truyện của Trần Hoài Thư
Ðầu năm, thêm một nhân viên mới nữa được tuyển. Như vậy, tình trạng tài chánh của công ty chắc phải khả quan lắm và mọi người hy vọng trong tương lai sẽ không còn bị ám ảnh bởi cái búa layoff hay giảm-người như họ đã từng nghe từ những tin đồn đại. Cô nàng Karen dẫn người nhân viên mới đến từng phòng để giới thiệu. Vẫn là những câu nói xã giao lịch sự như thể thân tình từ lâu lắm: Ðây là Lisa, người bạn mới của chúng ta, đây là Tim, Ed, Mike, Elizabeth, Tan Nguyen… Hân hạnh, người nhân viên mới đưa tay bắt mỗi người. Mấy ma cũ cũng đáp lễ. Rất mừng được làm chung với bà. Vui mừng được có thêm một người bạn là bà. Ðến phiên Tân cũng vậy. Vẫn cái điệp khúc quen thuộc ngọt như đường phèn mà ông đã dùng mấy năm nay để chào mừng một người mới đến, để rồi sau đó mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy to nhỏ với nhau. Người nhân viên mới – Lisa – bắt chặt bàn tay Tân nói: Thank you so so much. Tân có thể nhận ra những vết son khô trên hai bờ môi của bà ta. Karen lại giới thiệu tiếp: Ðây là ông Tân, người sẽ hướng dẫn bà đấy. Có gì bà cứ cầu cứu ông. Lần này, bà Lisa càng tỏ ra lịch sự hơn bao giờ. Bà lại đưa tay bắt tay ông thêm một lần nữa: Thank you so so so much…
Bà Lisa vào khoảng trên dưới 40, Tân đoán vậy. Dáng thấp, hơi mập. Gương mặt nhỏ, cằm nhọn choắt, với đôi mắt tô than quá đậm như hai con đỉa trâu nằm vắt ngang, cùng cặp môi mỏng. Nói tóm lại là sắc đẹp của bà ở dưới mức trung bình. Không ai có thể ngờ nỗi là ở con người ấy, là cả những bồ chữ nghĩa khoa bảng. Bà có một bằng Ph.D về giáo dục, làm nghề dạy học, bị layoff, và nhanh chân đổi nghề bằng cách trở lại trường lấy Cao học về Ðiện toán.
Bà là một người Mỹ gốc Ý. Không chồng con. Hiện sống với bà mẹ già ở một khu ngoại ô bên Nữu ước. Mỗi ngày bà lái xe qua hầm Lincoln giữa hàng hàng chiếc xe nối đuôi dường như bất tận, đến hãng ít nhất phải một tiếng rưỡi đồng hồ.
Ngày đầu tiên, bà được giao cho một việc làm rất dễ. Nhưng bà đã hé lộ sự thật về kiến thức của bà. Bà mang những tờ giấy đi hỏi từng người. Tại sao? Tại sao? Một lần, họ sẵn sàng chỉ dẫn tận tình. Hai lần hơi lơ là. Ba lần, chấm dứt. Bà tuyệt vọng trước cái công việc chưa tìm ra lời giải mà thời hạn đã cận kề. Mỗi đêm bà ở lại hãng tới một hai giờ sáng. Và bà chỉ còn một cách là bám víu vào Tân. Nhưng ông thì cũng không làm gì hơn. Ông không thể viết lại, thay lại hay sửa chữa toàn bộ những gì bà đã làm. Ông càng hiểu về con người thật của bà và lý do tại sao người ta lại mướn bà. Bởi vì bà nói quá hay. Bất cứ vấn đề gì bà cũng nói được, và nói có lý. Nhưng bây giờ, mọi người mới hiểu là bà chỉ biết nói mà không biết làm. Mà chủ chỉ cần người làm, không phải cần người nói. Họ bắt đầu xầm xì sau lưng bà. Trong các buổi họp, mỗi lần bà đứng dậy phát biểu, họ nhìn nhau nhún vai, lắc đầu. Dường như bà không bao giờ biết được những gì xảy ra xung quanh, bà cứ vẫn tiếp tục hỏi và nói. Bà muốn đóng góp cho tổ chức hay bà muốn chứng tỏ là kẻ học rộng bằng cấp cao. Bà viện dẫn sách vở kinh điển. Bà trích dẫn từ chương. Bà nói quên cả giờ nghỉ giải lao, bắt mọi người mệt lả theo bà. Rõ ràng bà là một tai ương không hơn không kém. Cuối cùng, cả nhóm dồn bà vào chân tường. Con Carol bắt đầu giao việc làm khó hơn nhưng thời hạn hoàn tất lại ngắn hơn. Nó gặp riêng ông cảnh cáo đừng giúp đỡ gì bà Lisa nữa. Khi nói, hàm răng nó nghiến lại, đôi mắt như long lên. Tân gật đầu hứa. Ông biết ông không thể tách rời khỏi tổ chức. Ông vừa thương vừa giận bà Lisa. Bà đã không theo bánh xe của guồng máy. Bà đi ngược lại. Và dĩ nhiên trước sau bà cũng phải bị đào thải. Rõ ràng con mồi đang bị vây bủa bởi những tay thợ săn tinh quái, nham hiểm. Cứ mỗi lần thấy bà, lòng ông lại đâm thương hại khôn tả. Ông nhớ lại những ngày tháng đầu tiên của ông tại hãng, ông cũng phải bơ vơ như thế. Ngôn ngữ, tuổi tác, màu da đã bắt ông đứng hẳn bên lề. Ông thấy như in cái nhíu mày của con Sylvia, nhóm trưởng, mỗi lần ông hỏi nó một câu hỏi. Ông cũng nhớ lại những đêm thức trắng để cố gắng hoàn thành công việc cho đúng với thời hạn giao nạp. Ông đã từng ngồi lặng trong phòng lab, để tủi thân cho một con ngựa lạc đàn. Phải, nếu nói về nỗi bơ vơ, thì ông phải bơ vơ gấp ngàn lần nỗi bơ vơ của bà Lisa này nữa. “Phải chiến đấu, bà Lisa”. Ông muốn khuyến khích bà, muốn nói với bà về kinh nghiệm của ông. Nhưng ông không thể. Con ngựa đau một tàu nhịn cỏ. Ở đây, không có ai nhịn để nhìn nỗi đau của một người. Mà trái lại, là nỗi sung sướng hả hê..
