Nỗi buồn chiến thắng

Truyện thời chiến của THT

Ông già đứng ngã nghiêng giữa sân xi măng, lè nhè: Bẩm thiếu úy, thiếu úy coi tôi múa một đường. Nói thiệt với thiếu úy, đường tôi chánh gốc Bình định Thiếu Lâm Tự.

Ông già bắt đầu bái tổ. Ông lên tấn, chống hai chân, xòe các ngón tay nhăn nheo. Ông sàn tới sàn lui dưới nắng. Bóng đen đổ đậm trên nền, lùn và kỳ dị. Tân nghe mùi rượu của ông, phảng phất trong gió.  Mặt ông đỏ gấc. Thân hình ốm tong teo trong bộ bà ba đen rộng thùng thình. Tân cười, la lên: Nhất, nhất rồi. Đường ông chánh gốc Bình Định Thiếu Lâm Tự rồi.

Ông già bỗng nhiên ngưng múa. Lưng cúi xuống một cách có lễ phép, ông nói:

“Xin lỗi mấy anh em. Chẳng hay anh nào ra đây dượt cùng tôi một đường cho vui cửa vui nhà không ?”

Ở trong bếp có tiếng rủa của đứa con gái: “Quỉ nà, quỉ nà !” vọng ra. Tân biết ngay là tên Thái đang tìm cách tán tỉnh cô ả trong bếp. Cô ta vừa thổi lửa nấu nước, thì Thái từ ngoài sân bước vào:

“Chu choa. Quân với dân như cá với nước. Để anh nhen dùm. Coi tề… Khói cay mắt cô em tề…”

Nói xong, Thái sà ngay vào bếp, lấy rơm nhen lửa. Khói bay mù mịt. Cô gái nhắm mắt thì Thái đã vòng tay qua vai cô gái:

“Tội nghiệp em tôi tề”. Hắn nói.

Cô gái đứng dậy, làm bộ:
“Cái ông này vô duyên dữ na…”

Tiếng nói của cô vang ra ngoài sân, khiến ông già ngưng nói. Ông nhớn nhác nhìn vào nhà trong. Nắng lên đầy đống thóc trên sân. Những con chim chóc mào đang nhảy nhót trên cành cây điệp. Ông già bắt đầu la lên:

“Bớ Gái ơi. Có nước chưa mày ?”

Ở ngoài hiên, lính cười rũ rượi. Binh Lang bỗng dưng hét lên, như một vai trong tuồng hát bộ:

“Thưa bác, có tôi đây. Ứ ư…”

Rồi nó nhảy xuống bậc thềm. Hai tay nó múa loạn xạ. Đồng thời hai chân nó cũng sàn qua sàn lại, sàn tới sàn lui. Mặt nó hắt lên. Các ngón tay co quắp:

“Đây là Thám Báo Thiếu Lâm Tự. Xin được thử với Bình Định Thiếu Lâm Tự …”

Tân la lên:

“Lang, mày đừng chọc ổng, ồng say rồi”.

Nhưng Lang vẫn bái tổ, rồi múa loạn xà ngầu. Khi ông già bắt đầu sấn tới, thì Lang đã dùng hai tay rắn chắc của hắn ôm hông ổng, rồi nhấc bổng lên trời.

Ông già la:
“Thua rồi. Bình Định thua Thám báo rồi…”

Cả bọn lính cười ầm cả sân nhà.

Trong bếp, Thái và cô gái bắt đầu quen đường đi nước bước. Cô gái lấy que củi xới mấy cục than hồng. Thái nói thật ngọt ngào:

“Em bỏ xứ này đi theo anh cho rồi. Ở đây, có ngày em bị nạn. Em không sợ nẩu sao ?”

Cô gái không đáp. Thái bắt đầu xích lại gần hơn. Hắn vừa choàng tay quanh vai cô gái thì ông già xuất hiện ở cửa. Ông cười gằn:

“Mùi mẩn vậy na ?”

Đàng sau ông già, Lý la lên:

“Chạy mau, Thái. Ổng rượt mày bây giờ. Ổng có vỏ Bình Định đó mày.”

Thái chụp vội chiếc mũ rừng, chạy lẹ ra  cửa sau.

Trời tháng ba thật oi nồng. Gió lặng im. Những đám mây trắng cũng chẳng buồn trôi trên nền trời xanh thẩm. Cánh đồng vào mùa gặt, vàng khô trơ gốc rạ nhìn đến nhức mắt. Ngọn núi Sập trơ trọi nổi lên đen sì. Những hồ ao như bốc khói. Những mảnh nắng rát  da, làm tóc như đâm cháy khét. Cặp mắt mọi người trở nên lờ đờ, dễ chừng chẳng muốn nhìn lên. Ở trên sân, đám người đang đập lúa. Hai cô gái da đen đúa, bàn chân mốc trắng vì nước ăn da, vừa cười rũ rượi, vừa ôm những bó lúa. Bà già đang ngồi sàn thóc bằng một cái nia lớn. Bên cạnh một người đàn bàquét thóc thành từng đống giữa sân.

Tân thấy rõ đôi chóp vú đen nhỏ nhắn nhô lên giữa lớp vãi dù trắng của đứa con gái. Người đàn bà đã tìm chỗ bóng mát vạch áo cho con bú.  Mồ hôi ri rỉ, mồ hôi cũng tạo nên những đường ngấn sền sệt trên cổ đen của người lính Thượng đang ngồi gát súng nhìn gì về hướng đồng. Tân rời võng nói với Trí, ngừơi lính truyền tin : ” Cái điệu này đến chiều mới rút”. Trí nhìn ra cánh đồng nói nắng chi mà nắng dữ.  Tân hỏi: Xác thằng du kích đã có ai nhận chưa. Trí nói: chưa thiếu úy. Không ai muốn bị mang vạ vào thân. Rồi nó thở dài: “Thời buổi này, ngay cả một xác chết người ta cũng sợ…”. Tân nghe lòng đau. Làm sao để họ hiểu được bề sâu thẩm của con tim chàng. Làm sao để đánh tan những nỗi sợ hãi nghi ngờ đã mọc rể trong tâm trí họ để họ có thể mang thi thể của kẻ chết – mà chàng biết chắc là người dân vùng này – để an táng  đàng hoàng. Làm sao để họ có thể biết, sau khi chết, ai cũng như ai, lảnh tụ cũng như thứ dân, người lính Bắc cũng như người lính Nam… Trời ơi, cái xác chết nằm trên bờ ruộng, và những lỗ đạn M16 công phá, loét lở da thịt, nhìn đến dị hợm… Cái xác vô thừa nhận từ sáng đến chiều, dù, chàng đã cho tin sẽ không làm khó dễ… Nhưng liệu ai có thể tin được kẻ giết hắn, kẻ mà nửa đêm nằm đợi, ngón tay chực ở lãy cò, chờ hắn tới gần… Có thể hắn mò về thăm vợ thăm con, hay thăm cha thăm mẹ. Có thể hắn về như một tên kinh tài… Để rồi trong đêm tối những tràng nổ vang dội, đồng loạt và tin mừng báo về nhà, có súng ngắn, súng dài, có địch phơi mạng, rồi sau đó, đám quân ma phải rút sang chỗ khác… Người ta hê hả trước chiến công. Nhưng sau đó, khi ánh sáng của ngày đã thay màn đêm, thì chiến công đã trở thành một mối ảm đạm. Cái thân thể ấy bây giờ như một con thú bị xe cán. Tóc tai, mặt dính đầy bùn. Chỉ có cái bụng thì lở loét, lộ cả ruột già ruột non. Những mảnh thịt văng tứ phía. Tân đã hối lính mình cho tin khắp làng , ai là thân nhân cứ an tâm mang xác về mai táng, hứa sẽ không làm khó dễ. Nhưng chàng đã đợi suốt cả buổi chẳng ai đến nhận. Hình như họ xem cái xác như là một tai ương cần phải xa lánh. Nếu có là những đứa con nít đi học qua đường, rủ nhau đến xem. Có đứa bụm miệng rồi thốc mữa. Tân bảo lính mình đuổi chúng đi hết. Sau đó, chàng cũng không ngăn được nỗi buồn nôn. Làm anh hùng như kiểu này chắc chắn chẳng ai muốn.

Chợt Tròn nói nhỏ: Để tối, không có ai, mình gài lựu đạn dưới xác, thiếu uý. Thế nào tối mấy nẩu cũng mò về. Tự nhiên Tân đâm nổi nóng: ” Đ M ở đó mà gài. Bộ một xác chưa đủ  mệt sao, lại còn muốn thêm xác nữa, hở? “.

Tuần báo Khởi Hành 1970

Viết lại Hoa Kỳ tháng 1, 2005

%d