Tại sao tác giả “hai sắc hoa ti gôn” lại ẩn danh, dấu tên dấu tuổi ?
Theo ý kiến của tôi, dù TTKH là nữ (Trần thị Khánh) hay nam (nhà thơ Thâm Tâm) đi nữa, trước sau họ cũng phải dấu mặt.
1. Nếu quả thật là phái nữ, sự ẩn danh rất cần thiết,
Lộ hình lộ tích để mà nạp mạng cho chằng à ? Ngay cả vào năm 1956, nhà văn Mai Thảo còn phải kết án cái đám khổng trình này là “bọn bảo thủ phản tiến hóa” đã khiến cho cho tờ Sáng Tạo của ông bị chết thảm.
Lấy thí dụ bản thân tôi, với bài văn đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa lấy bút hiệu là tên thật: Trần Quí Sách, nhưng sau đó tôi phải đổi là Trần Hoài Thư. Việc đổi này không phải vì cái bút danh Trần Quí Sách này không “câu khách” như Trần Hoài Thư. Khó lắm mới có một bài văn được đ8angh trên Bách Khoa, có điên mới đổi !
Lý do là không muốn làm ông già buồn hay lo. Ông muốn con ông phải ra bác sĩ, kỹ sư, vợ đẹp con ngoan, tránh lính, đừng theo con đường thương mây khóc gió để rồi” ta hỏng tú tài/ta đợi ngày đi/ Đau lòng ta muốn khóc” như thơ Nguyễn Tất Nhiên… Ông mà thấy tên tôi trên báo thì chắc chắc tôi phải trốn nhà hay bị ông từ cũng không biết chừng !
Tác giả hai sắc hoa ti gôn cũng muốn nổi danh lắm chứ, muốn tên tuổi lắm chứ. Nhưng cái roi của cụ Khổng, ông đồ gia, của một xã hội thấm nhuần tư tưởng Không giáo” Trai thì trung hiếu làm đầu/Gái thì tiết hạnh làm câu giữ mình”, chắc chắn sẽ không bao giờ chịu buông tha tác giả đâu.
Nhớ rằng năm đó là năm 1937 !
2. Nếu là phái nam. chẳng hạn nhà thơ Thâm Tâm như nhà thơ Nguyễn Vĩ đã tiết lộ, thì sự ẩn danhche đậy tông tích lại càng cần thiết hơn.
Thật vậy, nếu mà ông dùng bút hiệu Thâm Tâm để ký thì cái giá trị của bài thơ sẽ giảm mất bội phần. Người ta sẽ cho cái nhân vật nữ trong thơ chỉ là hư cấu, chứ không thật.
Để chứng minh, mời bạn đọc bài thơ đăng trên báo Văn, được ký tên “Nguyễn thị Thùy Mỵ” sau đây:
Thơ cho Y Uyên
(Văn số 129 năm 1972)
trong ý tưởng lạ về chàng
trong tim tôi có
một giọt máu tình cờ
chảy hoài trên thánh giá
giọt máu hình như đen
ứa qua chiều say khướt
phải rồi có máu đen
phải rồi có máu đen
có chim sẻ hót lúc bình minh
có quạ đen đậu trên nóc nhà
có tình nhân hộc máu mồm
có quốc kỳ việt nam phủ trên quan tài
phải rồi có y uyên
phải rồi có y uyên
chiều ngừng thổi bong bóng
địa cầu quanh chúng ta
trong vú tôi căng sữa
có dấu tay chàng
có một trẻ thơ.
(nguồn: Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản 2009)
hay hai bài thơ mà chúng tôi sưu tập của Hoàng thị Bích Ni:
nẻo cao
Những chiều Trường Sơn gió cao, gió nhớ
Sao người không về theo gió chiều nay
Cho em tình ấm vui hồn nhỏ
Đợi chờ nhiều, em giận cả …mây bay
Những chiều buồn đường về lên dốc thẳng
Em ngỡ chừng đang về cửa trời cao
Mây nệm trắng êm đềm thân thể mỏi
Thông rừng xanh gọi gió nhớ lao xao…
Nhân gian nhỏ âm thầm vui kiếp sống:
Thung lũng chiều từng sợi khói lên sương
Hồn đau nhỏ em tủi đời hiu quạnh
Những ngày xanh anh biền biệt nẻo đường
Trường Sơn cao… Hồn quê hương lảo đảo
Cây vươn trời và cỏ ngã đường xuôi…….
Chiều bao la em đắm nhớ dáng người
Đường nẻo cao…buồn biết thuở nào nguôi !
Hoàng thị Bích Ni
Của đất
Thôi anh rượu đắng, dừng tay lại !
Sương khóc vờn quanh bờ ly trong
Lạnh xuống bao la trong đáy cốc
Để em rót đổ giọt sau cùng
Đời cũng chợt nghiêng từng giọt xuống
Nhìn theo ngỡ nước mắt trong lòng
Hào hoa khí phách bàn tay lạnh
Môi thẳm đèn xanh bỗng sượng sùng
Ơ hay tường khói ngang lưng gió
Tắt ngấm lâu rồi lửa sớm xuân
Đường đi chợt tối ngang đầu ngõ
Lạnh theo mi mắt xuống rưng rưng
Thôi anh rượu đắng thôi đừng rót
Sương khuya chùng lạnh xuống vai em
Như đời băng giá trong đáy cốc
Người đi làm rượu đổ nghiêng nghiêng.
Hoàng thị Bích Ni
(nguồn tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Nguyễn Kim Phượng)
Câu hỏi là tại sao nhà thơ Đặng Hòa lại dùng bút hiệu là Nguyễn thị Thùy Mỵ và nhà thơ/dịch giả Nguyễn Kim Phượng nguyên là hiệu trưởng một trường trung học ở Quảng Nam lại dùng bút hiệu là Hoàng thị Bích Ni ?
Câu trả lời là bài thơ được xây dựng từ nhân vật nữ, lấy nỗi lòng của người nữ mà trải trên thơ. Nỗi lòng ấy được nói bởi người cùng phái dĩ nhiên là được tin cậy hơn người khác phái !
Đó là lý do tại sao Thâm Tâm – nếu quả thật là tác giả – lại kín miệng.
Vây chúng ta hãy nên tôn trọng sự kín miệng này hơn là đóng vai trò “FBI”.