“Chào Tan. Tan chưa về sao?”
Tân nghe giọng nhỏ nhẹ, thật tội nghiệp.
“Con chó này quá cứng đầu, Lisa à.”
“Nhưng ông là chủ của nó rồi mà.”
“Nó không bao giờ chịu nghe tôi.”
“Thì trừng trị nó đi Tân.”
Bà Lisa tinh nghịch nói. Ông cảm thấy mình hơi tàn nhẫn. Cái tàn nhẫn đối với kẻ bị thua cuộc. Dù muốn dù không, ông cũng là kẻ ăn nhờ ở đậu. Ông đến đây là do lòng thương hại của người bản xứ, trong đó, người đàn bà này là một phần tử.
“Lisa còn đến trường không?”
“Vâng, Tôi vẫn còn đến trường. Tôi cũng học cái môn mà Tân đề nghị. Có diều ông thầy dạy chỉ biết lý thuyết suông…”
“Như vậy Lisa có thâu gặt được gì không?”
“Cũng hơi hơi.”
Bây giờ bà Lisa nhìn Tân, đôi mắt bà van lơn:
“Tôi có một điều muốn nói với Tân. Tân có muốn nghe tôi nói không?”
“Vâng, Lisa cứ nói đi. Tôi đang nghe đây.”
“Tôi muốn nhờ Tân giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền.”
Tân đâm giận dữ.
“Lisa nghĩ sao mà nói như vậy. Dù sao tôi với Lisa là những người cùng nhóm…”
“Tôi xin lỗi Tân. Bởi tôi không có ai để giúp đỡ tôi trong lúc này.”
“Giúp đỡ? Tôi giúp đỡ Lisa thì ai giúp đỡ tôi?”
Lisa không biết trở ngại tôi đã gặp còn to lớn gấp trăm ngàn lần bà gặp hôm nay nữa.
Bà Lisa nhìn Tân với đôi mắt mờ lệ:
“Xin Tân đừng hiểu lầm tôi. Người Mỹ thường sống sòng phẳng.”
Tân hơi chùng lòng. Sự thật là vậy. Ðông phương và Tây phương vẫn không bao giờ gặp nhau. Người Tây phương họ sống bằng lý trí nhiều hơn tình cảm. Bởi vậy hôm nay, người nghị sĩ Mỹ một thời là tù binh, đã là người tiền phong cổ xúy cho việc bang giao. Với ông ta, bây giờ là vai trò của đất nước ông, lá cờ của xứ sở ông, sức mạnh về kinh tế của Mỹ trong tương lai. Ðến đây, đôi vai của bà Lisa bật run.
“Tân hẳn biết cái dự án tôi vẫn chưa làm xong. Chắc tôi sẽ bị đuổi. Tôi muốn giữ cái việc làm này, nhưng không một ai cho tôi một cơ hội. Tôi bị bỏ rơi. Dù sao tôi vẫn là đàn bà…”
Lời thổ lộ của bà là lời thổ lộ của kẻ bị thua cuộc. Từ chương kinh điển đôi khi không thể giúp đỡ gì thực tế. Bà Lisa đã thấy được sự thật. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Bà đang chới với bấu viú như một người đang cố tìm chiếc phao. Chiếc phao ấy là ông thầy dạy về ngôn ngữ điện toán Cobol ở một trường đại học cộng đồng. Nhưng ông thầy đã không thể giúp gì hơn. Và cuối cùng, chiếc phao là ông. Lúc này ông chỉ cần một cái nắm tay, một lời ngọt ngào, là ông có thể trở thành một gã đàn ông của bà ta. Nhưng ông đã chống cùng cơn cám dỗ. Lý trí cho ông biết về cái việc làm, mái nhà, chiếc xe, cho cả gia đình. Bởi vậy ông đã đứng dậy, giả vờ quên một cái gì đó, để tránh đôi mắt màu xanh mời mọc:
“Xin lỗi Lisa tôi cần phải trở về phòng. Có một vài thứ tôi cần tìm.”
( nguồn: Hành trình của một cổ trắng – truyện vừa của Trần Hoài Thư)