THT thật, THT giả

Bài post hôm qua tuyên dương văn chương nói chung và gã THT nói riệng đã giúp tìm vợ cho tên lính thám kich là trần Quí Sách – xấu trai, gầy nhom như que củi, mang cặp kính cận dày, buộc bằng sợi giây thun lưng quần đàn bà, con gái đàn bà chê trừ đám chị em ta.
Cám ơn nàng kiều má phần môi son
Yêu ta vội vàng trước khi tiếp Mỹ…

trungdoitruong

Đó là THT thiệt. THiệt một trắm phần trăm. Bạn ạ.
Nhưng mà cũng có THT giả.

“THT giả”
Mới đây, ông bạn văn Phạm văn Nhàn có nhã ý làm một số chủ đề “Trần Hoài Thư vẫn còn mãi đam mê”. Ổng kềm kẹp, khóa chân khóa tay tôi. Tuy nhiên, nhờ vậy, tôi mới có dịp được đọc những kỷ niệm của bạn bè qua những hồi ức của họ. Tôi càng hiểu về sự mầu nhiệm của văn chương. Nhờ văn chương mà tôi có một chỗ trong lòng bạn bè và độc giả.
Trong số các bài gửi đến tòa soạn để đóng góp cho chủ đề, có bài của nhà thơ Võ Chân Cữu rất thú vị. Chỉ tiếc là bài ấy đã đi trên blog TTNM, nên ông bạn Phạm văn Nhàn quyết định không đăng vì nó đã đi trên mạng rồi.
Giờ đây, tôi thoát được kềm kẹp của ông bạn PVN để bày tỏ lòng cám ơn đến bạn thơ Võ Chân Cữu. Bạn VCC dù ở mãi tận VN mịt mù vẫn còn có lòng nhớ đến kẻ này, để viết câu chuyện “thú vị hi hữu” có một không hai, khiến kẻ này, có cảm giác người như bay lơ lửng, cứ tưởng mình là nhân vật “VIP” số 1 qua mặt tất cả !!!

Dưới đây là bài viết của VCC:

“THT giả” (bài của nhà tho8 Võ Chân Cữu)

…Qua nhiều chuyện truyền tụng, tính cách Trần Hoài Thư (cả con người cũng như trong tác phẩm) đã góp phần cứu nạn không ít người. Cùng trong nhóm Nhân Sinh với Nguyễn Âu Hồng ở Nha Trang, nhà thơ Trần Vạn Giã nhớ mãi một chuyện thú vị hy hữu. Khoảng năm 1972, Giã đang đào ngũ, trong người không có một mảnh giấy lộn. Một bữa, sau chia tay nhóm bạn văn nghệ ở nhà họa sĩ Thanh Hồ gần ga Nha Trang, anh ra leo lên xe lửa, đi tàu chợ định về quê ẩn núp cho an thân. Tới Ninh Hòa, anh xuống tàu để đi tắt theo đường bộ. Bất ngờ một xe Tuần Cảnh hỗn hợp lại chận đầu, soát giấy rồi hốt anh lên. Xe chạy ngược về phía nam. Số thanh niên bị tình nghi được đưa vào một đồn cảnh sát dã chiến tại khu vực Suối Dầu, địa bàn nằm giữa Nha Trang và căn cứ Cam Ranh.
Khi được gọi lên thẩm vấn, Trần Vạn Giã nhanh mắt nhận ra trên bàn viên đại úy đồn trưởng có mấy tờ tạp chí Văn, Khởi Hành… (Những năm này chính quyền thường điều sĩ quan quân đội về kiêm nhiệm chỉ huy các đơn vị cảnh sát vùng xa). Anh lấy giọng bình tĩnh chào viên chỉ huy:
– Đại úy mê văn nghệ dữ hè!
Viên đồn trưởng nghe vậy liền bất ngờ bỏ bút, ngẩng đầu lên nhìn một hồi rồi hỏi:
– Anh là ai, giấy tờ tùy thân đâu? Làm gì ra đó, định theo Việt Cộng hả?
Giã cười tươi, nói như thiệt:
– Thưa đại úy, tôi định ra nhìn kỹ khu bị pháo kích lấy khung cảnh để diễn tả cho đúng trong một truyện đang viết. Tôi là Trần Hoài Thư!
Nghe tên qua, viên đại úy liền cười tươi, rồi để tờ khảo cung qua một bên (Năm này nhà văn Trần Hoài Thư không còn ở sư đoàn 22, đã vào miền Tây Nam bộ, qua một đơn vị mới). Mấy giờ sau, nhà văn “Trần Hoài Thư giả” được cho lên xe đưa về Nha Trang để được phúc tra xác minh (nếu đào ngũ sẽ được hưởng ân huệ phục hồi quân hàm). Anh đươc xếp ngồi ở ca-bin gần tài xế. Khá bất ngờ là khi đến đầu thành phố Nha Trang, tại một đoạn khá vắng, anh lái xe đã bấm tay anh Giã, nói nhỏ: Đại úy nói khi tôi giả bộ ra phía sau sửa xe, anh nhảy xuống. Chạy đi đâu thì đi. Mà cho khéo đó!
Dưới đây là bài của Trần Vạn Giã dưới hình thức lá thư:

