Những ngọn đèn cầy của ngày sinh nhật

KHI EM XUẤT HIỆN, TRONG BÓNG CHIỀU nhá nhem, anh phải bàng hoàng. Anh không thể ngờ có một ngày được gặp lại một người thân yêu cũ. Vẫn mái tóc cắt ngắn. Vẫn gương mặt thanh tú. Vẫn bờ vai nhỏ bé, nhưng có gì khác lạ ở chiếc nhẫn trên ngón tay của em. Anh buột miệng kêu tên em. Em vẫn đứng yên và giữ một khoảng cách. Ngoài kia, một vài vì sao mọc sớm, và đàn dơi đã bay tán loạn trên những nhánh sứ trong vườn cư xá. Anh mời em, nhưng thật tình không có lấy một chiếc ghế. Và em dọn lại cái bàn viết bừa bộn sách vở, chai lọ. Em lôi ra từ trong bọc chiếc bánh và hộp đèn cầy.

Anh thì ngạc nhiên không ít.

– Em làm gì với chiếc bánh và những ngọn đèn cầy này ?

– Anh không biết sao, hôm nay là ngày sinh nhật của anh mà.

– Thế sao ?

Anh hỏi chính anh. Trời ơi ngày sinh của mày mà mày không nhớ sao. Hở.

Anh cảm tạ em với tấm lòng vô lượng. Nhưng ngày ra đời của anh đâu có vui gì để mà phải nhớ. Cái nơi nào gọi là quê nhà, là nơi mình khóc những tiếng khóc chào đời thú thật đến bây giờ anh cũng không còn biết nơi nào nữa. Tìm ở đâu khi mới chào đời là những con ngựa trong chuồng sau nhà, miệng sủi bọt, hí lên những tiếng hí rùng rợn thê lương rồi nhảy đành đạch và lăn ra chết. Tìm ở đâu, ngay cả một dấu chân của tuổi thơ cũng không còn dấu vết để lại đàng sau. Phải, nếu mẹ cha anh phải vui mừng vì có một đứa con trai sinh vào tuổi ngựa chào đời thì ông bà phải khóc cả trăm lần cho một cơn tai nghiệt. Cả một gia sản mà mẹ ra công tạo dựng, với một đàn ngựa kéo xe khắp tỉnh, với tiền bạc càng lúc càng dồi dào, với nhà cao cửa rộng, bỗng theo trận dịch cuốn lốc tan tành. Mẹ điên cuồng như người mất trí. Mẹ nghiến răng trong nỗi bất lực khi mỗi đêm, vọng về cùng những cơn gió núi, âm thanh kinh hoàng của những tiếng hí của một con ngựa bị trận ôn dịch quật ngã. Mẹ xách đèn bão cùng chú Tá giúp việc, ra sau chuồng để chứng kiến cho cái cơ nghiệp mà bà đã cố công gầy dựng càng lúc càng tan tành theo cơn dịch dữ.

Ngày ấy, anh quá nhỏ để hiểu và thấy được thế nào là một trận dịch khắc nghiệt. Nhưng rõ ràng, bằng cảm nhận của một kẻ sinh vào tuổi ngựa, anh tự hiểu chính anh là con ngựa ôn dịch đã mang đến tai họa ấy.

Và hết trận ôn dịch bủa xuống một gia đình lại tiếp đến một trận ôn dịch khác – lần này là chiến tranh – Nó đổ xuống khắp nước. Để tản cư, tiêu thổ, để cha phải xa con, vợ xa chồng để thằng bé con chưa đầy hai tuổi phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rún của nó. Con ngựa mẹ nuôi nó chưa kịp cỡi để giấc mơ trên một đồng thảo nguyên, giờ nó phải bỏ lìa để theo mẹ nó lang thang vô định, để hứng chịu cái định mệnh khắc nghiệt nhất của tất cả đứa bé trên đời: Thằng con không cha.

Như vậy, em yêu dấu, anh làm gì để nhận được cái diễm phúc cho một niềm vui. Cho dù trên tờ giấy khai sinh, vẫn có ngày tháng năm sinh, nơi sinh trưởng, có tên cha tên mẹ, nhưng trời hỡi, nó chỉ là một trang chứng từ cho một nỗi buồn của một kiếp người mà thôi.

