Tôi đang về lại quê hương tuổi thơ. Dấu đôi mắt để khỏi nhìn quê nhà vào ngày hòa bình thống nhất. Bỏ qua những phần đất cấm. Bỏ qua những chiếc xích lô người đạp mõi mệt mà chắc chắn ngày trước họ là những người cùng chung một hàng ngũ.
Tôi đang trở về xóm cũ. Hơn ba mươi năm xa cách tôi vẫn còn nhớ cái tên mà cả tuổi thơ của tôi gởi trọn, chôn trọn một thời. Nhưng đâu là những ruộng rau xanh ngắt, đâu là những con đường đất nho nhỏ len giữa bờ rau, đâu là cái hồ bên cạnh nhà, những cây dừa, cây mít cái sân đất thịt. Tôi đã trở về, quê nhà ơi yêu dấu, để nhận ra một sự thay đổi đển não nùng. Sông kia giờ đã nên cồn. Bắt chước người xưa tôi gọi cụ Tế Xương.
Tôi không thể nhận ra nổi con đường dốc từ con quốc lộ dẫn xuống xóm, trước hết qua nhà anh Chử, anh So, qua cái hồ đục ngầu, và cuối cùng là chiếc nền cao, vây bọc bởi hàng rào dây kẽm. Màu xanh bạt trùng của rau giờ đây đã nhường lại cho bao nền nhà xa lạ. Ai ở trong đấy. Ai đứng nhìn tôi, ai có thấy thằng con trở lại. Ai có còn mừng mừng tủi tủi như Bác Năm, bác Sáu, Cô Tám, Di Hai…
Hơn ba mươi năm. Quá dài cho một cách ngăn và cũng quá nhiều cho thảm kịch, quá xốn xang cho tiếng gọi trở về. Thì tôi trở về đây. Thầm lặng. Cô độc Thua cuộc. Đầu bạc. Từ Thức. Tôi trở về. Thằng con hôm nào bỏ đi thề không bao giờ trở lại hôm nay trở về. Có gì để mà lưu luyến. Trở về để uống hết vào mắt, ôm hết vào lòng tất cả hình ảnh của một quê nhà, trước khi ra đi. Trở về để nhìn người đã sinh tôi ra đời, tạo ra một tấm hình hài, để tôi có mặt làm một con người.
oOo
Mẹ tôi già nua bệnh hoạn trong căn buồng bề bộn. Những bàn thờ chiếm hết cả vách. Những tấm hình người khuất mặt. Ai đấy. Tấm hình lộng trong khung kính với quân hàm, chiếc nón cán bộ cao cấp. Thêm một khung kính lớn treo trên vách. Bằng mẹ liệt sĩ. Tôi hỏi mẹ tôi. Bà nói anh Sanh của con đấy. Tôi trách bà: “Tại sao má không nói cho con biết?” “Con vẫn biết thời chế độ cũ ai là có thân nhân đi tập kết đều phải dấu kín.” Tôi không dám hỏi thêm. Bởi vì dân tộc này phải vậy, chắc chắn phải vậy. Toàn là những hồn ma của lịch sử, của nhân danh, của chủ nghĩa, danh từ. Toàn là những điên rồ. Bởi đất nước này chẳng may lọt vào một bọn người suốt ngàychỉ vắt tay lên trán tìm cách xúi người khác chết – Chúng đã từng đẩy cả thế hệ cha anh và chúng tôi một cuộc chiến tương tàn. Chúng bắt chúng tôi laovề phía trước, mắt mù loà, tim sối hận, để chết thay cho những kẻ hiện giờ đang uống sâm nhung chờ đợi thoi thóp. Chúng bắt mẹ tôi ngồi trong lòng ghế bành bị choán ngợp bởi những danh từ như người mẹ anh hùng, hay người mẹ liệt sĩ. Chúng khiến tôi lúc này không phải qui hồi cố hương để khóc trong vòng tay yêu thương của mẹ, mà trái lại, cõi lòng ngỗn ngang bời bời. Trời ơi, chúng gây nên cái bãi chiến trong gia đình tôi.
Tôi đọc được hàng chữ dưới tấm hình: “Anh dũng hy sinh tại đồi Y… Bình Định ngày 11 tháng 5 năm 1973“.
Tôinhắm mắt mà tìm cơ chừng quặn thắt. Phải rồi, cũng ngày đó, cũng đồi đó, xác ba người nào nằm co rúm lại, miệng trào bọt, mũi hộc máu, do chất hoá học cực mạnh mà chúng tôi bơm xuống hang. Phải rồi, tôi đã gọi máy báo cáo về một chiến công.: Và nỗi vui mừng vô biên ở tổng hành dinh khi hạ sát một cán bộ cao cấp của dịch. Chắc chắn là người anh cùng mẹ khác cha của tôi.
Tôi xin mẹ một cây nhang, đốt trước bàn thờ. Rồi từ biệt mẹ. Không, tôi chạy trốn khỏi cõi mồ của lịch sử.