“THT giả”(thư của nhà thơ Trần Vạn Giã)

Năm 1972 tôi trốn ở Nha Trang nhưng ở nhà Thanh Hồ khó an toàn vì có cả NSM,TV cũng nhập khẩu ở đây nên tôi nhờ người bạn cũ từng ở Đại học xá Minh Mạng đang dạy học trong Cam Ranh chuyển tải tôi về tạm cư ở Bải Giếng ,Cam Đức thị xã Cam ranh. Đây là một xứ đạo và tôi bị Cảnh Sát bắt giải giao đến Chi cuộc Cảnh sát Cam Đức.Viên Trung Uý Cảnh sát dã chiến (thời điểm này tình hình an ninh căng thẳng nên đưa CSDC và Quân đội qua nắm các Chi cuộc CS và các Chi khu) tôi không nhớ tên viên Trung úy CSDC Chi cuộc trưởng này..
Tôi được viên CSDC này hỏi cung.Tôi nhìn trên bàn viên CSDC có tập thơ của Lưu Vân và tờ Văn. Tôi chớp lấy thời cơ và nói :
-Thưa Trung uý, Lưu Vân là bạn tôi.
Viên trung úy CSDC hỏi:
-Mày biết Lưu Vân làm gì ?
Tôi trả lời:
-Dạ đang làm văn phòng ở Quân Lao Nha Trang
Viên trung uý CSDC nhìn thẳng vào mắt tôi và gằn giọng hỏi: Mày làm gì quen nhà thơ Lưu Vân ?
Tôi chẳng gì sợ sệt và hồn nhiên như cây cỏ nhìn trả đủa vào đôi mắt đối phương trả lời:
– Tôi là Trần Hoài Thư nhà văn .
Tay trung uý CSDC đứng dậy bắt tay thân thiện và nói tôi đọc anh trên BK,Văn bây giờ hân hạnh được diện kiến sau đó sai lính mở còng số 8 và TVG được mời thuốc “con lạc đà”, khói thuốc bay bay níu cơn thèm …
Sau đó làm thủ tục giải giao. Trung úy CSDC bày tôi khai: trốn quân dich và lên Lam Sơn anh có trốn về thì gặp tôi, tôi sẽ giúp anh. TVG giải giao bằng xe honda, người cảnh sát lái xe chạy rất chậm chắc có ý cho tôi nhảy trốn nhưng chưa đúng thời điểm tôi phải làm.
Dòng đời xuôi ngươc trên số phận, tôi không trở về nơi viên trung uy CSDC nhân hậu, yêu văn chương và cũng không bao giờ gặp lại sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tôi vẫn nhớ và cầu nguyện cho anh ấy…
Anh THT ơi
May mà biết tôi “THT giả” thì tôi bầm người. Hay không bằng hên.
Kể lại đầu đuôi để anh nghe cho vui, tôi suốt đời khó quên câu chuyện này.

So sánh hai bài viết về “THT giả”, tôi thấy bài của Võ Chân Cữu thêu dệt nhiều tình tiết kiểu tiểu thuyết. Tuy nhiên cả hai đều có cùng một mẫu số chung: Đó là tình thân giữa những người làm văn nghệ miền Nam – đặc biệt ngoài vòng đai SG -, và tình độc giả.
Bởi vậy, khi đọc bài viết của Từ Hoài Tấn, Nguyễn Miên Thảo lên tiếng về một bài viết của Mường Mán, tôi cảm thấy buồn, thật buồn.
Bạn bè cầm bút miền Nam còn sót lại bao nhiêu người. Thời trẻ thì thương mến nhau, coi như anh em. Nhưng tuổi sắp xuống lỗ rồi thì hục hặt với nhau, sao mà không buồn được!

▀▀▀▀

%d bloggers like this: