Người ta chịu hết nổi phải làm cái gì đó để xoa dịu cái ấm ức bị dồn nén trong đầu, trong óc hay trong lòng. Có thể là la hét mừng vui, hay cũng có thể lầm bầm trong miệng: Đù má mày, cho đở tức.
Đối với tôi là dùng hai ngón tay để gõ.
Tôi đang gõ đây
Ngoài kia sương bạc bến đìu hiu
đêm lì lợm nhai hết máu chiều
thuyền không một lá, người không bóng
sao thắp hai hàng mắt đăm chiêu
Không thuyền, không người, chỉ có chăng đôi mắt. Của sao. Hay cũng có thể của đôi mắt mà hai vì sao kia phản ánh.
Nhà thơ hé lộ cho ta biết ở một đoạn sau :
Đừng bận tâm chi chủ quán ạ
Hãy cho ta ngồi suốt đêm này
Hôm qua ta có người yêu chết
Không đưa đám được, buồn vậy thay !
(Đynh Trầm Ca, Về đây uống rượu, giai phẩm Văn Học số chủ đề Nguyễn Du năm 1974)(
Bài thơ tác giả làm vào năm 1974, nhưng giờ đây, khi đọc nó tôi lại cứ thấy ẩn hiện một dôi mắt nào:
…Tôi cũng hiểu rồi cuối cùng thua lỗ
Khi bỏ trường tôi ra đứng bờ sông
Người bên ấy đang đợi thuyền ghé bến
Tôi bên này, mưa bấc lạnh căm căm
Dù dối lòng như cuộc đời chàng Dũng
Vì đám mây bên ô cửa gọi mời
Tôi bỏ xứ lao đầu vào binh lửa
Coi cuộc đời như một chuyện rong chơi
Và người ấy qua dòng sông sương muối
Tôi lên rừng theo dòng thác binh đao
Và người ấy theo sông về biển lớn
Tôi tội tù trả nợ kiếp bò trâu
Giờ thiếu phụ đã nằm trong lòng biển
Tôi về Đông, về Bắc, biết về đâu
Trăng thiếu phụ tôi mang vào song cửa
Cho một lần, cho vô tận thiên thu..
(THT – Ô Cửa)
Đó chính là lý do tại sao tôi lại chịu hết nổi, nên phải ngồi lại trước máy mà giải tỏa tình cãm. . Ít ra nó cũng là món ăn tinh thần của tôi lúc này.