Ý Thức: Tạp chí mang chuông từ tỉnh về đánh Saigon.

 

Ý Thức : giai  đoạn đầu tiên

 

 

Thế hệ chiến tranh là thế hệ của những người sinh ra, lớn lên trong khói lửa binh đao. Một thế hệ được tâng bốc lên tận mây xanh: Nào là “thanh niên là rường cột của nước nhà”… nào là “ nơi nào khó, có thanh niên…” nhưng ngược lại họ không có thẩm quyền  được nói trừ thẩm quyền được “hy sinh vì tổ quốc” hay được trở thành ” anh hùng”, “liệt sĩ.”.

Chính vì muốn gióng lên tiếng nói ấy mà  nhiều  tạp chí cũa những người trẻ ra đời. Kiểm điểm lại, trên giòng sinh hoạt văn học VN, có lẽ không có thời nào mà lưu lượng văn chương lại tràn trề phù sa chữ nghĩa như thời miền Nam trong giai đọan cuối những năm 60 và đầu những năm 70.Những tạp chí, những đặc san, những tác phẩm, chẳng những có mặt ở Saigon mà còn hiện diện ở khắp nơi, khắp chốn, từ một thành phố đông dân như Nhatrang, đến một thị trấn ít người như An Nhơn Bình Định. Những Khai Phá (Châu Đốc,1970-1971), Biểu Tượng (Vĩnh Long, 1968), Tập Thể (Vĩnh Long, 1973), Hoài Vọng ( Phan Rang, 1968-1969), Sóng (Tuy Hòa,  1965), Dựng Đất (Nha Trang) , Vỡ Đất (An Nhơn – Bình Định), Nhìn Mặt (Bình Định), Việt (Huế) , Ngưỡng Cửa (Quảng Nam), Trước Mặt (Quảng Ngãi), Nguồn (Cần Thơ), Vượt Thoát (Cần Thơ)v.v….. đã nói lên một nét đặc biệt trong nền văn học miền Nam thời chiến..

Tiếng nói ấy cất lên từ  những tỉnh lẽ ấy, chắc Saigon không hề nghe. Bởi nó chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ. Nó không thể bay xa như ở Saigon, nhờ hệ thống phát hành hay có thể nhờ  qua quảng cáo…
Vây mà những người trẻ  ấy vẫn ra báo. Ra báo để có dịp viết. Không cần biết bài viết của mình có đến với người mình muốn gởi hay không. Như lá thư của Nguyễn Bắc Sơn trên tạp chí Sóng ở Tuy Hòa gởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, như sau:

” Khi anh chưa biết ” Sống để làm gì”, anh không thể khuyên bảo người khác nên sống như thế này hay nên sống như thế kia, nên tranh đấu cho lý tưởng này hay tranh đấu cho lý tưởng kia.

Các bậc đàn anh tôi kể tên (Kim Định, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn) giống như những kẻ chỉ đường sốt sắng trong câu chuyện sau đây:

Có một người khách lạ đi ngang qua một thị trấn. Trong thị trấn ấy có ba người sốt sắng. Ba anh chàng này chặn ông khách lại. Anh chàng thứ nhất bảo ông khách : “anh nên đi đường này”, trong khi anh chàng thứ hai bảo: ” không, đi đường kia mới đúng:. Nhưng anh chàng thứ ba lại bảo con đường anh ta chỉ cho ông khách mới thật là “con đường đúng nhất”. Ba người thi nhau vẽ bản đồ tỉ mỉ trình bày con đường mình đề nghị cho đến khi ông khách chậm rãi hỏi: ” Các anh có biết tôi định đi đến đâu không mà các anh sốt sắng chỉ đường thế ?”
(Thư Nguyễn Bắc Sơn gởi Nhất Hạnh, tạp chí Sóng, năm 1972, trang 38-39)

Và chắc chắn cũng có rất nhiều người khác nữa như Nguyễn Bắc Sơn. Họ cần gióng lên tiếng nói. Họ không thể nhờ Saigon để giúp tiếng nói ấy được cất lên. Và vì không thể nhờ nên họ ra báo. Vậy thôi.

:

bia Y thuc -3

 

 

Ý Thức là một trong số lượng  đông đảo  tạp chí ấy.

Người đầu tàu Ý Thức – nhà văn Nguyên Minh – kể lại việc in ấn  những số Ý Thức  đầu tiên ở Phan Rang nhu sau:

… Khi báo còn mang tên Gió Mai, số Xuân 67, bài vở của anh em Ngy Hữu đánh máy chữ trên tờ stencil bằng máy đánh chữ xách tay của nhà trường mà Ngy Hữu làm hiệu trưởng, và tôi nghĩ ra cách in rô-nê-ô không cần máy quay, chỉ cần một quai guốc nylon kẹp giữa hai miếng gỗ, đổ mực đen lên thẳng tờ stencil, phía dưới là tờ giấy trắng, rồi kéo mực xuống, thế là có một trang in. Bằng cách thủ công đó chúng tôi đã in xong một tập san văn nghệ dày cả 100 trang, số lượng 100 cuốn. Chữ nghĩa rõ ràng không lem nhem như một số báo thời đó in rônêô, phổ biến hạn che, thỉnh thoảng xuất hiện trong vài nhà sách.

 Rõ ràng là lối đánh giặc  theo kiểu nhà nghèo. Mấy mươi năm sau, tôi cũng bắt chước Nguyên Minh để thực hiện tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Người ta nhìn vào những dụng cụ hay những phương pháp chúng tôi thực hiện, chắc họ sẽ phải phán: Nhà in thổ tả ! Vâng, thổ tả thật, bởi vì chúng chẳng phải là những máy móc hiện đại,  nhưng chính chúng đã góp phần vào một sự thành tựu là Ý Thức cũng như Thư Quán Bản Thảo càng ngày càng lớn mạnh càng bền vững.

Sự thành công nhất của Ý Thức là việc xuất bản tập truyện “Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang” của Trần Hoài Thư  qua hình thức Roeno. Vì là sự thành công quá lớn, sách bán sạch, nên anh em Ý Thức quá vui. Và cũng vì quá vui , nên họ rũ nhau hội tụ tại Phan Rang. Đây là một cuộc hội tụ đáng ghi nhớ trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam. Bởi nó dẫn đến việc làm tờ Ý Thức ở Saigon, không còn ở tỉnh lẻ nữa. Nó chính là một sự nhập cuộc tích cực của tuổi trẻ.Giống như cuộc họp  của khoảng 50 sinh viên Y Khoa tại Giảng đường đại học Y Khoa Sài Gòn vào cuối năm 1963 để quyết định thực hiện nguyệt san Tình Thương (Muốn biết rõ hơn mời đọc chương về nguyệt san Tình Thương).
Cuộc họp mặt của anh em Ý Thức  được nhà thơ Võ Tấn Khanh ghi lại như sau:
“… Đến số 6, Ý Thức in khổ nhỏ, xếp thành từng cahier và đóng chỉ, thành công. Nguyên Minh lại làm một bước đột phá mới: xuất bản tập truyện ngắn “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” của Trần Hoài Thư, bằng kỹ thuật Ronéo, cũng nhờ anh em thân hữu phát hành và bán chạy. Ước mơ ôm ấp một đời lúc này đã có được những đợt quả đầu mùa vừa ý. Một cuộc họp mặt rộng rãi tại nhà Nguyên Minh. Lúc này có thêm Lê Ký Thương, lo phần trình bày và Nguyễn Mậu Hưng mới đổi về bệnh viện Phan Rang công tác. Châu Văn Thuận và Lữ Quỳnh từ Qui Nhơn vào, có cả Nguyễn Mộng Giác; Lữ Kiều và Trần Hữu Lục từ Đà Lạt xuống… Lần gặp mặt tương đối đông đủ nhất kể từ khi có tờ báo. Hưng phấn, anh em bàn chuyện xa hơn: Ra Ý Thức in Typo hợp pháp, phát hành rộng rãi và đặt cơ sở ngay tại Sài Gòn. ..”

Đấy, sự  ra đời của Ý Thức đầu tiên  là như thế. Từ những ngọn lửa cháy sáng trong lòng của những chàng trẻ tuổi đam mê văn chương – không phải xem văn chương là chất nổ hay ngòi bút là một sư đoàn, mà sợi dây mầu nhiệm có thể buộc kết những con người lại, hóa giải những nghi kỵ, hận thù, những tranh chấp về ý thức hệ, như những giòng chữ xuất hiện trên bìa Ý Thức số 1 phát hành vào năm 1970  tại Sài Gòn:
bia Y thuc -5

“Phải dành cho văn học nghệ thuật một chỗ đứng, một vị trí vượt lên trên những tranh chấp chính trị giai đoạn. Chỗ đứng ở ngay trong tập thể quần chúng, hòa mình với tình tự chung để vận động trở thành sức mạnh văn hóa nuôi dưỡng truyền thống Việt Nam trước đe dọa từ mọi phía.”

 

 

Ý Thức mang chuông đi đánh Saigon

Nhà văn Lê Ký Thương  – kể lại những ngày đầu của Ý Thức ở Sài Gòn như sau :

bia Y thuc -1

“…Hè năm 1970. Nguyên Minh đã từ giã nghề “gõ đầu trẻ”, quyết tâm vào Sài Gòn để làm báo. Anh lo thủ tục xin giấy phép chính thức ra tờ bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức. Anh nhờ dược sĩ Nguyễn Thị Yến, bạn anh, quê ở Phan Rang, đứng tên chủ nhiệm, chị Nguyễn Thị Dung (vợ Hồ Thanh Ngạn) quản lý, anh là Tổng Thư Ký Tòa soạn. Những thành viên nòng cốt trong nhóm đồng ý góp mỗi người 5.000 đồng (theo thời giá 1970) để làm vốn ban đầu cho tờ báo. Giấy phép có. Vào thời điểm này, tôi có mặt ở Sài Gòn để cùng anh lo in áp-phích quảng cáo và tìm nhà in in báo. Qua bạn bè giới thiệu, tờ áp phích được in ở một nhà in nằm trên đường Nguyễn Thông mà chủ nhân là một nhà thơ. Còn báo, sau khi tìm hiểu nhiều nhà in, cuối cùng anh em quyết định in ở nhà in Đăng Quang trên đường Phan Thanh Giản, gần ngã bảy. Nhà in này chuyên in sách của nhà xuất bản An Tiêm, có tiếng in đẹp lúc bấy giờ. Tôi phụ Nguyên Minh trình bày bìa, làm ma-két tờ bán nguyệt san Ý Thức số 1 rồi phải về lại Phan Rang. Những số đầu chỉ một mình Nguyên Minh lo toan mọi việc, sau này có thêm anh Thái Ngọc San giúp một thời gian ngắn…”

Nhà văn Lê Ký Thương  cũng cho biết thêm về lý do  tại sao Ý Thức có nhà in riêng:

“Lúc bấy giờ, nhà in Thanh Bình đã hình thành, chỉ cách nhà in Đăng Quang khoảng 100 mét, chủ nhân chẳng ai khác là chị đầu của Nguyên Minh – chị Mai. Chị Mận, chị kế của Minh cũng đưa gia đình từ Phan Rang chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm thư ký kiêm kế toán nhà in. Nguyên Minh được chị Mai giao công việc quản lý. Ý Thức may mắn được “in nhà in nhà”, từ in ty-pô chuyển sang in offset.”

(Lê Ký Thương: Tưởng trong “giây phút” mà thành “thiên thu”, Thư Quán Bản Thảo số 33)

Những khó khăn đầu tiên

 

Với một kẻ không có kinh nghiệm gì về việc in ấn, nay bị đẩy đưa đến một nhà in hiện đại với những dàn máy in tối tân, thì quả là khó khăn ghê gớm lắm. Vậy mà đèo thêm việc làm báo : nào là đọc bài, tuyển bài, làm thầy cò, rồi phát hành báo… Rồi phải chạm trán với những kẻ có tâm dịa xấu, lòng rắn rít  trong giới làm văn học nghệ thuật ở Sài Gòn, luôn luôn tìm cách hạ bảng hiệu Ý Thức xuống. Làm sao mà gánh  cho hết ?
Ngay cả nhà thơ Viên Linh cũng phải gặp trở ngại khi ông bắt đầu thực hiện tờ Thời Tập của ông:

Một tháng trước khi Thời Tập ra mặt, tôi đi thu bài những người có liên lạc trước. Ba trong năm người đó ngạc nhiên hỏi lại tôi: Báo anh ra thế nào được mà lấy bài. Một nhà văn tên tuổi lớn đã cả quyết tuyên bố như thế trước nhiều đồng nghiệp. Sau này tôi hỏi lại nhiều người và được xác nhận  anh X có nói như thế.

