Viết lúc 4AM – Đọc lại những đoạn viết rời

Đọc lại một số báo Thư Quán Bản Thảo  cũ 7 năm về trước. Buồn. Trên những trang báo này, lẽ ra phải màu xanh, màu rượu hổ phách, lẽ ra phải niềm vui, nhưng tại sao cứ những nỗi buồn này tiếp đến nỗi buồn khác. Hết Hoàng Ngọc Tuấn, rồi Nguyễn Tôn Nhan, rồi Khoa Hữu và bây giờ là Nguyễn Mộng Giác.

Xin đăng lại bài viết cách đây 7 năm về một chuyến đi… (THT)
1. Nhà văn Trần Doãn Nho vừa gởi tặng 4 số báo cũ. Ba số Văn và một Tin Văn. Phải mất ba mươi năm mới được thấy lại chúng. Bồi hồi nhìn lại từng trang chữ nghĩa. Giấy ố vàng và rạn khô. Có tập bìa thất lạc. Có tập chỉ biết là số 121 nhưng cố gắng cũng không xác định được thời điểm. Chỉ biết là trong năm Mậu Thân. Có tập mục lục in trên giấy láng, mờ không rõ. Tôi mở từng trang, rất khẽ, rất cẩn thận, như đang chạm vào một bảo vật quá đỗi mong manh. Lòng tôi nẩy nở  nỗi xúc động kỳ lạ. Ôi, mái nhà văn chương của một thời tuổi trẻ, lúc mà những người viết như chúng tôi nằm trong số của những  tuổi 20,  khi mà văn chương đồng nghĩa với tử sinh, vành nón sắt che cả vầng mây ảo mộng, nhưng cũng là một sợi dây vô hình ràng buộc chúng tôi lại với nhau bằng một tình thân khó có thể giải thích.

Để quí bạn thấy lại thời những người cầm bút trẻ phải sống và viết như thế nào, xin được đi lại một bản tin văn học trích từ báo Văn số 121, xuất hiện vào khoảng năm 1968 được ghi bởi Thư Trung và các bạn.

Tin vắn  về một số những cây viết trẻ miền Nam và bằng hữu miền Trung

Bẵng đi một dạo, nhất là từ sau cơn binh biến đầu Xuân Mậu Thân, các cây viết trẻ miền Nam hầu như không còn hoạt động gì đáng kể. Một số nhập ngũ. Một số thì chán nản lui về ” ở ẩn “.
Lưu Vân, sau khi bỏ nghề bán-cháo-phổi đi làm cho một cơ quan ngoại quốc, mới về  Mỹ Tho cưới vợ (ngày 18-12-1968). Mặc Huyền Thương nay đã vào lính quân báo, phục vụ tại Biệt-khu Thủ-đô.
Bị lính chê mấy lần rồi là anh chàng cận thị Triều Uyên Phượng. Hiện Phượng đi làm cho USAID Ở Cần-thơ và gần như không sáng tác được gì.
Sống khổ vì bạn nhất không ai hơn Ngô Nguyên Nghiễm. Nghiễm đang học năm thứ tư Dược-khoa. Nhà thơ miền tỉnh lẻ Châu-đốc này trong tương lai rồi sẽ đến sa lầy trong cảnh vợ đẹp con ngoan mà từ bỏ nàng Thơ, mặc dầu vốn có với nàng khá nhiều “duyên nợ”.
Hận và chửi đời thì có Hà Thúc Sinh, nhà thơ này là thông dịch viên cho Cố-vấn Quân-sự Mỹ. Đã hai lần Sinh bị thuyên chuyển vì tội đánh Cố-vấn. Bạn bè yêu Sinh chính nhờ dáng dấp du-đãng-khả-ái đó.
Vào học Truyền-tin ở Vũng-tàu có Nguyễn Bạch Dương. Vừa ra trường Sư-phạm Vĩnh-long có Nguyễn Hiền Lương. Hà Nghiêu Bích dường như  nhập ngũ đã từ lâu (?). Bộ ba này đang chung lưng đấu cật lo cho tờ Biểu-tượng.
Vũ Ngọc Đức, vì nghề nghiệp, đã quay sang viết kịch trường. Do lẽ đó, theo bè bạn, thơ Đức cũng dứt luôn.
Nguyễn Lan Viên đã về trại Hoàng Hoa Thám sau ba tuần học tiền sát tại trường Pháo-binh Dục-mỹ. Mặc dù có sự thúc giục đặc biệt của tòa soạn Văn, Nguyễn Lan Viên cũng không thấy có sáng tác gì mới. Không biết tại Viên bận đi hành quân hay tại… ? (Này, bữa nào rảnh ghé tòa soạn mà nhận thư thân hữu đấy nhé ! Đến mà lại có thêm truyện mới thì lại càng  “nên lắm thay”.)
Tô Đình Sự về Đồng-đế với nghề sĩ quan cán bộ. Khỏi ra trận, hết đánh giặc, nên hắn buồn.
Chu-trầm Nguyên-minh thì vẫn như xưa. Lính đánh giặc.
Cô bé làm thơ nổi tiếng của Búp-bê là Tần-Vy nay không còn là cô bé nữa. Vì cô đã đủ tuổi để đi làm công chức. Và thơ cô (xem trong Văn cũng số này) còn chứng tỏ là cô đã lớn hơn số tuổi trời nhiều.
Nguyễn Lệ Tuân hiện ở Phan-rí Cửa. Không hiểu nhà thơ này làm gì ở quê nhà. Nghe nói đang viết rất nhiều truyện ngắn và khởi viết truyện dài.
Phạm Nhã Uyên đã theo học tại trường Chiến-tranh Chính trị Đà-lạt. Lâu rất là lâu, không còn thấy Uyên đóng-cửa-làm-thơ. Bạn bè vẫn và đang chờ đợi cái mới của Uyên.
Mây Viễn Xứ (Lâm Hảo Dũng) thì đang gối súng nằm chờ giặc trên ngọn đồi 188, ngoài Phù-mỹ, Qui-nhơn. Ngước nhìn trăng sao và lắng nghe (ồ, tại sao lại cứ phải là nhịp chuyển động của bước chân quân địch ?) tiếng cựa mình của vũ trụ bao la, Dũng sáng tác được nhiều.
Yên Uyên Sa đâu vẫn ở dưới miệt Sa-đéc, vừa cùng ba bạn thơ khác cho trình diện thi phẩm Người tình của mây và cây rừng, xuất bản ở Long-xuyên.
Một người vừa nằm xuống. Đó là Hứa Đình Anh, cây viết hăng say của nguyệt-san Bộ-binh Thủ-đức khóa 26.
Người vừa ra đi khiến chúng ta nhớ lại những khuôn mặt văn nghệ trẻ đã mất trong cuộc chiến tương tàn : Trần Như Liên Phượng, Phan Huy Mộng, Chương-đài Mai Hữu Thanh…
THƯ-TRUNG và các bạn
(Văn 121 năm 1968 ?)

2. Tôi quyết định in lại những tập Văn cũ này. Dù phải ngồi suốt ngày để scan nguyên tập giấy ố vàng, chữ lu mờ để layout và in thành một cuốn sách. Bởi vì đây là di sản của văn chương miền Nam. Chúng là những đứa con còn được sống sót sau cơn hồng thủy. Ngay cả nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, người chăm lo tạp chí Văn ở hải ngoại bây giờ, cũng phải viết về nỗi xúc động khi ông được người bạn tặng lại mấy số Văn cũ, và ông đã trân trọng in bìa Văn số 164 trên trang Sổ Tay trên số Văn tháng 5 &6, 2005.
Hiện tại chúng tôi đã hoàn thành tập Văn-in-lại số 132  phát hành ngày 15-6-1969 chủ đề Phượng Trong Thành nội với sự góp mặt của Hồ Minh Dũng, Kinh Dương Vương, Trần Doãn Nho, Trần Hoài Thư, Mường Mán, Ngụy Ngữ,  Du Tử Lê, Kim Tuấn, Dương Nghiểm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Hương Trang, Nhất Anh, Đinh Cường, Đông Trình, Nguyễn Xuân Hoàng…
Rất tiếc, bìa sau và trang 1,2 bị mất. Nhưng thà có còn hơn không.
Với tập này, chúng tôi chỉ dành để biếu tặng nếu có yêu cầu. Không bán. Xin thưa trước để tránh ngộ nhận.

3.
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã tụ họp tại nhà họa sĩ Rừng, tức nhà văn Kinh Dương Vương  ở Los Angeles. Hoạ sĩ Rừng cho biết sẽ có một buổi tưởng niệm Hoàng Ngọc Tuấn, mới vừa nghe qua đời ở VN hôm trước.
Trên sân sau nhà, chiếc bàn dài cho một cuộc quay quần bằng hữu. Có nhà văn  Nguyễn Mộng Giác, Hoạ sĩ Nguyễn Đức Thuần, anh Phí Ích Bành (em trai của nhà văn Dương Nghiễm Mậu) và nhà thơ Nguyễn Lương Vị. Bên cạnh là bàn thờ có tấm hình chân dung của HNT do Rừng phác hoạ. Và lư  nhang. Và dĩa trái cây. Ai đã đặt một lon bia trên bàn thờ. Mỗi đứa một thẻ nhang, mang  tâm tưởng mình về một người bạn xưa. Rồi chúng tôi cùng nhau nhắc về những kỷ niệm. NLV và NĐT nói về lận đận của HNT sau 1975, về sự thay đổi tính tình… về mối tình của anh. Và cuối cùng là cơn bệnh.

Nhưng  có người lại không tin là HNT qua đời. Hỏi Rừng lấy tin này ở đâu, có cái gì để kiểm chứng không. Rừng nói thì nghe anh em gọi ra cho ta hay. Không thể được. Phải hỏi lại cho chắc ăn. Và lại thêm một lần, Saigon được liên lạc trở lại. Chúng tôi vẫn mong từ phía đầu dây bên trời, có một lời cải chính. HNT vẫn còn sống. Ai bảo hắn chết?

Nhưng HNT đã thật sự bỏ đi. Thêm những tin từ trong nước được đánh đi báo tin về đám tang và rất nhiều anh em bạn bè cũ thời trước 1975 có mặt. Ngoài nước hướng về. Trong nước hướng về. Một thời, dù có bị thiệt thòi, lận đận đi nữa, nhưng vẫn không thể quên. Và bởi vì quá hoạn nạn nên càng thương yêu nhau hơn. Có phải ?
Như hai câu thơ của Lữ Quỳnh, thấm thía đến tê bầm ruột gan:
Thư bạn bè nhập nhòa bóng chữ
Không chữ nào báo trước chia xa.

4.
Con đường trở lại phòng ngủ, qua Bolsa, qua First, qua Main. Bỏ lại đàng sau những phố những đường mang chữ Việt. Mấy ngày ở Cali mà như một cơn mơ. Dễ chừng lâu lắm tôi mới trở lại nơi này. Và lạ lẫm, và bồi hồi. Lạ bởi vì sự phát triển quá nhanh của cộng đồng. Rõ ràng, chúng ta vẫn còn mang theo trái tim của quê hương. Không phải Sài Gòn chết, mà trái lại nó vẫn sống, mạnh hơn là đàng khác. Cho dù, có một tên mới, khiêm nhường, nhỏ bé. Little Saigon.

Còn bồi hồi vì  gặp lại những bạn bè và xa cách. Ở tuổi này (trên 60), thấy nhau là quá mừng. Phải không? Đã xa rồi những ngày những tháng mở trang báo thấy toàn đám cưới, tiệc mừng và niềm vui chúc tụng. Bây giờ là ngược lại. Đậm đen buồn bã. Hầu hết là vô cùng thương tiếc, là cõi vĩnh hằng, nước Chúa, cực lạc, thiên đàng… Thì ra, cuộc đời là những chặng đường. Nhưng chặng nào là bắt đầu. Chặng nào là cuối. Người hành khách tự chọn hay là chiếc tàu chọn thay? Sao không nhìn nhau, à, lâu nay mình đi lạc rồi. Để một chiều tóc trắng như vôi/lá úa trên sân rụng nhiều (TCS). Ai cũng già hết rồi. Không còn niềm vui hoan lạc, mà một chút trầm tư khi cùng nhắc nhau những bằng hữu cũ, những hình bóng xưa.

Qua Cali lần này, sau bốn năm có lẽ. Không hẹn mà gặp bạn bè từ Saigon, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng hay trên những chiến trường xưa. Cảm tạ Ơn Trên bạn hữu vẫn còn nhiều. Chỗ ngồi không đủ để  cùng nhau hàn huyên. Nhớ lại quán cà phê Bến Xe ở Qui Nhơn thời trước 1975. Vách trống sát vào nhau đỡ lạnh. Trời ngoài kia sương phủ mênh mông.  Bây giờ cô hàng quán có lẽ trở thành bà nội hay bà ngoại. Thấy lòng đâm bồi hồi. Cả một thời tuổi trẻ hôm qua, giờ còn lại những ánh nắng le lói đậu trên màu cà phê màu đen quạch.