Dù vậy, anh cũng phải cảm tạ em, vì em vẫn còn nhớ tưởng đến anh giữa lúc anh bơ vơ vô cùng tận.

oOo

Em dọn chiếc bánh, cắm những ngọn đèn cầy và hối anh đốt nến. Ánh sáng lóe lên, như ánh sáng của bình minh, của hy vọng, của niềm vui mừng. Anh bối rối làm sao. Bên anh, em vẫn bận rộn.

– Đây là món quà mừng ngày sinh nhật của anh.

Em làm anh càng ngạc nhiên. Anh nhận bọc quà. Anh mở dây buộc, và giấy bọc. Lần đầu tiên trong đời, anh mới nhận được cái diễm phúc này. Hình như tay anh muốn run. Hay là vì lòng anh hồi hộp quá đỗi.

– Trời ơi, cây viết !

Anh buột miệng thốt lên. Và không dằn được niềm cảm xúc, anh ôm choàng lấy em. Ôm như ôm một thân thể ngày nào. Ôm như ôm vào đời một người nữ thân yêu, lúc anh trở về từ quân trường. Ôm mà không còn nghĩ đến ngón tay đeo nhẫn của em. Ôm như ngày nào, hai đứa ôm nhau dưới trời mưa như thác, không giữ gìn, không cần thắc mắc. Ôm như thân thể và tâm hồn là của nhau. Anh nói trong niềm xúc động chất ngất:

– Cám ơn em. Cám ơn em.

Em gỡ vòng tay của anh.

– Đừng anh, em đã có chồng rồi.

Anh buông em ra. Phải. Anh đã dự cảm và điều dự cảm này rõ ràng là đúng. Anh bối rối xin lỗi.

– Anh xin lỗi em.

Bên ngoài, vọng vào tiếng hát của Thái Thanh báo xuất phim tối bắt đầu. “Em hỏi anh bao giờ trở lại. Anh trả lời mai mốt anh về”. Ngọn đèn cầy còn lại tiếp tục lung linh ánh sáng soi bóng hai người trên vách tường. Anh hỏi:

– Tại sao em lại biết anh ở đây?

– Em nghe chồng em kể. Anh ấy là sĩ quan phòng quân số của sư đoàn, nên anh biết những người mới thuyên chuyển lên đơn vị. Có lẽ anh cũng đã gặp anh ấy khi trình diện.

– Phải. Anh nhớ ra rồi. Anh ấy là một người tốt. Ảnh đã tìm cách cho anh được nán lại hậu cứ vài ngày trước khi theo chuyến xe ra ngoài mặt trận.

– Em hỏi tên thì em mới biết là anh.

– Như vậy em có chồng rồi. Khi nào?

– Vâng. Cách đây một năm. Sau khi em được thuyên chuyển lên đây.

Rồi em bật run đôi vai. Em nói trong giòng nước mắt:

– Khi anh rời quân trường anh không để lại một tin tức gì. Em nghĩ là anh không còn nhớ đến em nữa. Sau đó đọc báo được biết anh bị thương đến hai lần. Em có liên lạc với tòa soạn nhưng họ nói anh ở một đơn vị nguy hiểm, phải lưu động khắp cả vùng hai, khó có thể liên lạc. Sau đó, anh Nhân hỏi cưới em. Anh hẳn biết em không thể chờ đợi được nữa. Anh Nhân là một người chồng tốt. Anh ấy thương em lắm.

– Chúc mừng em. Nhưng tại sao em lại đến thăm anh. Em không sợ thiên hạ chê cười sao? Em không sợ chồng em biết sao?

Câu nói của anh có lẽ làm xúc phạm em. Em ngước mắt nhìn anh. Lệ tràn long lanh:

– Em đến để chia xẻ với anh niềm vui, đó là cái tội sao?

– Không, anh không có ý như vậy. Anh rất hiểu em. Hiểu tại sao em lại đến quân trường để tìm anh giữa lúc có biết bao kẻ săn đón em. Hiểu tại sao em lại chịu lên một nơi xa xôi heo hút này để làm việc. Anh rất hiểu. Anh xin lỗi em.

– Thú thật khi nghe tin anh có mặt tại nơi này, em muốn vợ chồng em sẽ đến thăm anh. Nhưng nhớ lại sắp đến ngày sinh nhật của anh, em phải chờ đợi để làm anh kinh ngạc. Bất ngờ anh Nhân bị công tác, thành ra em phải đi một mình.

– Cám ơn em. Anh hứa sẽ giữ mãi niềm tin cậy của em. Em sẽ mãi mãi là một người áo trắng với con tim chất ngất tình thương của anh.

– Cám ơn anh. Thôi khuya rồi. Em xin kiếu về.

Anh bỗng nhớ ra một điều gì.

– Chờ anh một phút. Anh có món nhờ em giữ dùm.

Rồi anh lôi ra một hộp nhung – phần thưởng danh dự về báo chí mà Ông Chỉ huy trưởng quân trường đã trao trong ngày mãn khóa về một cá nhân báo chí xuất sắc nhất của khóa.

– Đây là 2 cây viết Canon phần thưởng về cá nhân xuất sắc của khóa. Có khắc tên anh trên cây viết. Để em giữ dùm anh. Lỡ mai này, chết ngoài mặt trận mất đi thì uổng lắm. Mong em nhận lấy.

Em gật đầu:

– Em sẽ trả lại khi anh cần.

Rồi anh đưa em ra ngoài đêm. Gió cuối năm lạnh cắt. Muốn thốt lên một lời âu yếm của kẻ tình nhân. Ngày xưa, anh còn dịp để lấy áo jacket của anh để choàng vào vai em. Ngày xưa, anh còn lấy da thịt mình, hơi hướm mình để sưởi ấm cho em. Nhưng bây giờ, em đã có một bến trú, một người để chở che bảo bọc. Ngày xưa, khi anh đưa em về Gia Định, anh và em nắm tay nhau chạy dưới trời mưa giông cho kịp chuyến xe lam. Bây giờ, bàn tay ấy, anh không được nắm. Thân thể này anh không được giữ. Anh biết, cũng tại vì anh. Chính anh đã phụ bạc, ruồng rẫy. Chính anh đã xa lìa em.

oOo

Phải. Em yêu dấu. Hãy tha lỗi cho anh. Anh đang nhắm mắt đây, như một người muôn vàn ăn năn hối hận. Làm sao anh hiểu cơn mưa giông của Sài Gòn trong buổi chia tay cuối cùng ấy còn thấm thêm lệ mặn. Làm sao anh biết được đôi khi đàng sau mình vẫn có những đôi mắt vời vợi ngóng trông. Khi yêu người, hạnh phúc chưa tròn đầy thì chia ly là vời vợi. Cứ sợ một ngày người ấy sẽ khổ vì mình. Cứ sợ một ngày người ấy sẽ trở thành góa phụ. Chính nỗi sống chết đã dạy anh phải sống vội sống vàng. Và cả tàn nhẫn.

Nhưng, đêm nay, anh bàng hoàng nhận ra tấm lòng của một người. Cám ơn đời, ít ra, đời cho anh một đôi mắt, và cám ơn em, ít ra, đêm nay, em còn nghĩ đến ngày sinh nhật của một loài ngựa chứng.

– Cho anh được gởi lời thăm chồng em.

Anh nói.

– Cám ơn anh.

Rồi em biến mất trong bóng tối.

Đêm cao đen đặc. Anh trở về lại căn phòng tạm trú. Mở lại cánh cửa. Mùi hương của bông sứ hay là mùi hương thoảng của em. Đứng lêu bêu trong bóng tối. Đêm ơi đêm ơi, chắc đêm sẽ phải dài để anh sẽ phải nhớ đến những câu thơ của anh.

Ừ nhỉ tối nghe trời đang sương. Người bỏ ta vào đêm không trăng.

Không, người đâu có bỏ ta. Tại ta bỏ người. Ta xa lánh người. Ta ham vui mà quên người mà.

Không ngờ đêm ấy là đêm cuối cùng để anh được thấy em. Định mệnh lại thêm một lần đẩy đưa anh về một vùng mênh mông khác. Con ngựa chứng đã muốn dừng chân nhưng nó vẫn bị những trận roi quất đánh tơi tả không chịu buông tha. Vẫn là đôi giày trận lún sâu trên những vùng tai họa, vẫn là những máu và nước mắt, lẫn tan hoang tơi tả khắp đầy. Tan hoang trong lòng người và tan hoang cùng đất nước. Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu…(TCS) Có điều gì để mà lưu luyến nơi này. Con ngựa gầy kéo chiếc xe trong hoàng hôn sậm đỏ, lau cỏ, và cánh chim chiều in đậm trên nền trời. Có gì mà thương mà nhớ. Em thì đã có gia đình. Còn anh thì một con số không to tướng. Em đã có đời sống riêng, và anh cũng có đời sống riêng. Nhưng có những thứ mà chúng ta phải giấu tận đáy lòng. Hay có những điều mà chúng ta muốn quên đi. Nhưng mà chắc gì quên được.

Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn…

Phải rồi. Chúng ta muốn quên mà làm sao quên được. Một hôm nào đó, có thể cơn chiêm bao thấy lại người xưa, để lòng tự nhiên bồi hồi. Hay thấy lại một dáng hao hao người tình, và lại nhớ tưởng đến một người. Hay đọc lại một tên quen, tự nhiên lòng dâng lên nỗi rung động nhè nhẹ. Hay nghe lại một bản nhạc để nhớ đến một khung trời cũ, và tiếng hát của người…

oOo

Bây giờ, anh xa em đã hơn ba mươi năm. Anh cũng xa đất nước VN gần 1/4 thế kỷ.

Nơi này, mỗi năm, có những lời chúc mừng sinh nhật được gởi đến qua e-mail, của những xếp lớn. Những e-mail ấy được cài sẵn ngày tháng, và đúng ngày đúng tháng là chúng tự động được gởi đi. Để chứng tỏ là chủ hay xếp luôn luôn nhớ đến nhân viên hay thuộc cấp của họ. Hay những người cùng phòng ban, vẫn tổ chức mừng sinh nhật cho nhau. Họ bí mật dọn bàn, dọn bánh, dọn đèn cầy, rồi giả vờ mời nhân vật chính vào phòng có công chuyện. Rồi cả bọn vỗ tay chúc mừng, cùng hát Happy Birthday to you… Không khí có vẻ như thân mật và đầy tình nghĩa. Họ đã dành cho anh bao nhiêu lần như thế. Anh đã có bao nhiêu lần ngạc nhiên như thế, bao nhiêu lần cắt bánh như thế.

Nhưng mà cuối cùng, anh vẫn bị tống ra khỏi thế giới ấy đúng ngay vào ngày sinh nhật của mình. Không thương xót, không tình nghĩa, như thể mình là kẻ phạm tội. Họ tống xuất một kẻ mà họ từng chúc mừng. Xã hội đã dạy cho họ phải làm như vậy. Những ngọn đèn cầy mà họ đã cắm vào trong bánh, những tràng vỗ tay, những lời hát chúc tụng, không biết có thật lòng hay không hay chỉ là môi miệng phù phiếm.

Để rồi, ánh nến tắt cũng tắt theo trong lòng mỗi người.

Chỉ có những ngọn đèn cầy mà em đã mang đến cho anh ngày sinh nhật nào năm xưa vẫn sáng rực mãi trong tâm hồn anh. Cây viết mà em tặng, anh đã bỏ mất như đôi giày trận và bộ đồng phục, tấm thẻ bài của anh. Nhưng những hàng chữ anh đang viết vẫn đầy ắp hình ảnh của một hình bóng cũ, và những bài thơ tình vẫn là những vầng trăng, những đóa ngọc lan thơm ngát. Cám ơn em đã cho anh những nụ hoa tươi đẹp. Cám ơn em đã có mặt bên anh, vai nhỏ bé, dáng mong manh. Cám ơn em đã cho anh những giọt lệ thấm nhòa trên những tờ nhật ký vì thương vì nhớ một người lính chiến. Và  thắp lên những ngọn đèn cầy long lanh một mối tình vượt qua tinh  nam nữ thường tình. Tình ấy anh không thể cắt nghĩa nổi. Lúc anh cô đơn. Lúc anh hẩm hiu. Lúc anh cần nơi nương tựa. Khi nó  càng lúc càng bị  khoa học kỹ thuật đã trét phấn tô son  để đánh lừa!

Giờ chúng ta hai đứa đều ở tuổi xế chiều.  Nhưng đối với anh, em vẫn là em  sống mãi trong trái tim anh, ngày nào.

Từ xa xôi, em có nghe anh nói không, em yêu dấu?

oOo

i

(phần lớn truyện lấy từ Tạp chí Vấn Đề không nhớ năm. Viết lại tháng 5 – 2004)

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading