Có lẽ một phương thuốc hữu hiệu nhất giúp tôi lúc này là nước mắt. Đó là lúc tôi ra xe, rồ máy, mở heat, và ngồi yên, rồi gục vào tay lái. Tôi khóc. Chiếc xe bây giờ là người bạn thân thiết nhất của tôi. Nó chở nỗi cô đơn của tôi. Nó mở hai chiếc đèn để soi rõ màn đêm dày dặc. Nó đóng bốn cửa xe để chẳng ai dòm ngó, để tiếng khóc của tôi khỏi vang ra ngoài. Vai tôi bật run. Ba ơi má ơi, Trời Phật ơi, sao vợ con lại khổ như thế này… Có khi tôi mong Y. ra đi, nhưng cũng có khi tôi lại mong Y, được sống… Đầu óc tôi rối loạn. Coi chừng, có một ngày mi cũng điên loạn như Y. Tôi tự nhủ.
Hai chiếc đèn mờ không soi rõ con đường đêm khi tôi lái xe về nhà. Hay là tại mắt tôi bị nhòa lệ.
Tay lái tôi quờ quạng, lái mà đoán chừng. Đêm tháng 12, trời đen như mực. Hai bên đường, nhà nhà đã rực rở đèn màu trang hoàng cho mùa lễ. Tôi vè nhà, đậu xe và mở cửa. Một hộp nhỏ bưu điện để đàng sau cửa ngoài. Tôi biết là Microfilm của tờ báo Khởi Hành mà Cornell đã gởi về tôi. Vào nhà, mở lại đèn, rồi ngồi lại trước máy điện toán. Bạn tôi ở quê nhà đã gởi bìa. Thêm một e mail xin hai tập thơ Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư và Thơ Vũ Hữu Định..
Tôi mở máy microfilm, từ lâu ngủ im lìm. Và bắt đầu nhìn vào từng trang báo. Đây rồi, Song Linh đây rồi. Nhà văn mà tôi đang cố sưu tập cho số chủ đề kỳ tới là “những người lính làm văn học nghệ thuật nằm xuống trong chiến tranh”. Và một vài bài của bạn bè viết tặng tôi thời xa xưa. Một bài của Nguyễn Sa Mạc. Một bài của Ưu Thức. Nhưng có một bài mà tôi bàng hoàng nhất, là bài “những pháo đài đã dựng trong thành phố” tôi viết vào mùa hè năm 1972 tại Ban Mê Thuộc. Làm sao không bàng hoàng cho được khi những gì tôi mô tả về cái sao chổi trong bài nhật ký này đã trở thành sự thật, một trăm phần trăm, đúng vào 3 năm sau.. Đó là một bài văn tiên tri cũng nên.
Vâng những pháo đài hôm qua đã dựng và bây giờ cũng đang được dựng trong căn nhà 719 Coolidge này, trong căn phòng này. Chỉ khác chăng, ngày xưa tôi bỏ chạy, bây giờ nhờ chúng giúp tôi chiến đấu trong những tháng ngày nghiệt ngã nhất.