… Một người khác cũng là đồng nghiệp của tôi đã tới tận nhà tổng phát hành tuyên bố rằng nếu Thời Tập sống được, anh sẽ giải nghệ”…

  (Xin vui lòng đọc chương viết về tạp chí Thời Tập)
Ngay cả một người làm báo văn học nghệ thuật   lão luyện và thành công  như  nhà thơ Viên Linh cũng phải cay đắng để nói về sự thật phủ phàng này  khi ông làm tờ Thời Tập, huống hồ là một là gã nguyên gốc thầy giáo trường tỉnh  mới về Saigon chân ướt chân ráo ! Nhưng gã đã dám làm.  May mắn bên cạnh gã vẫn có một số bạn chân tình. Họ đến với Ý Thức bằng tất cả sự say đắm nhất. Từ việc làm thầy cò, đến việc chở báo đi phát hành. Những tạp chí cùng thời như Văn, Văn Học hay Khởi Hành v..v… làm gì có cái cảnh những người ở xa. về phép thay vì tận hưởng những ngày ở Saigon, lại có mặt ở tòa soạn để tiếp trợ Nguyên Minh trong việc sửa morrase… Vui lắm các bạn ạ. Thỉnh thoảng lại bắt gặp chi Mai, chị Mận từ trên lầu xuống, thấy  gương mặt hai chị ánh lên niềm vui sáng loáng… mới hiểu lý do tại sao chị Mai – chủ nhà in này lại để cho Nguyên Minh lấy cả phần trước tầng dưới của căn lầu 666 phan Thanh Giản làm tòa soạn và không phiền hà gì với một số đông bạn bè coi Ý Thức là mái nhà để tìm đến.

 

Ý Thức và sự quay mặt của một số “đàn anh”.

 

 bia Y thuc -2

Nhà thơ Viên Linh nói rõ về cái chướng ngại này :

Chính những người nhiều tuổi nghề nhất lại là những người bi quan chủ bại nhất. Và chính đó là những người – trên một khía cạnh nào đó – đã góp sự có mặt của họ trong số những kẻ đã vô tình cản đường anh em cầm bút trẻ tuổi”.

 Tôi không rõ nhà thơ Viên Linh nhắc đến ai  và Ý Thức có gặp trường hợp này hay không, nhưng qua 24 số Ý Thức, tôi chưa hề thấy một tên tuổi đàn anh nào có mặt. Không Võ Phiến. Không Mai Thảo. Không Viên Linh. Không Dương Nghiễm Mậu. Không Vũ Khắc Khoan. Không Bình Nguyên Lộc. Không Mặc Đổ. Chỉ có Bùi Giáng lẽ loi.

Riêng nhà văn Võ Phiến thì xem Ý Thức là tạp chí “làm dáng”.

Trong Văn Học Tổng Quan, nhà văn Võ Phiến đã liệt Ý Thức là tạp chí “làm dáng” như tờ Vấn Đề :
“Làm cách mạng bằng lý luận, bằng kịch, bằng tiểu thuyết mãi không xong; nản lòng, xoay ra làm dáng. Sau Vấn Đề, rồi tờ Ý Thức (số 1, năm 1970) cũng từa tựa như vậy.” (Võ Phiến – Văn học tổng quan)
Ghi ra đây không phải tôi muốn ám chỉ  những người đàn anh của tôi mà luôn luôn tôi kính trọng, nhưng để nói về nỗi khó khăn vô bờ của tờ Ý Thức: Từ việc in ấn, phát hành, đến sự quay mặt của lớp đàn anh. Vậy mà Ý Thức vẫn tiếp tục  ra đời mỗi nửa tháng, số người đến với Ý Thức càng đông. Nhà tổng phát hành Đồng Nai dành quyền phát hành 5000 cuốn cho mỗi kỳ Ý Thức phát hành. Rồi  Ý Thức lập nhà xuất bản tiếng Việt, rồi cùng với ông Trần Quang Huề  lập nhà phát hành riêng Hàm Thụ…

Làm sao tìm được trong thế giới sinh hoạt văn học nghệ thuật có cảnh như thế này:

