
● Cuối cùng chúng tôi là những kẻ may mắn được sống sót sau cuộc chiến tàn khốc. Bầy ngựa của một thời Tăng Nhơn Phú sau khi rời cổng quân trường đã tan tác trong chiến tranh thì trong hòa bình lại càng tan tác hơn… Những người viết văn làm thơ của thời chiến trở nên thưa thớt, cạn dần. Cạn về sinh lực và cạn về khí trời. Nhưng vẫn có những người vẫn tiếp tục cuộc hành trình văn chương không mỏi mệt.
Tôi biết một người. Đó là nhà thơ Luân Hoán (LH).
Những ngày layout tập thơ Thanh Thi của anh, tôi mới có dịp đọc thật kỹ suốt cả tập thơ. Khi đọc một đoạn trong bài thơ anh viết về lần bị thương ở Núi Vàng, tôi muốn rưng rưng
cái chân một thuở đánh rơi
hình như đang nhớ đến tôi, khóc thầm
nỗi buồn bất chợt nẩy mầm
gió mang về nở nụ bông núi Vàng
(LH – Thanh Thi)
Anh nhớ đến bàn chân. Còn tôi, tôi nhớ đến những đầu đạn sủi bọt chi chít quanh tôi, bên tôi… Nhớ lắm, khi một viên đạn xẻo đi núm vú trái, chỗ trái tim, nhớ cả chiếc áo ướt đẫm máu. Và cứ mỗi lần nhớ là mỗi lần nhắm mắt cảm tạ. Cảm tạ cuộc sống, cảm tạ hơi thở, tri ân đời… Chỉ một ly mong manh là mình đâu còn dịp ở Mỹ này để mà in sách cho bạn bè và làm tạp chí Thư Quán Bản Thảo này!
Bây giờ nơi đó nhà cửa có lẽ đã được cất lên hay nhựa đường và bụi bặm đã phủ ngập. Dù hẹn lòng một ngày sẽ về, để đứng yên cúi đầu mà cảm tạ thổ thần đã che chở, nhưng lòng sao lại không yên. Về gì, chỗ đó đâu còn thuộc về mình nữa mà về. Thôi thì như thơ anh, nhờ gió chuyển nỗi buồn về khu vườn của mình được thêm hoa thêm lá:
Tôi mang châu thổ về gieo giống
Trồng lấy trường sơn ở khắp nhà
Lập chiếc tượng đài nơi đất mới
Cho những người nằm xuống hôm qua
(Thơ THT)