu tinh thần trách nhiệm, mà là từ những người bệnh nan y già lão này. Họ la help. Họ nói với người chết suốt đêm. Họ không thể chủ động tay để mà bấm nút gọi y tá khi cần đi vệ sinh. Họ mê sảng. Họ ho sù sụ cả đêm. Đó là một cõi mồ quan thoi thóp, bừng dậy giữa biên giới sống và chết…

Tôi ứa nước mắt để nhìn Y. có mặt trong thế giới này.

Tôi muốn Y. về nhà. Tôi sẽ cố tập hay tìm người tập tành cho Y.  Nhưng mà, đành chịu thua.  Viên bác sĩ phụ trách cũng chịu thua. Bởi vì đó là con đường phải đi, nơi phải tới, phải có mặt trước khi xuất viện về nhà.

Tôi lấy chai dầu nước hoa dành sau khi tắm gội xịt xung quanh để cố làm bay đi mùi uế khí. Rồi kéo màn cho ánh nắng rọi vào phòng. Y. nhắc đến bản nhạc mà Y nghe hồi đêm, thơ của Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương, do Anh Ngọc hát. Bài Quê Hương Là Người Đó. Y. muốn tôi nghe. Y. khen bài hát nức nở  Chiếc CD do ca sĩ ANH NGỌC gởi đến có chữ ký, được bỏ vào máy. Chúng tôi cùng nghe. Không phải nghe để mà nghe. Mà nghe với tất cả tâm hồn.

Vâng, tôi phải cám ơn Du Tử Lê, Phạm Đình Chương và Anh Ngọc. Nghệ thuật đã giúp chúng tôi hồi sinh. Nghệ thuật đã giúp chúng tôi quên đi hiện tại này. Có phải vậy không?

Sau đó, tôi nhờ người phụ nurse giúp mang Y. vào xe lăn. Tôi đẩy Y ra khỏi phòng, để thoát cái mùi khó chịu. Nhà ăn vẫn chưa mở cửa. Tôi đẩy xe mấy vòng trên hành lang. Rồi tìm một chỗ ngồi gần cửa ra vào của nhà  khách. Tôi lấy cuốn sách Nghĩ Từ Trái Tim của Đỗ Hồng Ngọc, đọc cho Y. nghe trang đầu của chương tác giả tản mạn về Bà Là Mật Đa Tâm Kinh. Y. lắng nghe. Và cùng đọc theo bài kệ . Tôi nhìn sách đọc. Còn Y. đọc bằng trí nhớ vanh vách thuôc lòng, không sót, không vấp váp:

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.
Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô khổ, tập, diệt, đạo.
Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư….

Ít ra giữa một người không bệnh và một người bị bệnh,  lần này người bị bệnh thắng cuộc.

Bên ngoài cửa kính, những hàng cổ thụ trơ cành khảng khiu. Những băng ghế bằng sắt sơn đen trống trơn. Sự dịu dàng của trời đất và sự dịu dàng của cuộc đời làm tôi quá cảm động. TRong xe lăn, Y. ngồi bất động và thành khẩn. Và tôi cũng vậy. Đọc thật chậm, thật chậm. Cho Y. và cho tôi. Một chiếc lăn đi qua, và bà lão Mỹ trắng quen thuộc, đang tự tập một mình, bằng cách đẩy hai chân rất khó khăn trên nền nhà. Một bà lão khác thì chống cái walker tập đi. Tôi thấy hôm nay má bà đánh phấn hồng, và mang cả bộ áo quần màu hồng.

Chắc bạn đã hiểu ẩn ý của tôi khi tôi tạm kết luận bài viết qua cảnh bà lão mang áo hồng và đánh phấn má hồng. Đó là sự hy vọng. Và cả ý chí.  . Trang kinh  làm nỗi tuyệt vọng được xoa dịu. Nhưng lúc này, vẫn phải cần ý chí và nghị lực. Tôi nghĩ một ngày bà lão này sẽ mở được cánh cửa nhà khách ra, và sẽ ngồi, dù một mình lặng lẽ trên chiếc băng, khi mùa xuân trở lại.

%d bloggers like this: