Người vú cũ

Lời tác giả: Bài văn này là những trang đầu của hồi ký Cảm Tạ Văn Chương, đang  được  viết dở dang  (THT)

 

 

Tuổi thơ của tôi lớn lên, từ một gia đình chẳng ruột rà, từ một quê hương chẳng bao giờ biết được dấu vết, từ một đất nước loạn lạc nhiễu nhương. Thành phố vào những năm đầu của thập niên 50, chiến tranh ngày một cận kề vòng đai. Từ đồn binh ở vòng đai phía con sông Cái, đêm nào tiếng nổ nghe rất gần như ở bên kia bờ sông.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng, người đi đường phát giác một thi thể nằm chết bên đường, kèm theo bản án. Và có đêm, cả nhà phải chui xuống gầm giường, gầm phản vì từ đồn binh, súng nã xuống xóm như mưa. Có thể nói xóm Rộc là mục tiêu để hứng những trận mưa đạn mỗi khi đám lính ở đồn nghi ngờ có quân kháng chiến ẩn núp. Có khi đường đạn nghe rít rất gần. Để sáng ra lỗ đạn chi chít trên vách nhà. Có khi giữa lòng đêm, tôi nghe những bước chân chạy rầm rập. Đó là những người bên kia sông. Có lẽ họ vừa đánh đồn, và rút đi. Thỉnh thoảng lính trên đồn tung xuống xóm và những vùng phụ cận những cuộc bố ráp, sau đó tập trung người ở khu đất cạnh đồn để thanh lọc. Trong khi ấy, đêm đêm ngọn đèn pha từ đồn cứ tiếp tục quét bóng tối, hay ngừng lại dưới Rộc. Con mắt ác thú ấy đã khiến đám trẻ không còn dám ra ngoài đêm để chơi trò bắn súng đạp lon nữa.

Rõ ràng, người dân trong xóm phải sống trong nỗi đe dọa thường trực.

Không biết tại sao mà bác lại định cư tại xóm này. Nó chỉ là một cái trũng lớn, nằm bên quốc lộ 1. Đặc biệt rộc chỉ trồng toàn rau muống. Rau muống suốt năm. Khi đứng trên đường nhìn xuống, ta chỉ thấy một vùng rau muống xanh bát ngát trải dài từ xóm dưới đến xóm trên. Với những ô ruộng vuông vắn. Chiều chiều những chiếc gàu nan, gàu sòng tưới nước, những tia nước rót xuống, đan nhau thành hình vòng cung, rải đều khắp thửa ruộng. Dưới ánh nắng hoàng hôn, những tia nước lóng lánh trông hết sức đẹp mắt.

Chỉ có ban đêm, theo gió, mùi thúi nồng nặc của nước phân chuồng tưới rau bay về. Nhưng riết rồi cũng quen.

Thời ấy làm gì có phân hóa học.

Đặc biệt vào mùa hè là cả một thinh không vang lừng tiếng dế. Dế rất thích rau non nên qui tụ về đây rất nhiều. Có điều bọn trẻ chúng tôi phải chịu thua, vì không đứa nào dám dẫm trên rau để dò xem chỗ ẩn trú của dế. Chỉ khi ruộng cắt xong, chờ một mùa rau mới, thì đó là dịp để chúng tôi tha hồ. Chúng tôi đổ nước vào những hang nghi ngờ hay vạch những gốc rau. Thế nào cũng có một vài chú xuất đầu lộ diện.

Vì là một trũng thấp so với mặt đường nên cứ sau vài cơn mưa lớn, Rộc lại bị ngập nước mênh mông. Lụt lội quá quen thuộc, và là một dịp để đám trẻ tha hồ vùng vẫy. Có khi nước dâng rất mau, khi ngủ nước chưa vào nhà, đến khi thức thì nước đã dâng lên tận mép giường.

Dù là dân Rộc, tuy nhiên dượng không sống bằng nghề trồng rau muống. Nghe nói ngôi nhà mà chúng tôi đang ngụ cũng không phải là của bác nữa. Mà của một gia đình đã tản cư chưa về. Khác với các gia đình dưới rộc, nhà dượng có xe riêng. Chiếc xe của thời xa xưa mà ta thường thấy trên phim vua hề Charlot thủ diễn. Điều này chứng tỏ là bác thuộc thành phần khá giả. Trước khi mẹ gặp bác, tôi nghe nói là bác mở tiệm phở. Sau này bác làm nghề thầu xây cất nhà cửa. Chuyện này là chuyện của người lớn. Tôi chỉ nghe nói lại. Hơn nữa, trong gia đình ấy, tôi không phải là một phần tử, thì cần gì mà để ý. Tôi cũng chẳng cần thắc mắc tại sao tôi lại bị buộc gọi tiếng « bác » thay vì tiếng « dượng » khi mà bác là cha ghẻ của tôi.

Từ thất bại này đến thất bại khác làm bác sa sút thấy rõ. Từ đấy bác buồn tình uống rượu.

Không ai có thể giúp bác. Trừ mẹ. Nghĩ lại chưa bao giờ tôi thấy mẹ  hy sinh cho bác như lúc này. Bác cần vốn cho một cuộc làm ăn mới, thì mẹ chạy đôn chạy đáo, hốt hụi kiếm tiền. Rồi sau đó, cuộc làm ăn lại thất bại, lại thêm một lần nữa, mẹ bị thiên hạ nguyền rủa. Làm sao tôi có thể quên được những lần mẹ sai tôi đi đòi tiền hụi. Có lần tôi đến vào bữa cơm tối, nói: “Mẹ con bảo con đến lấy tiền đóng hụi.” Chưa nói hết câu, người chồng trừng mắt, rồi quăng chén cơm xuống đất: “Cút đi thằng con hoang, bộ hết lúc, lại lựa vào lúc tao đang ăn cơm…” Tôi lại lủi thủi về lại nhà, báo lại mẹ. Cái cảnh đòi nợ hụi đã làm tôi chịu đựng cùng nỗi tủi nhục vô bờ. Nhưng tôi biết mẹ cần tiền. Tiền là tất cả. Gắng cắn răng, gắng đừng khóc để mang những tờ giấy bạc về nhà, để mẹ đưa cho dượng, hay nuôi các miệng ăn. Ít khi những người chơi hụi trả liền. Họ khất, họ hẹn. Họ làm khó dễ. Và tôi như một kẻ đến gieo tai họa cho họ. Ngoài tôi ra, mẹ biết nhờ ai. Riết rồi cũng chai lì. Bất hạnh này đến bất hạnh khác, nếu không chai lì thì chỉ còn cách là gục xuống để thiên hạ đạp lên.

Cuối cùng, mẹ bỏ đứa con còn bé cho tôi giữ, lao vào con đường buôn gánh bán bưng. Mẹ già thấy rõ. Đôi vai giờ gánh khối nặng của một cái nghiệp hẩm hiu đến muốn khóc. Vì sao? Chắc là vì quá yêu dượng. Tôi biết vậy vì không ngày nào, mẹ đưa tiền cho tôi để tôi xuống chợ Đầm mua một lít rượu trắng. Mẹ bận nên ít để ý đến tôi hơn. Ngày thì ở chợ, đi rảo khắp các khu, mua hột gà, chuối, thanh long từ các người ở dưới quê lên rồi bán lại. Nhất là hột gà. Mẹ có mối giao cho một nhà hàng Tây ở  cạnh bờ biển. Vì cam kết phải giao đúng hạn và đầy đủ  số lượng, nên mẹ càng vất vả hơn bao giờ. Làm sao mà có đủ trứng cho nhà hàng mỗi ngày? Mẹ phải rảo khắp chợ, hay về vùng xa, tìm trứng. Và đêm về, mẹ phải dùng chanh đánh bóng từng quả một. Để vỏ láng bóng, có thể quyến dụ người mua  dễ dàng hơn. Mẹ nói thế. Những quả hư, vữa hay lộn, mẹ đều dành cho tôi. Như là phần thưởng. Riêng những nải chuối còn xanh, mẹ bỏ chúng vào trong hũ gạo, đốt nhang để vỏ chuối mau vàng. Và khi gà vừa gáy, mẹ thức dậy. Bóng mẹ in trên vách. Mẹ xếp những nải chuối vào hai thúng. Và bỏ trứng gà vào chiếc giỏ mây. Đó là phần việc mà mẹ giao phó cho tôi. Tôi sẽ mang nó tại nhà bếp của nhà hàng Tây dưới biển.

Sau đó, tôi bị đánh thức dậy, lấy bài học. Thỉnh thoảng mẹ dạy tôi vài ba tiếng Pháp như le chien là con chó le chat con mèo, la maison cái nhà… Mẹ biết nhiều tiếng Pháp. Mẹ nói giọng như bà đầm mà tôi vẫn hay gặp ở nhà hàng. Tôi không thể ngờ một người đàn bà mỗi ngày gánh chiếc đòn gánh với hai thúng trái cây nặng trĩu như vậy lại có một số vốn về chữ nghĩa như thế. (Sau này tôi được biết mẹ có bằng Primaire vào khoảng năm 1915, 1916 gì đó).

Mẹ dậy rất sớm. Thường ở ngoài trời vẫn còn tối đen như mực. Cả nhà vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Mẹ kêu tôi dậy học bài. Rồi bà thổi lửa, nấu nước sôi đổ vào bình thủy để dượng uống trà. Sau đó, mẹ chiên cơm nguội, dành cho tôi một bát. Ngọn lửa cháy, củi reo lách tách, vui tai. Trong chái nhà nhỏ hẹp, chỉ có hai mẹ con. Tôi thì ê a. Mẹ thì tiếp tục chuẩn bị cho phiên chợ sớm. Mẹ ốm, răng nhuộm đen, tóc đen lắm. Có điều, trong đôi mắt kia, tôi thấy cả một bể lệ, khi mẹ nhìn đâu đâu. Những lúc như thế, tôi và mẹ trở nên gần gũi nhau. Mẹ hay vạch áo tôi, xem những vết roi bầm và thêm một lần lấy dầu xoa, và luôn luôn dặn: Con người ta là con vàng con ngọc. Con đừng chọc chúng. Thấy con đau mẹ cũng khổ lắm.  Tôi phân trần: Tại chúng cứ chọc con là đứa con không cha. Chúng nói con là con hoang nữa…

Sau đó mẹ lao vào bóng đêm về sáng. Có khi đôi thúng mẹ gánh đi trước, tôi mang một bị giỏ lẽo đẽo theo sau. Đàng sau mẹ là ngôi nhà vẫn đang chìm trong giấc ngủ. Chiếc hồ bốc sương, nước đục ngầu bởi trăm ngàn thứ dơ bẩn trút xuống. Vì là trũng, nên sương bốc lên, dày dặc. Con  đường quốc lộ một đầu chạy ra cầu Hà Ra, một đầu dẫn về trường Tàu. Phía bên kia đường, cũng là một trũng rau muống, nhưng nhỏ hơn. Chính trũng này tôi vẫn men theo con đường ruộng để đến trường. Khi qua bến xe ngựa gần trường Tàu, mẹ thường hay nhìn, ngẩn ngơ. (Sau này tôi mới biết là trước đó, mẹ khá giả lắm, có nuôi cả một đàn ngựa để kéo xe). Mẹ đến chợ, tìm một chỗ quen thuộc ngoài trời, dành cho khu bán trái cây. Trong lồng chợ thường là chỗ để bán tạp hóa vải vóc. Sau đó, mẹ bảo tôi ngồi giữ chỗ, để bà đi rảo khắp chợ tìm mua đi bán lại những hột gà, chuối, mãng cầu, thơm từ các người từ dưới quê lên. Trong thời gian chờ bà trở lại, tôi vẫn thường lấy bài ôn lại lần chót.

Sau đó mẹ trở về, tôi mới bắt đầu đi đến trường.

Ở chợ, tôi càng hiểu thế nào là những giọt mồ hôi gian khổ của mẹ. Đó là nỗi đau thật, nỗi đau làm bà mau già, làm phận bà hạ xuống, trước bao kẻ mua người bán giữa chợ đời. Người ta trả giá, chê bai, nhún vai, lắc đầu. Có khi ế ẩm, những nải chuối mốc chuối xiêm, hay những trái bưởi, thanh long, thơm vẫn còn nằm ngủ buồn hiu, thì nỗi đau lại càng tê tái. Tiền bạc bỏ ra, mà chẳng thu lại vốn. Và thêm một lần nữa, chính tôi là kẻ phụ trợ bà để giải quyết những đồ ế ẩm này. Chuối ế lại luộc. Bưởi hay thơm ế lại được xẻ ra. Thêm chén muối ớt. Thêm những miếng lá chuối. Và thằng con riêng của bà lại thêm một lần được bà kêu mang rổ rảo khắp nơi trong thành phố. Từ bến xe, đến sân vận động, rạp hát. Tôi phải giành khách cùng với những tay bán hàng khôn lanh già dặn khác. Thường thường vào dịp có đá banh hay hội chợ, là cơ hội tôi hốt được nhiều tiền.

Trái lại, lúc mưa hay trời lạnh, thì ế ẩm quá chừng. Có nghĩa là phần này mẹ cho tôi hay các em tôi thanh toán.

Đó, cái lai lịch nguồn gốc của tôi là thế. Cám ơn đời, vì đời quá khắc nghiệt để đôi mắt thằng bé nhìn nó, không phải màu xanh mà trái lại màu xám màu đen. Cám ơn loài người, vì con tim nhân đạo để thằng bé tiếp tục có mặt, hai chân gầy tong teo, mắt trũng vì nước mắt đã đổ ra quá nhiều. Cái tôi của tôi là thế. Xin đừng tội nghiệp dùm tôi. Tôi vui lắm mà. Tôi có những chú chim trên núi, có những chú còng dưới biển. Không biết có bao nhiêu ngọn sóng đã thấy tôi nô đùa, tim như ngừng đập khi chờ chúng lù lù tiến vào bờ. Và nắng và mặt trời chói lọi, đã làm làn da tôi sạm đen. Biển đã bao bọc tôi khi tôi buồn, đêm nằm trên bãi cát nhìn lên bầu trời mà tìm một vì sao. Người ta nói mỗi  người có một vì sao chiếu mạng, tôi cứ nghĩ trên ấy là một thế giới khác, với những bà tiên hiền dịu, khác với thế giới khắc nghiệt mà tôi hiện đang sống… Cát lạnh, gió lạnh, đêm càng tối đen, để sao càng thấp xuống. Chòm đại hùng tiểu hùng hay chòm thần nông hay người cấy lúa, tôi miên man tìm. Rồi ngoài khơi, thuyền câu đêm san sát, tạo thành một vệt dài ánh sáng lung linh trên mặt biển đêm như một chuỗi kim cương. Và trong cõi im ắng, chỉ có lời biển ru, đưa trí tưởng tượng thằng bé bay cao, bay xa… Ôi những giấc mơ tuổi nhỏ. Những giấc mơ tội nghiệp. Giấc mơ đưa tôi bay đến những hoang đảo như trong truyện Robinson Crusoe hay qua bên kia sông Cái, đến tận những dãy núi mịt mùng. Nơi đó là chiến khu như lời mẹ tôi vẫn hay hát khi bà ru đứa con bà: Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều. Êm đềm tiếng suối reo ngàn thông réo… Hay những bài học dạy thời nhỏ dại của Bằng Phong: Họ là những anh hùng không tên tuổi… Tôi mơ một ngày tôi sẽ vượt qua sông Cái, để trở thành một người lính bộ đội đánh Tây. Tôi mơ một ngày có mặt dưới cánh rừng phia cuối trời, mà tiếng hát của mẹ mỗi ngày cứ đẩy trí tưởng tôi bềnh bồng cùng giòng suối, cùng chim muông, cùng những anh hùng vô danh…

Mẹ lại tiếp tục đẻ con. Lần này là con gái. Cả nhà mừng lắm. Kể cả bà vợ lớn của bác. Vì tất cả con của bác toàn là con trai.

Tôi lại một phen cực thêm.  Ngày mẹ nằm nhà hộ sinh, tôi xách cơm nuôi mẹ. Và sau khi mẹ về nhà, tạm thời chưa dám làm việc nặng, tôi lại thay bà gánh nước, nấu nước sôi, hay mua rượu cho bác. Sau đó. mẹ trở lại với hai đôi thúng trĩu nặng. Tôi lại phải thay mặt mẹ bồng, ẵm em giúp mẹ khi mẹ bận bịu ngoài chợ.

oOo

Mùa đông ấy trời giá rét hơn mọi khi. Một trận lụt vừa dứt. Làng xóm trở nên tiêu điều. Những hồ rau muống ngập nước bùn, những cọng rau xanh bò lan trên mặt nước. Những gốc cây dừa, xoài, ổi, mít vẫn còn thấy một màu xám của đất bùn còn sót lại. Con đường từ xóm lên đường quốc lộ trở nên nhão nhẹt. Bầu trời u ám lạ lùng. Mưa phùn tạt vù vù cùng với gió buốt da buốt thịt. Mưa đã giam cầm bước chân hoang đàng của tôi. Tôi đứng trước hiên nhà, hai chân thúc thủ. Mẹ đang cho con bú. Nơi này là thế giới của mẹ con chúng tôi. Bên kia là cửa hông đóng kín mít. Cùng là một nhà, nhưng ở bên đó là thế giới khác. Một thế giới hoàn toàn trái ngược với cái thế giới ở đây, với chiếc giường tre, với những thúng, những gánh, những nải chuối bồ hương, những trái thanh long, những rổ hột gà cùng cái phản mà tôi ngủ.

Bỗng nhiên tôi nghe tiếng chó sủa. Mưa tạt vào mặt khiến rất khó để nhận ra người lạ mặt. Tôi chỉ thấy lờ mờ một người đàn bà khoác chiếc tơi lá đứng bên hàng giậu. Gió và mưa làm át tiếng nói của người đàn bà.

– Em ơi, cho tôi hỏi thăm. Có phải đây là nhà bà Án?

Tôi trả lời. La thì đúng hơn:

– Bà tìm lộn nhà rồi. Ở đây không có bà nào là bà Án hết!

Bỗng có tiếng mẹ ở phía trong nhà:

– Cái gì thế Tý?

Tôi quay đầu lại, nói:

– Có một bà hỏi bà Án. Con nói không có ai tên Án hết.

Nhưng mẹ đã bước ra ngoài sân, dưới mưa. Mẹ nói:

– Phải, tôi là Án đây!

Có tiếng mừng kêu:

– Thưa bà. Tôi là Bảy đây!

– Bà Bảy. Sao bà tại biết tôi ở đây?

– Chú Tuất chỉ. Chú ấy bảo bà làm công ở tiệm phở Ngọc Lợi dưới chợ Đầm…

Mẹ quay sang tôi, ra lệnh:

– Con mang vở học bài đi. Để má nói chuyện.

– Cậu nào đó, thưa bà?

Bà Bảy hỏi.

– Thằng Tý đó.

– Cậu Tý đó sao? Chao ơi là lớn!

Mẹ nói:

– Nó hoang nghịch lắm, bà Bảy ơi. Không ai dạy nó được.

Tôi chẳng bận tâm gì đến lời trách của mẹ. Với tôi bây giờ là người đàn bà lạ, tại sao lại quá quen thuộc với mẹ, tại sao bà lại gọi mẹ là bà Án.

Rồi mẹ nói thêm:

– Bà Bảy là vú của con đó.

Tôi không hiểu:

– Vú là gì, hở má?

– Vú là người bồng ẵm con giúp dùm má khi con còn nhỏ.

Bà Bảy gạt nước mắt. Xem bà rất nể trọng mẹ.

Tôi lấy vở học bài, tuy nhiên lòng tôi không yên. Tai tôi vẫn nghe tiếng rầm rì to nhỏ của hai người đàn bà, và tiếng khóc tấm tức của bà mà mẹ nói là vú nuôi tôi. Căn chái đèn điện mờ in bóng hai người trên vách. Bên ngoài trời vẫn mưa lớn. Tôi nghe mơ hồ cái tên Thanh xa lạ nào đó mà hai người trao đổi. Nhưng tôi chẳng bận tâm. Mẹ lúc nào cũng bí ẩn như gỗ đá. Ngay cả lai lịch của tôi mẹ cũng không bao giờ mẹ cho biết nữa. Huống hồ là mẹ.

Đêm hôm  ấy, vú Bảy ngủ chung với tôi. Lần đầu tiên tôi mới được một người khác giúp tôi giăng mùng, trải chiếu. Tôi đã mất sự săn sóc ấy rất lâu, không, chẳng có đâu để nói mà mất. Sự săn sóc ấy làm tôi cảm thấy ngượng. Và khi mùng giăng ra rồi, bà lại soi đèn đập muỗi nữa. Đó là chuyện hết sức lạ. Tôi không thể hiểu tại sao bà lại bận tâm đến những con muỗi tí ti như thế. Thì chúng hút máu thật. Nhưng đâu có nghĩa lý gì so với cả vòi máu cam đã no nê tuôn ra khỏi mũi khi mẹ tát ngay sóng mũi của tôi. Tôi lại để cho nó chảy, không cần ra bể nước hít vào thành xi măng hay dùng lá trầu quấn và nhét vào lỗ mũi để cầm lại. Tôi muốn người ta thấy. Tôi chẳng cần ai thương hại tôi hết.

Rồi vú Bảy nằm bên cạnh tôi. Vú thầm thì:

– Con thương má con không?

Tôi im lặng. Tại sao vú lại hỏi một câu vô duyên đến thế. Mẹ đâu có thương tôi sao tôi lại thương mẹ. Nhưng có khi tôi thương mẹ ghê gớm. Lúc mà mẹ lật áo lên để xoa dầu khuynh diệp hay xát muối vào vết roi bầm trên lưng tôi. Lúc ấy mẹ nói như khóc: Con có biết mỗi lần đánh con đau, má khổ lắm không. Con người ta là con vàng con ngọc. Con đừng chọc chúng…

Đó là lúc tôi thương mẹ tôi nhất. Cố gắng cắn răng để khỏi bật khóc, nhưng cớ sao tôi lại khóc mùi. Lúc này bà chính là mẹ đích thật của tôi. Lúc này đôi cánh của con gà mái đã phủ xuống để che chở con khỏi loài diều hâu dữ dằn. Tôi nói, để biện hộ hành động của mình: Tại nó cứ bảo vì con là thằng con không cha nên mất dạy…

Thấy tôi im lặng, vú Bảy tấm tức khóc:

– Ngày xưa con được cưng chiều, có người hầu kẻ hạ. Ngày xưa, vú bồng đút cơm, đút cháo, thay áo thay quần cho con. Ngày xưa, vú ở bên con suốt ba năm, con nói con thương vú hơn thương má… Bây giờ, thấy má, thấy con khổ, vú đau lòng lắm.

– Vú nói ngày xưa nhà mẹ giàu?

– Phải. Nhà mẹ giàu lắm.

– Con có ba không?

– Ơ, thằng này nói lạ kỳ. Không có ba sao lại có con.

– Sao bọn nó nói con là con hoang không cha?

– Không phải. Con có cha có mẹ. Nhà có người ở. Có chú Tuất giúp làm vườn. Đất rộng nuôi cả bầy ngựa lận. Ngày xưa con hay đòi chú Tuất cho con cưỡi ngựa. Có lần con ngựa lồng lên, khiến con bị té, gãy cả xương tay. Từ đó, mẹ không cho con cưỡi ngựa nữa.

Chợt vú vuốt tóc tôi:

– Con còn nhỏ chưa hiểu đâu. Lớn lên rồi con sẽ hiểu.

– Sao vú lại kêu mẹ con là bà Án? Mẹ tên khác mà?

– Án là tên ba con. Ông giàu lắm. Cả thành phố đều biết tên ba con.

– Sao ba  mẹ không chịu ở với nhau, hở vú?

– Tại cái số hết con à. Rồi lớn lên con sẽ hiểu. Con nên thương mẹ, con đừng ghét mẹ con.

Rồi giọng bà sụt sùi:

– Ngày xưa vú không cửa không nhà, được mẹ mang về giúp đỡ. Vú không thể quên ơn nghĩa ấy đâu.

Chợt có tiếng của mẹ vọng sang:

– Bà Bảy ơi, để nó ngủ ngày mai còn phải dậy sớm nữa.

oOo

.

Như vậy, qua vú Bảy, tôi được biết phần nào nguồn gốc của gia đình và một phần nào lai lịch mình. Có nghĩa là tôi được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, được kẻ hầu người hạ, được chú Tuất cho cưỡi ngựa trong trang trại rộng mênh mông. Nhất là tôi có ba. Ba hay cha. Cái tiếng mà tuổi thơ của tôi không được diễm phúc có được. Cái tiếng mà tôi mơ ước, để nuớc mắt phải lạnh cả má, cả mặt phản gụ. Cái tiếng đã làm cuộc đời tôi bị dìm xuống dưới tận bùn sình dơ bẩn. Ba. Cha. Ông đã bỏ tôi, để lại nơi mái nhà này một con ngựa con côi cút, giữa một thế giới loài người ác độc. Cái tiếng cả mọi đứa bé trên cõi đời này để hãnh diện, nhưng chỉ riêng một mình tôi là không có. Tôi lại càng phản kháng nhiều hơn, ương ngạnh nhiều hơn. Có lần mẹ bắt tôi phải xin lỗi tôi cắn chặt môi, như cố chịu những cơn đau vô tận, không chịu mở miệng. Tôi lì lợm tránh đỡ những lằn roi tới tấp. Mẹ thấy vậy, càng điên cuồng, càng tìm cách để tôi phải nghe lời bà. Tự ái của bà càng bốc lửa. Đến nỗi bà trói tôi lại, khi tôi cố gắng vùng vẫy muốn chạy thoát. Có khi mẹ buộc hai tay tôi vào hai cột trụ của cây xích đu ngoài sân. Có khi đầu tôi bị cạo trọc. Xin cho tôi ngừng thở ở đây. Không phải tôi viết ra đây để trút hết nỗi hận lên trên trang giấy. Tôi muốn nói là tất cả lỗi là do tôi, chính tôi đem cho mẹ tôi sự phiền não. Cái phận làm hầu làm bé đã làm bà bị tủi nhục, thêm thằng con riêng ương ngạnh này nữa, làm sao bà lại không trút hết cơn giận xuống đầu tôi?  Hở?

Có khi tôi thoát được, lao vào trong bóng tối. Tôi ẩn mình trong vườn mía của nhà bác Sĩ gái. Tiếng mẹ thất thanh trong đêm, như tiếng gọi tuyệt vọng từ một kẻ bất hạnh: Tý ơi, mày đâu rồi, con đâu rồi, sao tôi khổ như thế này hả trời?

Tôi nghe mà khóc. Trên cao, xuyên qua kẽ lá mía, những vì sao nhòa nhạt. Chúng cũng mờ nước mắt như tôi. Cả người tôi run. Lạnh và đau bầm cả thân thể. Tôi muốn rời khỏi cái địa ngục này lập tức. Tôi muốn đi thật xa, thật xa. Tôi chẳng luyến tiếc gì cái mảnh đất mà người ta gọi là thiên đường tuổi nhỏ này. Bên ngoài đám người xách đèn bão đi tìm tôi. Chắc là bác bắt họ đi tìm. Bác sợ tôi rồ dại bỏ nhà chạy trốn chăng. Tôi càng im thin thít. Phải, tôi ao ước, vú Bảy có mặt bên tôi lúc này. Vú ơi, chỉ có vú mới thương con, mới hiểu con. Chỉ có vú mới an ủi con. Nhưng vú thì ở xa, vú có nghe con nói không.

Sau đó, tôi bò ra khỏi vườn, tìm xuống ruộng rau muống, và chạy bừa trên ruộng rau. Tôi nhắm hướng phố mà chạy. Chạy đến nhà ga. Tôi sẽ trốn theo con tàu mà rời khỏi căn nhà địa ngục này. Không cần biết đi đâu về đâu. Không cần biết chỗ nào để tạm trú. Cứ đi. Đến trạm ga cuối cùng, rồi xuống. Rồi tìm một vỉa hè, một góc phố.. miễn là thoát khỏi.

Nhưng tàu không thấy đâu, chỉ thấy đám lính Lê Dương say rượu la hét inh ỏi. Tôi lại bước đi. Gió đêm làm châu thân tôi lạnh cóng. Lúc này, trận đòn đã bắt đầu thấm đến xương tủy. Tôi tìm đến một ngôi nhà mập mờ đèn xanh đỏ mà sau này tôi mới biết đó là nhà thổ để đám lính Lê Dương tìm đến giải trí. Tôi thấy lũ trẻ đánh giày. Có  đứa trạc tuổi tôi. Những người đàn bà má phấn môi son đỏ chót ngồi trên lòng mấy gã Tây trắng Tây đen. Một vài gã Tây duỗi chân, để giày trên thùng gỗ. Một thằng đánh giày đang dùng giẻ đánh bóng. Miệng nói xi xô. Gã Tây phá lên cười, rồi vuốt đầu thằng nhỏ.

Bỗng  nhiên, tôi bị ai lôi. Người gác cửa đã phát giác tôi. Gã nạt:

– Thằng nhóc, mày biết chỗ này là chỗ gì không?

Thật sự tôi không biết. Gã lại nói tiếp:

– Con nít chưa có lông  mà bầy đặt. Bộ mày muốn thèm vào trong đó hay sao?

Rồi gã đuổi tôi đi chỗ khác.

Tôi lại tiếp tục đi mà không biết đi đâu nữa. Thành phố giới nghiêm, tôi chợt nhớ. Tôi đã làm một việc mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ làm. Tôi đã bỏ đi. Nhưng bây giờ càng hiểu tôi cần mái nhà. Tôi cần chiếc mền, chiếc chiếu. Tôi cần chịếc áo ấm mặc đỡ lạnh. Tôi cần ánh đèn để tôi học bài. Thầy Minh sẽ không tha bất cứ đứa nào làm biếng. Nhưng hình ảnh thằng bé đánh giày trạc tuổi, đã ghi khắc vào tâm trí. Nó sướng hơn tôi nhiều, Có ngày tôi cũng phải như nó. Thà cam khổ, nhưng ít ra, cũng thoát khỏi cái căn nhà địa ngục.

Cuối cùng, tôi lại lủi thủi trở về. Tôi sẽ xin lỗi mọi người. Dạ, con trót dại con hứa sẽ không tái phạm nữa.

oOo

Sau lần vú Bảy gặp mẹ tôi, mẹ hình như có  điều gì không ổn. Một hôm mẹ mang về cả một giỏ thuốc Tây, được ngụy trang trên mặt là trứng gà. Bắt đầu từ đây, bà có những chuyến đi bất thường, bí mật. Và những người lạ mặt mà đa số là đàn bà xuất hiện một lần ở góc đường, góc chợ rồi sau đó biến đi. Thời bấy giờ, thành phố chỉ có một nhà thuốc Tây duy nhất. Mẹ hay sai tôi đến để mua những viên kí ninh hay Aspirin. Chẳng những thế, bà còn nhờ đám trẻ con trong xóm mua dùm, và thưởng chúng vài đồng bạc cắc… Trong buồng tối của nhà, mẹ giấu đầy thuốc Tây. Có khi mẹ giả làm một người đàn bà có bầu, để qua mặt những mật thám công an trong thành phố. Có khi mẹ rời nhà vào ban đêm. Mẹ đi đâu, tôi nào có biết.

Căn nhà ngày xưa có cột trụ chính là bác, bây giờ là mẹ. Bác buồn vì thất bại này sang thất bại khác nên cứ ngồi ủ rũ suốt buổi bên chai rượu trắng. Phần tôi, bây giờ càng lớn càng hiểu thân phận của mình. Tôi hẩm hiu cùng chén cơm nguội và nỗi buồn trước tuổi. Tôi hay khóc thầm. Đến nỗi mắc thêm chứng bệnh khóc đêm. Đêm nào tôi cũng khóc. Phản gụ lạnh đẫm cả nước mắt. Tiếng côn trùng, ếch nhái ngoài đêm càng làm tăng thêm nỗi buồn.

Một ngày, tôi vẫn còn nhớ, một chiếc xe díp sơn màu xanh, phía sau bít bùng, bỗng nhiên đậu lại trước nhà. Vài kẻ lạ nhảy xuống xe, ào vào nhà. Họ vào buồng, lục lọi sau đó lôi ra những bao, giỏ đựng đầy thuốc Tây và cả bọc luơng khô mà tôi đã bí mật giấu. Và họ bắt mẹ dẫn ra xe. Tôi chạy theo bà. Họ cản lại. Bé Thương, em gái cùng mẹ khác cha với tôi, khóc ré lên. Nó vẫn còn đang trong thời kỳ bú sữa. Mẹ quay lại nói với tôi: Con gắng săn sóc em dùm mẹ nghe con.

Rõ ràng, những lọ aspirin, hay trụ sinh không phải để cứu người nhưng là những mầm tai ách.

Không ai có thể cứu mẹ tôi. Không ai có thể giúp bà thoát khỏi những trận đòn tra tấn. Tôi không hề thấy lũ mật thám tra khảo bà, nhưng mỗi lần đến nhà lao Nha Trang để thăm nuôi, tôi vẫn thấy cả gương mặt của bà bầm tím, tóc tai rũ rượi. Tôi từng nghe những vụ tra tấn người tại nhà lao Nha Trang. Những kỹ thuật tra tấn quá sức dã man như chạy điện, đổ nước vào mồm, tra khảo, treo ngược, dí điếu thuốc cháy vào đầu vú hay cửa mình… Đó là chưa kể những cảnh thủ tiêu người như bỏ bao bố nhận chìm dưới sông… Không biết có dân tộc nào trên thế giới này lại sản sinh ra một nghệ thuật tra tấn cao độ, siêu việt như ở xứ sở này không. Người ta thường kể nơi này nhiều ma vì bọn mật thám tra tấn người đến chết rồi dập xác ở khu đất kế cận. Ban đêm, những oan hồn kéo về đòi mạng, khóc lóc thảm thiết. Tiếng hét thảm khốc vẫn thường nghe từ căn lầu nằm giữa bốn bờ thành cao cắm đầy miểng chai và chằng chịt hàng rào dây kẽm, bên con đường ra bờ biển khiến lũ trẻ chúng tôi sợ phải qua đó. Bây giờ mẹ tôi lại bước vào ải ngục ghê rợn ấy. Ai làm cho mẹ tôi phải bị đày đọa đến thế này. Ai cứu bà, ai giúp tôi khỏi bồng ẵm đứa em mới mấy tháng, một tay kia xách chiếc cà-men cơm mỗi ngày đến để nhìn bà tơi tả tả tơi sau những song sắt?  Tôi đưa miệng con bé áp vào trong song sắt, và bà kê vú bà ra ngoài song cho con bú. Mắt bà thâm quầng.Trời ơi, tại sao bà lại chọn con đường này? Sau này, tôi vẫn mang câu hỏi: Không hiểu vì bà muốn cứu giúp gia đình trong cơn nghiệt ngã, hay tại tấm lòng yêu nước của bà ? Tại sao bà cứ hát ru hoài những lời ca tụng chiến khu, kháng chiến khi ru các em tôi ngủ: Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều. Êm đềm tiếng suối reo ngàn thông réo…Mà mỗi lần như thế, tôi như bị mê đắm theo lời hát đầy xúc cảm của bà. Mê đắm đến độ cứ mơ một ngày vượt qua bên kia sông Cái, về phía những rặng núi chìm trong mây, nơi mà người ta gọi là chiến khu. Ở đó, họ phải cam khổ và thiếu thốn lắm. Bởi vậy tôi đã giấu mẹ, dành dụm, góp nhặt những phần gạo, hay khô, cả bút mực, gói một bọc bằng giấy dầu, ngoài viết: “Gởi anh bộ đội”, chờ dịp.  Tôi nghĩ mẹ sẽ biết và sẽ giúp chuyển dùm tôi.

Nhưng tôi làm sao ngờ chính bọc ấy lại là một tai vạ. Bởi vì nó là một cớ để buộc tội mẹ tôi tiếp tay với phe kháng chiến khi đám mật thám xét cái buồng tối mà mẹ giấu rất nhiều thuốc Tây.

Như vậy, xin đừng đánh đập mẹ tôi. Tôi đã khóc khi van những người có mặt trong nhà lao Nha Trang. Tại sao họ lại bắt mẹ, khi bà chỉ mua bán thuốc Tây. Mẹ không chứa súng ống, chất nổ, hay chứa chấp quân kháng chiến, đàng này mẹ góp phần trong việc cứu người, sao lại bắt bà. Trời ơi, làm sao tôi có thể hiểu được. Tay tôi nặng vì phải bồng ẵm em Thương, và một tay kia thì xách cà-men cơm. Đó, mẹ giúp cả nhà, mẹ cam khổ để mang tiền bạc về, để mỗi ngày có những bữa cơm hay lít rượu trắng, nhưng khi mẹ gặp nạn thì chẳng ai có thể giúp bà. Em Thương khóc vì khát sữa. Tôi dỗ. Tôi bồng nó chạy cho mau. Tôi chạy từ Rộc Rau muống, lên tận Nhà Đèn, rẽ trái về phía biển. Tôi chạy, đôi chân gầy, khẳng khiu, không nhìn thấy bầu trời xanh  mà chỉ nghe tiếng khóc đòi đoạn. Tôi chạy giữa hàng muồng vàng thắm ở gần Nhà Đèn và hàng me keo đầy trái chín. Tiếng khóc của em tôi như làm vỡ cả tim tôi. Tôi không thể dỗ nó cho nín mỗi khi nó đòi sữa. Không ai có thể thay mẹ để dỗ nó được. Và cứ thế, một tay xách cà-men thăm nuôi, một tay bồng nách đứa em, tôi đã  thay mặt mẹ để làm vú nuôi giữ trẻ từ dạo ấy.

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading