Mưu sinh thoát hiểm: Trần tình về việc thực hiện Flipbook Sáng Tạo, Vần Đề….

Khoảng 11 giờ tối, chuông điện thoại reng. Con tôi ở đầu giây xa, cho biết là y tá trực ở Viện Dưỡng Lão gọi cho biết là mẹ  sắp được mang đến bệnh viện. Tôi lo lắm, vội lái xe đến Viện dưỡng lão.

Sau mười phút lái xe, tôi đến Viện, nhưng nhân viên trực không cho vào vì sau 8 giờ tối, không cho phép người ngoài vào thăm.
Thì lúc ấy hai người đẩy băng ca ra cửa. Tuyết vẫn tiếp tục rơi. Người ta không mang áo ấm cho Y, chỉ phủ đắp cái mền dạ. Tuyết dính lấm tấm trên mền, ngay cả trên tóc Y. Sau đó, xe rồ máy, lao vào màn đêm. Tôi lên xe đuổi theo cứu thương.
Ngày chủ nhật đã vắng, mà gần nửa đêm thì như một thị trấn chết. Rất it xe. Tôi bám sát xe cứu thương. Lòng lo lắng lắm.

Tôi trở lại nhà. Trong bóng  tối, tôi ngồi thật yên lặng,

Tôi phải làm gì trong cái hiu quanh ghê gớm này.

Tôi đã bám đuổi theo xe cũng vì tinh yêu thương. Nhưng tôi đã bất lực khi giao phó đời Y. cho bệnh viện. Giờ đây hai vợ chồng hai nơi, một người trong phòng cấp cứu, và một kẻ thì ở trong căn nhà hiu quạnh, bạn bè là những hồn ma…

Không đâu. Tôi phải chiến đấu. Tôi phải mở ra mặt trận  để tự tìm cách  mưu sinh thoát hiểm.

Cái mặt trận này là làm sao  tìm cho được những di sản văn chương miền Nam. Tôi phải phủi bụi, tẩy những chỗ lấm lem, biến những con chữ từ lâu năm trong bóng tối để đưa ra ánh sáng.

Mà muốn có ánh sáng đâu phải dễ dàng. Phải học hỏi, phải tìm tòi. Flipbook là một chữ rất xa lạ đối với tôi, nay đã trở thành thân thiết. Phải cám ơn Irfanview, một software miễn phí. NHờ nó tôi mới làm nhanh, chỉ một cái click là hàng trăm file so le, không cân xứng, trờ thành đồng nhất. Không tin, bạn cứ mở bất cứ một flipbook nào trên Blog này, các trang đều bằng nhau, cùng đồng cở, không so le… Không ai dạy tôi điều này hết. Tôi phải tự tìm tòi và áp dụng.

Chỉ có công việc mới giúp tôi “mưu sinh thoát hiểm” như thời xưa, tôi từng trải qua khi cùng nhóm đột nhập mật khu hay bị lạc lõng trong rừng già. Thám kích mà. Đít con kiến vàng nút vào rất ngọt. Những giọt sương đọng trên poncho cả đêm cũng trở thành những linh thủy thần diệu. Lá giang, lá cải trời cũng đủ làm một bửa ăn ngon… Ôi. con sóc màu đỏ của Trường Sơn tôi tình phải làm nạn nhân của lũ người đói khát. Con chim quốc màu trắng bị mắc cả cái lưỡi câu trong họng, khi ta cố banh miệng nó ra, nghe tiếng kêu của nó mất còn “quốc” “quốc”… khiến tim ta muốn rụng, nước mắt ta muốn chảy…

Nhưng bây giờ, chính lúc này ta cần mưu sinh thoát hiểm hơn bao giờ. Ta cần nếu không ta gục, ta quị, ta lết, và sẽ chẳng bao giờ có toàn bộ Sáng Tạo, Vần Đề, nay mai là Tình Thương, Ý Thức…. để mang chúng ra ánh sáng…

Cái ánh sáng ấy cùng với ánh sáng tỏa ra từ đôi mắt Y. khi năm trên giường bệnh. Y. đã thoát hiểm. Nó là một thứ ánh sáng diệu kỳ để hai ngón tay gõ của tôi:

Tôi là  con chim gõ mõ già nua
Và ngón tay ngày xưa tôi dùng để bóp  lãy cò
Nay  làm phép để  biến thành những bit 1 và 0 yêu dấu
Gõ, tôi dang gõ trên keyboard hay vào tim mình rướm máu
Để những  linh hồn chữ chết được hồi sinh

Mừng quá đi thôi, con chữ đã lung linh
Và hai ngón gõ của tôi chừng như mầu nhiệm

%d