Đồi đưa ta lên tận mặt trời

 (trích từ Đánh Giặc ở Bình Định của THT)

 

 

 

Đồi đưa ta lên tận mặt trời. Ta lưng chảy dài những giọt mồ hôi… Mồ hôi tôi quyện vào nơi khói lửa. Tôi ở đây, ba ngọn tháp Hời...

Phải,  tôi đã có mặt tại một nơi mà ba ngọn tháp Chàm vươn lên trên ngọn đồi  như ngậm ngùi cùng một trời tang lục. Để khởi đầu cho những chuyến đi khác, mà lời ca như thốn đậm tim gan: Anh sẽ ra đi về miền mênh mông. Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng…

 

Mái nhà mới của tôi là đại đội 405 Thám Kích Sư Đoàn 22 BB. Sư đoàn có huy hiệu là ba hòn núi đen và hai giòng sông trắng.

Cơ duyên hay là nghiệp nợ đã đẩy đưa một đứa con xứ Huế chọn nơi này làm chỗ nương thân trong giòng binh lửa. Tôi hoàn toàn xa lạ với Bình Định, không có cả một bạn bè hay thân nhân dù xa lắc. Không có cả một Mặt Trời để tôi có thể nương nhờ qua những truông những phá tai ương. Bình Định, nơi khét tiếng của Liên Khu Năm. Nơi cứ địa của Sư Đoàn Sao Vàng. Nơi mà trận đánh An Lão vẫn còn chấn động trên trang báo ngày, với thây người ngập như rạ suốt một chiều dài hơn một cây số dọc triền sơn và thung lũng miền thượng sơn.

Như vậy mà tại sao tôi về. Lạ lẫm làm sao. Tôi đang có mặt ở Bình Định, trên ngọn đồi Bà Gi, để nhìn xuống thấp. Không phải là vị vua để nhìn giang sơn của mình. Không phải tướng lãnh để quan sát địa trận. Mà là một đứa học trò mới rời trường ngỡ ngàng nhìn thật tế với những câu hỏi, thắc mắc.

Tôi đã về Bình Định. Vì duyên hay là nợ?  Ngọn đồi đất đỏ nhìn xuống một giòng sông, những làng mạc. Dưới chân đồi là Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB. Ngoài những đơn vị yểm trợ  như tiếp vận, tiếp liệu, truyền tin, quân y, Sư đoàn có 3 đại đội tác chiến biệt lập làm trừ bị. Đại đội 22 Trinh Sát. Đại đội 401 Thám kích. Và đại đội 405 Thám kích. Hai đơn vị đầu đóng dưới gần sân bay trực thăng. Riêng đại đội 405 TK thì đóng trên đồi mà ba ngọn tháp Chàm vươn lên từ bao nhiêu thời đại. Trên chóp đỉnh đồi là tháp Vàng, được lính Mỹ dùng làm trạm truyền tin. Lưng chừng đồi là tháp Bạc, nằm ngay bên sân doanh trại, ngay ở cổng vào. Và dưới thấp, nằm ở lưng chừng đồi tháp Đồng, được dùng để chứa đạn dược, mìn, lựu đạn của đơn vị.

 

Tháp Hời. Tôi không thể ngờ một ngày lại được nương trú dưới bóng tháp cổ. Những tầng gạch đã mòn lẵn trơ trụi. Nền tháp bằng xi măng đã trốc. Bốn bề cửa trống thốc gió lồng lộng. Và cạnh tháp là cả một ụ gò đầy gạch vụn, bụi hoang um tùm. Đây là dấu tích của Điêu Tàn trong thơ Chế Lan Viên. Và dưới đồi kia, chắc cũng có một vùng đất quê nhà của nhà văn Võ Phiến. Hai người viết văn làm thơ nổi tiếng của Bình Định. Nhưng bây giờ thì hai kẻ đối địch nhau. Họ thuộc thế hệ bất lực. Cái điêu tàn của một triều đại bây giờ là cái điêu tàn của một đất nước mà họ không giải quyết được. Và họ đã bỏ làng bỏ xóm mà đi. Ông Võ Phiến rời Bình Định để nhớ về Quê Nhà. Còn ông Chế Lan Viên thì ở Bắc đêm ngày nặn óc làm những bài thơ xúi giục đám trẻ vào B giết Mỹ giết Ngụy Họ đã xa lìa phần đời ruột rà của họ. Họ đã để lại gia tài tan hoang đổ nát cho thế hệ con cháu em út họ hưởng.

 

Tôi là một  trong những kẻ được hưởng cái gia tài ấy. Tôi đang có mặt để cố giữ lấy cái Quê Nhà mà nhà văn họ Võ đã bỏ mà đi. Có phải ngạo mạn chăng. Đâu có gì mà ngạo mạn. Mang thanh xuân, mang tuổi trẻ tươi đẹp để chết cho người khác sống mà ngạo mạn sao.

 

Còn Quỳnh nữa. Đánh trận quá dễ sao đánh tình yêu với em thì quá khó. Những vết thương em gây cho anh ngỡ đã chai sạn nay lại bắt đầu hành hạ rồi. Ai lại bắt ta về Bình Định để giống như ngọn tháp Chàm này, cứ nhìn về thành phố Qui Nhơn mà mặc niệm cho một mối tình.

Vâng, Quỳnh ơi, biết bao giờ em hiểu tấm lòng của anh…

 

(trong  Đánh giặc ở Bình Định)

%d