Viết lúc 4AM- Viết nhiều về lính không phải yêu đời lính

Hầu hết những sáng tác của tôi, thơ cũng như văn, đều lấy chất liệu từ người lính. Bởi lý do ấy nên có người nghĩ tôi là người yêu lính, tìm niềm vui qua màu áo đồng phục, hay “người lính không bao giờ giải ngũ”…

tranh Đinh Cường

Thậm chí, có lần một cô đóng vai em gái hậu phương, choàng vòng hoa vào cổ tôi.

Tôi tự xét mình không đủ những tiêu chuẩn để có được những vòng hoa hay danh hiêu mà thiên hạ dành cho mình.

Tôi bị gọi nhập ngũ vào năm 1966, khoá 23 Thủ Đức. Vì quá sợ đi lính, nên trước ngày khám sức khỏe, tôi đã đốt mấy gói bastos chuồn, và nốc những cốc cà phê đen đậm, thức trắng mấy đêm, để mong phổi nám.. Tuy nhiên, khi khám thì mấy ngài y sĩ phê sức khỏe tôi tốt. Dù vậy, tôi cũng được cho hoãn dịch một khóa. Chẳng biết vì lý do gì. Có lẽ số lượng trưng tập quá đông chăng.

Rồi cuối cùng, tôi cũng không thể thoát được cái án treo. Vào Thủ Đức, tôi bị hành hạ tả tơi, hết mang ba lô, súng trường nhảy xổm hít đất, vì bắn bậy. Mắt cận thị nặng nên thay vì nhắm bia dành cho mình thì nhè bia kế cận mà bóp cò. Lại thêm cái tánh mê văn chương chữ nghĩa, sống như kẻ mộng du, dành thì giờ thay vì ôn tập bài vở để ngày ra trường đậu cao, chọn chỗ tốt, thì viết báo Bộ Binh, làm thơ viết văn gởi cho Bách Khoa. Để cuối cùng đậu thứ 10 trên tổng số hơn ngàn sinh viên của khóa 24 Thủ Đức, nhưng đếm từ dưới lên. Đểsau đó, được quyền hốt rác, chọn  binh chủng thám kích bởi vì ai cũng chê chừa  lại.

Nhưng bù lại, tôi nhận được một cặp viết máy canon do tướng Lâm Quang Thi trao tặng cho sinh viên báo chí xuất sắc nhất của khóa. (Nhà thơ Nguyên Sa được hai phiếu, còn tôi được 6 phiếu). Cái phần thưởng danh dự thật, qua mặt cả ông Nguyên Sa, nhưng chẳng giúp gì đời mình. Bởi vậy, tôi nhờ một người bạn gái giữ dùm. Mấy mươi năm sau, cô bạn gởi thư cho biết, cặp bút máy này đã bị mất trên đường di tản.

Vậy đó, tôi vào lính bị bắt buộc. Tôi chọn thám kích lảnh tiền nguy hiểm 600 đồng mỗi tháng cũng vì không còn cách gì hơn. Luôn luôn mơ được giải ngũ  để trở lại cùng nghề dạy học mà viết thả dàn.

Như vậy, làm sao tôi mê lính. yêu lính, xem binh nghiệp là đời mình ?

***

Vâng, tôi viết nhiều, rất nhiều về người lính tác chiến, đặc biệt là người lính thám kích, thám báo. Nhưng tôi viết về nỗi gian khổ của họ, hy sinh của họ, phận đời cơ cực thấp hèn của họ. Những câm nín của họ. Những ước mơ của họ. Nhất là danh dự của họ trước những bôi nhọ của phe thắng trận.

Đó có phải là tại tôi yêu đời lính hay là tôi muốn viết về sự thật mà tôi may mắn đã trải qua như một người chứng.

Nhà văn chính là người chứng.

Có phải vậy không?

%d