Cũng không bao giờ tôi quên được những chuyên phát hành trực tiếp bằng Honda ra Nha Trang, lên Đà Lạt. Tôi chở Minh, Hữu chở báo, khua môi múa lưỡi ở các quán café văn nghệ, các sạp báo, nhà sách… và có thêm những người bạn văn chí nghĩa chí tình. Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Sài Gòn đã có anh em trong nhóm lo phân phối, và, điều lạ nhất đời là nhận báo, chưa bán, phải lo chạy tiền gửi về trước để “tụi nó” “ở nhà” tiếp tục ra các số sau.”

hay

(…)Tôi không quên cái dáng người thấp nhỏ, rất nghệ sĩ của nhà thơ Hạc Thành Hoa, từ Sa Đéc về mang báo đi phát hành; anh lính người Nam bộ chơn chất Lê Hồng Thuyên với kiện báo trên vai, lửng thửng dọc đường Phan Thanh Giản chờ xe đò về Long An… và còn bao nhiêu người khác nữa. Cái tình chúng tôi đãi anh em, được đáp lại bằng những tấm lòng.

(Võ Tấn Khanh – Những khuôn mặt tình. TQBT số 33)

Vậy mà tạp chí lại chết,  chết giữa lúc Ý Thức như một trái sáng làm lóa cả bầu trời văn học nghệ thuật miền Nam trong thời chiến:

“Như chiếc ghế bốn chân, vững vàng không ngã. Dây chuyền đã khép kín. Trong tay đã có nhà in, nhà xuất bản, tạp chí Y Thức và nhà phát hành, chúng tôi mới yên tâm, chuẩn bị cho ra tờ tạp chí Ý Thức bộ mới, và in các tác phẩm của anh em trong và ngoài nhóm.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Mọi việc đều tan tành theo mây khói…  “

(Nguyên Minh. Ý Thức : Đời sống của tôi, TQBT số 33)

Ý Thức chết. Vì sao ?

 

bia Y thuc -4

Cái chết của Ý Thức đã làm kinh ngạc trong hàng ngũ anh em cầm bút trẻ bấy giờ. Không ai có thể tin điều này xãy ra, khi Ý Thức đã vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại ban đầu để có bước những bước vững vàng trên con đường văn học nghệ thuật.
Theo nhà thơ Võ Tấn Khanh:
…”Tình hình chung lúc này sôi động mà đỉnh cao là mùa hè Đỏ lửa. Nguyên Minh, vì tình chị em với chị Mai, phải gánh thêm việc trông coi nhà in. Anh em do tình thế, ít về Saigon, Ý Thức bắt đầu có những số không đúng định kỳ. Để khỏi ân hận với chính mình và nhất là khỏi phụ lòng anh em, Nguyên Minh quyết định tạm đình bản.”

 

Theo Lữ Quỳnh:

Vi những thành viên trụ cột không thể hội tụ một nơi để tập trung  chăm sóc tờ tạp chí, nên Bán nguyệt san Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng, không còn là tờ báo vốn có tiếng dấn thân tích cực, chống lại thứ văn nghệ salon, viễn mơ tràn ngập lúc bấy giờ. Thư ký tòa soạn và trị sự không thể kham nổi bài vở và điều hành nhân sự. Bán nguyệt san Ý Thức số 24 phát hành xong thì đình bản. ( sau hơn hai năm góp mặt với các tạp chí văn học ở Thủ đô ).

(Lữ Quỳnh: Những kỷ niệm về một thời Ý Thức. TQBT số 33)
Còn nhà văn Nguyên Minh  thì không nói tại ao. Chỉ là một giòng nhưng quá sức chua chát và xót xa:

Nhưng người tính không bằng trời tính. Mọi việc đều tan tành theo mây khói…

Không xót xa  chua chát đâu, bạn ta.  Đối với tôi, 24 số báo ý Thức cũng đủ  để nói lên một hiện tượng độc nhất vô nhị trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam rồi.  Nó chứng tỏ rằng,  dù là tiếng chuông ở tình lẻ đi nữa, nhưng nó có thể làm rúng động cả Saigon

Nó không phải vì lịch sử  văn học miền Nam buôc nó  nhưng nó  buôc vào lịch sử. Có phải không bạn ta ?

%d