5.
Phải. Ánh nắng le lói, như cõi chiều le lói của một thế hệ sinh và lớn lên trong chiến tranh. Cuối cùng, thì những tin buồn rầu thay cho những tin mừng. Từ trong nước, bạn bè gởi email báo tin một người bạn cũ chết vì tai nạn xe cộ, rồi đến lượt bạn thơ Trần Phù Thế ở North Carolina gọi cho hay nhà thơ Trần Kiêu Bạt bị đụng xe vào nửa đêm vào ngày 30-7-2005 tại bang Arizona.

Buồn lắm. Buồn đến chảy nước mắt.

Nhớ Trần Kiêu Bạt. Nhà Trần Kiêu Bạt nhìn ra giòng Cái Khế, Cần Thơ. Trước 1975, thỉnh thoảng anh hay mời bạn bè văn nghệ ở Cần Thơ, Vĩnh Long đến nhậu. Cuộc nhậu thường tổ chức vào trưa, tiếp tục đến hoàng hôn. Bằng hữu ngồi trên chiếu rộng, thau đế pha nước coca như màu rượu chát, và những cốc rượu chuyền nhau, trong khi mặt trời nằm sau hàng dừa bờ sông trước nhà anh ánh lên ráng đỏ trên nền trời và rực rỡ cả một khúc sông. Nghe lại tiếng nói rộn ràng của anh. Ở anh là biểu tượng cho một mẫu người thơ miền Lục Tỉnh. Thương quí bạn bè. Thích ngồi chiếu đọc thơ bằng hữu. Và thành thật, hào sảng.

Bây giờ, sẽ không bao giờ được dịp ngồi trên chiếu rượu để chuyền nhau một hai cốc tình thân nữa. Cho dù cuối cùng, ai cũng chờ tiếng gọi ở bên kia bờ, nhưng với TKB, anh đã bỏ anh em mà ra đi quá sớm. Xin cùng bạn hữu của TKB, vĩnh biệt anh.

6.
Trong hai tháng qua, cơ sở Thư ấn quán đã cho ra lò thêm 5 tác phẩm. Cuốn thứ nhất là  tập thơ Chiến Tranh VN và tôi của Nguyễn Bắc Sơn (tái bản), cuốn thứ hai là Lục Bát 3 câu của Nguyễn Tôn Nhan, cuốn ba là tập truyện ngắn của Nguyễn Nghiệp Nhượng nhan đề Nhân Vật gồm những truyện mà tác giả dự trù xuất bản trước 1975 nhưng không thành. Cuốn thứ tư được in lại từ tập báo Văn số 132 ra ngày 15.6.1969 chủ đề Phượng Trong Thành Nội. Cuốn thứ năm là Tuyển Tập truyện ngắn thời chiến của Y Uyên. Tuyển truyện này bán để gây quỹ giúp chỉnh trang ngôi mộ của Y Uyên đồng thời sửa chữa lại pho tượng bán thân Y Uyên  bằng đồng mà bạn bè của ông ở trong nước đã tạc sau 1975  (lỗ tai trái bị kẻ gian xẻo. Xin xem TQBT số 18 chủ đề Y Uyên). Riêng tuyển truyện này, chỉ một thư ngỏ qua điện thư mà tiếng dội vang vọng khắp bốn phương đông tây nam bắc. Điều này nói lên sự thương yêu đùm bọc của những cây bút miền Nam cũ cũng như tình người đọc thật to lớn đến dường nào.

7.
Cuối cùng, số này đánh dấu 4 năm tạp chí TQBT có mặt. Số đầu tiên ra đời khi biến cố 11 tháng 9 năm 2001
xảy ra và số này được chuẩn bị trong lúc dấu tích từ cơn thiên tai Katrina vẫn còn hằn trên đất đai và trong lòng người bằng những mất mát, đau thương.

Chiến trường chiến trường! Địa cầu kinh phong!
Như con bệnh đang vào giờ mê sảng
Mắt bão đỏ ngầu, xoáy cơn hôn loạn
Trút hả hê thêm lồng lộn điên cuồng
Ta theo đoàn người bỏ trốn tai ương
Ta chạy mãi giữa biển tràn nước lụt
Nước ngập bốn bề, nước dâng, dâng ngập
Biết ở nơi nào, là chỗ bình an
Biết ở nơi nào lãnh địa Sơn Tinh?(THT)

Xin được gởi đến những người bạn văn nghệ ở New Orleans những chia xẻ ân cần nhất của anh em chúng tôi. Cầu mong các bạn đầy đủ nghị lực cho những ngày sắp tới…

(TQBT số 39  tháng 10-2005)

%d bloggers like this: