Một truyện viết trong thời chiến: CHỜ SÁNG


BUỒI sáng sớm, tiểu đội rút về khi trời vẫn còn tối. Những đốm lửa bắt đầu lóe lên trong không gian lạnh, vội vã, như đầy thèm khát Một vài vì sao vẫn còn hiện lên, như những tinh cầu lẻ loi còn sót lại trong một đêm dài. Định mang giây nịt đạn, đầu óc vẫn còn chĩu nặng. Tấm áo vẫn còn dầm dề nước, Định đứng co ro đợi toán lính vượt qua mặt. Ngôi mộ đã bỏ đằng sau. Định cho toàn lính di chuyển theo con đê khác, để tránh mìn bẩy địch có thể đặt gài hồi đêm. Lòng Định bỗng nhiên rộn rã. Lại một đêm bình an vô sự. Đêm qua, chó sủa ít hơn. Trái sáng cũng bắn lên ít hơn mọi bận. Định nhìn về phía xa, ước đoán quãng đường trở về đồn bình. Quãng đường quen thuộc: đây là cây đa cổ thụ bên ngôi đình đổ nát, kia là ngôi nhà của ông Tây về hưu, Có ba cô gái chưa lấy chồng, và ở phía cuối ấp, ngôi nhà tranh có những hàng dừa cao vời vợi, ngôi nhà của Trinh, người học trò quê thủy mị, nhưng đầy khao khát của tuổi dậy thì. Định bước đi, như để cả khối thân xác của mình lê trên con đường đất, và đầu óc thì đắm chìm trong giấc ngủ dang dở. Trời vẫn còn tối. Đám lính đi như chạy khiến Định phải cuống quít. Định muốn la lên chầm chậm lại chúng mày, nhưng Định không dám thốt lên. Hạ sĩ nhất Cày không nói một lời. Chắc ông ta đã hết say rồi… Định gọi thân mật : này ông Cày… ông còn say hết… Hạ sĩ nhất Cày được dịp phân trần: Nói thực, tui cũng uống chút đỉnh. Nhưng tôi thấy  nó hèn nhát quá… Lợi dụng say đề ở nhà… tui tức. Thiếu úy không phạt.

Định la lên:  Nó say,  mửa, sao bắt nó  đi được. Để tôi về rồi sẽ tính.

Rất may là lính của chàng phần lớn là Thượng hay Nùng, rất kỹ luật. Chỉ một ít là Kinh, gốc từ Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, đào binh dược thuyên chuyển sau khi mãn nạn. Chúng rất ba gai anh chị, nhưng chúng vô cùng gan dạ.

Nghĩ lại hồi đêm, lèo tèo vài người lính, nằm giữa một vùng đầy dẫy du kích, nhảy núi,  Định phải rùng mình. Định bước vội vã đuổi kịp tốp lính đi đầu. Những ngọn đèn pha của trại bình Mỹ sáng mờ như mời gọi trong sương. Đến bờ sông, toán linh đã cởi quần, và giày. Mùa nước cạn, sông lộ những bãi cát giữa giòng. Một vùng sương muối đã ngập ở bên tê sông, gió buổi sáng, mang theo nhiều hơi lạnh, Màu mờ nhạt của một ngày lâp lửng trong hơi sương trắng mượt. Định vẫn để nguyên giày, quần áo, co ro lội xuống giòng. Nước lạnh lạ lùng. Con sông bị khuấy động những tiếng cười la, Định cứ ngỡ mình là đứa bé, hồn nhiên và trong sáng.
oOo

NGỌN đời thật cao, đắm chìm trong màn sương trắng toát. Định không dám ngẩng nhìn lên đinh. Chàng sợ con đường dốc, qua những hàng rào dây kẽm, những quả Claymore, những hố giao thông hào la liệt. Định sợ những lần leo bộ, chống tay vào đầu gối, vừa trèo vừa thở dốc. Mới chùng nửa đường dốc mà chàng muốn toát mồ hôi, cứ trèo môt đổi, lại ngừng lại thở. Hai chân chàng bủn rủn. Đó là vào buổi sớm, không có nắng, trời mát mẻ huống gì là buổi trưa khi mặt trời chói lòa. Chàng liên tưởng đến bài thơ Tấy Tiến của Quang Dũng, với nhưng ngọn núi cao 1000 thước, với cảnh một đoàn quân không mọc tóc phải trèo mà nhà thơ đã vẽ trong thơ. Nghĩ đến đấy chàng chửi thề. Sao mà thiên hạ ngây thơ quá, bị lứa phỉnh mà không biết, cứ một hai  thi nhau ca ngợi nó như một  tuyệt bút trong thi ca hiện đại. Trọc đầu, rụng lông, rụng tóc, nghĩa là ở vào giai đoạn cuối của căn bệnh sốt rét. Đó là thời sốt rét ác tính. Sốt rét giai đoạn đầu, đi còn phải dìu,. nói gì đến trèo, mà trèo cả ngàn thước thì chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm nổi, huống hồ sốt rét ác tính, tóc lông rụng.. Nhiều lần, chàng dỗ mình  đứng bận tâm đến chuyện “phù đổng mới đẻ ra lại cới ngựa sắt” ấy nữa. Nghĩ ngợi làm gì. Chuyện đó là chuyện của thiên hạ, hơi đâu mình bận tâm tức giận mệt thân. Nhưng mỗi làn trèo ngọn đồi này, mỗi lần đôi  chân muốn quị, thở hào hển không ra hơi, hay mỗi làn nhìn người lính Thương ngừng lại nghỉ, lấy chiếc khăn lau những giọt mồ hôi là mỗi làn chàng phải thêm một lần tức giận rủa thầm:” Ra đây mà trèo với ông, để biết rõ ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống là thế nào” :

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Hen hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

oOo

Và cũng vì khiếp sợ phải leo bộ ngọn đồi cao 300 thước này nên chàng bảo toán lính trèo lên trước, còn chàng, chàng tìm nền nhà của ngôi chùa dưới chân đồi, để nguyên cả bộ áo quần trận đẫm nước, nằm dài ngủ thêm một giấc nữa.

Trong giấc ngủ, chập chờn tiếng chuông chùa vang vọng, u trầm và tiếng cầu kinh buồn bã… Chàng không hiểu chàng ngủ hay thức. Chàng thấy mình trôi bềnh bồng trong một cõi tịch mạc vô vi. Chàng chẳng khác một thằng bé tội nghiệp, bị cõi đời bỏ rơi. Hai tay chàng cố ấp cho thân khỏi lạnh. Chiếc áo mưa ngắn, vật tặng của Tân, vừa chết chưa đầy một tháng. Rồi sẽ không còn gì nữa hết. Bấy lâu, ta khờ dại theo đuổi cái bóng. Ôi cái bóng khốn nạn của đời ta. Lòng ta tràn ngập giận hờn, mắt ta chan chứa những hình ảnh tàn bạo, chưa một lần trí óc trở thành một giòng nước phẳng lặng.. Chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cây rụng nhiều. Ở nhỉ, bấy lâu, cứ lao đầu phi lý vào cái guồng máy kinh khủng, cứ bắn, cứ giết, cứ chờ đợi. Chàng nhớ đến một đoạn lá thư của giáo sư ở Bruxelles gởi về. Giáo sư bảo chúng ta không những sợ ngoại bang, mà còn sợ ngay những người cũng giống giống. Nước chúng ta từ lâu rơi vào sự giằng xéo khốn nạn như thế… Lòng người Việt Nam đều tràn ngập hận thù. Tiếng chuông vẫn tiếp tục đồ gọi những vị sư, chú tiểu trở dậy. Những tiếng lao xao êm ái, những bước chân khe khẽ, những dáng người áo vàng, ẩn hiện dưới những bờ hoa. Chắc hôm nay là ngày lễ, hay ngày rằm cũng nên. Vì hồi đêm, chàng thấy trăng sáng quá.

CHÀNG đã thiếp đi một lúc lâu trên hành lang của ngôi chùa dưới chân đồi. Gió từ mạn sông thổi về, làm rợp những bờ cỏ lau. Sương mù vẫn chưa tan trên tháp. Có lẽ, khi nắng bắt đầu lên, chàng mới thức tỉnh dậy. Những mảng nắng làm rát mắt. Mắt chàng mở một cách khó chịu. Và khi chàng hoàn toàn tỉnh, chàng đã thấy vị thầy trụ trì đứng khoanh tay nhìn chàng. Gương mặt ông tròn trỉnh và tươi sáng. Nhưng đôi mắt lại quá bé so với gương mặt quá phì của ông. Ông cười:

– Thiếu úy hồi hôm ngủ ở đây ?
– Không, chỉ vào lúc sáng. Tôi ngại leo đồi.
CHàng thú nhận thêm:

– Tiếng chuông, mõ, lời kinh làm dễ ngủ quá chừng, thưa thầy. Ước gì mỗi buổi sớm đều nằm ở hiên chùa mà nghe kinh rồi ngủ một giấc thì quá tuyệt…, thưa thầy.

Vị sư lại cười. Ông cùng lứa tuổi với chàng. Nhưng ông khác với chàng xa. Chàng gầy như que cũi, còn ông thì phì mập như thân cây tốt tươi. Chàng bê bết bùn sình còn ông thì áo vàng roi rói…

oOo

Khi chàng lên đồi, thì đại đội đã tập họp xong.  Các trung đội đã bắt đầu làm tạp dịch quanh doanh trại. Chàng kêu thằng lính uống rượu say chiều qua trình diện chàng. Chàng bắt hắn nằm xuống đất, rồi dùng cây gậy vừa quất vừa hét:
-Mày muốn ba gai hả. Muốn ba gai, tao cho mày ba gai…

Rồi chàng quất  gậy xuống  đít hắn. Nhưng chàng biết chàng quất hơi nhẹ. Chàng không quen việc đánh lính. Việc này chỉ giao cho ông thượng sĩ thường vụ. Hay ông đại đội phó. Băng chứng là các người lính cười khúc khích.
Có tiếng nói: -Thiếu úy phạt mà hắn cười. Mạnh tay một chút thiếu úy.
Chàng cũng nín cười. Vâng, chàng biết chàng không thể làm kẻ chỉ huy được. Hai tay chàng trói gà không chặc mà chỉ huy ai.

Đồng bằng ở dưới vẫn chìm trong sương mù. Trời vẫn còn gây lạnh – một hơi lạnh dịu dàng men vào da thịt chàng, hòa lẫn cùng những giọt mồ hôi, khiến chàng cảm thấy hơi khó chịu. Chàng vẫn đứng bất động, Có tiếng xe kéo nước rồ lên, có tiếng gọi lao xao của đám lính. Sân bóng chuyền rộn rã tiếng la hét. Chàng vẫn không buồn để ý. Có người nào biết tâm hồn chàng đang thầm thì một tiếng nói kỳ bí. Đó là nỗi kiêu hãnh của một người đã góp phần tạo nên sự bình yên cho mọi người-cho những lớp doanh trại dưới chân đồi, xôn xao và sinh động. Cho tiếng chào cờ vang vọng tươi vui,cho những chiếc xe xuôi ngược quanh các con đường đất đỏ thơm mùi nhựa mới. Nếu giả thử, đêm qua, có những quả đạn pháo kích , có lẽ quang cảnh kia bây giờ đồi khác…

Chàng  trở vào phòng, tháo bỏ dây nịt đạn và nằm duỗi chân trên giường trận.Không ai hiểu mình hết, không ai nghe mình nói hết, không ai thấy rõ cảnh trèo núi cực khổ  của một đám lính chắt chiu này sau một đêm thức trắng… Ai ai cũng đọc ngàn thước lên cao ngàn thước xuống mà tấm tức chắc lưỡi khen tuyệt bút. Những người lính qua lại bên cửa sổ, âm thầm kia, tội nghiệp kia. Có ai hiểu chúng ta đâu: ôi những đứa con chiến trường cô độc. Những đôi mắt mở trao tráo trong bóng tối mịt mùng. Những bóng tử thần lởn vởn từng mảng không khí. Những con tim đập lên thình thịch, những đàn muỗi đối vo ve, những phút giây đợi chờ trong một địa ngục tha ma như ngày thế kỷ… Có ai hiều chúng ta đâu.. ôi những nỗi sợ hãi vô hình vô dạng. Những gò mả còn nghe như một cõi âm hồn. Những cơn mưa xối xả, buốt ngàn xương sống, những con kiến bò lên tới cổ, má chúng ta. Những cánh dơi chập choạng từ các đọt cây, và những con chuột đồng ùa ra đánh hơi trong đêm khuya khoắt… Có ai hiểu cho chúng ta đâu.. Và mỗi buổi sáng vừa trèo dốc vừa thở hổn hển. Có ai hiểu cho chúng ta đâu..

oOo

NGÀY Hôm đó, ông thiếu tá mời Định xuống văn phòng của ông. Ông chỉ tay vào bản đồ.

– Này thiếu úy. Có tin bọn nó về một trung đội, ở tọa độ này. Anh rán làm ăn. Rồi tôi đề nghị cấp trên cho anh đi phép. Ông cố vấn cũng hứa thưởng chai rượu ăn mừng.

– Thiếu tá có lòng tốt, cám ơn thiếu tá. Nhưng tôi không biết uống rượu Mỹ, thiếu tá…

Và chàng ra ngồi trên thềm xi măng. Đoàn xe chở quân bắt đầu lên đường. Chiến tranh vẫn mỏi mòn như những bánh xe lăn trên con đường lầy lội đất đỏ kia.. Rồi những đêm ngày sẽ kéo dài thêm ra, đầy gian khổ nữa. Chàng ngồi lim dim mắt, ngở mình đang ngủ trên hành lang ngôi chùa đầy tịch mạc.. đến bao giờ, phải đến bao giờ nhỉ..

%d bloggers like this: