Hôm qua ba thùng quà tới nhà từ ba người bạn độc giả của Thư Quán Bản Thảo. Một anh viết thấy anh cho chị hoài cháo với chà bông, gởi đến anh hột vịt muối, thịt kho mặn để đổi món.Tôi đã về hưu hai năm nên có thì giờ học hỏi về cách nấu ăn… Một chị bỏ đầy thùng những cam bưởi bánh chưng bánh tét gọi là quà Tết ở Nam Ca Li… Một chị thì bỏ vào thùng những lon chà bông, dưa món, thịt kho mặn nói là dành cho Y…
Cám ơn quí anh chị đã chia sẻ cùng Y. Tôi đã đọc những lá thư mà tôi nhận được từ Bưu điện cho Y. nghe. Ít ra những hàng chữ ân tình này cũng là món quà Tết, thay vì lời chúc sống lâu trăm tuổi, con cháu đầy đàn, muốn gì được nấy đầy khuôn sáo.
Hôm qua, tuyết xuống, cọng vào cái lạnh dưới 11 độ âm C (12 độ F), làm đường lưu thông bị kẹt khá nhiều. Mãi đến gần tối vợ chồng thằng con trai duy nhất của chúng tôi cùng với hai cháu nội – đứa bảy (trai), và một đứa sáu (gái), mới về đến nhà chúng tôi. Việc đầu tiên là chúng mời tôi đi ăn buffet. Mặc dù quá ngán về mấy món ăn đầy dầu béo, nhưng phải đồng ý. Con cháu vui là mình vui.
Ngồi giữa con giữa cháu, nhìn hai đứa cháu nội đang giởn đùa, rồi nhìn vợ chồng con đang xầm xì kể chuyện, thinh thoảng vợ nó cườii rú lên, tự dưng lòng thấy ấm lại vô cùng. Phải chi Y. có mặt thì vui biết mấy. Đây mới chính là hạnh phúc, là mục đích cuối cùng của bất cứ một gia đình tị nạn nào. Bởi vì từ hai bàn tay trắng, trong một xứ sở xa lạ đến không ngờ, chúng tôi đã vươn lên, ngày qua ngày, tháng qua tháng, và năm qua năm, Y. túi bụi trong những hảng xửong assembly, sáng sớm rời nhà tinh sương, chiều tối mới về, và tôi những năm tháng đầu tiên vừa làm vệ sinh phòng ốc vừa đến trường. Và chúng tôi đã có mặt ở khu slum – tức là khu tội ác – suốt cả bốn năm, để hiểu thế nào là những giọt lệ cam khổ của đời tỵ nạn. Rồi mơ ước thành đạt. Sau bốn năm đại học , tôi được AT&T nhận, chúng tôi rời khỏi khu slum để qua New Jersey cho một cuộc hành trình mới, sáng sủa và hy vọng hơn. Dù vậy, Y. vẫn tiếp tục cùng hảng này qua hảng khác. Hết hảng quần áo, đến hảng điện tử. Hết hảng người chủ Do Thái, đế xưởng người chủ Mỹ trắng… Y. không bao giờ than thân trách phận, dù công việc của Y. có thể nói là nặng nhọc hơn ai hết. Từ một người đàn bà quen việc văn phòng trước 1975, nay đứng coi giàn máy… giữa những âm thanh ì ầm như sấm động, Y. vẫn vui. Bởi chúng tôi biết là chúng tôi được may mắn hơn bao nhiêu người khác. Bởi chúng tôi đã hiểu tự do là gì, và đang hít thở tràn trề nó. Bởi chúng tôi hiểu nỗi cam khổ này, sẽ được đền bù.
Vâng, sẽ được đền bù. Đó là hai đứa cháu nội. Con tôi là MD, nhưng tôi hảnh diện không phải nó là bác sĩ mà là nhà thơ. Tôi đọc những bài thơ tiếng Anh của nó, ngữong mộ vì những ý tưởng mới lạ và phóng khoáng. Y. thì thích những tranh vẻ của nó hơn. Những tập TQBT đầu tiên chúng tôi đều dùng tranh của nó để làm bìa. Và các bạn tôi, trong cũng như ngoài nước đều ngợi khen tranh có chiều sâu… Tiếc rằng, sau khi lấy vợ, có con thì nó hết làm thơ và vẽ tranh. Đấy, hạnh phúc là đấy. Nếu cho tôi chọn một cuộc đời như anh chàng monk trong một truyện dịch của NTHH, luôn luôn mang bên mình những tra vấn, những phòng bị, những điều răn, những điều cấm kỵ để may ra khi chết còn lên thiên đàng tiêu diêu miền cực lạc hay được cứu rổi và là một người bình thường như hiện nay, thì chắcchắc tôi chọn làm một người bình thường, có nghĩa là có tất cả bản nhất của con người. Có hỉ nộ ái ố, có mơ ước và có tuyệt vọng. Có hạnh phúc và đau khổ. Càng đau khổ, mới hiểu được giá trị của niềm vui. Như tôi bây giờ.